Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu tính từ ngày nào?
Nội dung bài viết
Chu kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ mô tả các thay đổi trong cơ thể phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Tìm hiểu chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu tính từ ngày nào để có các biện pháp xử lý và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu tính từ ngày nào?
Kinh nguyệt là sự bong ra hàng tháng của các niêm mạc tử cung trong cơ thể phụ nữ.
Trong một chu kỳ kinh nguyệt bình thường, một quả trứng sẽ phát triển và được giải phóng ra khỏi buồng trứng, lớp niêm mạc tử cung tích tụ trở nên dày hơn. Nếu việc mang thai không xảy ra, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và tạo thành kinh nguyệt.
Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày hành kinh đầu tiên (xuất hiện máu kinh nguyệt) cho đến ngày hành kinh của chu kỳ sau. Thông thường chu kỳ này này có độ dài trung bình là 28 ngày, tuy nhiên một số chu kỳ có thể kéo dài trong khoảng 21 – 35 ngày.
Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt phụ thuộc vào mỗi phụ nữ và tình trạng sức khỏe liên quan. Tuy nhiên, đôi khi chu kỳ ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày có thể là dấu hiệu của các tình trạng tiềm ẩn. Do đó, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để xác định các thay đổi và có biện pháp xử lý phù hợp.
Các giai đoạn của một chu kỳ kinh nguyệt
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt được kích hoạt bởi sự tăng giảm của các hormone trong cơ thể. Tuyến yên ở vùng não và buồng trứng là các cơ quan sản xuất, giải phóng một số hormone vào các thời điểm nhất định của chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt bình thường được mô tả như sau:
1. Giai đoạn kinh nguyệt
Giai đoạn kinh nguyệt hay giai đoạn hành kinh là thời gian bắt đầu xuất hiện máu kinh nguyệt, cũng là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường giai đoạn này bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 5 của chu kỳ, xuất hiện các các lớp niêm mạc tử cung bị bong ra và thoát ra khỏi âm đạo khi một phụ nữ không mang thai.
Thông thường giai đoạn hành kinh có thể kéo dài 3 – 5 ngày. Tuy nhiên các khoảng thời gian hành kinh từ 2 – 7 ngày được xem là bình thường.
Trong thời kỳ hành kinh một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như:
- Đau bụng kinh
- Đầu ngực mềm
- Đầy hơi chướng bụng
- Thay đổi tâm trạng
- Cáu gắt, dễ nổi giận
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Đau lưng dưới
Trong hầu hết các trường hợp các triệu chứng này kéo dài trong 1 – 2 ngày đầu khi hành kinh và được cải thiện khi thời gian này kết thúc. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các biện pháp xử lý an toàn.
2. Giai đoạn nang trứng
Giai đoạn nang trứng thường bắt đầu từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 14 của chu kỳ. Trong thời gian này, nồng độ hormone estrogen sẽ tăng lên, khiến niêm mạc tử cung (hay nội mạc tử cung) phát triển và dày lên.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này một loại hormone khác cũng phát triển để kích thích các nang trứng phát triển. Trong ngày 10 đến ngày 14 của chu kỳ, một trong những năng trứng sẽ phát triển thành và tạo thành một quả trứng trưởng thành (noãn).
Các nang trứng trưởng thành có thể dẫn đến một sự thay đổi đột biến của estrogen làm dày niêm mạc tử cung. Điều này là cách cơ thể tạo ra một môi trường giàu chất dinh dưỡng để chuẩn bị cho phôi thai phát triển.
3. Giai đoạn rụng trứng
Giai đoạn rụng trứng xảy ra vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày.
Mỗi tháng vào ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, hormone luteinizing sẽ tăng một cách đột ngột, điều này khiến buồng trứng giải phóng trứng. Quá tình này được gọi là rụng trứng.
Sau khi được giải phóng, trứng sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng đến tử cung. Khi trứng di chuyển qua ống dẫn trứng, nồng độ hormone progesterone sẽ tăng lên để chuẩn bị niêm mạc tử cung cho thai kỳ. Nếu quá trình thụ tinh xảy ra, hợp tử sẽ bám vào thành tử cung và hình thành bào thai.
Rụng trứng thường bắt đầu vào ngày 14 của chu kỳ và kéo dài khoảng 24 giờ. Tuy nhiên, tinh trùng có thể tồn tại khoảng 5 ngày bên trong cơ thể phụ nữ, do đó quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này có thể tăng khả năng thụ thai.
4. Giai đoạn hoàng thể
Giai đoạn hoàng thể bắt đầu khoảng vào ngày 15 đến ngày thứ 28 của chu kỳ kinh nguyệt. Sau khi trứng được giải phóng ra khỏi buồng trứng, trứng sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng để đến tử cung. Điều này khiến nồng độ hormone progesterone tăng lên để giúp chuẩn bị niêm mạc tử cung cho thai kỳ.
Nếu quá trình thụ thai không xảy ra, nồng độ estrogen và progesterone giảm, niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra và tạo thành kinh nguyệt. Trong giai đoạn này, một số phụ nữ có thể gặp các triệu chứng tiền kinh, bao gồm:
- Đầy hơi chướng bụng
- Đau hoặc sưng ở ngực
- Dễ thay đổi tâm trạng
- Đau đầu
- Tăng cân
- Thay đổi ham muốn tình dục
- Thèm ăn
- Khó ngủ
Sau khi kết thúc giai đoạn hoàng thể chu kỳ kinh nguyệt mới sẽ bắt đầu. Giai đoạn hoàng thể có thể kéo dài từ 11 – 17 ngày, phụ thuộc vào chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.
Các vấn đề có thể gây thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Mỗi chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Một số người có thể có chu kỳ kinh nguyệt vào cùng một thời điểm mỗi tháng, tuy nhiên một số khác có thể bị rối loạn kinh nguyệt. Bên cạnh đó, đôi khi chu kỳ kinh nguyệt có thể chảy rất nhiều máu hoặc kéo dài hơn những chu kỳ khác.
Điều này được gọi là chu kỳ kinh nguyệt bất thường và có thể liên quan đến một số rối loạn trong cơ thể. Cụ thể một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể dẫn đến tình trạng này có thể bao gồm:
- Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có thể khiến bạn có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường và số lượng máu nhẹ hơn. Một số trường hợp, người dùng có thể mất chu kỳ kinh nguyệt trong một khoảng thời gian.
- Mang thai: Trễ kinh hoặc mất chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu phổ biến nhất khi mang thai.
- Cho con bú: Một số phụ nữ có thể bị mất kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt hoặc xuất hiện tình trạng có kinh rồi lại mất con khi đang cho con bú.
- Rối loạn ăn uống: Các tình trạng rối loạn ăn uống, chán ăn hoặc chứng thèm ăn có thể dẫn đến gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Tình trạng này dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố và ngăn cản trứng phát triển bình thường. Điều này dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh nguyệt.
- Suy buồng trứng sớm: Suy buồng trứng sớm là thuật ngữ chỉ tình trạng một phụ nữ mất chức năng buồng trứng trước 40 tuổi. Suy buồng trứng sớm còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát có thể gây rối loạn kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài.
- Bệnh viêm vùng chậu: Đây là bệnh lý nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ và có thể gây kinh nguyệt không đều.
- U xơ tử cung: U xơ tử cung là sự tăng trưởng các nang, mô không ung thư ở tử cung của phụ nữ. Tình trạng này có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc kinh nguyệt kéo dài từ 35 – 45 ngày.
Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt là cách tốt nhất để phát hiện các bất thường và có cách khắc phục phù hợp. Bạn có thể theo dõi chu kỳ kinh nguyệt bằng cách lưu lại thông tin của các vấn đề như:
- Lưu lượng dòng chảy: Bao gồm tần suất thay đổi băng vệ sinh, tampon hoặc cần đổ cốc nguyệt san. Bên cạnh đó, lưu ý các thay đổi về màu sắc và tính chất máu kinh để xác định các rủi ro.
- Các dấu hiệu liên quan: Bao gồm tình trạng đau bụng kinh, đau lưng hoặc các dấu hiệu tiềm ẩn khác có thể hỗ trợ kiểm soát các thay đổi cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt: Tình trạng chảy máu bất thường ngoài những ngày hành kinh có thể là dấu hiệu của các tình trạng tiềm ẩn. Do đó, bạn nên lưu ý về lưu lượng máu cũng như màu sắc để có biện pháp khắc phục phù hợp.
- Thay đổi tâm trạng: Thay đổi tâm trạng, hành vi là dấu hiệu nhận biết phổ biến của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến một số vấn đề tiềm ẩn, đặc biệt là đối với người có kinh nguyệt không đều.
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là 28 ngày và được tính từ ngày hành kinh đầu tiên. Các rối loạn kinh nguyệt có thể bao gồm chảy máu nhẹ hoặc rong kinh có thể là dấu hiệu của các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Do đó, nếu cảm thấy lo lắng hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!