Sâu Răng: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị Hiệu Quả

Sâu răng không phải là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nhưng do chủ quan, nhiều người để răng bị sâu quá nặng dẫn đến viêm tủy, đau nhức khó chịu, thậm chí là phải nhổ bỏ răng. Bệnh lý nha khoa này xảy ra chủ yếu là do vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc do thói quen ăn nhiều đồ ngọt. Hiểu đúng về nguyên nhân gây sâu răng chính là chìa khóa giúp bạn xây dựng được kế hoạch ngăn ngừa và điều trị sâu răng hiệu quả.

Sâu răng là gì?

Sâu răng là một trong những vấn đề về nha khoa có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng nhất hiện nay. Từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi, bất cứ ai cũng có thể bị sâu răng.

Tình trạng sâu răng được xếp vào nhóm các bệnh lý nhiễm khuẩn. Đây được xem là hậu quả khi có sự kết hợp giữa vi khuẩn trú ẩn trong mảng bám răng với thói quen ăn uống nhiều đường và men răng dễ bị ảnh hưởng. Quá trình tổng hòa giữa ba yếu tố trên làm xuất hiện của lỗ nhỏ ở các mặt của răng dẫn đến sự thay đổi của cấu trúc răng và có thể ảnh hưởng không tốt đến tủy răng.

Sâu răng là gì
Sâu răng là hiện tượng men răng bị vi khuẩn và axit tấn công tạo ra các lỗ trên răng

Khi mới phát triển, sâu răng thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp ngăn chặn từ sớm, tình trạng này sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn gây tổn thương nghiêm trọng đến cấu trúc răng, khiến răng bị đau nhức và gây mùi hôi khó chịu cho hơi thở của bạn. Sâu răng cũng được xem là tiền đề của nhiều bệnh lý nha khoa nguy hiểm khác như viêm tủy răng, viêm nướu, viêm quanh chân răng hay thậm chí là mất răng. Chính vì vậy, bạn không nên xem nhẹ tình trạng này.

Nguyên nhân sâu răng

Quá trình sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất đường bột kích thích khoang miệng tiết ra một lượng lớn dung dịch axit. Chất này có thể gây bào mòn và khiến men răng bị suy yếu. Đây chính là điều kiện để một số loại vi khuẩn có sẵn trong khoang miệng phát triển, hình thành lên mảng bám và tấn công trực tiếp vào men răng dẫn đến sâu răng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sâu răng như:

  • Di truyền: Nếu trong gia đình có cha mẹ, ông bà bị sâu răng hoặc men răng kém thì thế hệ con cháu của họ cũng có nguy cơ cao bị sâu răng nếu được di truyền bộ mã gen quy định.
  • Đánh răng không thường xuyên: Theo khuyến cáo của các bác sĩ nha khoa, mỗi ngày chúng ta nên đánh răng ít nhất 2 lần, đặc biệt là sau khi ăn đồ ngọt hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Răng không được làm sạch thường xuyên chính là điều kiện thuận lợi thúc đẩy vi khuẩn phát triển và tấn công vào men răng.
  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Chải răng sơ xài, không đúng cách khiến cho các mặt răng cũng như về mặt lưỡi không được làm sạch cũng khiến vi khuẩn sinh trưởng mạnh dẫn đến sâu răng.
  • Thói quen ăn đồ ngọt: Một số người có sở thích ăn ngọt, thường xuyên ăn bánh kẹo hoặc sử dụng nhiều đường khi nấu nướng. Đây chính là thức ăn ưa thích của vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng.
  •  Ăn vặt: Đồ ăn vặt, chẳng hạn như bánh quy, ngũ cốc, sữa, snack hay một số loại trái cây có chứa nhiều đường và axit. Chúng có thể bám vào bề mặt răng và gây hại cho men răng. Đặc biệt nếu bạn thường xuyên sử dụng các thức ăn này vào buổi tối trước khi đi ngủ mà không đánh răng sạch sẽ thì nguy cơ bị sâu răng rất cao.
  • Sinh thiếu tháng: Đây là nguyên nhân gây sâu răng thường gặp ở trẻ em. Trẻ sinh non thường bị khiếm khuyết về men răng nên răng dễ bị mẻ và bị sâu.
  • Cơ thể thiếu nước: Trong khoang miệng, nước bọt không chỉ giúp cung cấp các enzym tiêu hóa thức ăn mà còn tham gia vào quá trình làm sạch mảng bám, đồng thời bổ sung khoáng chất giúp trung hòa axit, kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên việc không bổ sung đủ nước cho cơ thể sẽ khiến miệng bạn bị khô. Lượng nước bọt tiết ra ít gây hình thành mảng bám trên răng và khiến cho vi khuẩn, axit có cơ hội tấn công vào men răng làm răng bị sâu.
  • Hàm răng yếu, có dấu hiệu nứt vỡ: Chân răng yếu hoặc răng bị nứt vỡ đều thúc đẩy sự hình thành của mảng bám trên răng. Điều này có thể khiến vi khuẩn bùng phát dẫn đến sâu răng.
  • Tiếp xúc với người bị sâu răng: Vi khuẩn gây sâu răng trong khoang miệng có thể lây cho người khác thông qua tiếp xúc nước bọt khi bạn dùng chung bát đũa, ly uống nước hay bàn chải đánh răng…
  • Lớn tuổi: Theo sự gia tăng của tuổi tác, lớp men răng có thể bị mài mòn kết hợp với sự sụt giảm của lưu lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng khiến răng dễ bị sâu.
  • Tụt nướu: Hiện tượng tụt nướu có thể xảy ra do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Lúc này, mảng bám chân răng dễ hình thành và trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển và tấn công vài trong ngà răng, thậm chí là chân răng. Sâu răng chính là một hậu quả tất yếu.
  • Thiếu Fluor: Đây là vi chất quan trọng cấu tạo nên xương và răng. Chất này thường có trong kem đánh răng và một số loại thực phẩm. Lượng Fluor tiêu thụ không được đảm bảo khiến cho vi khuẩn dễ dàng tấn công vào gây sâu răng.

Dấu hiệu sâu răng

Một số triệu chứng dưới đây có thể giúp bạn nhận biết sâu răng:

  • Răng nhạy cảm, dễ bị đau nhói khi ăn đồ cứng, đồ ngọt, các món nóng hay uống nước lạnh
  • Có hiện tượng đau nhức trong răng
  • Mặt trên, mặt trong hay mặt ngoài răng xuất hiện chấm đen hay vết đen
  • Xuất hiện một lỗ nhỏ ở khu vực bị sâu. Trường hợp sâu răng nặng có thể gây ra lỗ to trong răng hoặc thậm chí khiến răng bị mẻ.
  • Có thể hình thành mủ quanh răng
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Các triệu chứng sâu răng khác có thể gặp: Chảy máu chân răng, nướu sưng đỏ, hở nướu, chân răng yếu, không chặt.
dấu hiệu Sâu răng
Răng bị sâu thường có điểm đen và lổ hổng trên bề mặt răng

Quá trình phát triển của sâu răng

Hiện tượng sâu răng xảy ra theo quá trình như sau:

  • Hình thành mảng bám:

Trong khoang miệng của chúng ta có thể chứa nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Một số loại phát triển mạnh khi bạn tiêu thụ đồ ngọt, ăn các thực phẩm chứa nhiều tinh bột đường nấu chín sản sinh ra nhiều carbohydrates qua quá trình lên men tinh bột. Khi không được làm sạch, chất này sẽ được vi khuẩn chuyển đổi thành axit.

Sự kết hợp giữa vi khuẩn, axit và các hạt thức ăn sẽ tạo thành mảng bám dính vào bề mặt răng. Nếu sử dụng đầu lưỡi di chuyển dọc theo răng, bạn có thể cảm nhận được rõ ràng sự hiện diện của mảng bám. Nó hơi thô, xuất hiện chủ yếu ở mặt trong của răng, đặc biệt là khu vực dọc theo đường nướu.

  • Mảng bám tấn công vào men răng:

Theo thời gian, vi khuẩn và axit trong mảng bám bắt đầu tấn công từ trên lớp bề mặt cứng bao bọc bên ngoài răng, được gọi là men răng. Sự sói mòn của men răng sẽ gây ra các lỗ nhỏ hay lỗ hổng lớn bên trong – điểm đặc trưng thường thấy ở răng bị sâu.

Khi men răng bị mòn, vi khuẩn cùng với axit tiếp tục tấn công vào lớp tiếp theo của răng (ngà răng). So với men răng thì ngà răng mềm hơn nên khả năng chống lại các yếu tố gây hại cũng kém hơn.

  • Tiếp tục tiêu hủy:

Khi không có biện pháp can thiệp, quá trình sâu răng vẫn tiếp tục diễn ra. Vi khuẩn và axit sau khi tấn công qua các lớp răng thì tiến sâu vào cạnh tủy răng. Khu vực này là nơi chứa các dây thần kinh và mạch máu. Khi bị ảnh hưởng, tủy răng trở nên sưng, nhạy cảm và thường xuyên bị đau nhức dữ dội.

Lúc này, cơ thể sẽ đối phó lại vi khuẩn bằng cách tăng cường sản xuất các tế bào bạch cầu để chống lại tình trạng nhiễm trùng trong tủy. Quá trình này có thể gây ra hiện tượng áp xe răng.

Các vị trí thường bị sâu răng

Khi trưởng thành, mỗi người thường có 32 chiếc răng. Tình trạng sâu răng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào. Mặc dù vậy, răng hàm có lẽ là vị trí răng dễ bị sâu nhất.

Răng hàm bao gồm một nhóm răng mọc ở vị trí cuối cùng trong hàm. Nó giữ chức năng bảo vệ xương hàm, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ chính trong việc nhai và nghiền nát thức ăn. Do phải thường xuyên hoạt động và tiếp xúc với thức ăn nên men răng hàm cũng dễ bị mài mòn, suy yếu. Răng có vị trí nằm trong sâu nên khó quan sát cũng như làm sạch khi bạn chải răng. Bên cạnh đó, với cấu tạo đặc thù bao gồm nhiều rãnh lõm vào trong, vi khuẩn và các mẩu thức ăn dư thừa có thể dễ dàng tích tụ và bám vào bề mặt răng khiến cho răng hàm của bạn bị sâu.

nguyên nhân sâu răng
Răng hàm là vị trí răng dễ bị sâu nhất do thường xuyên phải nhai thức ăn và khó làm sạch

Trong số các răng hàm thì vị trí răng số 6 tính từ răng cửa trở vào là có tỷ lệ bị sâu rất cao. Chiếc răng này mọc khá sớm ngay từ khi bạn còn bé và là răng vĩnh viễn. Chính vì vậy, nếu không được chăm sóc và vệ sinh tốt, trải qua nhiều năm đảm nhận quá trình nhai thức ăn, men răng số 6 không còn đảm bảo được độ chắc chắn và dễ bị sâu.

Tác hại của sâu răng

Ở mức độ nhẹ, sâu răng không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu để sâu răng phát triển nặng hoặc số lượng răng sâu nhiều bạn có thể phải đối mặt với nhiều tác hại như:

– Ảnh hưởng đến tâm lý:

Khi ảnh hưởng đến tủy, sâu răng gây đau nhức khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, mất tập trung trong công việc. Tình trạng này xảy ra ở trẻ cũng khiến bé quấy khóc, khó chịu trong người.

– Gây ra các vấn đề về răng miệng:

Sâu răng không chỉ gây viêm tủy, hoại tử tủy mà còn là tiền đề phát triển nhiều vấn đề răng miệng khác như:

  • Áp xe quanh răng
  • Viêm chân răng
  • Viêm nướu
  • Viêm nha chu
  • Hôi miệng
  • Viêm quanh chóp răng
  • Hỏng răng, mất răng

Gây khó khăn trong ăn uống

Răng bị sâu nặng sẽ trở nên yếu và đau nhức dữ dội mỗi khi bạn nhai và nghiền nát thức ăn. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc ăn uống, đặc biệt là khi bạn sử dụng các thức ăn có độ thô, cứng hoặc dai.

Trẻ bị sâu răng có thể chán ăn, bỏ ăn dẫn đến giảm cân, suy dinh dưỡng.

– Mất thẩm mỹ:

Răng bị sâu thường xuất hiện các chấm đen và lỗ hổng. Điều này khiến hàm răng trở nên mất thẩm mỹ. Nhất là khi bạn bị sâu ở răng cửa thì có thể mất tự tin khi nói, cười.

– Mất răng sớm:

Những răng bị sâu nghiêm trọng bắt buộc phải nhổ sẽ gây ra tình trạng mất răng sớm, làm ảnh hưởng đến chức năng nhai.

Răng bị mất sớm cũng có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc của khung xương hàm. Nó làm chậm lại quá trình mọc răng vĩnh viễn và có thể khiến cho răng mới mọc trở lên lộn xộn, mất thẩm mỹ.

– Ảnh hưởng đến trí não:

Răng bị sâu có thể khiến cho một số động mạch trong máu bị thu hẹp, từ đó tác động tiêu cực đến chức năng hoạt động của não bộ. Một số bé bị sâu răng phải nhổ quá sớm cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.

– Đe dọa đến tính mạng:

Hiếm khi sâu răng gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên bạn cũng nên thận trọng bởi sâu răng có thể gây hoại tử, nhiễm trùng vùng hàm mặt hoặc nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng máu đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

Cách điều trị sâu răng

Có nhiều phương pháp hiện đang được áp dụng để điều trị sâu răng. Tùy vào tình trạng sâu, vị trí răng bị sâu hay tuổi tác của bệnh nhân mà lựa chọn cách chữa trị phù hợp.

1. Sử dụng thuốc trị sâu răng

Đối với các vết sâu mới hình thành, bác sĩ có thể chỉ định bôi gel fluoride hay một số loại thuốc sinh học khác để điều trị. Thuốc có tác dụng tại chỗ, tác động trực tiếp lên vùng bị sâu nhằm kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, bảo vệ men răng.

thuốc trị sâu răng
Một số loại thuốc tây có thể được bác sĩ kê đơn để điều trị sâu răng

Ngoài ra, một số đối tượng có thể được kê đơn kèm theo các thuốc khác như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm hay thuốc kháng sinh nếu có biểu hiện đau nhức trong răng, viêm nướu hay áp xe chân răng.

2. Trám răng sâu

Ở giai đoạn nhẹ, lỗ sâu trên răng còn nhỏ và chưa ảnh hưởng đến tủy, trám răng được xem là sự lựa chọn tối ưu. Phương pháp này có tác dụng ngăn chặn không cho vi khuẩn và axit tiếp tục tấn công vào bên trong tủy răng bằng cách lấp kín lại lỗ hổng do sâu răng để lại.

Khi thực hiện, các vết đen trên răng sẽ được làm sạch. Tiếp theo đó, bác sĩ sẽ sử dụng một vật liệu đặc biệt trong nha khoa để bít đầy lỗ hổng. Bề mặt vết trám sau đó được xử lý để tái tạo lại cấu trúc răng thật sao cho không khiến bệnh nhân có cảm giác cộm cấn khó chịu.

Căn cứ vào tình trạng sâu răng, điều kiện tài chính cũng như mong muốn của người bệnh mà bác sĩ nha khoa có thể tư vấn cho bạn một trong hai loại trám răng gồm trám thông thường và trám thẩm mỹ. Những phương pháp này sử dụng các vật liệu trám như Amalgam, Composite hay Xi – măng silicat…

3. Điều trị cho các trường hợp sâu răng ảnh hưởng đến tủy

Trường hợp bị sâu răng nặng lan rộng vào trong tủy dẫn đến viêm tủy thì cần tiến hành điều trị tủy. Khi thực hiện, bác sĩ tiến hành lấy hết các mô tủy bị viêm để loại bỏ vi khuẩn và làm sạch ống tủy. Cuối cùng, sử dụng vật liệu trám để bít kín ống tủy, ngăn chặn không cho vi khuẩn có cơ hội tiếp tục tấn công vào bên trong. Do tủy răng không còn nên kết thúc điều trị, cảm giác đau nhức, ê buốt chân răng cũng sẽ biến mất.

điều trị tủy cho bệnh nhân bị sâu răng
Trường hợp sâu răng gây viêm tủy thì cần hút hết các mô tủy bị viêm và trám hay bọc lỗ thủng lại

Tuy nhiên, nếu phạm vi sâu răng rộng hoặc chân răng bị suy yếu, bệnh nhân sẽ được đề nghị bọc răng thay vì trám. Sau khi lấy hết tủy và loại bỏ khu vực răng bị sâu, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ bọc răng được thiết kế phù hợp với phần còn lại của răng để chụp lên trên. Phần bọc răng có thể được làm từ chất liệu kim loại, sứ hay vàng.

4. Bọc răng sứ chữa sâu răng

Một số bệnh nhân bị sâu răng nặng gây phá hủy hoàn toàn cấu trúc răng, tủy răng nhưng vẫn giữ được chân răng thì bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân phương pháp bọc răng sứ nhằm tránh bị mất răng.

Trước tiên, bệnh nhân được vệ sinh răng miệng sạch sẽ kết hợp xử lý chỗ bị sâu, mài cùi răng và tiến hành bọc răng sứ ở bên ngoài. Mão răng sứ được sử dụng là một vật liệu cứng, có khả năng chịu lực cao. Nó giúp khôi phục lại cấu trúc của răng thật, đồng thời đảm bảo duy trì được chức năng nhai thức ăn cho răng.

5. Nhổ răng và trồng răng giả

Nếu sâu răng gây lung lay hoặc mục nát không thể giữ lại, bệnh nhân sẽ được đề nghị nhổ bỏ răng bị sâu. Nếu cần thiết có thể trồng răng giả thay thế vào vị trí răng cũ để vẫn duy trì được khả năng nhai nghiền thức ăn và đảm bảo về mặt thẩm mỹ.

cách chữa sâu răng
Nhổ răng là một trong những phương pháp được lựa chọn để điều trị sâu răng cho những trường hợp bị nặng

6. Điều trị sâu răng bằng phương pháp tái khoáng

Phương pháp tái khoáng thường được áp dụng để điều trị sâu răng cho trẻ em. Với những lỗ sâu nhỏ, thay vì áp dụng biện pháp trám răng, nha sĩ sẽ đề nghị bổ sung các khoáng chất cần thiết giúp cho răng chắc khỏe hơn và có khả năng tự phục hồi các lỗ răng bị sâu.

Các khoáng chất có thể giúp cải thiện tình trạng sâu răng bao gồm:

  • Canxi: Đây là thành phần chính có trong xương và răng. Cơ thể được bổ sung đầy đủ canxi giúp răng chắc khỏe và giảm thiểu nguy cơ bị sâu. Một số trường hợp răng yếu và dễ bị sâu, vỡ do chế độ ăn không cung cấp đủ canxi hoặc không dung nạp tốt. Bác sĩ có thể đề nghị uống thuốc bổ sung canxi kết hợp thực hiện chế độ ăn bao gồm các thực phẩm giàu canxi để răng chắc khỏe và nhanh chóng phục hồi lỗ sâu.
  • Vitamin D3: Loại vitamin này giúp làm tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể. Bằng cách tăng cường các hoạt động ngoài trời và hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa acid phytic có thể giúp làm tăng lượng vitamin D3 cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung vitamin D3 qua thuốc hay một số thực phẩm như sữa chua, trứng, sữa tươi, bột yến mạch, nước cam…
  • Flour: Chất này được bổ sung qua kem đánh răng hoặc thông qua nguồn thực phẩm như các loại hải sản ( tôm, cua,…), khoai tây hay nho khô. Flour giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị sâu răng bằng cách bảo vệ men răng, đồng thời tăng cường sức khỏe cho răng miệng.
  • Collagen: Nếu như Collagen type 1 là thành phần quan trọng cấu thành lên ngà răng, xương răng thì Collagen type 17 lại tham gia vào quá trình chu chuyển men răng. Bác sĩ có thể đề nghị bạn bổ sung các chất này nếu cần thiết.
  • Magie: Khoáng chất này được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm như bơ, các loại hạt, chuối, rau lá xanh, cá béo… Chất này giúp phát triển hoàn thiện cấu trúc răng và đảm bảo cho quá trình tái khoáng diễn ra nhanh chóng bằng cách cân bằng hàm lượng giữa vitamin D và các khoáng chất như canxi, photpho.
  • Probiotic khoang miệng: Đây là các vi sinh vật có lợi có nhiều trong tuyến nước bọt. Nó sẽ giúp làm tăng lượng khoáng chất ở khoang miệng và ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.
  • Vitamin K2: Cùng với vitamin D3, vitamin K2 giúp làm tăng lượng canxi được hấp thu vào máu, đồng thời phân bổ canxi đến nơi cần thiết.

7. Mẹo chữa sâu răng tại nhà

Một số cách trị sâu răng tại nhà cũng được nhiều người lựa chọn để khắc phục khi răng bị sâu nhẹ. Được áp dụng phổ biến nhất là những cách dưới đây:

  • Bài thuốc trị sâu răng từ lá ổi:

Thành phần Astringents được tìm thấy trong lá ổi là một chất kháng viêm, diệt khuẩn tốt. Nó giúp tiêu diệt vi khuẩn gây sâu răng, đồng thời giảm đau nhức, ngăn ngừa các biến chứng viêm lợi và áp xe chân răng cho người bị sâu răng.

Để sử dụng, bạn hãy lấy vài lá ổi đem rửa sạch, thái nhỏ. Bỏ lá vài cối giã với vài hạt muối ăn, sau đó thêm vào chút nước ấm, trộn đều lên, vắt lấy nước cốt. Dùng một cây tăm bông tiệt trùng để bôi nước lá ổi vào chỗ răng bị sâu.

Cách khắc đơn giản hơn là dùng lá ổi nấu nước đặc. Sử dụng nước này để súc miệng hàng ngày để giảm đau nhức và ức chế vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng.

  • Chữa sâu răng bằng hạt cau: 

Hạt cau thường được dân gian sử dụng để ngâm rượu làm thuốc ngậm chữa sâu răng, giúp chân răng chắc khỏe hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng.

Bạn lấy 1 kg hạt cau đem cắt nhỏ, bỏ vào bình thủy tinh ngâm cùng 3 lít rượu trắng trong 1 tháng. Khi trị sâu răng chỉ cần lấy một ít rượu ngậm vào miệng, để trong 5 – 10 phút rồi nhổ ra. Thực hiện mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng khi đã chải răng sạch sẽ.

 chữa sâu răng bằng hạt cau
Bài thuốc chữa sâu răng từ hạt cau đang được áp dụng rộng rãi trong dân gian
  • Lá bàng trị sâu răng

Lá bàng giàu saponin, tannin và các chất chống oxy hóa như flavonoid, phytosterol. Chúng giúp cải thiện các triệu chứng sâu răng nhờ khả năng kháng khuẩn mạnh, đồng thời hỗ trợ khắc phục tình trạng sưng đỏ ở nướu và chân răng.

Chuẩn bị 10 cái lá bàng non và 1/4 thìa muối biển. Lá bàng sau khi rửa sạch đem xay nhuyễn cùng với muối và 1 ly nước đun sôi để nguội. Lọc lấy nước cốt chia làm 2 – 3 lần súc miệng trong ngày.

  • Mẹo trị sâu răng bằng lá lốt:

Lá lốt cũng là vị thuốc chữa sâu răng nổi tiếng trong dân gian. Nhờ chứa nhiều hoạt chất quý, nguyên liệu này có tác dụng diệt khuẩn, giảm đau nhức ở răng bị sâu, chống sưng viêm lợi.

Dân gian thường hái lá lốt tươi về đem xay chung với một ít muối làm nước ngậm và súc miệng 2 – 3 lần trong ngày. Ngoài ra có thể dùng rễ lá lốt giã nát với vài hạt muối hột và chấm trực tiếp vào răng bị sâu vài lần mỗi ngày.

  • Bài thuốc trị sâu răng từ rượu gừng

Đặc tính giảm đau chống viêm tự nhiên từ gừng được nhiều người sử dụng như một loại vũ khí tự nhiên để chống lại sâu răng. Ngoài ra, nguyên liệu này cũng hoạt động như một chất sát trùng tại chỗ giúp ức chế sự sinh sôi của vi khuẩn gây sâu răng, ngăn ngừa viêm nha chu.

Để trị sâu răng bằng gừng không khó. Bạn chỉ cần lấy gừng tươi giã nát rồi đắp trực tiếp lên mặt răng bị sâu trong 15 phút. Mỗi ngày chăm chỉ thực hiện từ 2 – 3 lần để nhanh thấy được kết quả.

Cách phòng ngừa sâu răng

Chứng sâu răng mặc dù khá phổ biến nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc vệ sinh răng miệng đúng cách và có chế độ ăn uống cho phù hợp. Để giảm thiểu nguy cơ bị sâu răng bạn cần chú ý:

  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đường và luôn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Vi khuẩn kết hợp với bột đường chính là hai yếu tố có liên quan mật thiết đến sự phát triển của sâu răng. Khi bạn sử dụng các thực phẩm nhiều đường, chất ngọt được chuyển hóa thành axit. Chất này cùng với vi khuẩn có trong mảng bám sẽ tấn cao vào men răng tạo ra các lỗ nhỏ. Vì vậy, hãy đảm bảo đánh răng tối thiểu 2 lần mỗi ngày và cắt giảm đồ ngọt trong thực đơn để chứng sâu răng không có cơ hội phát triển.
  • Súc miệng thường xuyên với nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước súc miệng bán sẵn trên thị trường. Thói quen này giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng và ngăn chặn sự hình thành của mảng bám, qua đó giảm nguy cơ bị sâu răng.
  • Đánh răng đúng cách, chải kỹ các mặt răng và làm sạch cả bề mặt lưỡi trước khi súc miệng trở lại.
  • Lựa chọn bài chải đánh răng có kích cỡ phù hợp, đầu lông tơ mềm, đủ rộng để bao phủ bề mặt men răng và có khả năng len lỏi vào sâu trong các kẽ răng để loại bỏ mẩu thức ăn dính bên trong.
  • Thời gian đánh răng lý tưởng mỗi lần là 2 – 3 phút nhằm đảm bảo toàn bộ mặt trên, mặt trong và ngoài răng được chải sạch hoàn toàn. Không đánh răng một cách sơ sài.
  • Càng sử dụng lâu, đầu lông bàn chải càng bị mài mòn, hư hỏng. Bạn nên thay bàn chải mới sau mỗi 3 tháng sử dụng.
  • Định kỳ khám nha khoa và cạo vôi răng ( men răng) 6 tháng một lần để loại bỏ ổ vi khuẩn, ngăn ngừa sâu răng và các bệnh lý răng miệng.
  • Sử dụng chỉ nha khao để có thể làm sạch các kẽ răng ở bên trong, đặc biệt là răng khôn hay răng hàm vì những nơi này thường khó làm sạch.

Sâu răng bản chất không phải là một vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe nhưng bạn cũng không nên xem nhẹ khiến răng ngày càng sâu nặng tới mức ảnh hưởng đến tủy hoặc phải nhổ bỏ. Ngay khi phát hiện răng bị sâu, bạn nên tìm đến các phòng khám nha khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Bạn có thể tham khảo thêm

5/5 - (2 bình chọn)

BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *