10+ Cách trị viêm nướu răng tại nhà hiệu quả nhanh
Nội dung bài viết
Để cải thiện tình trạng sưng viêm và đau nhức mô nướu, bạn có thể áp dụng một số cách trị viêm nướu răng tại nhà như súc miệng với nước muối, sử dụng nha đam, dầu dừa, lá trầu không,… Nếu thực hiện các mẹo chữa này đúng cách và đều đặn, tổn thương ở mô nướu sẽ thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn.
10+ Cách trị viêm nướu răng tại nhà đơn giản, hiệu quả
Viêm nướu răng là một trong những vấn đề nha khoa thường gặp nhất. Bệnh lý này xảy ra khi mô nướu (mô mềm bao xung quanh răng) là bị viêm đỏ và sưng đau. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm nướu là do vôi răng tích tụ quá nhiều khiến mô nướu bị kích thích, dẫn đến hiện tượng viêm đỏ. Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như nhiễm nấm, virus, vi khuẩn, chấn thương,…
Viêm nướu là vấn đề nha khoa khá phổ biến và có mức độ nhẹ hơn so với viêm nha chu. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể áp dụng một số cách trị tại nhà để cải thiện bệnh lý này. Với những trường hợp nhẹ, các mẹo chữa tại nhà có thể khắc phục hoàn toàn tình trạng mô nướu sưng đỏ, đau nhức, chảy máu và hạn chế nguy cơ phát triển các bệnh nha khoa có mức độ nghiêm trọng.
Dưới đây là 10+ cách trị viêm nướu răng tại nhà cực kỳ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả nhanh chóng:
1. Súc miệng với nước muối – Cách trị viêm nướu răng tại nhà đơn giản
Đa phần các trường hợp bị viêm nướu là do cao răng tích tụ quá nhiều ở các chân răng. Cao răng thực chất là kết quả của quá trình khoáng hóa mảng bám do vi khuẩn Streptococcus mutan – vi khuẩn thường trú trong khoang miệng.
Khác với mảng bám sinh học (mảng bám do thức ăn thừa dính trên bề mặt răng), cao răng hoàn toàn không thể làm sạch bằng cách chải răng hay súc miệng mà bắt buộc phải tiến hành cạo vôi định kỳ để cải thiện. Tuy nhiên nếu không cạo vôi răng thường xuyên, mảng bám tích tụ dần ở chân răng gây kích thích lên mô nướu và dẫn đến hiện tượng viêm nướu.
Vì vậy để làm dịu hiện tượng viêm đỏ ở mô nướu và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn Streptococcus mutan, bạn nên súc miệng với nước muối 2 lần/ ngày. Biện pháp này không chỉ giúp làm dịu mô nướu bị tổn thương mà còn có tác dụng làm sạch răng miệng và loại bỏ mảng bám từ thức ăn thừa. Bên cạnh đó, nước muối còn có đặc tính sát trùng tự nhiên giúp mô nướu nhanh lành và hạn chế tình trạng viêm nướu phát triển thành viêm nha chu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Pha ½ thìa muối biển vào 1 cốc nước (khoảng 300ml)
- Khuấy đều và súc miệng kỹ trong vòng 30 giây
- Nên thực hiện đều đặn 2 lần/ ngày để giảm sưng đỏ mô nướu và hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn Streptococcus mutan
Nếu có thể, bạn nên sử dụng muối biển thay vì muối đã qua tinh chế. Muối biển chứa hàm lượng khoáng chất cao có thể cải thiện độ chắc khỏe, giúp duy trì hàm răng trắng sáng và giảm thiểu nguy cơ sâu răng.
2. Chữa viêm nướu răng tại nhà bằng nha đam
Nha đam là thảo dược tự nhiên được sử dụng để chế biến các loại thức uống thơm ngon hoặc được dùng để chăm sóc da, móng và tóc. Ngoài ra, thảo dược này còn được tận dụng để điều trị một số bệnh nha khoa như viêm nướu, sâu răng và viêm nha chu.
Với hàm lượng nước, vitamin và khoáng chất dồi dào, nha đam có thể làm dịu mô nướu bị sưng nóng và chảy máu. Bên cạnh đó, dịch chiết từ thảo dược này còn có tác dụng kháng khuẩn, virus và ức chế nấm men mạnh. Các nghiên cứu cũng cho thấy, nha đam có hiệu quả ức chế đối với vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus, Shigella, nấm sợi và một số loại virus thường gây bệnh ở người.
Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 cũng nhận thấy, nha đam có tác dụng giảm tình trạng viêm nướu và sâu răng tương tự như Chlorhexidine. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tận dụng loại thảo dược tự nhiên này để cải thiện tình trạng viêm nướu răng và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa thường gặp.
Cách thực hiện mẹo chữa viêm nướu tại nhà bằng nha đam:
- Rửa sạch nha đam, gọt bỏ vỏ và cạo lớp mủ
- Sau đó, dùng gel nha đam thoa trực tiếp lên mô nướu bị sưng đỏ và đau nhức
- Để trong 3 – 5 phút và súc miệng lại với nước sạch
- Hoặc bạn có thể dùng nha đam đun sôi với nước và sử dụng nước nha đam súc miệng hằng ngày
3. Cách trị viêm nướu răng đơn giản bằng dầu dừa
Dầu dừa là tinh dầu tự nhiên chứa hàm lượng dinh dưỡng phong phú và dồi dào. Tinh dầu này thường được sử dụng để chăm sóc da, tóc, móng và hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý da liễu thường gặp như viêm da tiết bã nhờn, vảy nến, chàm,… Ngoài ra, dầu dừa còn được tận dụng để cải thiện tình trạng viêm nướu răng.
Cách chữa viêm nướu răng bằng dầu dừa là mẹo trị bệnh có nguồn gốc từ dân gian nhưng hiện nay vẫn được áp dụng phổ biến. Bởi hiệu quả điều trị của nguyên liệu này đã được khoa học công nhận. Các nghiên cứu cho thấy, axit lauric (chiếm hơn 50% trong tổng số các axit béo) trong dầu dừa có khả năng tiêu diệt nấm men, virus và vi khuẩn.
Chính vì vậy, dùng dầu dừa súc miệng có thể phòng ngừa viêm nhiễm mô nướu, cân bằng môi trường sinh lý trong khoang miệng và giúp duy trì hàm răng chắc khỏe. Ngay cả khi không bị viêm nướu răng, bạn cũng thể súc miệng bằng dầu dừa thường xuyên để duy trì hàm răng chắc khỏe, hạn chế tình trạng hôi miệng và một số vấn đề nha khoa khác.
Hướng dẫn thực hiện:
- Cho khoảng 1 thìa dầu dừa vào 300ml nước ấm
- Khuấy đều và súc miệng kỹ trong 1 – 2 phút
- Đợi trong 10 – 15 phút để axit lauric trong dầu dừa tiêu diệt vi khuẩn
- Cuối cùng, chải răng như bình thường để làm sạch hoàn toàn dầu dừa
4. Súc miệng bằng nước lá trầu không – Cách chữa viêm nướu răng dân gian
Lá trầu không là vị thuốc nam quen thuộc được sử dụng để điều trị một số bệnh thường gặp như mề đay, chàm và các bệnh phụ khoa. Ngoài ra nhờ đặc tính kháng sinh mạnh, thảo dược này còn được sử dụng để cải thiện viêm nướu răng và một số vấn đề nha khoa khác.
Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, tinh dầu từ lá trầu không có khả năng ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm và virus thường gây bệnh ở người. Bên cạnh đó, thảo dược này còn có tác dụng giảm đau và sưng đỏ ở mô nướu. Đồng thời khử mùi hôi khó chịu và mang lại hơi thở thơm mát.
Vì vậy trong trường hợp viêm nướu răng có mức độ nhẹ, bạn có thể súc miệng bằng nước lá trầu không 2 lần/ ngày để cải thiện. Ngoài ra người có nguy cơ mắc các bệnh nha khoa cao như hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng đồ ngọt,… cũng có thể áp dụng biện pháp này để cải thiện sức khỏe răng miệng và phòng ngừa các bệnh nha khoa thường gặp.
Cách thực hiện mẹo trị viêm nướu răng bằng lá trầu không:
- Chuẩn bị khoảng vài lá trầu không tươi
- Đem rửa sạch và giã nát, vắt lấy nước cốt
- Sau đó, hòa nước lá trầu không với 1 ít nước sôi để nguội
- Dùng nước súc miệng hằng ngày để giảm viêm nướu và ngăn ngừa sâu răng
Nếu có thể, bạn nên nhai trực tiếp lá trầu không để tăng hiệu quả kháng khuẩn. Sau khi nhai, cần nhổ bỏ bã và nước. Thực hiện đều đặn 1 – 2 lần/ ngày trong vài ngày có thể giảm tình trạng sưng đau mô nướu rõ rệt.
5. Chữa viêm nướu răng tại nhà bằng đinh hương
Đinh hương là vị thuốc quý trong Đông y. Thảo dược này có vị cay tê, tính ấm và mùi thơm đặc trưng. Chính vì vậy từ lâu đời, đinh hương đã được sử dụng để cải thiện tình trạng hôi miệng và một số bệnh lý nha khoa thường gặp.
Nghiên cứu khoa học nhận thấy, hợp chất Eugenol trong thảo dược này cao gấp 20 lần so với các dược liệu khác. Eugenol có tác dụng kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của virus và nấm men hiệu quả. Một số thực nghiệm lâm sàng được thực hiện cũng cho thấy, đinh hương đem lại hiệu quả rõ rệt trong điều trị viêm nướu và một số bệnh răng miệng thường gặp khác.
Ngoài ra, đinh hương còn được sử dụng để giảm hôi miệng do viêm nướu răng dai dẳng, do thói quen hút thuốc lá, trào ngược dạ dày hoặc do thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm nặng mùi.
Hướng dẫn thực hiện:
- Sử dụng 1 nụ đinh hương khô, nhai và ngậm
- Sau khoảng 2 – 3 phút, nhổ đinh hương và súc miệng bằng nước sạch
- Hoặc có thể hòa tinh dầu đinh hương với nước ấm và súc miệng hằng ngày
6. Súc miệng bằng nước gừng tươi – Cách chữa viêm nướu răng từ dân gian
Gừng tươi (sinh khương) là vị thuốc nam được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, gừng còn là loại gia vị được sử dụng phổ biến để gia tăng hương vị món ăn và làm giảm tính hàn, mùi tanh trong một số loại thực phẩm. Bên cạnh đó với đặc tính khử mùi hôi và kháng khuẩn mạnh, gừng còn được sử dụng để điều trị viêm nướu răng.
Tinh dầu từ thảo dược này có khả năng loại bỏ mùi hôi khó chịu do sự tăng sinh quá mức của các loại vi khuẩn thường trú trong khoang miệng. Bên cạnh đó, gừng còn chứa Gingerol và 6-Shogaol có tác dụng chống viêm và giảm sưng đau hiệu quả. Súc miệng bằng nước gừng tươi 1 – 2 lần/ ngày có thể cải thiện tình trạng viêm nướu, mang lại hơi thở thơm mát và giúp duy trì sức khỏe răng miệng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 1 củ gừng tươi và 1 ít muối biển
- Rửa sạch gừng, giã nát và vắt lấy nước cốt
- Sau đó, hòa nước gừng với 300ml nước sôi để nguội và khuấy đều với 1 ít muối biển
- Súc miệng bằng nước gừng tươi đều đặn 2 lần/ ngày
7. Đắp tỏi tươi chữa viêm nướu răng tại nhà
Tỏi là loại gia vị quen thuộc đối với người Việt. Tuy nhiên ngoài tác dụng gia tăng hương vị món ăn, tỏi còn là cây thuốc nam quý có nhiều công dụng chữa bệnh. Hiện nay, khoa học cũng đã nghiên cứu và công nhận một số tác dụng của tỏi như chống oxy hóa, kháng khuẩn, nấm, virus, thúc đẩy tuần hoàn máu và giúp xương chắc khỏe.
Với đặc tính kháng sinh mạnh, tỏi tươi được sử dụng để điều trị viêm nướu răng và một số bệnh lý nha khoa thường gặp. Ngoài tác dụng kháng sinh, thảo dược này còn cung cấp cho răng miệng hàm lượng khoáng chất và vitamin dồi dào giúp cải thiện các lỗ sâu li ti trên bề mặt răng.
Cách thực hiện mẹo chữa viêm nướu răng bằng tỏi:
- Bóc vỏ 1 tép tỏi tươi, giã nát và trộn với 1 ít muối
- Sau đó đắp trực tiếp lên vùng mô nướu bị sưng đau và cố định trong 3 – 5 phút
- Cuối cùng, nhổ bỏ tỏi và súc miệng với nước muối ấm
Tỏi có vị hăng, cay nồng nên có thể gây ra cảm giác khó chịu và xót rát. Tuy nhiên cách chữa này được đánh giá mang lại hiệu quả nhanh chóng – đặc biệt là trong những trường hợp viêm nướu gây chảy máu chân răng. Chỉ sau khoảng 2 – 3 ngày thực hiện, tình trạng viêm đỏ và sưng đau ở mô nướu sẽ được cải thiện đáng kể.
8. Điều trị viêm nướu răng tại nhà bằng tinh dầu tràm trà
Tinh dầu tràm trà là một trong những nguyên liệu tự nhiên có tác dụng kháng khuẩn và ức chế vi nấm hiệu quả. Tác dụng kháng sinh của nguyên liệu này cũng đã được chứng minh trên cơ sở khoa học. Chính vì vậy, tinh dầu tràm thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và một số bệnh lý có liên quan đến hiện tượng viêm nhiễm như viêm nha chu, sâu răng, viêm nướu,…
Hơn nữa, tinh dầu tràm có mùi thơm rất đặc trưng nên có thể loại bỏ mùi hôi miệng và mang lại hơi thở thơm mát. Bên cạnh đó một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy, nguyên liệu này có khả năng giảm hiện tượng viêm sưng ở da và mô mềm khá hiệu quả. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tận dụng tinh dầu tràm trà để cải thiện tình trạng viêm nướu răng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Thêm khoảng 5 giọt tinh dầu tràm trà vào 200ml nước sôi để nguội
- Khuấy đều và súc miệng kỹ trong 1 – 2 phút
- Có thể súc miệng từ 2 – 3 lần để làm sạch hoàn toàn mảng bám sinh học và loại bỏ các vi khuẩn có hại thường trú bên trong khoang miệng
- Nên thực hiện sau khi chải răng
9. Cam thảo – Thảo dược trị viêm nướu răng
Cam thảo là vị thuốc quý được dùng trong nhiều bài thuốc Đông y. Đây cũng là một trong số ít các loại dược liệu đã được khoa học nghiên cứu cụ thể. Một số nghiên cứu gần đây nhận thấy, rễ cam thảo chứa licorisoflavan A và licoricidin có tác dụng ức chế vi khuẩn Streptococcus mutan – nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm nướu và sâu răng.
Bên cạnh đó, thảo dược này còn chứa acid glycuronic và glycyricin có tác dụng giảm viêm và kháng dị ứng. Vì vậy, sử dụng cam thảo có thể khắc phục được tình trạng sưng đỏ mô nướu, chảy máu chân răng và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm nướu.
Hướng dẫn thực hiện:
- Nhai trực tiếp 1 – 2 lát rễ cam thảo
- Sau khi nhai, nhổ bỏ nước và bã
- Sau đó, súc miệng với nước muối ấm
- Nên thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày để nhận thấy hiệu quả rõ rệt
10. Vệ sinh răng miệng đúng cách
Viêm nướu là bệnh nha khoa tương đối phổ biến và có mức độ nhẹ. Thông thường, bệnh có thể tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, hiện tượng viêm ở mô nướu có thể gây ra cảm giác đau nhức và khó chịu.
Để làm dịu cơn đau và hạn chế tình trạng chảy máu chân răng, bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách. Biện pháp này có thể cải thiện viêm nướu và phòng ngừa các bệnh lý nha khoa khác như sâu răng, viêm nha chu,…
Cách vệ sinh răng miệng giúp cải thiện và phòng ngừa viêm nướu:
- Chải răng 2 – 3 lần/ ngày để làm sạch mảng bám sinh học và ngăn chặn sự phát triển quá mức của vi khuẩn Streptococus mutan. Tuy nhiên, cần chải răng nhẹ nhàng và chú ý làm sạch những vị trí bên trong.
- Sau khi chải răng, nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa bên trong kẽ răng. Hầu hết các trường hợp bị viêm nướu đều bắt nguồn từ cao răng hình thành ở các kẽ vì đây là vị trí rất khó làm sạch hoàn toàn bằng bàn chải.
- Sau cùng, súc miệng với nước muối hoặc các dung dịch súc miệng chuyên dụng. Trong thời gian điều trị viêm nướu, bạn có thể dùng các loại nước súc miệng chứa flour và chất sát trùng để giảm viêm ở mô nướu.
- Có thể nhai 1 – 2 viên kẹo gum không đường sau khi ăn để làm sạch thức ăn thừa và ngăn ngừa hình thành mảng bám sinh học.
11. Sử dụng thuốc kê không toa
Viêm nướu răng thường gây đau nhức nhẹ kèm theo hiện tượng chảy máu chân răng. Nếu cơn đau không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp trên, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa như:
- Paracetamol – Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Thuốc có tác dụng giảm cơn đau do viêm nướu và một số bệnh lý nha khoa khác. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn cải thiện tình trạng sốt nhẹ do tình trạng viêm nhiễm mô nướu gây ra.
- Thuốc chống viêm không steroid – Ngoài Paracetamol, bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac, Naproxen,… để cải thiện cơn đau. Khác với Paracetamol, nhóm thuốc này còn giúp giảm hiện tượng sưng viêm ở mô nướu nhanh chóng.
Sử dụng thuốc không kê toa chỉ giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm nướu răng. Vì vậy, bạn nên giữ vệ sinh răng miệng đúng cách và kết hợp với một số mẹo chữa từ nguyên liệu tự nhiên để khắc phục tình trạng triệt để.
Một số lưu ý khi điều trị viêm nướu răng tại nhà
Viêm nướu là vấn đề răng miệng rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh lý này thường chỉ gây đau nhức nhẹ kèm chảy máu chân răng và hoàn toàn có thể cải thiện bằng các biện pháp tại nhà.
Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị các vấn đề nha khoa. Vì vậy, bạn cần thực hiện biện pháp này trước khi áp dụng các mẹo chữa khác.
- Đa phần các cách chữa viêm nướu răng từ dân gian và nguyên liệu tự nhiên đều có hiệu quả khá chậm. Do đó, nên thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày trong khoảng vài ngày để nhận thấy chuyển biến tích cực.
- Bên cạnh các biện pháp cải thiện, nên chú ý thói quen ăn uống. Trong thời gian điều trị, cần bổ sung rau xanh, sữa chua và trái cây. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường, hương liệu, chất bảo quản, món ăn mặn và có nhiều gia vị cay nóng. Sử dụng các loại thực phẩm không phù hợp có thể kích thích phản ứng viêm ở mô nướu và làm gia tăng mức độ cơn đau.
- Trong trường hợp viêm nướu răng không cải thiện sau khoảng 1 tuần, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tình trạng chủ quan có thể làm tăng nguy cơ phát triển thành viêm nha chu và gây mất răng vĩnh viễn.
Hy vọng qua 10+ cách trị viêm nướu răng tại nhà được tổng hợp trong bài viết, bạn đọc có thể xử lý tình trạng viêm đỏ và đau nhức ở mô nướu nhanh chóng. Tuy nhiên, cần chú ý thực hiện đều đặn để mang lại hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, cần cân nhắc tìm gặp bác sĩ nếu tình trạng không có cải thiện khi điều trị tại nhà hoặc có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!