Kinh Nguyệt Là Gì? Tại Sao Có? Đặc Điểm Của Máu Kinh

Kinh nguyệt là một phần tự nhiên của cơ thể nữ giới khỏe mạnh. Chu kỳ kinh nguyệt lặp lại hàng tháng, với số ngày trong chu kỳ dao động trong khoảng 28 – 32 ngày. Một chu kỳ bình thường là dấu hiệu của một cơ thể khỏe mạnh và hoạt động bình thường.

Kinh nguyệt
Kinh nguyệt là chu kỳ bình thường của cơ thể khỏe mạnh

Thông tin cần biết về kinh nguyệt

Kinh nguyệt thường bắt đầu ở phụ nữ trong độ tuổi từ 8 – 16 tuổi và là dấu hiệu cho một cơ thể trưởng thành, đủ khả năng để mang thai và sinh con. Chu kinh nguyệt tác động đến sức khỏe sinh sản cũng như tâm lý của phụ nữ. Do đó, bạn cần tìm hiểu thông tin cơ bản về kinh nguyệt để có cách chăm sóc, xử lý phù hợp.

1. Kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt là tình trạng chảy máu âm đạo bình thường và là một phần tự nhiên của chu kỳ hàng tháng của một người phụ nữ khỏe mạnh. Hàng tháng, lớp niêm mạc tử cung dày lên khi một quả trứng phát triển và được giải phóng khỏi buồng trứng của người phụ nữ để chuẩn bị cho quá trình thụ thai.

Nếu việc thụ thai không xảy ra, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm xuống và đạt đến mức độ cụ thể để cơ thể bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung bị bong ra, kết hợp với một lượng máu nhỏ, chất nhầy và đi ra khỏi âm đạo, để tạo thành kinh nguyệt. Thông thường, phụ nữ mất khoảng 5 – 12 muỗng cà phê cho mỗi chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

2. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Ở cơ thể phụ nữ trưởng thành, hormone được tiết ra bởi tuyến yên trong não để kích thích buồng trứng trong chu kỳ sinh sản. Những hormone này khiến một số trứng được lưu trữ ở các nang trứng, bắt đầu phát triển và trưởng thành.

Chu kỳ Kinh nguyệt
Một chu kỳ bình thường có thể kéo dài từ 28- 35 ngày

Các nang bắt đầu sản xuất một loại hormone gọi là estrogen. Estrogen làm cho niêm mạc tử cung trở nên dày hơn để chuẩn bị cho quá trình thụ thai. Nếu quan hệ tình dục trong vài ngày sau khi trứng rụng, một cô gái có thể mang thai.

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường khoảng 28 ngày, với thời gian chảy máu kéo dài khoảng 2 – 7 ngày. Chảy máu có xu hướng nặng và nhiều hơn trong 2 ngày đầu. Ngay cả ở một người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt nặng, lượng máu cho mỗi chu kỳ thường là 5 – 12 muỗng cà phê.

Tuy nhiên, một số phụ nữ thường trải qua chu kỳ kinh nguyệt nghiêm trọng hơn bình thường, được gọi là rong kinh. Rong kinh là tình trạng cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro như thiếu máu hoặc lưu lượng máu thấp.

3. Khi nào chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu?

Chu kỳ kinh nguyệt đánh dấu khả năng sinh sản ở một người phụ nữ. Chu kỳ thường bắt đầu trong độ tuổi từ 12 – 14 tuổi, tuy nhiên một số người có thể bắt đầu trong độ tuổi từ 8 – 16.

Khoảng 6 tháng trước chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, một cô gái có thể phát hiện dịch tiết âm đạo rõ ràng hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường, trừ khi dịch tiết âm đạo có mùi hôi hoặc gây ngứa. Các chu kỳ sẽ xuất hiện đều đặn mỗi tháng cho đến khu người phụ nữ mãn kinh.

Kinh nguyệt là giai đoạn quan trọng trong tuổi dậy thì ở một cô gái, đánh dấu một cô gái đang bắt đầu trở thành phụ nữ. Từ khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, một cô gái có thể mang thai. Chu kỳ kinh nguyệt có thể kết thúc khi mãn kinh, thường ở độ tuổi 45 – 55 tuổi.

Tại sao phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt?

Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt là cách cơ thể giải phóng các mô mà cơ thể không cần nữa.

Mỗi tháng cơ thể sẽ chuẩn bị cho quá trình thụ tinh và mang thai. Lớp niêm mạc tử cung sẽ trở nên dày hơn để chuẩn bị nuôi dưỡng trứng được thụ tinh. Một quả trứng được giải phóng và sẵn sàng để thụ tinh, làm tổ trong niêm mạc tử cung, hình thành phôi thai.

Nếu trứng không được thụ tinh, cơ thể không còn cần đến lớp niêm mạc tử cung dày hơn nữa. Do đó, cơ thể sẽ bắt đầu phá vỡ và cuối cùng bị đẩy ra ngoài cơ thể thông qua âm đạo cùng với một lượng máu nhỏ và dịch từ âm đạo. Điều này tạo thành chu kỳ kinh nguyệt.

Quá trình này sẽ lặp lại mỗi tháng đến khi một người phụ nữ mãn kinh, thường là 45 – 55 tuổi.

Cơ chế kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt là cách cơ thể phụ nữ giải phóng các mô mà cơ thể không cần nữa

Đặc điểm của máu kinh

Máu kinh bắt nguồn từ sự bong ra của nội mạc tử cung trong thời kỳ kinh nguyệt bình thường. Mặc dù là máu chảy ra từ âm đạo nhưng máu kinh có nguồn gốc từ tử cung và đi qua lòng âm đạo để ra khỏi cơ thể.

1. Thành phần bình thường của máu kinh

Có ba thành phần chính được tìm thấy trong máu kinh, bao gồm:

  • Máu: Máu là thành phần chính của máu kinh. Khi nội mạc tử cung bị phá vỡ, các mạch máu nhỏ dẫn đến nội mạc tử cung bị lộ ra dẫn đến chảy máu.
  • Nội mạc tử cung: Đây là một thành phần bình thường của chu kỳ kinh nguyệt, xuất hiện khi nội mạc tử cung bị bong ra khỏi tử cung. Nội mạc tử cung chủ yếu được làm từ các tế bào tử cung, không phải là máu và được nhìn thấy ở dạng cục máu đông hoặc một mảng đỏ trong chu kỳ. Thông thường, lượng nội mạc tử cung ít hơn lượng máu trong chu kỳ.
  • Trứng không được thụ tinh: Thành phần thứ ba trong máu kinh là trứng không được thụ tinh. Trứng thường không đáng kể so với máu và nội mạc tử cung, do đó đây là tế bào duy nhất không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

2. Đặc điểm bình thường của máu kinh

Thể tích trung bình của máu kinh nguyệt là khoảng 35 ml, tuy nhiên lưu lượng máu bình thường khoảng 10 – 80 ml. Nếu lượng máu không nằm trong mức độ bình thường, bạn nên đến bệnh viện hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Máu kinh có một độ nhớt nhất định tương tự như máu chảy từ vết thương ở ngón tay. Tuy nhiên, đôi khi máu kinh có thể loãng và chứa nhiều nước hơn bình thường.

Về mùi, máu kinh thường không có mùi hôi hoặc gây khó chịu. Nếu máu có mùi hôi, điều này có thể là dấu hiệu nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, đôi khi máu kinh có thể có mùi khó chịu nếu được tích trữ trong một thời gian dài, đặc biệt là hơn 6 – 8 giờ. Do đó, giữ vệ sinh, thay băng vệ sinh thường xuyên (sau 3 – 4 giờ) là cách tốt nhất để bảo vệ hệ thống sinh dục và ngăn các mùi khó chịu trong chu kỳ.

đặc điểm máu kinh
Máu kinh nguyệt có thể có màu đỏ, đen, cam hoặc nâu

Máu kinh có thể từ đen, đỏ tươi, nâu hoặc cam. Mặc dù hầu hết các màu sắc máu được xem là bình thường, tuy nhiên đôi khi màu sắc và tính chất máu kinh có thể là dấu hiệu của các điều kiện y tế cần điều trị phù hợp.

Cụ thể, các vấn đề ở màu sắc của máu kinh thường bao gồm:

  • Máu màu đen: Máu kinh màu đen hoặc nâu thường là máu cũ được tích trữ từ chu kỳ trước và cần nhiều thời gian hơn để rời khỏi tử cung. Điều này hoàn toàn bình thường và bạn không cần lo lắng.
  • Máu màu nâu: Các chất dịch màu nâu là sắc thái bình thường của máu cũ, đã bị thời gian oxy hóa. Máu màu nâu thường xuất hiện ở đầu hoặc cuối chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, trong một số trường hợp máu kinh màu nâu có thể là dấu hiệu thụ thai, do đó bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra phù hợp.
  • Máu màu đỏ sẫm: Máu màu đỏ sẫm là máu đã nằm trong tử cung một thời gian nhưng không đủ lâu để bị oxy hóa thành màu nâu hoặc đen. Máu đỏ sẫm có thể là dấu hiệu kết thúc chu kỳ, đặc biệt là khi dòng chảy bắt đầu chậm lại.
  • Máu màu đỏ tươi: Chu kỳ kinh nguyệt có thể bắt đầu bằng máu màu đỏ tươi, điều này có nghĩa là máu chảy nhanh và không bị đọng lại ở tử cung. Máu đỏ tươi có thể xuất hiện trong toàn bộ thời gian chu kỳ và chậm lại khi gần kết thúc chu kỳ. Tuy nhiên, đôi khi máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu nhiễm trùng (như chlamydia và lậu), polyp hoặc u xơ. Do đó, nếu cảm thấy lo lắng, bạn nên đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
  • Máu màu hồng: Máu màu hồng thường xuất hiện ở đầu và cuối chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể là dấu hiệu máu đã bị trộn lẫn với một số chất có trong tử cung. Máu hồng có thể là do nồng độ Estrogen thấp hoặc là dấu hiệu của tình trạng sẩy thai sớm.
  • Máu màu cam: Khi trộn lẫn với dịch cổ tử cung, máu kinh cũng có thể có màu cam. Máu màu cam có thể là dấu hiệu nhiễm trùng vi khuẩn hoặc các bệnh qua đường tình dục. Ngoài ra, máu cam cũng có thể xuất hiện trong quá trình tạo phôi thai, do đó bạn nên áp dụng các phương pháp thử thai hoặc đến bệnh viện để kiểm tra.
  • Máu kinh màu xám: Máu kinh màu xám hoặc trắng nhạt là một tình trạng bất thường và cần đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc sẩy thai sớm.

3. Các vấn đề bất thường ở máu kinh

Một số vấn đề bất thường phổ biến về máu kinh ở phụ nữ thường bao gồm:

  • Xuất hiện cục máu đông: Cục máu đông trong thời kỳ kinh nguyệt có thể là một hiện tượng bình thường nếu xuất hiện với số lượng ít và không thường xuyên. Tuy nhiên các cục máu đông lớn, số lượng nhiều, xuất hiện dai dẳng trong tất cả các chu kỳ hoặc kèm theo các dấu hiệu như đau vùng chậu, có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như u xơ hoặc lạc nội mạc tử cung.
  • Mùi bất thường: Máu kinh không nên có mùi lạ. Mùi hôi thường liên quan đến các vấn đề như nhiễm trùng âm đạo hoặc các bệnh lý tình dục cần điều trị phù hợp.
  • Màu sắc bất thường: Máu kinh có thể có nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm cả đỏ sẫm và màu đen. Tuy nhiên, các màu sắc bất thường như xám, trắng nhạt cần được xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp.
  • Khối lượng máu bất thường: Kinh nguyệt nặng hoặc rong kinh cần được đánh giá mức độ nghiêm trọng và cải thiện phù hợp để tránh tình trạng thiếu máu hoặc các bệnh lý liên quan khác.

Các vấn đề thường gặp trong chu kỳ kinh nguyệt

Một số vấn đề có thể phát sinh trong chu kỳ kinh nguyệt bao gồm:

1. Hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc căng thẳng tiền kinh nguyệt là tình trạng xuất hiện một loạt các triệu chứng về cảm xúc, tâm lý và thể chất liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Máu kinh chảy ra từ đâu
Hội chứng tiền kinh nguyệt là tình trạng thay đổi về tinh thần về thể chất trước khi chu kỳ bắt đầu

Các triệu chứng có thể xuất hiện trước vài ngày khi chu kỳ bắt đầu. Cụ thể, các triệu chứng thường bao gồm:

  • Đau bụng hoặc đầy hơi ở bụng
  • Nổi mụn
  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu
  • Cáu gắt hoặc dễ nổi giận
  • Đau bụng hoặc đau lưng
  • Tâm trạng thay đổi, dễ buồn và tổn thương
  • Mất ngủ
  • Thiếu tập trung
  • Ngực sưng hoặc mềm
  • Tăng cân nhẹ

Ngoài ra, các yếu tố được cho là có thể khiến các triệu chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng bao gồm:

  • Tiêu thụ caffeine cao
  • Căng thẳng
  • Có tiền sử trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần
  • Hút thuốc và uống rượu
  • Có tiền sử gia đình Hội chứng tiền kinh nguyệt
  • Tiêu thụ lượng vitamin, khoáng chất thấp

Hầu hết các triệu chứng có thể được cải thiện khi chu kỳ bắt đầu và kết thúc.

2. Chu kỳ kinh nguyệt không đều

Thời gian chu kỳ kinh nguyệt bình thường là khoảng 28 ngày, tuy nhiên một số người có thể có chu kỳ từ 21 – 40 ngày.

Một số phụ nữ có độ dài của chu kỳ và lượng máu chảy ra như nhau trong mỗi chu kỳ. Nhưng một số phụ nữ có thể có chu kỳ không đều. Chu kỳ không đều có thể bao gồm:

  • Thay đổi khoảng thời gian giữa các chu kỳ
  • Thay đổi lượng máu ở mỗi chu kỳ
  • Thời gian chảy máu không đồng nhất
  • Chu kỳ không đều có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và điều kiện y tế khác nhau. Tuy nhiên, chu kỳ không đều được xem là bình thường trong vòng 6 năm đầu khi bắt đầu chu kỳ kinh và trong thời kỳ mãn kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì
Kinh nguyệt không đều có thể làm tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ

Ở phụ nữ trưởng thành, cả rong kinh và kinh nguyệt không đều có thể tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn. Ngoài ra, điều này có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:

  • Tổn thương lành tính như u xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung và sẹo ở tử cung
  • Mất cân bằng của hormone
  • Rối loạn chảy máu
  • Nhiễm trùng bên trong tử cung
  • Ung thư niêm mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung

Ngoài ra, thay đổi phương pháp tránh thai và sử dụng một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều.

3. Vô kinh

Vô kinh là tình trạng một người phụ nữ ngừng kinh nguyệt hoàn toàn, thường là mất ba chu kỳ kinh liên tục. Ngoài ra, vô kinh cũng được sử dụng ở cô gái chưa có chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi 15.

vô kinh là gì
Vô kinh là tình trạng phụ nữ mất chu kỳ kinh liên tục 3 tháng

Các nguyên nhân có thể dẫn đến vô kinh thường bao gồm:

  • Tập thể dục hoặc giảm cân quá mức
  • Căng thẳng, stress, rối loạn tâm lý, trầm cảm kéo dài
  • Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc tránh thai hoặc thuốc kiểm soát sinh sản
  • Rối loạn nội tiết tố
  • Mang thai

Vô kinh thường được điều trị bằng liệu pháp hormone theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

4. Đau trong chu kỳ kinh nguyệt

Đau đớn trong chu kỳ kinh hoặc đau bụng kinh là một tình trạng y tế bao gồm đau tử cung nghiêm trọng.

Hầu hết các phụ nữ bị đau nhẹ trong chu kỳ nhưng các cơn đau nghiêm trọng ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường, được gọi là đau bụng kinh. Tình trạng này có thể cần điều trị y tế để tránh các rủi ro và biến chứng.

Một số phụ nữ có thể bị đau trước chu kỳ. Cơn đau cũng có thể xảy ra ở phụ nữ bị tắc chu kỳ kinh hoặc vô kinh. Bên cạnh đó, mất máu quá nhiều hoặc rong kinh cũng có thể dẫn đến các cơn đau.

Đau bụng kinh có thể dẫn đến một số triệu chứng và dấu hiệu như:

  • Chuột rút và đau bụng dưới
  • Bệnh tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Đau lưng dưới
  • Buồn nôn
  • Cơn đau có thể lan xuống háng, đùi và chân
  • Mệt mỏi
  • Nôn

Đau bụng kinh thường phổ biến ở các đối tượng như:

  • Phụ nữ trên 30 tuổi
  • Người hút thuốc lá
  • Thiếu cân hoặc béo phì
  • Người có chu kỳ kinh bắt đầu trước 12 tuổi

Đau bụng kinh thứ phát có thể liên quan đến một số bệnh lý ở hệ thống tiêu hóa, bao gồm lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung.

Cải thiện khó chịu trong chu kỳ

Phụ nữ bị đau bụng kinh hoặc trải qua các triệu chứng khó chịu trong chu kỳ kinh nguyệt có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện như:

thuốc đau bụng kinh
Một số loại thuốc có thể cải thiện các cơn đau và khó chịu trong chu kỳ kinh
  • Thuốc giảm đau: Đối với các cơn đau nghiêm trọng và khó chịu kéo dài, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen và aspirin để cải thiện các triệu chứng.
  • Biện pháp tránh thai: Thuốc tránh thai có thể được sử dụng để giảm đau ở các cơn đau kéo dài. Thuốc tránh thai có thể khiến niêm mạc tử cung mỏng hơn, dẫn đến co bóp ít trong chu kỳ và hạn chế các cơn đau.
  • Tập thể dục: Vận động đều đặn  và tập thể dục thường xuyên có thể cải thiện các cơn đau, khó chịu ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn: Các bài tập thở, yoga, xoa bóp và thiền định có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau và giảm căng thẳng trong chu kỳ.
  • Chườm nóng: Giữ một túi chườm nóng hoặc chai nước nóng trên bụng có thể giảm bớt sự khó chịu và giảm đau.
  • Tắm nước ấm: Tắm nước ấm có thể hỗ trợ thư giãn, cải thiện cơn đau và hạn chế tình trạng khó chịu liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Các sản phẩm sử dụng trong chu kỳ kinh nguyệt

Trong chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ sử dụng các sản phẩm để hấp thụ máu kinh dùng một lần hoặc có thể tái sử dụng nhiều lần.

1. Sản phẩm dùng một lần

  • Băng vệ sinh: Là sản phẩm có dạng khăn, miếng lót đặt trên đồ lót và có thể hấp thụ dòng chảy kinh nguyệt. Để đảm bảo an toàn và vệ sinh, băng vệ sinh nên được thay thế sau mỗi 4 giờ.
  • Tampons: Là sản phẩm hình trị được đưa vào âm đạo để hấp thụ dòng chảy kinh nguyệt. Sản phẩm thường được sản xuất từ hỗ trợ tơ, bông hoặc lông cừu được xử lý.

2. Sản phẩm có thể tái sử dụng

  • Băng vệ sinh vải: Sản phẩm thường được sản xuất từ vải cotton, terrycloth hoặc flannel. Sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần.
  • Cốc nguyệt san: Sản phẩm có dạng cốc hình phễu và được đặt trực tiếp vào âm đạo để hấp thu dòng chảy kinh nguyệt. Sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần.
  • Đồ lót hấp thụ kinh nguyệt có thể tái sử dụng: Sản phẩm được làm từ cotton có thể hấp thụ nước và máu kinh.

Kinh nguyệt là một quá trình tự nhiên của cơ thể phụ nữ. Mỗi tháng nếu không mang thai, cơ thể sẽ loại bỏ các mô không cần thiết và tạo ra chu kỳ kinh nguyệt. Nếu xuất hiện các triệu chứng đau đớn, khó chịu, thay đổi màu sắc, tần suất chu kỳ, bạn có thể trao đổi với bác sĩ phụ khoa để được hướng dẫn, điều trị phù hợp.

1.1/5 - (311 bình chọn)

GỢI Ý XEM THÊM

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *