Men Gan Cao: Dấu Hiệu, Cách Khắc Phục Và Lưu Ý
Nội dung bài viết
Men gan cao là một biểu hiện cho thấy các tế bào gan đang bị tổn thương. Nếu không được kiểm soát tốt, nguy bệnh có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan rất cao. Việc sử dụng thuốc kết hợp duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp duy trì được sự ổn định của các chỉ số men gan.
Men gan cao là gì?
Men gan bao gồm nhiều loại enzym được gan sản xuất ra nhằm mục đích chuyển hóa các chất trong cơ thể, đồng thời chúng cũng hoạt động như những chất xúc tác thúc đẩy phản ứng sinh hóa.
Các loại men gan được chia thành 4 loại chính gồm:
- Alanine Transaminase (ALT)
- Gamma Glutamyl Transpeptidase (GGT)
- Aspartate Transaminase (AST)
- Phosphatase kiềm (ALP)
Ở người khỏe mạnh, khi các tế bào gan bị lão hóa và chất đi sẽ phóng thích một lượng men gan nhất định có nồng độ dưới 40UI/L vào trong máu. Chỉ số men gan được cho là bình thường khi nằm trong các ngưỡng an toàn. Cụ thể:
- ALT: 20 – 40 UI/L
- GGT: 20 – 40UI/L
- AST: 20 – 40 UI/L
- ALP: 30 – 110 UI/L
Một người được chuẩn đoán mắc bệnh men gan cao khi làm xét nghiệm máu thu được các chỉ số men gan vượt quá ngưỡng ở trên. Điều này có nghĩa là ALT> 40 UI/L, GGT> 40 UI/L, AST > 40 UI/L và ALP > 110 UI/L. Đây là hậu quả của việc tổn thương gan quá mức khiến cho một lượng lớn tế bào gan bị chết mà giải phóng nhiều men gan vào máu.
Các nguyên nhân gây men gan cao
Chứng men gan cao do nhiều nguyên nhân gây nên. Trong đó, phổ biến nhất là những lý do dưới đây:
– Uống nhiều bia rượu:
Chất cồn trong bia rượu có thể gây ra nhiều bệnh tật trong cơ thể, bao gồm cả bệnh men gan cao. Việc lạm dụng các thức uống này quá mức sẽ khiến các tế bào gan bị tổn thương và chết đi. Sự gia tăng quá mức của nồng độ men gan trong máu chính là một hậu quả tất yếu.
– Tác dụng phụ của thuốc tây:
Trong một số trường hợp, hiện tượng men gan cao xảy ra ở một số người đang điều trị bệnh bằng các thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh, nhất là khi sử dụng thuốc ở liều cao kéo dài. Chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe, làm tổn thương gan và khiến cho chỉ số men gan tăng cao bất thường.
Tình trạng men gan cao có thể xảy ra khi bạn dùng các thuốc dưới đây:
- Aspirin
- Amoxicillin
- Paracetamol
- Ibuprofen
- Isoniazid
- Naproxen
– Tăng men gan do ảnh hưởng của các bệnh lý ở đường mật:
Các bệnh lý ở đường mật cũng có thể tác động tiêu cực đến gan và thúc đẩy chỉ số men gan tăng cao. Chẳng hạn như bệnh nhiễm trùng đường mật, sỏi túi mật hay giun chui ống mật.
Khi mắc các căn bệnh này, niêm mạc đường ống dẫn mật có biểu hiện bị phù nề hoặc dịch mật bị ứ đọng, tắc nghẽn. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng hoạt động của gan và gây ra tình trạng men gan cao.
– Do bị viêm gan
Bệnh viêm gan bao gồm nhiều loại như viêm gan tự miễn, viêm gan A, B, C hay viêm gan do rượu. Tất cả các bệnh lý này đều khiến cho các tế bào gan bị sưng viêm và tổn thương nghiêm trọng gây ra nhiều dấu hiệu bất thường. Tăng men gan chính là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh.
– Gan nhiễm mỡ:
Bệnh gan nhiễm mỡ chỉ tình trạng tích tụ mỡ nhiều bất thường ở gan. Bệnh kéo dài không chỉ gây suy giảm chức năng gan mà còn có thể khiến gan gặp phải nhiều vấn đề khác như tăng men gan, xơ hóa tế bào gan hoặc nguy hiểm nhất là ung thư gan.
– Các nguyên nhân khác gây men gan cao
Bên cạnh những lý do ở trên, hiện tượng men gan cao còn xảy ra do một số bệnh lý hay nguyên nhân khác như:
- Ngộ độc hóa chất
- Xơ gan
- Ung thư gan
- Viêm tụy
- Nhiễm trùng máu
- Rối loạn ở tuyến giáp
- Bệnh celiac
- Béo phì
- Hoạt động thể lực mạnh, quá sức
Xác định chính xác nguyên nhân gây men gan cao chính là một trong những bước quan trọng để có thể xây dựng được phác đồ điều trị hiệu quả cho từng cá nhân. Ngoài ra, việc sớm nhận biết được triệu chứng bệnh cũng giúp người bệnh kịp thời chữa trị để ổn định nồng độ men gan, giúp hạn chế những tổn thương cho gan.
Dấu hiệu men gan cao
Thông thường, nếu men gan chỉ tăng nhẹ dưới 2 lần thì hầu hết bệnh nhân đều không gặp phải dấu hiệu nào bất thường, nếu có thì các biểu hiện cũng khá mờ nhạt, khó phát hiện.
Khi men gan tăng cao quá mức và các tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như:
- Trướng bụng nhẹ
- Da nổi mẩn ngứa
- Mệt mỏi
- Đau vùng hạ sườn
- Chán ăn
- Các vi mạch ở cổ hay mặt bị giãn
- Rối loạn ở đường tiêu hóa
Bệnh men gan cao có thể tiến triển âm thầm trong một vài tuần hoặc có thể kéo dài đến vài tháng hay vài năm. Một số trường hợp không phát hiện bệnh sớm hoặc chủ quan không đi khám khiến cho gan ngày càng tổn thương nặng và gây ra nhiều biến chứng khó lường.
Tác hại của men gan cao
Nồng độ men gan tăng thường tỷ lệ thuận với tổn thương ở gan. Men gan càng cao thì tổn thương gan càng nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến chức năng hoạt động của gan bị suy giảm. Cùng với đó, người bệnh có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Xơ gan
- Viêm gan mãn tính
- Ung thư gan
Thêm vào đó, các chỉ số men gan AST và ALT tăng cao quá ngưỡng an toàn cũng được sử dụng để dự báo về sự giảm dần của tuổi thọ. Tình trạng này có thể tăng tỷ lệ tử vong lên đến 21 – 78%.
- Nếu nồng độ men AST tăng gấp đôi thì nguy cơ bị tử vong cũng tăng lên 32%. Trường hợp chỉ số men gan tăng nhiều hơn gấp đôi thì nguy cơ tử vong sẽ tăng đến 78%.
- Trong khi đó, nếu ALT tăng gấp đôi thì nguy cơ tử vong ở người bệnh tăng đến 21% và nếu cao hơn gấp đôi thì nguy cơ này sẽ là 59%.
Như vậy hiện tượng men gan cao không lành tính như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn nên có biện pháp khắc phục triệt để nhằm hạn chế những rủi ro về mặt sức khỏe.
Cách điều trị men gan cao
Để đưa nồng độ men gan trở về ngưỡng an toàn, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc tân dược cho người bệnh sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, một số mẹo giảm men gan tự nhiên cũng được áp dụng nhằm đẩy nhanh hiệu quả của thuốc tây, duy trì sự ổn định của men gan.
1. Dùng thuốc chữa men gan cao
Một số loại thuốc hạ men gan có thể được chỉ định cho người bị men gan cao như:
– Thuốc Eganin
Eganin được bào chế dưới dạng viên nang mềm chứa thành phần chính là arginine. Ngoài tác dụng làm hạ men gan, thuốc còn giúp bảo vệ các tế bào gan và cải thiện các triệu chứng của men gan cao như mệt mỏi, chán ăn…
Eganin cũng được sử dụng với mục đích ngăn ngừa xơ gan và hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến gan mật.
Để điều trị men gan cao, người trưởng thành có thể dùng thuốc với liều lượng 1 – 2 viên mỗi ngày. Nên uống thuốc sau các bữa ăn chính để đạt được hiệu quả tốt nhất. Thận trọng khi chỉ định thuốc cho bệnh nhân bị tiêu lỏng, sỏi mật, trẻ nhỏ dưới 15 tuổi và phụ nữ đang có thai.
– Thuốc hạ men gan Fortec:
Thuốc có thể được sử dụng để điều trị men gan cao cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên và người trưởng thành với liều lượng được khuyến cáo như sau:
- Trẻ từ 2 tới 6 tuổi: Uống 1-2 viên/ngày
- Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: Uống 2 – 3 viên/ngày
- Trẻ từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành: Mỗi lần uống 1 – 2 viên x 3 lần/ngày.
Một số loại thuốc khác có thể được chỉ định cho người bị men gan cao để điều trị nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn như:
- Thuốc ức chế virus
- Dung dịch Glucose (5% ) theo đường truyền giúp tăng cường chức năng thải độc cho gan.
- Thuốc điều trị gan nhiễm mỡ…
Việc lạm dụng thuốc trị men gan cao bữa bãi có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Vì vậy, bệnh nhân không được tự ý mua thuốc về dùng. Cần tiến hành thăm khám và làm xét nghiệm để xác định rõ mức độ gia tăng của chỉ số men gan cũng như đánh giá được tổn thương tại gan. Từ đó bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc và liều lượng phù hợp.
Các thuốc hạ men gan thường có hiệu quả nhanh nhưng thường được chỉ định trong thời gian ngắn. Chi phí thuốc cũng khá cao. Do vậy, bệnh nhân được khuyến khích điều chỉnh lối sống và áp dụng một số mẹo trị men gan cao tự nhiên để rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Mẹo khắc phục men gan cao tự nhiên
– Sử dụng cây xạ đen:
Trong dân gian, cây xạ đen được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý ở gan, giúp chữa lành các tổn thương cho gan. Thảo dược này chứa dược tính cao, với các thành phần chủ yếu gồm Triterpenoid, axit amin, cyanoglycosid, tanin và các chất chống oxy hóa như polyphenol, flavonoid. Chúng có tác dụng đào thải độc tố, chống viêm nhiễm tại gan, qua đó làm giảm nồng độ men gan cao.
Trên thực tế, chiết xuất từ cây xạ đen cũng được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm chức năng tốt cho gan, giúp hỗ trợ điều trị men gan cao, ngăn ngừa biến chứng thành xơ gan, viêm gan mãn tính.
Cách dùng cây xạ đen làm thuốc trị men gan cao như sau:
- Dùng 40 – 50g cây xạ đen phối hợp với 30g cà gai leo, 10g cây mật nhân
- Sau khi rửa sạch các vị thuốc trên, bạn đem sắc với 1 lít nước
- Đun ấm thuốc cho sôi rồi tiếp tục sắc thêm 20 phút nữa trên lửa nhỏ
- Dùng thuốc sắc thu được uống 2 – 3 lần trong ngày
- Mỗi ngày 1 thang
– Trị men gan cao bằng cây mã đề
Mã đề là cây thuốc nam dễ kiếm, mọc hoang ở khắp nơi. Thảo dược này có tác dụng thải độc, trị nóng gan, lợi tiểu, hạ men gan, cải thiện chức năng hoạt động của gan.
Chính vì những tác dụng tuyệt vời trên mà cây mã đề được người dân thu hái về nấu canh ăn hàng ngày. Ngoài ra có thể dùng thảo dược này làm thuốc chữa men gan cao theo hướng dẫn sau:
- Chuẩn bị 1 nắm mã đề
- Rửa dưới vòi nước nhiều lần cho sạch hết đất cát rồi ngâm với nước muối để khử trùng
- Cuối cùng đem xay nhuyễn chia làm 2 lần uống mỗi ngày
- Áp dụng cách giảm men gan cao tại nhà này trong 10 ngày liên tục, sau đó đi khám để kiểm tra lại.
– Sử dụng thực phẩm chức năng
Đây cũng là một trong những cách được nhiều bệnh nhân lựa chọn để giảm men gan . Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị men gan cao. Chúng có giá dao động từ vài chục đến vài trăm, thậm chí cả triệu đồng một lọ tùy theo xuất xứ, nhãn hiệu.
Các sản phẩm này hầu hết đều được bào chế từ các loại thảo dược tự nhiên có chức năng hạ men gan, cải thiện chức năng hoạt động cho gan, đồng thời hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về gan,
Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn một sản phẩm phù hợp, cho hiệu quả thật sự.
– Điều trị men gan cao bằng cây chó đẻ
Cây chó đẻ từ lâu đã nổi tiếng với tác dụng điều trị men gan cao. Thảo dược này còn có tên gọi khác là diệp hạ châu – một loại cây mọc hoang ở nhiều nơi.
Sử dụng cây chó đẻ đúng cách có thể giúp giải độc, giảm nóng gan, hỗ trợ tiêu diệt virus viêm gan B, C, đồng thời đưa các chỉ số men gan AST , ALT trở về ngưỡng an toàn. Ngoài ra, thảo dược này cũng giúp bảo vệ các tế bào gan trước tác hại của các gốc tự do, virus và bia rượu.
Cách dùng thuốc:
- Lấy 1 nắm cây chó đẻ hoặc khô đem nấu với 1 lít nước
- Đun sôi trong 7 – 10 phút
- Lọc bỏ bã, gạn nước chia uống 3 lần trong ngày
Những cách trị men gan tự nhiên thường cho tác dụng chậm. Vì vậy, bạn chỉ nên áp dụng khi bị tăng men gan nhẹ hoặc sử dụng như một phương pháp hỗ trợ cho thuốc tây sau khi đã tham khảo qua ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Lưu ý khi chữa men gan cao
Để chỉ số men gan nhanh chóng trở lại bình thường, trong quá trình điều trị bạn cần lưu ý:
– Uống đủ nước:
Mỗi ngày, cơ thể người trưởng thành cần được cung cấp ít nhất là 2 lít nước (khoảng 6 – 8 ly to) để thanh lọc cơ thể và đảm bảo cho quá trình chuyển hóa, thải độc tại gan diễn ra bình thường. Việc uống nhiều nước có thể giúp ngăn chặn sự gia tăng của các chỉ số men gan và giúp gan hoạt động hiệu quả hơn.
– Kiêng uống bia rượu:
Như đã đề cập, lạm dụng bia rượu là nguyên nhân khiến gan bị tổn thương và làm tăng men gan trong máu. Do đó, một khi được chẩn đoán mắc chứng men gan cao, bạn nên kiêng sử dụng các thức uống có cồn này nếu muốn bệnh tình nhanh được kiểm soát.
– Thận trọng khi sử dụng thuốc tây
Nếu tình trạng men gan cao xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc đang được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi loại thuốc khác để đảm bảo an toàn hơn cho lá gan.
– Giảm cân đối với các trường hợp béo phì
Béo phì làm gia tăng lượng mỡ tích tụ trong gan dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ – một trong những nguyên nhân gây men gan cao. Việc giảm cân có thể giúp ích trong việc làm giảm các triệu chứng của men gan cao và giúp nồng độ men gan nhanh giảm.
Nếu đang có dấu hiệu bị dư thừa cân nặng, hãy xây dựng ngay một kế hoạch giảm cân khoa học và bắt tay vào thực hiện ngay từ hôm nay. Lưu ý tránh nhịn ăn hoặc cố gắng tập luyện quá sức để ép cân sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
– Duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày
Tích cực tham gia các hoạt động thể chất, tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày có thể giúp thúc đẩy chức năng chuyển hóa các chất tại gan, tăng khả năng đào thải chất độc và loại bỏ các tế bào mỡ tích tụ trong gan. Như vậy sẽ giúp duy trì được sự ổn định của nồng độ men gan.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, mỗi ngày người bệnh có thể tập luyện từ 30 – 45 phút. Lựa chọn các bài tập vừa sức như đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội hay yoga… Tránh các bộ môn thể thao có cường độ cao hoặc hoạt động thể chất quá sức sẽ gây phản tác dụng.
– Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Chế độ ăn uống hàng ngày có liên quan mật thiết đến sức khỏe của gan. Khi bị men gan cao, bạn nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình cho phù hợp để đẩy nhanh hiệu quả điều trị bệnh, hạn chế sự lệ thuộc vào thuốc tây.
Trong ăn uống hàng ngày cần lưu ý:
- Thêm rau xanh và chất xơ vào chế độ ăn để bổ sung chất xơ và các khoáng tố cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường khả năng thải độc và chuyển hóa của gan, giảm mỡ trong gan và hỗ trợ kiểm soát tốt cân nặng.
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, omega 3 và chất chống oxy hóa để chống lại tình trạng viêm nhiễm chữa lành tổn thương trong gan. Chúng bao gồm: Cam, quýt, chanh, rau lá xanh, lựu, dâu tây, cá béo…
- Hạn chế ăn nhiều thịt đỏ, đồ béo, thức ăn mặn
- Thay thế đạm động vật bằng nguồn đạm từ thực vật sẽ giúp gan dễ dàng chuyển hóa hơn.
– Có chế độ sinh hoạt lành mạnh
Trong sinh hoạt hàng ngày, người bị men gan cao nên hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ giấc. Tránh làm việc quá sức. Hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại và môi trường ô nhiễm để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn có hại cho gan.
Bạn nên tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!