Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan và điều cần biết

Xét nghiệm chẩn đoán xơ gan giúp bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chẩn đoán xơ gan, bệnh nhân nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để thực hiện và điều trị khi thấy các dấu hiệu bất thường của cơ thể.

Khi nào nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán xơ gan?

Xơ gan là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị nguy cơ dẫn đến biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Chính vì thế, để phòng ngừa những trường hợp xấu có thể xảy đến, bạn nên chủ động thăm khám y tế khi có những dấu hiệu bất thường sau đây:

Khi nào nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán xơ gan?
Khi nào nên tiến hành xét nghiệm chẩn đoán xơ gan?

  • Cảm thấy đau: Tình trạng đau xuất hiện thường xuyên ở vùng hạ sườn phải, lúc đầu các biểu hiện chỉ nhẹ nhưng sau đó đau tăng tần suất, trên cổ, mặt hiện vi mạc có hình dạng như ngôi sao.
  • Ăn không ngon: Cơ thể cảm thấy chán ăn kéo dài, tình trạng này dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng làm cho người bệnh bị sút cân nhanh chóng.
  • Bụng phình nhẹ: Nếu quan sát kỹ, người bệnh có thể thấy bụng hơi chướng lên so với bình thường, cảm giác lúc nào cũng như bị đầy hơi, không tiêu.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ: Ăn uống thất thường sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Người bệnh xơ gan sẽ bị đầy bụng, đi đại tiện thấy phân lúc rắn lúc loãng.
  • Mệt mỏi kéo dài: Người bệnh rơi vào trạng thái mệt mỏi kéo dài, cơ thể không có sức sống, gần như không muốn làm gì, tuy nhiên lại không biết được nguyên nhân gây nên tình trạng này.
  • Vàng da: Da đột ngột chuyển sang màu vàng bất thường, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan bạn không nên xem thường. 

Ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường kể trên, người bệnh nên đến thăm khám y tế để được hỗ trợ khắc phục sớm. Tránh tình trạng bệnh tiến triển, lâu ngày khó điều trị và nguy cơ biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán bệnh xơ gan. Khi đến cơ sở y tế, đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng cho người bệnh, sau đó mới tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu. 

Các bác sĩ sẽ thăm hỏi người bệnh về các triệu chứng đang gặp phải, kèm theo đó là tiểu sử bệnh lý của bản thân, cũng như các thành viên cùng dòng máu trong gia đình. Biện pháp này sẽ một phần giúp bác sĩ xác định được yếu tố nguy cơ gây nên xơ gan, đồng thời tiến hành kiểm tra:

  • Tình trạng chướng bụng (nếu có) của người bệnh.
  • Quan sát thấy kích thước gan to hơn so với bình thường.
  • Ở nam có hình thành mô vú phụ.
  • Lòng bàn tay hiện lên một số vết xuất huyết.
  • Tình trạng vàng da, vàng mắt.
  • Dưới da có nhiều mạch máu nổi rõ lên trên bề mặt và có thể quan sát bằng mắt thường.

Sau khi thăm khám cơ bản, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm chuyên sâu để phân tích rõ hơn bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải. Các xét nghiệm xơ gan phổ biến hiện nay:

1. Xét nghiệm máu

Xơ gan hình thành khiến cho dòng máu chảy vào gan bị cản trở. Trước áp lực của dòng chảy, máu đổ ngược về lá lách làm cho cơ quan này phình to ra. Máu tích tụ ngày càng nhiều, buộc lá lách phải hoạt động phá hủy chúng khiến cho số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu sụt giảm, đây là tình trạng cường lách phổ biến ở những bệnh nhân xơ gan.

Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan hiện nay
Xét nghiệm máu là phương pháp chẩn đoán bệnh phổ biến hiện nay

Thông qua xét nghiệm máu, các bác sĩ sẽ xác định được mức độ giảm thiểu tiểu cầu liên quan đến các vấn đề về gan cho bệnh nhân. Phương pháp xét nghiệm này phổ biến và tốn ít chi phí cho người bệnh.

2. Xét nghiệm chức năng gan

Đây là loại xét nghiệm kiểm ra men gan và protein của gan trong cơ thể người bệnh thông qua các chỉ số:

  • Enzyme ALT và AST:

ALT – Alanine Transaminase và AST – Aspartate Transaminase là các enzyme có nhiệm vụ can thiệp vào quá trình phân hủy protein và axit amin. Nếu kết quả thu được, người bệnh có nồng độ hai loại enzyme này tăng cao thì khả năng người bệnh mắc chứng xơ gan hoặc một vài bệnh lý khác liên quan.

  • Bilirubin:

Bilirubin trong cơ thể còn được gọi với cái tên là sắc tố mật, nó có màu vàng đỏ, sinh ra bởi hemoglobin có trong hồng cầu. Người có lá gan khỏe mạnh sẽ có chỉ số bilirubin ổn định, tức là thấp hơn 1,2mg/dL. Tuy nhiên, nếu người bệnh xơ gan, chỉ số này sẽ thay đổi rõ rệt. Cụ thể, người mắc bệnh sẽ có nồng độ bilirubin tăng cao hơn so với 1,2mg/dL. Đây là lý do khiến da cơ thể, mắt bị vàng – triệu chứng thường gặp của bệnh nhân bị xơ gan. 

  • Albumin:

Albumin là một dạng thức protein do gan sản sinh. Nếu gan gặp tổn thương, nồng độ loại protein này trong máu sẽ giảm xuống.

  • Creatinin:

Sự hoạt động của cơ bắp sẽ tạo ra creatinin và được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua quá trình thanh lọc của thận. Tuy nhiên, nếu nồng độ creatinin tăng đột biến có thể khiến thận bị tổn thương, đồng thời là dấu hiệu để nhận biết xơ gan giai đoạn cuối.

3. Xét nghiệm đông máu

Gan ngoài nhiệm vụ thanh lọc độc tố và tham gia vào quá trình tiêu hóa còn là một yếu tố quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Nếu xét nghiệm đông máu cho kết quả máu đông lâu, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xơ gan cho bệnh nhân.

4. Chẩn đoán bằng hình ảnh

Bệnh nhân có thể được bác sĩ yêu cầu thực hiện kết hợp chẩn đoán bằng hình ảnh, phương pháp này giúp nhận biết các tổn thương có tồn tại bên trong gan hay không:

  • Siêu âm:

Đây là phương pháp đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng chỉ mất khoảng 30 phút và không gây tác dụng phụ đối với cơ thể người bệnh. Người bệnh hoàn toàn có thể thực hiện nhiều lần. Các bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò với sóng âm nhạy, chiếu chùm tia siêu âm trực tiếp từ bên ngoài vào gan. Nếu gặp các cấu trúc có vấn đề sẽ cho tín hiệu dội ngược, bác sĩ có thể quan sát qua những chấm tối và sáng trên màn hình.

Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan hiện nay
Siêu âm gan thu được hình ảnh tổn thương nếu có xảy ra bên trong gan của người bệnh

Siêu âm cho ra hình ảnh phóng chiếu gan của bệnh nhân, giúp bác sĩ xác định kích thước, cấu trúc của gan và các mô sẹo nếu có. Một số tình trạng bất ổn như gan nhiễm mỡ, áp xe hay xuất hiện khối u cũng được thể hiện qua biện pháp chẩn đoán này. 

Trường hợp siêu âm màu, kết quả còn cho bác sĩ nhìn thấy cả hình dạng bên trong của gan rõ nét hơn, cụ thể là mạch máu và hướng dòng chảy của máu bên trong cơ quan này. Tuy nhiên, phương pháp này còn phụ thuộc nhiều vào các tổn thương nặng nhẹ của gan, khó kết luận được chính xác người bệnh có mắc xơ gan hay không và cần kết hợp thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác.

  • Nôi soi:

Bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi mềm có gắn đèn và camera luồn vào bên trong cơ thể người bệnh. Qua đó, thu được hình ảnh mạch máu trong gan. Nếu có hiện tượng tĩnh mạch phình to do sẹo sẽ chẩn đoán được tình trạng tổn thương hay xơ hóa đang diễn ra trong cơ quan này.

  • Chụp CT Scan:

CT Scan cũng tương tự như phương pháp chụp X quang nhưng đòi hỏi nhiều kỹ thuật tinh vi. Phương pháp này có thể chụp cắt ngang nhiều vùng trên cơ thể cùng một lúc hoặc phân chia nhiều đoạn khác nhau. Đây là phương pháp cao cấp, thu được kết quả chính xác hơn so với một số biện pháp chụp cắt lớp khác. Hình ảnh rõ nét của CT Scan sẽ giúp bác sĩ xác định được xơ gan dễ dàng. 

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, phương pháp này cũng có một vài hạn chế. Đầu tiên là giá thành thực hiện chụp CT Scan tương đối cao, ngoài ra bệnh nhân sẽ dễ bị nhiễm tia X – tia xạ sau khi tiến hành phương pháp chẩn đoán này. Chính vì thế, chụp CT Scan thường được tiến hành sau khi đã siêu âm thấy những bất thường bên trong gan. Trường hợp chỉ kiểm tra sức khỏe bình thường thì không áp dụng biện pháp này.

  • Cộng hưởng từ (MRI):

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp xét nghiệm chẩn đoán xơ gan bằng sóng vô tuyến kết hợp với từ trường. Thời gian thực hiện có thể mất từ 15 phút đến 1 tiếng. Bệnh nhân sẽ được đưa vào phòng kín, nằm im không được cử động, thậm chí là thở mạnh trong một ống bẹt có tiếng ồn khá lớn.

Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan hiện nay
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho kết quả chính xác bệnh xơ gan nhưng có chi phí đắt đỏ

Cộng hưởng từ (MRI) an toàn hơn so với phương pháp chụp CT Scan vì không làm bệnh nhân bị nhiễm tia X, đồng thời hình ảnh thu được có thể quan sát dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, kèm theo đó thì người bệnh phải trả chi phí đắt nếu muốn thực hiện phương pháp xét nghiệm chẩn đoán này.

5. Sinh thiết gan

Các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu tế bào gan của người bệnh đi sinh thiết, bằng cách sử dụng kim chích trực tiếp vào cơ thể người bệnh vào gan. Mẫu tế bào sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác định có xuất hiện thương tổn bên trong gan hay không. 

Ngoài ra, biện pháp này còn nhận biết được tình trạng viêm gan đang tiến triển ở giai đoạn nào, người bệnh có mắc xơ gan hay không. Kết quả thu được thông qua sinh thiết gan có độ chính xác cao. Tuy nhiên, trường hợp người bệnh bị rối loạn chảy máu, cổ trướng sẽ không thể thực hiện được xét nghiệm này.

Trên đây là các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan phổ biến nhất hiện nay, bạn đọc có thể tham khảo. Nếu thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường, nên nhanh chóng đến kiểm tra tại cơ sở y tế uy tín để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *