Dấu hiệu nóng gan nổi mụn – Cách xử lý nhanh hết
Nội dung bài viết
Nổi mụn đỏ, mụn trứng cá là một trong những dấu hiệu của chứng nóng gan. Mặc dù không phải là triệu chứng nghiêm trọng nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, gây ra cảm giác bứt rứt, ngứa ngáy, khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Vì sao nóng gan gây nổi mụn?
Nóng gan là tình trạng gan bị rối loạn chức năng cấp tính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chức năng gan suy giảm thường gây đầy hơi, khó chịu, ăn uống khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, bứt rứt và nổi mụn nhọt, mụn trứng cá và mề đay mẩn ngứa.
Chứng nóng gan thường gặp nhiều vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm, sinh sống trong môi trường ô nhiễm và có nhiều hóa chất. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xảy ra do thói quen ăn uống không điều độ, sử dụng quá nhiều thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, lạm dụng rượu bia, thuốc Tây và hút thuốc lá trong thời gian dài.
Nổi mụn do nóng gan có tính chất dai dẳng và dễ tái phát. Do nguyên nhân xuất phát từ gan nên cần thanh nhiệt, giải độc và nhuận gan để giảm mụn, cải thiện tình trạng mề đay và mẩn ngứa. Nếu không điều trị từ căn nguyên, mụn có thể tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết nổi mụn do nóng gan
Khác với nổi mụn do những nguyên nhân thông thường, nổi mụn do gan nóng có biểu hiện khá đa dạng và thường đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa, toàn thân.
Các dấu hiệu nhận biết nóng gan gây nổi mụn:
- Da ngứa râm ran hoặc ngứa nhiều: Độc tố và chất cặn bã không được đào thải hoàn toàn có xu hướng tích tụ trong da và gây ngứa ngáy. Vì vậy, hầu hết người có vấn đề về gan đều gặp phải tình trạng ngứa râm ran hoặc ngứa dữ dội – chủ yếu xảy ra ở vùng lưng, cánh tay và chân.
- Nổi mụn ồ ạt: Nóng gan thường gây nổi mụn ồ ạt tại vùng da mặt, lưng và ngực. Mụn có kích thước đa dạng, đỏ có nhân hoặc không có nhân trắng. Nếu xảy ra do gan nóng, mụn thường tập trung ở hai bên thái dương, ấn đường và vùng quanh xương hàm. Mụn hầu như không gây đau nhưng gây ngứa ngáy, bứt rứt và khó chịu.
- Da nổi mề đay, mẩn ngứa: Mề đay mẩn ngứa là một trong những dấu hiệu của chứng nóng gan. Nguyên nhân là do cơ thể phản ứng với độc tố bằng cách phóng thích histamine vào mô và niêm mạc. Histamin làm giãn mao mạch trung bì, kích thích phản ứng viêm và gây ngứa ngáy.
- Da dễ dị ứng, ngứa ngáy: Gan không chỉ đảm nhiệm vai trò chuyển hóa thực phẩm mà còn thanh thải các độc tố và chất dị ứng. Vì vậy khi chức năng của cơ quan này suy giảm, làn da có nguy cơ dị ứng cao, dễ ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ trên diện rộng. Một số trường hợp nặng có thể xuất hiện mẩn đỏ toàn thân và gây ngứa dữ dội. Tuy nhiên, tình trạng này có thể thuyên giảm sau khoảng vài giờ đồng hồ.
- Các triệu chứng đi kèm: Để xác định nổi mụn do nóng gan, bạn có thể xem xét một số triệu chứng đi kèm ngoài như bụng căng cứng, da khô nhám, chán ăn, khó tiêu, đau tức hạ sườn phải, cơ thể mệt mỏi, đau bụng, vàng da, vàng mắt, răng lợi dễ chảy máu và nước tiểu sậm màu.
Nổi mụn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, nên xem xét các triệu chứng kỹ lưỡng để tránh xác định sai tình trạng sức khỏe. Ngoài nguyên nhân do gan, nổi mụn khi thời tiết nắng nóng hoặc giai đoạn chuyển mùa cũng có thể xảy ra do dị ứng thời tiết, vệ sinh da mặt kém hoặc do rối loạn nội tiết tố.
Vì vậy nếu không chắc chắn về tình trạng sức khỏe, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Tự ý xác định bệnh qua một số triệu chứng không điển hình có thể gây sai lệch và dẫn đến áp dụng phương pháp điều trị không phù hợp.
Cách xử lý nóng gan gây nổi mụn đơn giản
Giải độc, thanh nhiệt và phục hồi chức năng gan là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tình trạng nổi mụn do nóng gan. Ngoài ra, việc giải độc gan kịp thời giúp cải thiện chức năng chuyển hóa, bảo vệ tế bào gan và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Các biện pháp điều trị chứng nóng gan gây nổi mụn:
1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan và sức khỏe làn da. Việc xây dựng thực đơn ăn uống khoa học có thể hỗ trợ thanh thải độc tố, trung hòa chất cặn bã, làm mát gan, thanh nhiệt, giảm áp lực lên gan và cải thiện sức khỏe rõ rệt. Ngoài ra, vitamin, khoáng chất cùng với các vi chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm còn hỗ trợ nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh, hỗ trợ giảm mụn và sẩn ngứa.
Xây dựng chế độ ăn uống cho người bị nổi mụn do gan nóng:
- Không sử dụng rượu bia, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng, muối đường và chất bảo quản. Các loại thức uống và thực phẩm này có thể làm tăng áp lực lên gan khiến lượng độc tố tích tụ tăng lên và làm nghiêm trọng hơn tình trạng mụn đỏ, sẩn ngứa trên da.
- Uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày nhằm trung hòa độc tố, tăng thải chất cặn bã qua thận, thanh lọc gan, điều hòa nhu động ruột và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
- Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây và sữa chua vào chế độ ăn hằng ngày. Chất xơ và probiotic (lợi khuẩn) trong các nhóm thực phẩm này có thể hỗ trợ giải độc, giảm áp lực lên gan, ngăn ngừa tích trữ cholesterol ở gan và hỗ trợ chức năng miễn dịch. Ngoài ra, trái cây, sữa chua và rau xanh còn giúp dưỡng ẩm, làm dịu da và giảm ngứa ngáy.
- Hạn chế sử dụng món ăn chứa nhiều gia vị. Gia vị không chỉ làm tăng áp lực lên gan mà còn gây nóng trong người, kích thích da tiết nhiều bã nhờn và làm nghiêm trọng hơn tình trạng sẩn ngứa, mụn, mề đay.
- Có thể dùng các loại củ và quả hạch chứa nhiều chất chống oxy hóa. Các loại thực phẩm này giúp phục hồi, tái tạo mô gan bị tổn thương và hỗ trợ giảm hiện tượng viêm đỏ trên da.
- Chú trọng bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như dưa hấu, quýt, cam, bưởi, đào, mơ,… Vitamin C có thể cải thiện sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ đào thải độc tố, phục hồi gan và nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Ngoài ra, thành phần này còn kích thích da sản sinh collagen, elastin và giảm tình trạng thâm sau mụn.
- Đối với người thừa cân, béo phì, nên giảm khối lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Ăn uống quá mức có thể làm tăng áp lực lên gan, gây tích trữ cholesterol, độc tố và chất cặn bã trong cơ thể.
2. Thay đổi các thói quen xấu
Ngoài chế độ dinh dưỡng, nóng gan còn bị ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt. Vì vậy để làm mát gan, giải độc và giảm mụn, cần thay đổi các thói quen xấu sau:
- Tuyệt đối không hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Nicotine, Sulfuric acid, Arsenic, Formaldehyde, Methoprene,… trong khói thuốc không chỉ gây tổn thương phổi mà còn ảnh hưởng đến gan và các cơ quan nội tạng khác. Do đó, nên cai thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động để bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe gan nói riêng.
- Thiếu ngủ và thức khuya là các thói quen xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe gan. Theo quan niệm Đông y, gan thải độc tố, chất cặn bã và phục hồi tế bào tổn thương từ 23:00 – 2:00. Do đó thói quen thức khuya có thể khiến quá trình thải độc gan bị gián đoạn, gan phục hồi kém và suy giảm chức năng dần theo thời gian.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc – kể cả thuốc không kê toa. Các loại thuốc thông dụng hiện nay như Paracetamol, Ibuprofen, Diclofenac,… đều chuyển hóa tại gan và bài tiết qua thận. Tình trạng lạm dụng thuốc có thể khiến gan nóng, suy giảm chức năng chức năng hoặc thậm chí là tăng nguy cơ viêm gan và xơ gan.
- Tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Hệ thần kinh căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ mà còn làm tăng huyết áp, dẫn đến giảm lượng máu lưu thông qua gan khiến gan giảm chức năng chuyển hóa và thải độc.
Bên cạnh việc thay đổi các thói quen xấu, bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe gan với một số thói quen lành mạnh như:
- Tập thể dục thường xuyên không chỉ đem lại lợi ích đối với xương khớp và tim mạch mà còn thúc đẩy quá trình thải độc của gan. Ngoài ra, hoạt chất thể chất còn giúp cơ thể tăng khả năng miễn dịch, ức chế các tác nhân có hại và ngăn ngừa thoái hóa tế bào gan. Hơn nữa, tập thể dục còn giúp đào thải một lượng nhỏ độc tố qua tuyến mồ hôi và da.
- Ngủ trước 23 giờ và đảm bảo ngủ đủ 7 tiếng/ ngày.
- Có thể thực hiện một số biện pháp giảm căng thẳng như đọc sách, nghe nhạc, đi bộ, bơi lội,…
- Ưu tiên sử dụng thuốc dạng bôi hoặc dán để giảm áp lực lên gan. Nếu phải dùng chế phẩm dạng uống, nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe để được hiệu chỉnh liều lượng.
- Đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài trời và hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại. Trong trường hợp chất lượng không khí kém, môi trường ô nhiễm, nên trồng nhiều cây xanh và sử dụng thiết bị lọc không khí để bảo vệ sức khỏe và chức năng gan, phổi.
3. Sử dụng thảo dược làm mát gan
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên có tác dụng mát gan, giải độc và thanh nhiệt để cải thiện sức khỏe và giảm tình trạng mụn trên da.
Các thảo dược có thể làm giảm tình trạng mụn do nóng gan gây ra:
- Atiso: Atiso là thảo dược có tính mát, ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát gan và cải thiện chức năng gan. Để hỗ trợ giảm mụn do nóng gan, bạn có thể dùng trà atiso hoặc bổ sung một số món ăn từ thảo dược này như atiso hấp thịt, gà hấp atiso, atiso hầm táo đỏ,…
- Râu ngô: Từ lâu, râu ngô đã được nhân dân sử dụng để nấu trà uống hằng ngày nhằm giải độc và thanh nhiệt. Bạn có thể dùng râu ngô nấu nước uống hằng ngày hoặc dùng bài thuốc từ râu ngô, kim tiền thảo và nhân trần mỗi thứ 10g.
- Rau má: Rau má vị đắng, tính mát, tác dụng lợi tiểu, chống viêm, giải độc và làm mát gan. Ngoài ra, loại rau này còn có tác dụng giảm viêm, ngứa ngáy và kích thích tế bào da phục hồi. Vì vậy, bạn có thể dùng nước rau má uống hằng ngày hoặc dùng rau má nấu canh với thịt bằm để giải độc gan và giảm mụn, mẩn ngứa.
- Đậu đen: Đậu đen có vị ngọt, thơm, tính bình, tác dụng lợi tiểu, giải độc, thanh nhiệt, làm mát gan và bổ thận. Để cải thiện chức năng gan, làm mát gan và giảm mụn, bạn có thể dùng đậu đen rang thơm và nấu nước uống hằng ngày.
Ngoài những loại thảo dược trên, bạn cũng có thể sử dụng một số dược liệu có đặc tính thanh nhiệt, làm mát gan và giải độc khác như nha đam, diếp cá, lá sen, rau đắng đất, trà hoa cúc,… Các loại thảo dược này có khả năng giải độc, cải thiện chức năng gan đáng kể, an toàn, lành tính và có thể sử dụng cho nhiều đối tượng.
Một số lưu ý khi điều trị nổi mụn do nóng gan
Nóng gan gây nổi mụn có thể thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả điều trị cao, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Mụn, sẩn đỏ và mề đay do nóng gan thường gây ngứa ngáy, bứt rứt và khó chịu. Để giảm ngứa, nên chườm lạnh hoặc sử dụng thuốc kháng histamine H1 theo hướng dẫn của dược sĩ. Tình trạng chà xát, gãi cào có thể khiến tổn thương da lan rộng, ngứa ngáy dữ dội và gây xây xước, chảy máu.
- Nhiệt độ nóng có thể khiến chức năng gan bị rối loạn, da đổ nhiều mồ hôi và gây ngứa ngáy nhiều. Vì vậy, nên hạn chế ra đường trong khung giờ 10 – 14:00 hằng ngày. Đồng thời nên tắm rửa 2 lần/ ngày, mặc quần áo rộng và có chất liệu thấm hút.
- Tuyệt đối không tự ý nặn mụn. Hầu hết mụn do gan đều không có nhân và có thể biến mất sau khi chức năng được cải thiện.
- Có thể sử dụng một số loại thuốc làm mát gan trên thị trường. Tuy nhiên, cần lựa chọn sản phẩm có công thức an toàn, lành tính và nguồn gốc rõ ràng.
- Trong trường hợp cơ thể mệt mỏi, da vàng vọt, chướng bụng,… kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn hướng điều trị.
Nổi mụn do nóng gan là tình trạng khá phổ biến – nhất là vào thời tiết nóng ẩm và chất lượng không khí thấp. Nếu chủ động điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt và sử dụng thảo dược làm mát gan, tình trạng này có thể thuyên giảm chỉ sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên trong trường hợp triệu chứng kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh và chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!