Niềng Răng Là Gì? Lợi Ích, Các Phương Pháp và Quy Trình

Niềng răng là dịch vụ chỉnh nha tối ưu giúp khắc phục các vấn đề răng hô, móm, mọc khấp khểnh, hở lợi, sai khớp cắn… đem lại hàm răng đều, chuẩn khớp và có tính thẩm mỹ cao. Phương pháp này phù hợp với nhiều đối tượng, từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành. Vậy quy trình niềng răng ra sao? Chi phí có đắt không và mất thời gian bao lâu?

Niềng răng
Niềng răng là kỹ thuật nha khoa làm đều hàm răng, chỉnh khớp cắn bằng cách dịch chuyển các răng trên cung hàm đến vị trí chuẩn

Niềng răng là gì? Những ai nên niềng răng?

Niềng răng còn được gọi là chỉnh nha (tên tiếng Anh là Braces). Đây là thuật ngữ chuyên môn dùng để chỉ phương pháp sử dụng hệ thống mắc cài hoặc một loại khay trong suốt chuyên dụng để kéo giữ hàm, chỉnh vị trí các răng vào đúng vị trí. Từ đó khắc phục hiệu quả tình trạng hô, móm, răng mọc khấp khểnh, chen chúc, thưa thớt không đều…

Sau khi niềng răng, bạn sẽ sở hữu khuôn răng đều đặn, đẹp và thẩm mỹ hơn. Thậm chí một số trường hợp còn giúp thay đổi cấu trúc khuôn mặt, giúp bạn trở nên tự tin hơn về ngoại hình và sở hữu nụ cười tươi tắn.

Kỹ thuật niềng răng thường được áp dụng cho một số trường hợp như:

  • Răng hô, móm, sai lệch khớp cắn bẩm sinh;
  • Răng mọc thưa và có nhiều khoảng trống;
  • Răng mọc sát nhau, chen chúc, nhấp nhô, khấp khểnh;
  • Răng hàm dưới cắn ngược lên trên hoặc răng hàm trên mọc chồng lên răng bên dưới;
Niềng răng
Răng hô, móm, mọc lệch, nhấp nhô, chen chúc, răng thưa… là những trường hợp nên thực hiện niềng răng

Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể thực hiện niềng răng. Tuy nhiên theo khuyến cáo của các chuyên gia, thời điểm tốt nhất để tiến nhanh chỉnh nha là độ tuổi thanh thiếu niên. Ở độ tuổi này, cấu trúc răng vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và chưa hoàn thiện 100% nên rất dễ điều chỉnh vị trí các răng, đem lại hiệu quả cao và ít tốn thời gian hơn so với người trưởng thành.

Lợi ích của kỹ thuật niềng răng

Ngoài việc giúp điều chỉnh vị trí các răng trên cung hàm, kỹ thuật niềng răng còn đem đến nhiều lợi ích khiến bạn kinh ngạc như:

  • Tăng tính thẩm mỹ hàm răng và ngoại hình: Đây chính là lợi ích được nhiều người hướng tới khi quyết định thực hiện niềng răng. Sau khi niềng răng, hàm răng của bạn không chỉ đều, sát khít với nhau mà còn giúp thay đổi cấu trúc xương hàm, ngoại hình diện mạo, giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống.
  • Cải thiện chức năng ăn nhai: Răng mọc khấp khểnh, hô, móm nhiều dẫn đến sai lệch khớp cắn gây khó khăn trong ăn uống. Nhưng bạn không cần quá lo lắng vì sau khi niềng hàm răng sẽ trở về đúng vị trí chuẩn, đúng khớp cắn và cải thiện chức năng ăn nhai một cách tốt nhất.
  • Dễ vệ sinh răng miệng: Các răng đều nhau hạn chế tối đa nguy cơ mảng bám thức ăn thừa mắc kẹt lại, hỗ trợ việc vệ sinh răng miệng dễ dàng, sạch sẽ tối đa.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng: Những khiếm khuyết về răng vô tình tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu răng, hôi miệng… Và khi răng đã được niềng hoàn chỉnh, vị trí các răng khít sát vào nhau, không còn khoảng hở nữa sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý này.
Niềng răng
Niềng răng giúp khắc phục các vấn đề về răng và tăng tính thẩm mỹ toàn diện cho khuôn mặt
  • Ổn định sức khỏe: Răng thực hiện tốt chức năng ăn nhai kéo theo sự ổn định về hoạt động của hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày và giúp bạn có một sức khỏe tốt nhất.
  • Chỉnh lỗi phát âm: Một hàm răng đều, răng mọc sát không có chỗ trống còn đem đến lợi ích tuyệt vời trong việc cải thiện phát âm của bạn.
  • Không cần trồng răng giả: Trường hợp mất răng tạo ra khoảng trống có thể được phục hồi độ khít giữa các răng bằng cách niềng răng và không nhất thiết phải trồng răng giả.

Các loại vật liệu niềng răng được dùng phổ biến

Sự phát triển của các kỹ thuật nha khoa và vật liệu niềng đem đến sự đa dạng trong việc chọn lựa phương pháp niềng răng phù hợp. Dưới đây là 4 dịch vụ niềng răng phổ biến tại hầu hết các cơ sở, trung tâm nha khoa với các ưu và nhược điểm cụ thể như:

1. Niềng răng mắc cài kim loại

Đây là phương pháp niềng răng truyền thống có từ lâu đời. Sử dụng hệ thống khí cụ chuyên dụng gồm mắc cài và dây cung được làm từ chất liệu hợp kim cao cấp không gỉ là Niken – Titanium. Nha sĩ sẽ sử dụng mắc cài này để gắn lên răng và dùng dây cung cố định lại trong rãnh mắc cài, kết hợp dùng dây chun buộc lại nhằm đảm bảo quá trình niềng được diễn ra liên tục.

Niềng răng
Niềng răng mắc cài kim loại là phương pháp chỉnh nha truyền thống đem lại hiệu quả cao và chi phí rẻ hơn những loại khác

Ưu điểm

  • Niềng răng bằng mắc cài kim loại giúp điều chỉnh vị trí các răng khá nhanh nên thời gian điều trị tương đối ngắn;
  • Chi phí của phương pháp này rẻ nhất so với tất cả các vật liệu khác;
  • Dây chun dùng cho mắc cài được sản xuất với đa dạng các màu, phù hợp với sở thích của trẻ em.

Nhược điểm

  • Do vật liệu sử dụng là kim loại nên tính thẩm mỹ không cao;
  • Vướng víu và gây khó khăn trong việc ăn uống, thức ăn dễ bị kẹt vào mắc cài, nhất là khi ăn những món đồ cứng, dẻo, dính, có cảm giác răng ê buốt hơn mỗi khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh;
  • Khi niềng kim loại bị bung ra, tác động lên răng, niêm mạc má, mô nướu gây đau nhức và hình thành vết thương hở, phát sinh viêm nhiễm nếu không được xử lý kịp thời.

2. Niềng răng mắc cài sứ

Cơ chế niềng răng của mắc cài sứ tương tự như mắc cài kim loại, cũng sử dụng bộ mắc cài với hình dạng và kích thước giống nhau. Tuy nhiên chỉ khác ở phần chất liệu mắc cài được làm từ sứ.

Niềng răng
Niềng răng mắc cài sứ là kỹ thuật được nhiều người ưa chuộng và chọn lựa

Ưu điểm

  • Mắc cài sứ có tính thẩm mỹ cao vì vật liệu này có màu sắc khá tương đồng với răng thật. Ngoài ra, dây chun, dây cung cũng có màu trong suốt không quá lộ.
  • Chất liệu sứ có độ bền cao và chịu lực tốt, khó bị vỡ.
  • Chỉ mất từ 18 – 36 tháng là đã chỉnh đều hàng răng.
  • Chất liệu sứ không làm gián đoạn tín hiệu khi thực hiện các xét nghiệm về răng như chất liệu kim loại.

Nhược điểm

  • Chi phí đắt gấp đôi so với phương pháp niềng răng bằng mắc cài kim loại.
  • Giá đỡ mắc cài sứ có kích thước lớn phủ gần hết nướu gây ảnh hưởng đến việc vệ sinh chân răng, dễ phát sinh viêm nhiễm, gây sưng nướu răng hoặc tụt nướu.
  • Mặc dù được đánh giá có độ chịu lực cao nhưng vẫn kém hơn so với mắc cài kim loại.
  • Để gắn mắc cài sứ có dùng một loại keo dán (debonding), khi tháo gỡ dễ làm tổn thương bề mặt men răng.
  • Dây buộc đàn hồi của mắc cài sứ rất dễ bị ố vàng.

3. Niềng răng mắc cài trong

Niềng răng mắc cài trong hay còn được gọi là niềng răng mặt lưỡi. Về cách thực hiện, niềng mặt trong tương tự như mặt ngoài, chỉ khác được gắn ở bên trong đem lại tính thẩm mỹ cao, thậm chí hơn cả niềng bằng mắc cài sứ.

Niềng răng
Niềng răng mắc cài trong có tính thẩm mỹ cao vì khó phát hiện khi nhìn từ bên ngoài

Ưu điểm

  • Tính thẩm mỹ gần như tuyệt đối vì sẽ không thể nhìn thấy từ bên ngoài.
  • Có thể tùy chỉnh nhiều cấp độ để tăng sự thoải mái khi niềng.
  • Tối ưu hóa hiệu quả, khắc phục tốt các vấn đề về khớp cắn.

Nhược điểm

  • Có chi phi khá đắt đỏ;
  • Mất nhiều thời gian niềng hơn so với các dạng mắc cài khác;
  • Trong giai đoạn đầu khi niềng mắc cài trong có thể gây ra cảm giác khó chịu tạm thời hoặc bị ngọng do chưa quen;

4. Niềng răng khay trong

Niềng răng khay trong (tên tiếng Anh là niềng Invisalign) là phương pháp niềng răng hiện đại nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phương pháp này sử dụng chất liệu nhựa y tế trong suốt Invisalign được thiết kế với kích thước và hình dạng chuẩn xác với khuôn răng, đảm bảo khi đeo vào vừa khít, ôm sát nhất có thể. Đây là phương pháp niềng răng duy nhất không áp dụng cách nẹp niềng răng truyền thống.

Niềng răng
Niềng răng khay trong Invisalign là kỹ thuật niềng răng hiện đại nhất tính đến thời điểm hiện tại

Ưu điểm

  • Tính thẩm mỹ cao nhờ chất liệu nhựa trong suốt và rất khó nhận ra dù đang nói chuyện trực tiếp;
  • Tiện lợi, dễ sử dụng, dễ dàng tháo lắp mà không gây ra bất kỳ sự khó chịu nào;
  • Dễ dàng vệ sinh răng miệng khi cần thiết;;

Nhược điểm

  • Đây là kỹ thuật niềng răng có chi phí cao nhất trong tất cả các phương pháp chỉnh nha.
  • Hiệu quả thấp hơn và thời gian niềng lâu hơn đối với các trường hợp phức tạp.
  • Mặc dù có thể tháo lắp khi cần thiết nhưng yêu cầu vẫn phải mang bộ chỉnh từ 20 – 22 tiếng/ ngày để đạt được hiệu quả tối ưu.

Quy trình niềng răng chuẩn tại nha khoa

Niềng răng là kỹ thuật nha khoa điều trị trong thời gian dài, trải qua nhiều giai đoạn mới đạt được kết quả cuối cùng. Một ca chỉnh nha cơ bản tại nha khoa thường bao gồm các bước sau đây:

Bước 1: Thăm khám lâm sàng

Đầu tiên, bạn sẽ được thăm khám tổng quát sức khỏe răng miệng thông qua kiểm tra các vấn đề răng miệng. Nếu cần thiết sẽ được chỉ định chụp X – quang hoặc CT scan để đánh giá mức độ nặng hay nhẹ của tình trạng răng hô, móm, mọc thưa, khấp khểnh, sai lệch khớp cắn…

Bước 2: Tư vấn phác đồ điều trị và lấy dấu răng

Sau khi có kết quả về tình trạng răng, nha sĩ sẽ thông báo cho bạn trước và chỉ định thực hiện nhổ răng, hàn trám răng hay các thủ thuật nha khoa cần thiết khác nếu có sự xuất hiện của các vấn đề về răng. Sau đó tư vấn chọn lựa phương pháp niềng, vật liệu niềng phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của bạn.

Đồng thời, bạn cũng sẽ được lấy dấu răng để tiến hành chế tác mắc cài cũng như tính toán lực kéo phù hợp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ cũng sẽ thông qua bước này để đưa ra nhận định về thời gian niềng răng của bạn, qua đó kiểm soát được sự dịch chuyển, thay đổi vị trí răng qua từng giai đoạn.

Bước 3: Vệ sinh răng và gắn mắc cài

  • Đầu tiên, nha sĩ sẽ tiến hành cạo vôi răng và làm sạch kỹ lưỡng từng chiếc răng bao gồm các kẽ răng, chân răng, mặt trong lẫn mặt ngoài. Đây là bước cực kỳ quan trọng nhằm loại bỏ các tác nhân gây hại cho răng, ảnh hưởng đến quá trình và kết quả niềng răng.
  • Tiếp đến là bước gắn mắc cài vào răng. Bước này đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề chuyên môn cao, đòi hỏi sự tập trung và cũng là bước mất nhiều thời gian nhất. Mắc cài sẽ được gắn lên ngay vị trí trung tâm của răng bằng một loại keo dán nha khoa chuyên dụng nhằm đảm bảo mắc cài không bị xê dịch vị trí trong các đợt siết dây cung.
Niềng răng
Gắn mắc cài lên răng là kỹ thuật đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và mất nhiều gian nhất trong toàn bộ quy trình niềng răng

Bước 4: Tái khám định kỳ để chỉnh nha

Thời gian tái khám định kỳ sau khi gắn mắc cài là từ 2 – 4 tuần/ lần tùy theo tình trạng của từng người. Mục đích của mỗi lần tái khám này là để bác sĩ kiểm tra độ chắc của mắc cài, thay dây cung, siết dây cung lại từ từ để kéo các vị trí răng lệch lạc trở về đúng vị trí chuẩn.

Bước 5: Tháo mắc cài kết thúc quá trình niềng răng

Đến một thời gian nhất định, quan sát thấy hàm răng đã có sự thay đổi đáng kể, vị trí các răng đúng chuẩn, đều nhau và đúng với định hướng ban đầu, nha sĩ sẽ tháo gỡ mắc cài và kết thúc quá trình niềng răng. Một số trường hợp có hàm răng chưa được ổn định hoàn toàn cần phải đeo hàm duy trì để tránh răng chạy lại vị trí sai lệch ban đầu. Thông thường, trường hợp này chỉ áp dụng cho người trưởng thành, còn trẻ nhỏ vị trí răng sau niềng thường đã cố định hoàn toàn nên có thể không cần dùng hàm duy trì.

Chi phí niềng răng bao nhiêu?

Sự đa dạng của các phương pháp niềng răng chính là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về chi phí thực hiện. Dưới đây là mức giá tham khảo trung bình của một số phương pháp phổ biến:

  • Niềng răng mắc cài kim loại chi phí khoảng 27.000.000 – 31.000.000đ/ ca hoặc những ca phức tạp có thể lên đến 35.000.000đ;
  • Niềng răng mắc cài sứ khoảng 50.000.000đ, trường hợp phức tạp khoảng 54.000.000 – 58.000.000đ;
  • Niềng răng mắc cài mặt trong có mức giá dao động trong khoảng 85.000.000đ. Riêng các trường hợp phức tạp sẽ vào khoảng 105.000.000 – 115.000.000đ;
  • Niềng răng mắc cài tự động có giá khoảng 50.000.000 – 58.000.000đ;
  • Niềng răng Invisalign dao động từ 25.000.000 – 149.000.000đ tùy theo mức độ phức tạp;

Có thể thấy, chi phí niềng răng tương đối cao, trên đây chỉ là mức phí cơ bản về phương pháp niềng răng. Để biết được tổng chi phí cho 1 ca niềng răng là bao nhiêu thực tế không có con số chính xác. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà mức giá này sẽ dao động ít hơn hoặc nhiều hơn, phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Tình trạng răng miệng;
  • Cơ sở vật chất tại nha khoa nơi bạn thực hiện niềng răng;
  • Đội ngũ bác sĩ thực hiện niềng răng cho bạn;

Thời gian niềng răng mất bao lâu?

“Niềng răng mất bao lâu?” là một trong những câu hỏi xoay quanh chủ đề niềng răng được nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia nha khoa, thời gian niềng răng tối thiểu gồm 4 giai đoạn chính gồm:

  • Giai đoạn 1 (từ 2 – 6 tháng): là giai đoạn các răng được sắp xếp vị trí đúng trên cung hàm;
  • Giai đoạn 2 (từ 3 – 6 tháng): là thời điểm điều chỉnh trục của răng chuẩn xác;
  • Giai đoạn 3 (từ 6 – 9 tháng): dịch chuyển các răng về vị trí chuẩn, cân bằng, đồng thời điều chỉnh khớp cắn;
  • Giai đoạn 4 (từ 3 – 6 tháng): giữ cố định khớp cắn và duy trì độ ổn định của hàm răng bằng cách đeo hàm duy trì.
Niềng răng
Niềng răng ở độ tuổi thanh thiếu niên đem lại kết quả cao và ít tốn thời gian hơn so với người trưởng thành

Theo đó, thời gian trung bình để niềng răng có hiệu quả cần ít nhất từ 6 – 18 tháng đối với những trường hợp thông thường. Còn với những ca phức tạp như móm, hô nặng, răng mọc lộn xộn nghiêm trọng thì thời gian niềng răng có thể kéo dài từ 2 – 3 năm. Trên thực tế, thời gian niềng răng ở từng trường hợp cụ thể sẽ được linh hoạt thay đổi tùy theo các yếu tố sau:

  • Tình trạng sức khỏe răng miệng: Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định đến 80% thời gian niềng răng mất bao lâu. Như đã nói, với những ca đơn giản và không cần can thiệp trước khi niềng thường chỉ mất từ 14 – 18 tháng là hoàn thành. Còn riêng vớ các ca phức tạp có thể kéo dài trên 2 năm.
  • Độ tuổi niềng răng: Kỹ thuật niềng răng có thể được áp dụng cho người từ 10 – 50 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi niềng răng càng sớm thì hiệu quả sẽ càng cao và thời gian thực hiện cũng ngắn hơn.
  • Phương pháp áp dụng: Mỗi phương pháp niềng sử dụng vật liệu khác nhau cũng quyết định thời gian thực hiện nhanh hay chậm. Chẳng hạn những người dùng khay niềng trong suốt tuy có tính thẩm mỹ cao nhưng lại phải thay niềng thường xuyên nên thời gian thực hiện sẽ lâu hơn so với niềng bằng mắc cài.
  • Các vấn đề phát sinh khác: Bất kỳ quá trình niềng răng nào cũng đều phát sinh một số vấn đề như lỏng dây cung, tụt mắc cài hoặc các vấn đề răng miệng do ăn uống, vệ sinh kém… Lúc này bạn cần phải đến nha khoa để chỉnh sửa lại hoặc điều trị xử lý, từ đó làm kéo dài thời gian niềng hơn so với dự tính ban đầu.

Những lưu ý chăm sóc trong và sau khi thực hiện niềng răng

Trong và sau khi niềng răng rất cần có một chế độ chăm sóc bao gồm ăn uống và vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng nhằm hỗ trợ đạt được kết quả niềng răng tốt nhất.

Niềng răng
Vệ sinh bộ khí cụ kỹ lưỡng bằng bàn chải chuyên dụng, nhất là sau mỗi bữa ăn

Về chế độ ăn uống

Sau khi gắn mắc cài và đi dây cung, bạn sẽ có cảm giác răng hơi ê buốt khó chịu, kéo dài trong 1 – 2 ngày đầu. Đây là điều bình thường ai cũng sẽ gặp phải cho thấy răng đang được tác động để dịch chuyển vị trí từ từ. Lúc này, bạn cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp:

  • Ưu tiên những món ăn lỏng, mềm, nhai ít như cháo, súp, canh hầm, cơm mềm, sinh tố…;
  • Đối với những loại thực phẩm, món ăn thô nên cắt nhỏ trước để tránh phải dùng răng cắn, nghiền gây đau nhức;
  • Tránh những đồ ăn cứng như nhai đá, chân gà, sườn, bắp, bánh kẹo cứng, kẹo caramel… vì rất dễ làm uốn dây cung, bong, đứt mắc cài;
  • Không ăn các loại thực phẩm dẻo, có độ dính như kẹo dừa, kẹo mạch nha, xôi nếp, kẹo cao su…
  • Hạn chế các loại thức ăn nhiều đường, thực phẩm chứa chất tạo màu, chất kích thích như cà phê, soda, trà đặc và tuyệt đối không nên hút thuốc lá;
  • Ăn chậm nhai kỹ và hạn chế nhai cắn thức ăn bằng răng phía trước;
  • Trong thời gian niềng răng, khoang miệng của bạn sẽ hơi khô nên cần phải tăng cường uống nhiều nước. Việc này không chỉ giúp duy trì độ ẩm cho khoang miệng mà còn hỗ trợ kiểm soát ngăn ngừa sâu răng tốt hơn;

Về cách vệ sinh răng miệng và sinh hoạt

  • Sau khi ăn uống phải vệ sinh răng miệng và bộ khí cụ sạch sẽ bằng cách chải răng, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các mảng bám thức ăn thừa;
  • Tốt nhất nên dùng bàn chải chuyên dụng dành cho người niềng răng, đầu lông mềm mại để tránh làm tổn thương răng, nướu;
  • Kết hợp dùng nước súc miệng chuyên dụng để tăng hiệu quả làm sạch khoang miệng;
  • Ưu tiên sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng có chứa flouride để hỗ trợ giúp răng chắc khỏe, bảo vệ men răng trong suốt quá trình thực hiện chỉnh nha;
  • Các chuyên gia khuyến khích người đang niềng răng nên sử dụng tăm nước để đạt hiệu quả làm sạch tốt nhất. Vì theo nghiên cứu, tăm nước có khả năng làm sạch tốt hơn gấp 3 lần so với dùng bàn chải và chỉ nha khoa;
  • Tuyệt đối không được dùng răng cửa đang được gắn mắc cài để cắn mở đồ vật để tránh khiến răng tổn thương và làm hư hỏng khí cụ, ảnh hưởng đến quá trình niềng;

Một số giải đáp chi tiết liên quan đến niềng răng bạn nên biết

Xoay quanh phương pháp niềng răng có rất nhiều vấn đề được nhiều người quan tâm. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp nhất:

1. Niềng răng có đau không?

Niềng răng là kỹ thuật nha khoa có gây ra đau nhức và mức độ đau nhiều hay ít còn tùy thuộc vào tình trạng răng cũng như cơ địa của từng người. Vì bản chất của niềng răng chính là dịch chuyển vị trí ban đầu của răng sang một vị trí khác chuẩn xác hơn. Do đó việc chân răng bị tác động trong quá trình dịch chuyển và gây ra đau nhức là điều khó tránh khỏi.

Cơn đau thường có mức độ, tần suất khác nhau ở từng người chứ không phải đau nhức xuyên suốt trong quá trình chỉnh nha. Có người đau nhức vài ngày nhưng cũng có người vài tuần và khi hàm đã quen thì cơn đau sẽ tự biến mất. Một số thời điểm nhất định gây ra đau nhức bạn nên biết trước để chuẩn bị tâm lý là:

Niềng răng
Đau do niềng răng thường xuất hiện tại một vài thời điểm nhất định và tùy cơ địa từng người sẽ có mức độ đau khác nhau
  • Thời điểm đặt dây chun tách kẽ;
  • Thời điểm nhổ răng để tạo khoảng trống;
  • Thời điểm đầu sau khi vừa gắn mắc cài;
  • Thời điểm sau mỗi lần chỉnh nha, siết mắc cài định kỳ;

Thông thường, các cơn đau đều ở trong mức có thể chịu được, tuy nhiên nếu khó chịu quá mức và không thể chịu được có thể sử dụng thuốc giảm đau tức thời theo hướng dẫn của chuyên gia.

2. Niềng răng có cần nhổ răng không?

Hầu hết các trường hợp niềng răng đều cần phải thực hiện nhổ răng trước để tạo khoảng trống cho bước siết mắc cài định kỳ. Chỉ định nhổ răng thường áp dụng cho răng số 4 ở cả hàm trên và hàm dưới vì răng này không có quá nhiều chức năng trên cung hàm.

Riêng đối với những trường hợp có răng khôn, nếu mọc bình thường thì không bắt buộc phải nhổ. Tuy nhiên, nếu răng khôn mọc lệch, mọc ngầm, mọc xiên đâm vào răng số 7 thì cần phải nhổ bỏ sớm để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến toàn hàm cũng như quá trình niềng răng.

3. Niềng răng có làm răng yếu hơn không?

Bản chất của niềng răng là tác động ngoại lực để làm các răng tự dịch chuyển về đúng vị trí và không tác động đến cấu trúc bên trong nên sẽ không làm răng yếu đi. Tuy nhiên, nếu quá trình niềng răng không đúng quy chuẩn hoặc gặp phải các vấn đề sau đây chính là nguyên nhân khiến răng yếu đi:

  • Dùng bộ khí cụ từ vật liệu kém chất lượng;
  • Kỹ thuật niềng răng không đúng, chỉnh nha kéo siết mắc cài chưa đủ lực khiến răng không đi đúng vị trí;
  • Hoặc lực siết quá mạnh khiến răng bị đau nhức, chân răng yếu, dễ làm tiêu xương ổ răng.
  • Thực hiện chỉnh nha trong khi chưa điều trị dứt điểm các vấn đề về răng miệng cũng là nguyên nhân khiến răng dần yếu đi;
  • Chế độ chăm sóc răng miệng không hợp lý trong quá trình chỉnh nha;
  • Cố tình niềng răng dù nằm trong nhóm các đối tượng chống chỉ định thực hiện;

Niềng răng là dịch vụ nha khoa đem lại cho bạn hàm răng đều đẹp và có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, đòi hỏi bạn phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài, tuân thủ mọi chỉ định hướng dẫn của nha sĩ. Để đạt hiệu quả niềng răng như mong muốn, tốt nhất nên cân nhắc chọn lựa những bệnh viện, cơ sở nha khoa uy tín có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và đầy đủ về cơ sở vật chất.

5/5 - (2 bình chọn)

BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA