Viêm nha chu là gì? Dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Viêm nha chu là bệnh răng miệng rất phổ biến, thường ảnh hưởng đến lứa tuổi trung niên và những người cao tuổi. Tình trạng này có thể gây lung lay răng và dẫn đến mất răng nếu không được điều trị phù hợp.
Viêm nha chu là gì?
Viêm nha chu hay bệnh nha chu là một bệnh lý nhiễm trùng gây tổn thương các mô mềm và xương nâng đỡ răng. Nguyên nhân phổ biến thường do vi khuẩn tích tụ ở răng và nướu răng. Khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng, xương và răng có thể bị tổn thương, dẫn đến lung lay và gây mất răng nếu không được điều trị phù hợp.
Đây là bệnh lý phổ biến nhưng phần lớn có thể điều trị và phòng ngừa được. Tuy nhiên nếu không được xử lý phù hợp tình trạng này có thể dẫn đến nhiều rủi ro nghiêm trọng, chẳng hạn như tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra, các mảng bám vi khuẩn có thể tạo thành một lớp màng dính, không màu phát triển trên bề mặt răng. Nếu mảng bám không được loại bỏ, mảng bám có thể cứng lại tạo thành cao răng hoặc vôi răng.
Hầu hết các trường hợp, viêm nha chu có thể được phòng ngừa bằng cách vệ sinh răng miệng phù hợp. Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, sử dụng chỉ nha khoa mỗi ngày và khám răng định kỳ có thể hỗ trợ phòng ngừa bệnh nha chu hiệu quả. Bên cạnh đó, giữ về sinh răng miệng cũng có thể ngăn ngừa nguy cơ hình thành các bệnh lý liên quan khác.
Các giai đoạn của bệnh nha chu
Bệnh nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng gây tổn thương mô mềm và phá hủy các cấu trúc xương răng. Viêm nha chu bắt đầu là tình trạng viêm nhiễm và trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Cụ thể, các giai đoạn bao gồm:
1. Viêm lợi
Viêm nha chu thường xuất hiện với tình trạng viêm nhiễm ở nướu răng, còn được gọi là viêm lợi. Tình trạng này có thể gây chảy máu khi đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa.
Đôi khi người bệnh cũng có thể nhận thấy răng bị đổi màu. Tình trạng này cũng được gọi là mảng bám, là sự tích tụ của vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn trên răng.
Mặc dù trong miệng luôn có một lượng vi khuẩn nhất định, tuy nhiên khi lượng vi khuẩn này tăng lên đột ngột, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, bao gồm viêm nướu và nha chu. Điều này có thể xảy ra nếu một người không chải răng, dùng chỉ nha khoa hoặc làm sạch răng thường xuyên.
2. Giai đoạn sớm của bệnh nha chu
Trong giai đoạn đầu của bệnh nha chu, nướu có thể bị kéo khỏi răng và hình thành các túi nhỏ ở giữa nướu và răng. Các túi này chứa đầy vi khuẩn có hại. Hệ thống miễn dịch sẽ cố gắng chống lại nhiễm trùng, điều này khiến các mô nướu bắt đầu co lại, chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Trong các trường hợp nghiêm trọng, xương răng có thể bị tổn thương và gây đau.
3. Bệnh nha chu cấp độ trung bình
Bệnh nha chu cấp độ trung bình có thể gây chảy máu và đau quanh răng hoặc gây tụt nướu răng. Trong giai đoạn này răng sẽ bắt đầu mất đi sự hỗ trợ của xương và trở nên lỏng lẻo. Nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến phản ứng viêm khắp cơ thể, gây sưng phù mặt và các bộ phận khác.
4. Bệnh nha chu tiến triển
Ở giai đoạn nghiêm trọng, bệnh nha chu có thể liên kết các mô giữ răng bắt đầu kém đi. Dưới, các xương và mô hỗ trợ khác có thể bị tổn thương hoặc bị phá hủy. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể bị đau dữ dội khi nhai, hơi thở có mùi nặng và có mùi hôi trong miệng.
Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh có thể bị mất răng.
Hình ảnh và dấu hiệu viêm nha chu
Nướu răng khỏe mạnh thường săn chắc, có màu hồng nhạt và vừa khít với răng. Do đó, bệnh viêm nha chu có thể được nhận biết thông qua các đặc trưng, chẳng hạn như:
- Nướu răng màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc đỏ tía
- Nướu bị sưng, có cảm giác mềm khi chạm vào
- Chảy máu khi đánh răng
- Nhổ ra máu sau khi dùng chỉ nha khoa
- Miệng hôi
- Có mủ giữa răng và nướu răng
- Răng lung lay hoặc thay đổi vị trí của răng
- Tích tụ của mảng bám hoặc cao răng trên răng
- Đau khi nhai
- Hình thành và phát triển các khoảng trống giữa các răng
- Nướu răng bị tụt ra khỏi răng, điều này có thể khiến răng trông dài hơn bình thường
- Thay đổi sự kết hợp giữa răng và khớp khi cắn hoặc nhai
Các triệu chứng của bệnh viêm nha chu thường không dễ phân biệt. Do đó, đôi khi người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi đến nha sĩ kiểm tra định kỳ.
Một số hình ảnh của bệnh viêm nha chu:
Nguyên nhân viêm nha chu
Trong hầu hết các trường hợp, sự phát triển của viêm nha chu bắt đầu bằng mảng bám, một lớp màng dính chủ yếu là vi khuẩn trên răng. Nếu không được điều trị, các mảng bám có thể dẫn đến viêm nha chu.
1. Nguyên nhân cơ bản
Những người khỏe mạnh bình thường có hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau trong miệng. Hầu hết các loại vi khuẩn hoàn toàn vô hại. Tuy nhiên nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách hàng ngày, vi khuẩn sẽ phát triển và tích tụ trên răng.
Viêm nha chu thường do vệ sinh răng miệng kém. Nếu không đánh răng và làm sạch ở những nơi khó tiếp cận trong miệng, viêm nha chu có thể được hình thành theo các cách sau:
- Mảng bám hình thành trên răng: Khi tinh bột và đường trong thức ăn tương tác với vi khuẩn thường có trong miệng sẽ hình thành các mảng bám. Đánh răng hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần có thể loại bỏ mảng bám. Tuy nhiên mảng bám sẽ hình thành lại nhanh chóng, do đó những người không đánh răng và không làm sạch răng có nguy cơ bệnh nha chu rất cao.
- Vôi răng: Các mảng bám răng sẽ cứng lại dưới đường viền nướu tạo thành cao răng (vôi răng) nếu khi không được làm sạch mỗi ngày. Cao răng khó loại bỏ hơn và chứa đầy vi khuẩn. Các mảng bám và cao răng lưu lại trên răng càng lâu thì nguy cơ gây tổn thương răng và viêm nha chu càng cao.
- Viêm nướu: Các mảng bám trên răng có thể gây viêm nướu, dạng nhẹ nhất của bệnh nha chu. Viêm nuối sẽ gây kích ứng và viêm phần mô nướu xung quanh chân răng. Tình trạng này cần được điều trị y tế để tránh tình trạng mất răng.
- Viêm nướu mãn tính: Viêm nướu liên tục không được điều trị và chăm sóc phù hợp sẽ dẫn đến việc hình thành các túi vi khuẩn giữa nướu và răng. Theo thời gian các túi vi khuẩn này trở nên sâu hơn và chứa nhiều vi khuẩn. Nếu không được điều trị, các vết nhiễm trùng này có thể gây mất mô, xương và mất răng. Ngoài ra, viêm nướu liên tục có thể gây căng thẳng cho hệ thống miễn dịch và gây viêm toàn cơ thể.
2. Các yếu tố rủi ro
Bên cạnh các nguyên nhân cơ bản, một số yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh nha chu bao gồm:
- Viêm lợi
- Thói quen sức khỏe răng miệng kém
- Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến mang thai hoặc mãn kinh
- Hút hoặc nhai thuốc lá
- Béo phì
- Dinh dưỡng không đầy đủ, bao gồm cả thiếu vitamin C
- Một số loại thuốc gây khô miệng hoặc thay đổi nướu
- Sử dụng ma túy, bao gồm hút cần sa
- Các tình trạng gây giảm khả năng miễn dịch, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, HIV / AIDS và điều trị ung thư
- Một số bệnh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp và bệnh Crohn
- Di truyền
Bệnh viêm nha chu có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, viêm nha chu có thể gây ảnh hưởng đến các cấu trúc nâng đỡ của răng, bao gồm cả xương hàm. Điều này khiến răng bị lung lay và có thể rụng hoặc cần phải nhổ bỏ để tránh các biến chứng khác.
Ngoài ra, viêm nha chu có thể dẫn đến một số rủi ro và biến chứng khác bao gồm:
- Áp xe răng gây đau đớn dữ dội
- Răng không ổn định gây khó khăn cho việc ăn uống
- Tụt nướu răng và lộ chân răng
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh hô hấp và bệnh tiểu đường
- Tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai, bao gồm khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân và gây tiền sản giật
Chẩn đoán viêm nha chu
Bệnh nha chu có thể được chẩn đoán thông qua khám răng định kỳ. Bác sĩ có thể đề nghị theo dõi các triệu chứng bệnh để đảm bảo các triệu chứng không trở nên nghiêm trọng và có biện pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, để xác định bệnh viêm nha chu và mức độ nghiêm trọng của bệnh, nha sĩ có thể:
- Kiểm tra lịch sử bệnh án để xác định các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như hút thuốc hoặc sử dụng thuốc gây khô miệng
- Kiểm tra khoang miệng để xác định các mảng bám và cao răng, đồng thời kiểm tra các dấu hiệu chảy máu.
- Đo độ sâu rãnh giữa nướu và răng để xác định tình trạng tụt nướu răng. Độ sâu thông thường khoảng 1 – 3 mm. Các rãnh sâu hơn 4 mm có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nha chu. Các túi sâu hơn 5 mm không thể được làm sạch tốt và có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
- Chụp X – quang nha khoa để kiểm tra tình trạng tiêu xương ở những khu vực mà nha sĩ quan sát thấy các rãnh có độ sâu hơn bình thường.
Nha sĩ có thể xác định giai đoạn và cấp độ cho bệnh viêm nha chu dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và đề nghị các biện pháp điều trị phù hợp với các yếu tố nguy cơ và sức khỏe của bạn.
Viêm nha chu được điều trị như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị bệnh nha chu là làm sạch vi khuẩn từ các túi xung quanh răng và ngăn ngừa sự phá hủy các mô, xương. Cụ thể các biện pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1. Vệ sinh răng miệng
Thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ nên được tuân thủ thực hiện hàng ngày, ngay cả khi nướu và răng khỏe mạnh. Điều này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh nha chu.
Chăm sóc răng miệng đúng cách bao gồm đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày. Nếu răng có khoảng cách lớn, người bệnh có thể dùng bàn chải để làm sạch các kẽ răng.
Bệnh nhân bị viêm khớp và những bệnh nhân khác có vấn đề về sự khéo léo trong việc làm sạch răng có thể thấy rằng sử dụng bàn chải điện để làm sạch toàn diện.
Viêm nha chu là một bệnh viêm mãn tính hoặc lâu dài. Nếu không giữ vệ sinh răng miệng tốt, bệnh sẽ tái phát.
2. Đến gặp nha sĩ để được vệ sinh răng toàn diện
Trong quá trình làm sạch răng, nha sĩ sẽ loại bỏ mảng bám tích tụ và cao răng khỏi răng, chân răng, sau đó đánh bóng răng và xử lý răng bằng florua. Bất kỳ túi nha chu nào đã hình thành đều cần phải làm sạch sâu để chữa lành và tránh các rủi ro gây mất răng.
Phương pháp làm sạch chuyên sâu được gọi là cạo vôi răng và loại bỏ những vết sần sùi trên chân răng, nơi vi khuẩn có xu hướng tụ tập. Điều này có thể hỗ trợ ngăn ngừa bệnh nha chu tái phát trong tương lai.
Thông thường các nha sĩ khuyến cáo làm sạch răng chuyên sâu hai lần một năm và có thể thường xuyên hơn, tùy thuộc vào lượng mảng bám tích tụ.
3. Sử dụng thuốc
Một số loại nước súc miệng có tẩm thuốc có thể hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn và điều trị viêm nha chu. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị một số loại thuốc, gel để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
Cụ thể các loại thuốc được chỉ định điều trị viêm nha chu bao gồm:
- Thuốc súc miệng kháng khuẩn theo toa: Chẳng hạn như chlorhexidine, được sử dụng để kiểm soát vi khuẩn khi điều trị bệnh nướu răng. Người bệnh có thể sử dụng thuốc như các loại nước súc miệng thông thường sau mỗi lần đánh răng.
- Gel kháng sinh: Các loại gel này có chứa doxycycline, một chất kháng sinh, có tác dụng kiểm soát vi khuẩn và thu nhỏ các túi nha chu.
- Miếng dán sát trùng: Đây là một miếng dán gelatin nhỏ có chứa chlorhexidine, hỗ trợ kiểm soát vi khuẩn và giảm kích thước túi nha chu.
- Thuốc thoa kháng sinh: Đây là thuốc được bào chế dưới dạng hạt rất nhỏ có chứa một loại kháng sinh, được gọi là minocycline, được đặt vào túi sau khi cạo vôi răng. Thuốc có tác dụng chậm được sử dụng để kiểm soát vi khuẩn và giảm kích thước túi nha chu.
- Chất ức chế enzym: Các loại thuốc này có thể kiểm soát các loại enzyme với hàm lượng doxycycline thấp. Một số enzym có thể phá vỡ mô nướu, nhưng thuốc này làm chậm phản ứng enzym của cơ thể và ngăn ngừa các tổn thương nướu răng. Thuốc được sử dụng thông qua đường uống, dưới dạng thuốc viên. Ngoài ra thuốc cũng được sử dụng để hỗ trợ cạo vôi răng.
- Thuốc kháng sinh đường uống: Kháng sinh được sử dụng dưới dạng các viên nang hoặc viên nén, dùng qua đường uống, được sử dụng ngắn hạn để điều trị viêm nha chu cấp tính hoặc viêm nha chu cục bộ kéo dài.
4. Điều trị phẫu thuật
Đối với bệnh viêm nha chu tiến triển, nha sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Các phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu: Nha sĩ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ vôi và cao bên trong túi nha chu hoặc thu nhỏ túi để việc làm sạch dễ dàng hơn. Nướu răng sẽ được nâng trở lại và khâu lại để vừa khít với răng. Sau khi phẫu thuật, nướu sẽ lành lại và ôm khít quanh răng. Trong một số trường hợp, răng có thể dài hơn trước một chút.
- Ghép mô mềm: Khi các mô nướu bị tổn thương hoặc mất đi, đường viền nướu sẽ tụt vào trong. Lúc này người bệnh có thể cần được gia cố các mô mềm bị tổn thương. Phẫu thuật thường được thực hiện bằng cách loại bỏ một lượng nhỏ mô từ vòm miệng và ghép vào vị trí bị ảnh hưởng. Điều này có thể giảm tình trạng bị tụt nướu, lộ chân răng và giúp răng có vẻ ngoài tự nhiên hơn.
- Phẫu thuật tái tạo mô và xương: Quy trình này hỗ trợ tái tạo mô xương hoặc mô nướu đã bị phá hủy. Xương tự nhiên hoặc tổng hợp mới sẽ được đặt vào vị trí xương cũ đã mất và thúc đẩy sự phát triển của xương. Ghép xương giúp ngăn ngừa mất răng và đóng vai trò là nền tảng cho sự mọc lại của xương tự nhiên.
- Ghép protein: Đôi khi nha sĩ có thể bôi một loại gel đặc biệt lên chân răng bị bệnh. Gel này chứa các protein có thể hỗ trợ phát triển men răng và kích thích sự phát triển của xương, mô khỏe mạnh.
5. Biện pháp khắc phục tại nhà
Vệ sinh răng miệng thường xuyên có thể hỗ trợ loại bỏ và điều trị bệnh viêm nha chu. Do đó, bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp cải thiện tại nhà, chẳng hạn như:
- Đánh răng bằng bàn chải và kem đánh răng phù hợp ít nhất hai lần một ngày. Khi đánh răng cần cẩn thận làm sạch mặt nhai và các mặt khác của răng.
- Làm sạch xung quanh các bề mặt không bằng phẳng, chẳng hạn như răng khít, răng khểnh, mão răng, răng giả hoặc các miếng trám răng.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, những khoảng trống mà bàn chải không thể chạm tới. Nếu các kẽ răng có không gian lớn, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng bàn chải kẽ răng chuyên dụng.
- Sau khi đánh răng, sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn để ngăn vi khuẩn phát triển và giảm phản ứng viêm trong miệng.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, để đánh răng hiệu quả nhất, người bệnh nên đánh răng theo cách sau:
- Đánh răng trong 2 phút mỗi lần, hai lần mỗi ngày bằng bàn chải đánh răng có lông mềm hoặc bàn chải điện phù hợp
- Sử dụng kem đánh răng có fluor
- Rửa sạch bàn chải sau khi sử dụng và lưu giữ ở vị trí thẳng đứng
- Thay bàn chải đánh răng 3 đến 4 tháng hoặc thường xuyên hơn nếu lông bàn chải bị sờn
- Không nên dùng chung bàn chải vì vi khuẩn có thể truyền từ người sang người theo cách này
Phòng ngừa bệnh viêm nha chu
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm nha chu là vệ sinh răng miệng tốt, đều đặn mỗi ngày và trong suốt cuộc đời. Cụ thể cách phòng ngừa như sau:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ có nghĩa là đánh răng 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và trước khi đi ngủ và dùng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày. Vệ sinh răng miệng có thể ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa bệnh nha chu.
- Khám nha khoa định kỳ, 2 lần mỗi năm hoặc thường xuyên hơn để làm sạch răng miệng. Nếu có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển bệnh nha chu, chẳng hạn như bị khô miệng, dùng một số loại thuốc hoặc hút thuốc, người bệnh có thể cần đến bệnh viện thường xuyên hơn.
Viêm nha chu có thể cải thiện nếu phát hiện và điều trị sớm. Điều trị thường mang lại hiệu quả cao và ít rủi ro. Bên cạnh đó, tái khám thường xuyên có thể ngăn ngừa tình trạng tái phát và hỗ trợ tăng cường sức khỏe răng miệng.
Những người hút thuốc hoặc cơ nguy cơ viêm nha chu cao, chẳng hạn như người bị khô miệng, nên đến nha sĩ thường xuyên để được hướng dẫn và có biện pháp chăm sóc răng miệng phù hợp.
Thông tin thêm: 10+ cách chữa viêm lợi tại nhà nhanh nhất – Mẹo dân gian
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!