Viêm Gan A: Mức Độ Nguy Hiểm, Dấu Hiệu, Cách Điều Trị
Nội dung bài viết
Viêm gan A là một trong những loại viêm gan do virus tương đối phổ biến. Bệnh xảy ra do nhiễm Hepatitis A virus (HAV) qua thực phẩm và nguồn nước nhiễm khuẩn. Loại viêm gan này chỉ khởi phát cấp tính, không chuyển sang giai đoạn mãn tính và có thể tự thuyên giảm mà không cần can thiệp các biện pháp y tế.
Viêm gan A là gì?
Viêm gan A là một trong những loại viêm gan do virus (viêm gan siêu vi) khá phổ biến. Bệnh lý này xảy ra khi các mô gan bị viêm và hoại tử do nhiễm HAV (Hepatitis A virus). Khác với viêm gan B và C, viêm gan A chỉ khởi phát cấp tính và hầu như không chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Đa phần các trường hợp mắc bệnh viêm gan siêu vi A đều có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên thực tế vẫn có một số ít bệnh nhân bị tổn thương gan nặng, tiến triển nhanh dẫn đến suy gan cấp tính (viêm gan tối cấp) và tử vong.
Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan A đều không phải điều trị y tế – trừ những trường hợp có chức năng đề kháng suy giảm (bệnh nhân tiểu đường, nhiễm HIV) hoặc đồng nhiễm nhiều loại viêm gan siêu vi khác.
Hepatitis A virus (HAV) chủ yếu lây qua hoạt động ăn uống. Loại virus này tồn tại trong một số loại thực phẩm và nguồn nước nhiễm khuẩn. Chính vì vậy, bệnh viêm gan A chủ yếu bùng phát ở những nơi có điều kiện sống thấp, mật độ dân số đông, thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước và đất bị ô nhiễm.
Dấu hiệu nhận biết viêm gan A
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Hepatitis A virus nhanh chóng di chuyển đến gan, tấn công vào các mô, gây viêm và hoại tử cơ quan này. Tùy theo thể trạng của từng trường hợp, triệu chứng có thể bùng phát sau khoảng 14 – 28 ngày ủ bệnh.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm gan A:
- Cơ thể sốt nhẹ, mệt mỏi, mất sức
- Đau bụng trên bên phải do gan bị viêm và tăng kích thước
- Bụng khó chịu, đầy hơi, khó tiêu
- Ăn uống không ngon
- Vàng da (ít gặp)
- Phân có màu đất sét
- Một số ít trường hợp có thể bị đau nhức khớp
- Da dễ dị ứng, ngứa ngáy, nổi sẩn đỏ và mề đay
- Nước tiểu có màu vàng sậm
- Đi kèm với một số triệu chứng thứ phát như cơ thể sụt cân, xanh xao, giảm mức độ tập trung, giảm hiệu suất học tập – lao động
Ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, viêm gan A có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng khởi phát mờ nhạt, không điển hình. Ngược lại, bệnh gây ra triệu chứng rõ rệt ở trẻ nhỏ và các đối tượng có sức đề kháng kém. Tuy nhiên sau khoảng 3 tuần, virus sẽ bị tế bào miễn dịch tiêu diệt, mô gan phục hồi và các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm dần.
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan A
Như đã đề cập, Hepatitis A virus là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm gan A. Loại virus này chủ yếu có trong nguồn nước và thực phẩm bẩn. Vì vậy, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên đáng kể nếu có thói quen ăn uống thiếu vệ sinh, sinh sống trong môi trường ô nhiễm, đời sống thấp và mật độ dân số cao.
HAV cũng có thể lây qua đường máu và tiếp xúc với người bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp và chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào mắc bệnh qua các đường lây này. Loại virus này không lây nhiễm qua hoạt động giao tiếp, hắt hơi hay ho.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm viêm gan A:
- Sử dụng chung vật dụng cá nhân và có các hành động thân mật với người nhiễm bệnh
- Dùng nguồn nước bẩn, ô nhiễm, thực phẩm không rõ nguồn gốc – xuất xứ
- Không vệ sinh tay trước khi chế biến món ăn và sau khi đi vệ sinh
- Không có thói quen ăn chín uống sôi
- Sử dụng hải sản tươi sống được nuôi trồng tại các vùng biển và sông hồ ô nhiễm
- Sinh sống tại các khu dân cư đông đúc, thiếu nước sinh hoạt, môi trường ô nhiễm và điều kiện sống thấp
- Chưa tiêm ngừa vaccine viêm gan A
Viêm gan A có nguy hiểm không?
Viêm gan A được đánh giá là loại viêm gan do virus có mức độ nhẹ. Bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn mà không cần điều trị và hầu như không để lại di chứng vĩnh viễn. Hơn nữa, bệnh lý này không tiến triển dai dẳng và chuyển sang giai đoạn mãn tính như viêm gan B và C.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp đặc biệt (người bị suy giảm miễn dịch, đã mắc bệnh gan mãn tính như xơ gan, viêm gan siêu vi và người cao tuổi) gặp phải biến chứng do viêm gan A. Ngoài ra, phụ nữ mang thai bị nhiễm HAV vào tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro và biến chứng.
Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm gan A:
- Suy gan cấp: Suy gan cấp (viêm gan tối cấp) là biến chứng thường gặp của các bệnh gan siêu vi nhưng ít gặp ở người bị viêm gan A và viêm gan E. Tuy nhiên, người bị tiểu đường, nhiễm HIV và có bệnh lý về gan từ trước có thể phải biến chứng này. Suy gan cấp xảy ra khi nhu mô gan bị tổn thương nặng dẫn đến suy giảm chức năng gan đột ngột và có thể gây tử vong nếu không xử lý kịp thời.
- Viêm gan A tái phát: Thông thường, người bị nhiễm HAV sẽ có kháng thể đối với chủng virus này. Tuy nhiên, các đối tượng có hệ miễn dịch kém vẫn có nguy cơ tái nhiễm viêm gan A nếu tiếp tục sử dụng nguồn nước và thực phẩm chứa virus.
- Biến chứng thai kỳ: Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan A ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba có nguy cơ co bóp tử cung sớm, vỡ nước ối sớm và vỡ nhau thai. Đối với mẹ bầu có sức khỏe tốt, bệnh chỉ gây sốt và hạ đường huyết. Mặc dù chưa có trường hợp thai phụ tử vong do nhiễm viêm gan A nhưng bệnh có thể lây cho trẻ sơ sinh và làm tăng nguy cơ trẻ bị thủng hồi tràng, cổ trướng, viêm màng bụng meconium.
Chẩn đoán viêm gan A bằng cách nào?
Có rất ít bệnh nhân chủ động đến cơ sở y tế yêu cầu chẩn đoán viêm gan A vì bệnh hiếm khi biểu hiện qua các triệu chứng điển hình. Đa phần các trường hợp nhiễm HAV đều vô tình phát hiện khi thăm khám các bệnh về gan hoặc khám tổng quát.
Trong trường hợp nghi ngờ bị viêm gan A, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp chẩn đoán như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được áp dụng cho hầu hết các bệnh viêm gan do virus. Đối với viêm gan A, kỹ thuật này cho phép bác sĩ xác định sự hiện của kháng thể IgM (Anti HAV-IgM) và kháng thể IgG (Anti HAV-IgG).
- Các xét nghiệm khác: Sau khi xác định có kháng thể HAV trong máu, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra chức năng gan để đánh giá mức độ bệnh và đề xuất hướng điều trị phù hợp. Hoặc có thể đề nghị thực hiện một số thủ thuật bổ sung như sinh thiết gan, siêu âm và chụp quét CAT.
Các phương pháp điều trị viêm gan A hiện nay
Hiện nay, chưa có biện pháp đặc hiệu đối với bệnh viêm gan A. Hơn nữa, bệnh lý này chủ yếu khởi phát ở dạng cấp tính và có thể tự thuyên giảm sau 6 tháng mà không can thiệp các biện pháp y tế. Thống kê cho thấy, rất ít trường hợp gặp phải biến chứng của viêm gan A và bệnh lý này hầu như không để lại thương tổn lâu dài.
Khả năng hồi phục của bệnh nhân viêm gan A phụ thuộc vào hệ miễn dịch. Vì vậy điều trị bệnh chủ yếu là các biện pháp nâng đỡ thể trạng, cải thiện chức năng đề kháng và sức khỏe tổng thể. Một số biện pháp điều trị viêm gan A được áp dụng hiện nay:
1. Xây dựng chế độ ăn khoa học
Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan, hoạt động miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Do đó để hỗ trợ ức chế Hepatitis A virus, phục hồi nhu mô gan và ngăn ngừa bệnh viêm gan A chuyển biến xấu, bệnh nhân cần thiết lập thực đơn ăn uống khoa học và lành mạnh.
Chế độ ăn cho người bị viêm gan A:
- Kiêng cử tuyệt đối các loại thực phẩm và thức uống có hại cho gan như rượu bia, thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị, chất béo và chất bảo quản.
- Uống nhiều nước, bổ sung khoáng chất và vitamin bằng các loại củ, rau xanh, nấm trái cây và một số loại ngũ cốc lành mạnh như yến mạch, gạo, gạo lứt, khoai lang,…
- Nếu thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu, nên chia nhỏ bữa ăn và ưu tiên các phương thức chế biến ít dầu mỡ, gia vị như luộc, hấp, nấu canh, súp, cháo,… Hạn chế sử dụng các món ăn chiên xào, nướng và quay.
- Bổ sung nhiều chất xơ và sữa chua để hỗ trợ hoạt động tiêu hóa. Thực tế cho thấy, thêm sữa chua và rau xanh vào bữa ăn có thể giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng và đau bụng đáng kể.
- Bệnh nhân bị viêm gan A có thể dùng 1 ly cà phê nhỏ mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện chức năng gan. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, thói quen uống cà phê có thể làm giảm lượng mỡ tích trữ ở gan và duy trì nồng độ 4 loại men gan (enzyme) ở mức ổn định.
- Không nên kiêng khem quá mức vì có thể khiến thể trạng suy nhược, sụt cân và giảm sức đề kháng. Thể trạng yếu là điều kiện để virus bùng phát mạnh, gây tổn thương nhu mô gan và tăng nguy cơ gặp phải biến chứng suy gan cấp tính.
2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân nên kết hợp với thói quen sinh hoạt để tăng tốc độ phục hồi gan, cải thiện sức khỏe và hỗ trợ đào thải virus ra khỏi cơ thể.
Chế độ sinh hoạt khoa học cho bệnh nhân bị viêm gan A:
- Trong thời gian điều trị, nên hạn chế lao động nặng nhọc và chỉ làm việc từ 7 – 8 giờ đồng hồ. Làm việc quá sức có thể gây căng thẳng, khiến cơ thể suy nhược và giảm chức năng đề kháng.
- Nên ngủ trước 23:00 và đảm bảo giấc ngủ kéo dài ít nhất 7 giờ đồng hồ. Ngủ đủ giấc giúp gan có thời gian thanh thải độc tố, phục hồi các tế bào bị viêm và hoại tử do Hepatitis A virus.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc hay viên uống bổ sung nào trong thời gian điều trị. Vì hầu hết các chế phẩm ở dạng uống đều chuyển hóa qua gan. Nếu cần thiết, nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hiệu chỉnh liều lượng phù hợp.
- Tập thể dục nhẹ nhàng từ 15 – 30 phút mỗi ngày kết hợp với chế độ ăn hợp lý nhằm kiểm soát cân nặng. Tình trạng thừa cân – béo phì có thể làm tăng áp lực lên gan và khiến men gan tăng cao.
- Không hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với hóa chất, bụi bẩn và kim loại nặng trong thời gian điều trị.
- Viêm gan A có thể thuyên giảm nhanh mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng và gây viêm gan tối cấp nếu đồng nhiễm các loại viêm gan siêu vi khác. Vì vậy, bệnh nhân nên chủ động tiêm ngừa viêm gan B và thực hiện các biện pháp phòng ngừa viêm gan C và E.
3. Dùng thảo dược hỗ trợ điều trị viêm gan A
Mặc dù không có thuốc đặc hiệu với Hepatitis A virus nhưng bệnh nhân có thể tận dụng một số thảo dược tự nhiên để hỗ trợ cải thiện chức năng gan, tăng tốc độ phục hồi các mô gan bị viêm nhiễm và hoại tử. Ngoài ra, một số loại thảo dược còn có khả năng ức chế hoạt động của virus và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
Một số loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm gan A:
– Ưng bất bạc:
Theo y học cổ truyền, ưng bất bạc có vị đắng, cay, tính ấm, công năng thông lạc, hoạt huyết, lợi thấp, trừ thấp, tiêu thũng và lợi niệu. Các nhà khoa học cũng nhận thấy, hoạt chất Hesperidin trong dược liệu này có khả năng ngừa xơ gan, ung thư gan và tăng tốc độ phục hồi mô gan. Ngoài ra, thành phần Diosmin có trong ưng bất bạc còn có khả năng giảm tổn thương tế bào gan do rượu, thúc đẩy quá trình chuyển hóa và đào thải ethanol.
Hướng dẫn thực hiện:
- Dùng rễ ưng bất bạc phơi khô 15g
- Đem sao vàng hạ thổ và sắc với 1.5 lít nước đến khi còn 800ml
- Dùng nước sắc uống thay nước lọc và dùng hết trong ngày
– Hoàng cầm:
Hoàng cầm là vị thuốc quý trong Đông y. Dược liệu này có vị đắng, tính hàn, tác dụng chỉ huyết, an thai, trừ thấp nhiệt, hạ áp và tả phế hỏa. Nghiên cứu dược lý hiện đại nhận thấy, nước sắc từ hoàng cầm có khả năng giảm lipid trong máu và ngăn ngừa mỡ tích tụ ở mô gan.
Sử dụng bài thuốc từ dược liệu này giúp tăng chuyển hóa chất béo, giảm tích trữ mỡ ở gan, ngăn ngừa gan nhiễm mỡ và ổn định nồng độ cholesterol trong máu. Bên cạnh đó, nước sắc từ hoàng cầm còn có tác dụng chống dị ứng và ức chế một số loại vi khuẩn có hại.
Cách dùng hoàng cầm hỗ trợ điều trị viêm gan A:
- Chuẩn bị đại phúc bì, mộc thông, hoàng cầm và mộc thông mỗi thứ 12g, đậu khấu, nấm trư linh và phục linh mỗi thứ 8g, nhân trần 20g, cam thảo 4g
- Đem rửa sạch dược liệu và sắc với 800ml nước
- Chia thuốc thành 2 – 3 lần uống và dùng hết trong ngày
Lưu ý: Bài thuốc kết hợp nhiều dược liệu có hoạt tính mạnh. Vì vậy, bệnh nhân nên hỏi ý kiến của thầy thuốc để được gia giảm và hiệu chỉnh liều lượng.
– Atiso:
Atiso là một trong những loại thảo dược tốt cho gan. Thảo dược này có vị ngọt, tính mát, tác dụng lợi tiểu, giải độc và làm mát gan. Ngoài ra, các axit amin và hợp chất thực vật trong atiso có khả năng giảm mỡ thừa, hỗ trợ chuyển hóa chất béo và làm giảm áp lực lên gan.
Thảo dược còn chứa hoạt chất Cynarin – chất chống oxy hóa mạnh có khả năng điều tiết lưu thông mật ở gan. Ngoài ra, atiso còn cung cấp cho cơ thể một lượng chất chống oxy hóa như Rutin (tăng sức bền của mạch máu), Quercetin (thúc đẩy hoạt động miễn dịch), Luteolin (làm chậm quá trình lão hóa) và Anthrocyanins (kháng viêm và ngăn ngừa loạn sản tế bào).
Cách dùng atiso chữa bệnh viêm gan A:
- Có thể đun atiso lấy nước uống hằng ngày
- Hoặc bổ sung các món ăn từ atiso như gà hầm atiso để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ phục hồi nhu mô gan
Ngoài những thảo dược trên, bệnh nhân cũng có thể sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng làm mát gan, thanh nhiệt và giải độc khác như nhân trần, cà gai leo, nha đam, nghệ,…
Phòng ngừa bệnh viêm gan A
Viêm gan A có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các bệnh viêm gan siêu vi lây qua đường máu như viêm gan B, C và D. Mặc dù hiếm khi đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý này ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, một số ít bệnh nhân cũng có thể tái nhiễm Hepatitis A virus ngay cả khi đã điều trị dứt điểm.
Do đó, cần chủ động thực hiện một số biện pháp phòng ngừa viêm gan A sau:
- Tiêm vaccine ngừa viêm gan A và B là biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi hiệu quả nhất. Đối với những trường hợp đã tiêm vaccine, cần xét nghiệm máu sau 5 năm và tiêm bổ sung nếu cần thiết.
- Không ăn uống hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm viêm gan A và E. Đồng thời không quan hệ tình dục và tiếp xúc với máu của người nhiễm viêm gan B, C và A.
- Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm sống – trừ những loại thực phẩm đã được kiểm định về mức độ an toàn.
- Nên ăn chín uống sôi để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm gan A, E và một số vấn đề tiêu hóa khác.
- Lựa chọn thực phẩm sạch và rõ nguồn gốc – xuất xứ. Ngoài ra, cần ngâm rửa với muối pha loãng trước khi ăn và chế biến.
- Người bị viêm gan A có thể lây nhiễm virus cho người khác (nguồn lây chủ yếu là từ phân). Vì vậy, cần hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khỏe mạnh, đồng thời nên vệ sinh tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thực phẩm.
Viêm gan A là một trong những bệnh viêm gan do virus khá phổ biến. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng Hepatitis A virus có thể ảnh hưởng đến chức năng gan trong một thời gian nhất định, gây sụt giảm sức khỏe, suy nhược cơ thể và giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng cách chủ động phòng ngừa, tiến hành thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!