Rong Kinh Ở Tuổi Dậy Thì: Cách Chữa & Thông Tin Cần Biết
Nội dung bài viết
Rong kinh ở tuổi dậy thì là một dạng rối loạn kinh nguyệt ở các bé gái đang trong độ tuổi mới lớn. Đây là phản ứng sinh lý bình thường nhưng cần được can thiệp kịp thời và đúng cách, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như sự phát triển chung của cơ thể ở giai đoạn và về sau. Dưới đây là những thông tin cần biết về tình trạng rong kinh ở tuổi dậy thì và cách chữa hiệu quả bạn có thể tham khảo.
Rong kinh ở tuổi dậy thì là gì? Có nguy hiểm không?
Kinh nguyệt là vấn đề được rất nhiều chị em quan tâm, đây được xem là tấm gương phản ánh sức khỏe và khả năng sinh sản ở chị em. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 28 – 32 ngày, thời gian hành kinh sẽ xuất hiện từ ngày thứ nhất và kéo dài đến ngày thứ ba hoặc thứ năm của chu kỳ. Nếu có một chu kỳ kinh nguyệt ổn định và đều đặn nghĩa là sức khỏe của bạn rất bình thường, còn nếu bạn đang gặp các vấn đề về sức khỏe ở cơ quan sinh dục thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ gặp một số bất thường.
Khi bé gái bước vào độ tuổi dậy từ 13 – 18 sẽ bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên và lặp lại liên tục những tháng sau đó, đây là dấu hiệu đánh dấu khả năng sinh sản của cơ thể. Tuy nhiên, do lúc này cơ quan sinh sản chưa phát triển toàn diện nên chu kỳ kinh nguyệt của trẻ sẽ không đều và gặp một số rối loạn như kéo dài hoặc ngắn hơn hơn 28 ngày, rong kinh,…
Rong kinh được hiểu là thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày và lặp lại ở nhiều chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Thông thường, khi bị rong kinh cơ thể sẽ mất đi lượng máu nhiều hơn rất nhiều lần so với bình thường là 80ml máu. Nhiều người cho rằng rong kinh là rong huyết nhưng thực sự đây là hai bệnh lý khác nhau. Rong huyết có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, còn nếu bạn bị rong kinh trên 15 ngày thì được gọi là rong kinh rong huyết.
Rong kinh là tình trạng có thể gặp ở chị em thuộc bất kỳ độ tuổi nào khi đã bước vào giai đoạn sinh sản. Trong đó, tuổi dậy thì là đối tượng thường gặp nhất do đây là ở độ tuổi có cơ quan sinh sản chưa phát triển hoàn thiện, dễ gây ra một số rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt, phổ biến nhất là rong kinh.
Nguyên nhân gây rong kinh ở tuổi dậy thì
Thông thường, hiện tượng chảy máu kinh nguyệt chỉ kéo dài từ 3 – 7 ngày trong một kỳ kinh nguyệt và lượng máu ra nhiều chỉ tập trung vào những ngày đầu tiên. Nếu trẻ bị chảy máu kéo dài hơn 7 ngày thì gọi là rong kinh, tình trạng này đôi khi có thể kéo dài đến cả tháng. Rong kinh ở nữ giới trong độ tuổi dậy thì thường xảy ra do 3 nguyên nhân chính dưới đây:
- Tác động của tâm lý: Rong kinh thường xảy ra ở những trẻ có tâm lý không ổn định, thường xuyên bị căng thẳng stress do ảnh hưởng từ học tập và chế độ sinh hoạt không hợp lý. Bên cạnh đó, việc trẻ duy trì một chế độ ăn uống thiếu khoa học cũng sẽ tác động tiêu cực đến cơ quan sinh sản và dẫn đến tình trạng rong kinh. Nếu trẻ khắc phục được những yếu tố trên thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở về với trạng thái bình thường.
- Rối loạn nội tiết tố: Dậy thì là độ tuổi mà cơ thể bé gái có nhiều sự thay đổi nhất, nó đánh dấu khả năng sinh sản của cơ thể. Chính vì thế, lúc này các cơ quan sinh sản sẽ hoạt động một cách mạnh mẽ và tiết ra nhiều hormone hơn, điều này sẽ khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến rối loạn nội tiết tố, hình thành lớp niêm mạc tử cung dày và kéo dài thời gian hành kinh.
- Gặp vấn đề ở tuyến yên: Tuyến yên là cơ quan có liên quan mật thiết đối với cơ quan sinh sản, đặc biệt là buồng trứng. Nếu cơ quan này bị ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực từ bệnh ngoài hoặc bệnh lý cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng máu kinh và thời gian hành kinh.
Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên thì tình trạng rong kinh cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của một số yếu tố dưới đây:
- Mất cân bằng hormone: Sự mất cân bằng của hormone estrogen và progesterone trong cơ thể cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh ở tuổi dậy thì thường gặp nhất. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ mắc hội chứng buồng trứng đa năng, chức năng buồng trứng bị rối loạn, thừa cân béo phì, mắc bệnh về tuyến giáp,…
- Rối loạn chảy máu: Rối loạn chảy máu sẽ khiến lượng máu kinh trong thời kỳ hành kinh chảy ra nhiều hơn so với bình thường. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn chảy máu ở tuổi dậy thì là rối loạn tiểu cầu hoặc mắc bệnh Von Willebrand.
- Nhiễm trùng: Nếu bé gái bị nhiễm trùng ở đường sinh dục do mắc các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục hoặc nhiễm trùng tại các bộ phận xung quanh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh và chảy máu âm đạo kéo dài.
- Nội tiết tố: Rong kinh ở tuổi dậy thì cũng có thể xảy ra do gặp một số vấn đề về nội tiết tố do bệnh lý gây ra như xuất hiện khối u polyp lành tính trên lớp niêm mạc tử cung, mắc bệnh u xơ tử cung và ung thư tử cung.
- Tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc Tây y để điều trị bệnh cũng có gây ra tác dụng phụ là rối loạn kinh nguyệt và dẫn đến hiện tượng rong kinh kéo dài. Các loại thuốc thường gặp là thuốc chống viêm, thuốc chống đông máu, thuốc nội tiết tố,…
- Biến chứng thai kỳ: Rong kinh ở tuổi dậy thì cũng có thể xảy ra ở những bé gái đang mang thai. Nếu thấy bé có dấu hiệu ra kinh muộn và lượng máu nhiều thì rất có thể là bị sảy thai.
Dấu hiệu nhận biết rong kinh ở tuổi dậy thì
Rong kinh ở tuổi dậy thì là một hiện tượng sinh lý rất bình thường, tình trạng này sẽ tự thuyên giảm theo thời gian khi cơ quan sinh sản đã phát triển hoàn chỉnh. Khi bé gái đang trong độ tuổi dậy thì bị rong kinh sẽ có các triệu chứng sau đây:
- Máu chảy ra ở âm đạo với lượng lớn khiến trẻ phải thường xuyên thay băng kể cả ngày lẫn đêm. Số lượng băng vệ sinh phải thay lên đến 7 – 8 miếng/ngày, gấp đôi so với một kỳ kinh thông thường
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 1 tuần với lượng máu kinh nhiều hơn 80ml/ngày. Trong máu kinh có xuất hiện các cục máu động có kích thước lớn hoặc máu vón cục.
- Máu kinh ra quá nhiều khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, vì vậy các hoạt động cũng bị hạn chế.
- Rong kinh kéo dài khiến cơ thể trẻ bị mất máu và có triệu chứng chóng mặt, khó thở, da xanh xao, cơ thể mệt mỏi, cáu gắt, khó chịu,…
- Nếu trẻ không thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo, viêm phần phụ, viêm cổ tử cung,…
Rong kinh ở tuổi dậy thì cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn. Nếu thấy tình trạng này diễn ra kéo dài kèm theo những bất thường như khí hư bất thường, mùi hôi khó chịu ở vùng kín,… thì bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ thăm khám, tiến hành điều trị ngay từ sớm để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản.
Ngoài hiện tượng rong kinh thì các trẻ ở tuổi dậy thì còn có chu kỳ kinh nguyệt không đều, chúng có thể kéo dài hoặc ngắn hơn khiến các bé không tính được ngày hành kinh của bản thân.
Rong kinh ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Khi bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể của bé gái sẽ có sự thay đổi rất lớn về tâm sinh lý. Rong kinh ở độ tuổi dậy thì là tình trạng xảy ra khá phổ biến và không quá nguy hiểm, triệu chứng này sẽ tự cải thiện vài năm sau đó khi mà đã bước vào độ tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, việc bị rong kinh kéo dài ở tuổi dậy thì còn có một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của trẻ như:
- Rong kinh kéo dài khiến trẻ bị thiếu máu nặng, cơ thể dần suy nhược và ảnh hưởng đến sự phát triển. Nếu tình trạng này không có biện pháp khắc phục đúng cách và kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- Hành kinh kéo dài sẽ khiến cơ quan sinh dục trở nên yếu ớt, tạo điều kiện thuận lợi có các tác nhân gây hại tấn công và gây ra các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa. Nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ khiến chúng tấn công vào sâu bên trong gây viêm nhiễm phần phụ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản.
- Khi bị rong kinh trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái trong người, việc hành kinh kéo dài như vậy sẽ khiến bé cảm thấy rất khó chịu và lo sợ, điều này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ trong giai đoạn phát triển.
Vì thế, ngay khi thấy trẻ bị rong kinh kéo dài như vậy thì tốt nhất mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám để được hướng dẫn sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt đúng cách.
Phương pháp điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì
Mục tiêu chính trong điều trị bệnh rong kinh ở tuổi dậy thì là điều hòa nồng độ các loại hormone bên trong cơ thể giúp chúng duy trì ở mức độ ổn định. Việc điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì cần được tiến hành từ sớm để tránh gây tổn thương nghiêm trọng đến vùng dưới đồi của tuyến yên và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này do không phóng noãn được. Dựa vào tình trạng rong kinh của trẻ mà bạn hãy lựa chọn phương pháp điều trị sao cho phù hợp.
Điều trị bằng y học hiện đại
Hai phương pháp điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì được áp dụng phổ biến trong y học là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Sau khi trải qua quá trình thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào bệnh sử, nguyên nhân, mức độ bệnh trạng của trẻ để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
+ Phương pháp chữa trị nội khoa
Đây là phương pháp điều trị rong kinh ở tuổi dậy thì được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Các loại thuốc này sẽ có tác dụng cải thiện triệu chứng của tình trạng rong kinh để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Các loại thuốc Tây y điều trị bệnh rong kinh thường được sử dụng cho trẻ trong độ tuổi dậy thì là:
- Thuốc kháng viêm không steroid: Thuốc có tác dụng chính là giảm đau bụng kinh và hạn chế tình trạng ra máu kinh quá nhiều.
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Cho trẻ sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày giúp điều hòa nội tiết tố, điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và hạn chế tình trạng chảy máu diễn ra kéo dài.
- Thuốc nội tiết: Thuốc progesterone được sử dụng qua đường uống giúp điều chỉnh tình trạng rối loạn nội tiết tố bên trong cơ thể và hỗ trợ cải thiện tình trạng rong kinh.
- Axit Tranexamic: Loại thuốc này có tác dụng hạn chế tình trạng cơ thể bị mất máu quá nhiều khi đang trong thời kỳ hành kinh.
- Viên uống bổ sung sắt: Nếu trẻ bị rong kinh có dấu hiệu thiếu máu hoặc số lượng hồng cầu trong máu thấp thì sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thêm viên uống bổ sung sắt, kích thích quá trình sản sinh hồng cầu.
Trong quá trình cải thiện tình trạng rong kinh bằng thuốc Tây y, cần chú ý cho trẻ sử dụng đúng liều lượng mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả mang lại.
+ Phương pháp can thiệp ngoại khoa
Đa số các trường hợp trẻ bị rong kinh trong độ tuổi dậy thì đều được chỉ định sử dụng thuốc Tây y để cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bắt buộc phải tiến hành can thiệp ngoại khoa để chấm dứt tình trạng rong kinh. Các phương pháp can thiệp thường được sử dụng để điều trị rong kinh là:
- Phá hủy lớp nội mạc tử cung bằng tia laser hoặc sóng cao tần giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu kéo dài.
- Tuyến tắc động mạch tử cung bằng cách bơm thuốc được áp dụng cho những trường hợp bị rong kinh gây mất máu nhiều.
- Phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở nếu trẻ bị rong kinh do sự xuất hiện khối u bên trong tử cung, buồng trứng,…
Can thiệp ngoại khoa thường rất ít được áp dụng điều trị cho những trường hợp bị rong kinh ở tuổi dậy thì để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng cho những trường hợp rong kinh do bệnh lý gây ra.
Điều trị bằng bài thuốc dân gian
Sử dụng các bài thuốc trong dân gian để cải thiện tình trạng rong kinh ở tuổi dậy thì là phương pháp mang lại hiệu quả khá tốt, có thể tự áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, tác dụng điều trị của các bài thuốc này khá chậm mẹ cần phải chú ý cho bé sử dụng thường xuyên mới đảm bảo được hiệu quả mang lại. Bạn cũng nên chú ý đến liều lượng sử dụng hàng ngày của trẻ để tránh gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
+ Chữa rong kinh bằng cây cỏ may
- Lấy 100 gram thân, rễ và lá cây cỏ may đem đi rửa sạch hết toàn bộ đất cát và bụi bẩn bám xung quanh rồi vớt ra để cho ráo nước. Dùng dao cắt ngắn dược liệu, đem đi sao chát rồi cho vào ấm sắc cùng với 600ml nước.
- Chú ý sắc dược liệu trên lửa nhỏ cho đến khi cạn còn 200ml thì tắt bếp và chắt lấy lượng nước thu được. Chia lượng nước trên thành 2 phần bằng nhau và dùng để uống hết trong ngày.
- Nên cho bé sử dụng bài thuốc này liên tục từ 5 – 7 ngày trong suốt thời kỳ hành kinh, khi hết hiện tượng rong kinh thì ngừng lại.
+ Chữa rong kinh bằng cây nhọ nồi và trắc bách diệp
- Chuẩn bị 50 gram cây nhọ nồi và 50 gram cây trắc bách diệp, đem đi rửa sạch, cắt thành khúc ngắn rồi cho vào chải sao đến khi cháy đen là được.
- Cho toàn bộ dược liệu trên vào ấm sắc cùng với 600ml nước trên lửa nhỏ, khi nước cạn còn khoảng 200ml thì tắt bếp.
- Chắt lấy lượng nước sắc thu được ở trên và chia thành 2 sử dụng để uống hết trong 1 ngày.
- Cho bé sử dụng bài thuốc này mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt, áp dụng liên tục cho đến khi hiện tượng rong kinh hết hoàn toàn.
Biện pháp phòng ngừa rong kinh ở tuổi dậy thì
Để phòng tránh hiện tượng rong kinh ở tuổi dậy thì xảy ra gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khả năng học tập và đời sống sinh hoạt hàng ngày của các bé gái, mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lối sống sinh hoạt hàng ngày của bé và hướng dẫn cho bé cách vệ sinh cơ thể đúng cách.
- Nếu bé đang gặp một vài vấn đề về chuyện hành kinh thì mẹ nên chú ý quan sát, chủ động thăm hỏi và đưa ra những lời khuyên bổ ích giúp bé vượt qua kỳ đèn đỏ một cách an toàn.
- Tập cho bé thói quen giữ gìn vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ, thường xuyên thay đồ lót mỗi ngày, hướng dẫn bé vệ sinh vùng kín đúng cách, mặc đồ lót thoải mái và có độ thấm hút tốt, thường xuyên thay băng vệ sinh vào những ngày đèn đỏ,…
- Hình thành cho bé thói quen sinh hoạt lành mạnh như sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi sao cho hợp lý, tăng cường tập luyện thể dục thể thao giúp cơ thể phát triển toàn diện, tránh để tinh thần bị stress hoặc phấn khích quá mức, giữ tâm lý thật ổn định,…
- Chú ý xây dựng thực đơn ăn uống khoa học giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất phục vụ cho sự phát triển của cơ thể. Một số loại thực phẩm được chuyên gia khuyến khích nên tăng cường bổ sung cho bé gái đang trong độ tuổi dậy thì là các loại hạt, ức gà, các loại cá, ngũ cốc, thực phẩm giàu sắt,…
- Nếu phát biện bé bị rong kinh hoặc gặp một số vấn đề khác về cơ quan sinh sản thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, xác định nguyên nhân để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Tránh nguy cơ bị rối loạn phóng noãn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản sau này.
Trên đây là những thông tin về tình trạng rong kinh ở tuổi dậy thì bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đây là hiện tượng sinh lý rất bình thường nhưng chúng cũng ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Vì vậy, nếu thấy trẻ bị rong kinh thì tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi thăm khám để được hướng dẫn điều trị tích cực, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!