Viêm Đại Tràng Co Thắt Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Viêm đại tràng co thắt là bệnh lành tính. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, triệu chứng của bệnh nếu không được kiểm soát có thể tạo cảm giác khó chịu và gây nhiều khó khăn cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Cụ thể như đau âm ỉ ở bụng dưới, chướng bụng, táo bón…

Viêm đại tràng co thắt là gì? Triệu chứng và cách điều trị
Tìm hiểu viêm đại tràng co thắt là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Thế nào là viêm đại tràng co thắt?

Viêm đại tràng co thắt là một dạng của bệnh viêm đại tràng. Bệnh thể hiện cho tình trạng rối loạn chức năng ở đại tràng, tương đối lành tính. Tuy tạo ra cảm giác khó chịu và nhiều vấn đề ở đại tràng như chưa tìm thấy tổn thương nào ở khu vực này.

Bệnh viêm đại tràng co thắt còn có tên gọi khác là bệnh đại tràng chức năng, hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng đại tràng và viêm đại tràng mãn tính.

Bệnh xảy ra phổ biến ở những người thường xuyên mệt mỏi, làm việc trong môi trường căng thẳng hoặc những người có thói quen ăn uống không đúng giờ, sinh hoạt không điều độ.

Bệnh viêm đại tràng co thắt xuất hiện do đâu?

Cho đến hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến bệnh viêm đại tràng co thắt xuất hiện. Tuy nhiên lối sống sinh hoạt không khoa học, rối loạn nhu động tiêu hóa, thường xuyên mệt mỏi hay lo lắng là những yếu tố có liên quan đến bệnh lý này.

  • Thay đổi nội tiết tố

Thay đổi nội tiết tố được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng viêm đại tràng co thắt. Theo kết quả thống kê, có đến 70% trường hợp mắc bệnh là phụ nữ.

  • Yếu tố tâm lý

Lo âu, căng thẳng được xác định là yếu tố hàng đầu có khả năng thúc đẩy quá trình hình thành bệnh viêm đại tràng co thắt. Nếu bạn thường xuyên mệt mỏi, chịu nhiều áp lực trong công việc, lo âu, mất ngủ thì triệu chứng của bệnh sẽ rõ ràng hơn.

Các vấn đề về tâm lý có thể khiến các dây thần kinh trong hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng dẫn đến bụng căng tức và khó chịu. Ngoài ra sự phối hợp kém giữa ruột và não bộ có thể khiến cơ thể phản ứng thái quá khi có thay đổi xảy ra trong quá trình tiêu hóa. Từ đó dẫn đến đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.

Yếu tố tâm lý
Lo âu, căng thẳng là yếu tố có khả năng thúc đẩy quá trình hình thành bệnh viêm đại tràng co thắt
  • Nồng độ serotonin tăng

Những người bị viêm đại tràng thể táo bón có thể khiến cho nồng độ serotonin giảm. Trong khi đó nồng độ serotonin trong ruột lại tăng ở những người mắc bệnh tiêu chảy.

Serotonin được sản xuất trong ruột. Đây là một chất dẫn truyền thần kinh,  có khả năng tác động lên dây thần kinh đường tiêu hóa.

  • Rối loạn nhu động tiêu hóa

Ruột là cơ quan quan trọng của cơ thể. Cơ quan này có nhiệm vụ co bóp một các nhịp nhàng và từ từ vận chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa. Đối với những bệnh nhân đang mắc chứng viêm đại tràng co thắt, nhu động ruột sẽ bị ảnh hưởng và thay đổi cường độ co bóp.

Trong trường hợp những cơn co thắt kéo dài và liên tục hơn bình thường, tình trạng tiêu chảy và chứng đầy hơi chướng bụng có thể xuất hiện. Trong trường hợp những cơn co thắt yếu và nhẹ, quá trình vận chuyển thức ăn của người bệnh có thể chậm hơn bình thường. Từ đó khiến phân trở nên khô cứng và gây ra tình trạng táo bón.

  • Viêm ruột và nhiễm trùng nặng

Những người mắc bệnh thường có số lượng tế bào hệ thống miễn dịch trong ruột tăng đáng kể. Từ đó gây ra hiện tượng tiêu chảy và đau bụng. Ngoài ra vi khuẩn và virus tấn công khiến ruột nhiễm trùng nặng và dẫn đến tiêu chảy.

  • Ăn uống không khoa học và không điều độ

Bệnh có thể xuất hiện khi bạn ăn quá nhiều thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm khó tiêu, không đảm bảo vệ sinh, uống quá nhiều bia rượu hoặc ăn đồ sống.

Ăn uống không khoa học và không điều độ
Bệnh viêm đại tràng co thắt xảy ra khi thường ăn uống không khoa học và không điều độ

Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt

Một số dấu hiệu dưới đây có thể giúp bạn nhận biết bệnh viêm đại tràng co thắt, gồm:

  • Tình trạng rối loạn đường tiêu hóa diễn ra trong nhiều ngày, đi ngoài kéo dài từ  2 – 6 lần mỗi ngày.
  • Lúc đi ngoài phân lỏng, lúc bị táo bón, phân nát, phân không thành khuôn.
  • Người bệnh cảm thấy đầy hơi, chướng bụng, căng tức bụng, đau bụng, có cảm giác khó chịu dọc khung đại tràng.
  • Tình trạng đau bụng âm ỉ xuất hiện dọc theo khung đại tràng hoặc ở bụng dưới. Cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn trước khi đi đại tiện hoặc sau khi ăn.
  • Ăn không ngon miệng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, hay nóng giận, ngủ không ngon giấc…
  • Bị dị ứng với một số loại thức ăn dẫn đến đau bụng, đi ngoài sau khi ăn các loại thực phẩm cay nóng, đồ ăn chua, nhiều dầu mỡ, bia, rượu, cà phê…
  • Sút cân trong thời gian ngắn, người gầy quá mức
  • Xuất hiện một số triệu chứng toàn thân gồm hồi hội, khó thở, căng thẳng, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, xanh xao…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu rơi vào một trong những trường hợp dưới đây, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện và trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa:

  • Khó nuốt thức ăn
  • Nôn không rõ nguyên nhân
  • Chảy máu trực tràng
  • Tiêu chảy vào ban đêm
  • Thiếu máu do thiếu sắt
  • Sụt cân nhanh và không rõ nguyên nhân
  • Cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã đi tiêu hay xì hơi.

Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm đại tràng co thắt

Bệnh viêm đại tràng co thắt tương đối lành tính. Tuy tạo ra cảm giác khó chịu và nhiều vấn đề ở đại tràng như chưa tìm thấy tổn thương nào ở khu vực này.

Thế nhưng nếu bệnh nhân chủ quan không điều trị, bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Điển hình như ung thư đại tràng.

Bệnh viêm đại tràng co thắt gây ung thư đại tràng khi không được điều trị
Bệnh viêm đại tràng co thắt gây ung thư đại tràng khi không được điều trị

Biện pháp chẩn đoán viêm đại tràng co thắt

Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng co thắt, bác sĩ chuyên khoa có thể hỏi bạn một vài câu hỏi có liên quan đến triệu chứng và tiền sử mắc bệnh. Đồng thời yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.

Trong trường hợp nghi ngờ bị loạn khuẩn, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện xét nghiệm phân để tìm trứng giun, vi khuẩn, sán… Bệnh nhân sẽ được chỉ định nội soi đại tràng, chụp khung đại tràng có thuốc cản quang trong trường hợp có nghi ngờ mắc bệnh do một số lý do khác.

Phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định một số phương pháp dưới đây để kiểm soát chứng viêm đại tràng co thắt.

Sử dụng thuốc

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm đại tràng co thắt. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát băng các loại thuốc sau:

  • Thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng thường được chỉ định để điều hòa nhu động ruột và kiểm soát bệnh táo bón.
  • Thuốc chống co thắt đại tràng: Làm giảm co thắt bụng, thư giãn các cơ trong ruột là tác dụng chính của nhóm thuốc chống co thắt đại tràng.
  • Thuốc cầm tiêu chảy: Để làm chậm quá trình co bóp của cơ ruột, giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy, người bệnh có thể sử dụng thuốc Actapulgite, Loperamid hoặc một số loại thuốc cầm tiêu chảy khác theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Alosetron (Lotronex): Alosetron là một loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát tiêu chảy nặng ở phụ nữ.
  • Geliprostone (Amitiza): Geliprostone được chỉ định để điều trị bệnh táo bón xảy ra ở phụ nữ.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs): Đối với những trường hợp mắc bệnh do lo âu, căng thẳng, thuốc chống trầm cảm ba vòng sẽ được bác sĩ chuyên khoa thêm vào quá trình điều trị bệnh.

Bên cạnh hiệu quả chữa bệnh, tất cả những loại thuốc nêu trên đều có khả năng gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Chính vì thế, người bệnh không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa thông qua ý kiến bác sĩ.

Sử dụng thuốc
Điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt bằng thuốc

Áp dụng chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống khoa học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt. Người bệnh nên thêm thực phẩm nhuận tràng (rau lá xanh, sữa chua, hạt chia, lô hội, hạt lanh, dầu thực vật…) vào khẩu phần ăn uống mỗi ngày. Đồng thời bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng có trong những loại thực phẩm khác, bao gồm:

  • Thịt, cá, sữa không chứa lactose và trứng
  • Bột yến mạch giúp cải thiện tình trạng chướng bụng và đầy hơi
  • Bổ sung chất xơ và vitamin từ các loại rau xanh và trái cây tươi
  • Uống nhiều nước mỗi ngày. Người bệnh có thể uống xen kẽ nước lọc và nước ép trái cây để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu prebiotic và sữa chua để kích thích tăng cường lợi khuẩn.

Để phòng ngừa bệnh phát triển theo chiều hướng xấu, người bệnh cần hạn chế sử dụng những loại thực phẩm và các chất dưới đây:

  • Thức uống có cồn và chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga, ca cao…
  • Hóa chất Sorbitol. Người bệnh không được khuyến cáo sử dụng những thực phẩm chứa hóa chất  Sorbitol như kẹo cao su, đồ ngọt không đường, thực phẩm ăn kiêng… bởi các thực phẩm này có thể khiến tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thực phẩm khó tiêu, dễ gây kích thích hệ tiêu hóa như thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, thực phẩm đã qua chế biến sẵn, đồ ăn chua, cay.

Người bệnh cần lưu ý không bỏ bữa, không ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc. Tốt nhất bạn nên ăn chậm nhai kỹ và chia nhỏ bữa ăn lớn thành nhiều bữa ăn nhỏ.

Áp dụng chế độ ăn uống khoa học
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học giúp kiểm soát chứng viêm đại tràng co thắt

Kiểm soát căng thẳng

Đối với những trường hợp bị viêm đại tràng co thắt do căng thẳng, người bệnh có thể kiểm soát căng thẳng và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh bằng những cách sau:

  • Kỹ thuật thư giãn: Yoga, thiền và một số kỹ thuật thư giãn khác có thể khiến bệnh nhân cải thiện tốt tình trạng căng thẳng, lo âu quá mức. Đồng thời điều chỉnh cảm xúc.
  • Tập hít thở sâu: Việc áp dụng bài tập hít thở sâu sẽ giúp quá trình đào thải các chất cặn bã trong ruột diễn ra dễ dàng hơn. Để thực hiện bài tập này, người bệnh cần phình bụng kết hợp với hít thở sâu, sau đó hóp bụng kết hợp với thở ra đều đặn. Thực hiện động tác từ 3 – 5 phút.
  • Massage bụng: Người bệnh có thể cải thiện cơn đau co thắt đại tràng bằng cách massage bụng. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng điều hòa nhu động ruột, cải thiện chứng táo bón, đầy hơi. Đồng thời đào thải khí thừa ra khỏi cơ thể, giúp thư giãn và kiểm soát căng thẳng. Để thực hiện, người bệnh cần dùng bàn tay ấn, sau đó xoa đều quanh rốn, lan ra toàn bụng từ 2 – 3 phút.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Để kích thích nhu động ruột, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh, người bệnh có thể duy trì thói quen luyện tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, bơi lội… Việc duy trì thói quen luyện tập mỗi ngày còn giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ tiêu hóa, cải thiện sức đề kháng và đẩy lùi stress hiệu quả.

Biện pháp phòng ngừa viêm đại tràng co thắt

Một số biện pháp đơn giản dưới đây có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh viêm đại tràng co thắt, gồm:

  • Kiểm soát căng thẳng bằng các bài tập yoga, ngồi thiền. Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh để công việc gây áp lực khiến cơ thể mệt mỏi, buồn rầu và lo âu.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, thực phẩm giàu prebiotic như sữa chua, rau xanh, trái cây, các loại củ…
  • Uống nước ép trái cây và uống nhiều nước lọc mỗi ngày.
  • Hạn chế sử dụng những loại thực phẩm khó tiêu hóa gồm thực phẩm nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm cay nóng…
  • Hạn chế uống rượu, bia, nước ngọt có ga, thức uống có chất kích thích.
  • Ăn uống đúng cữ, không bỏ bữa.
  • Hạn chế thức khuya.
  • Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao để kiểm soát căng thẳng, tăng cường hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Đồng thời nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa nhiều bệnh lý khác.
Duy trì thói quen luyện tập thể dục
Phòng ngừa viêm đại tràng co thắt bằng cách duy trì thói quen luyện tập thể dục

Viêm đại tràng co thắt là bệnh lành tính, có thể nhanh chóng thuyên giảm sau khi người bệnh xây dựng chế độ sinh hoạt phù hợp và sử dụng thuốc. Trong trường hợp không có biện pháp chăm sóc và chữa bệnh thích hợp, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng. Vì thế, để đảm bảo an toàn, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi bị đau và khó chịu ở bụng.

5/5 - (1 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *