Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm gan A
Nội dung bài viết
Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan rất dễ lây lan, cần được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm gan A để có biện pháp xử lý và chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Thông tin về bệnh viêm gan A
Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan A gây ra. Virus này là một trong các loại virus gây ra viêm gan virus và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của gan.
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể bị nhiễm viêm gan A từ nguồn thực phẩm và nước uống nhiễm virus viêm gan A hoặc do tiếp xúc gần với người bệnh. Viêm gan A nhẹ có thể không cần điều trị và hầu hết người bệnh có thể khỏi bệnh mà không gặp các biến chứng hoặc tổn thương gan vĩnh viễn.
Thông thường viêm gan A có thể không dẫn đến các dấu hiệu nhận biết trong suốt vài tuần đầu sau khi nhiễm virus. Các dấu hiệu và triệu chứng viêm gan A bao gồm:
- Mệt mỏi
- Buồn nôn và nôn đột ngột
- Đau bụng hoặc khó chịu ở bụng, đặc biệt là ở phía trên bên phải xương sườn dưới (một phần của gan)
- Đi đại tiện phân có màu đất sét
- Ăn mất ngon
- Sốt nhẹ
- Đau khớp
- Nước tiểu có màu đậm
- Vàng da hoặc vàng tròng mắt
- Ngứa dữ dội
Các triệu chứng và dấu hiệu viêm gan A thường nhẹ và có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài suốt vài tháng. Ngoài ra, không phải tất cả người bệnh viêm gan A đều có các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết.
Khi nào cần thực hiện xét nghiệm viêm gan A
Viêm gan A xảy ra khi virus viêm gan A xâm nhập vào tế bào gan dẫn đến tình trạng viêm. Virus thường lây lan thông qua thực phẩm và nguồn nước ô nhiễm (có chứa phân nhiễm virus), thậm chí với một lượng rất nhỏ. Bên cạnh đó, virus viêm gan A không lây lan thông qua hắt hơi và ho.
Theo các chuyên gia, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm viêm gan A nếu thuộc các đối tượng sau:
- Sử dụng thực phẩm và nguồn nước ô nhiễm
- Ăn động vật có vỏ sống ở nguồn nước ô nhiễm hoặc các khu vực nước thải
- Tiếp xúc gần hoặc sống cùng với người bệnh viêm gan A, ngay cả khi người bệnh không có các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng
- Quan hệ tình dục hoặc quan hệ thân mật với bệnh nhân viêm gan A
Bên cạnh đó, các đối tượng khác cũng nên thực hiện xét nghiệm viêm gan A bao gồm:
- Đi du lịch hoặc làm việc ở các khu vực có nguy cơ viêm gan A cao
- Làm việc ở trung tâm bảo trợ xã hội, giữ trẻ, chăm sóc người lớn tuổi
- Nhiễm HIV
- Rối loạn đông máu, chẳng hạn như tình trạng dễ chảy máu với các vết xước nhỏ
- Sử dụng ma túy hoặc kim tiêm bất hợp pháp
Các phương pháp chẩn đoán xét nghiệm viêm gan A
Không giống các bệnh viêm gan virus khác, viêm gan A không gây tổn thương gan lâu dài và không trở thành mãn tính. Tuy nhiên trong các trường hợp hiếm, viêm gan A có thể dẫn đến mất chức năng gan đột ngột, đặc biệt là ở người lớn tuổi và những người mắc bệnh gan mãn tính. Suy gan cấp có thể dẫn đến nhiều rủi ro và gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, những người thuộc nhóm yếu tố nguy cơ hoặc nghi ngờ nhiễm viêm gan A nên đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm và điều trị phù hợp.
Để chẩn đoán viêm gan A, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp và xét nghiệm như:
1. Kiểm tra thể chất
Để chẩn đoán bệnh viêm gan A, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra tiền sử y tế của người bệnh để xác định và loại trừ các yếu tố nguy cơ. Trong quá trình khám sức khỏe, bác sĩ có thể ấn nhẹ xuống bụng để kiểm tra các phản ứng đau hoặc căng ở bụng hay không. Điều này cũng có thể giúp bác sĩ kiểm tra xem gan có to ra hay không.
Ngoài ra, nếu người bệnh có các dấu hiệu như vàng da, vàng mắt, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm viêm gan A chuyên sâu hơn.
2. Xét nghiệm chức năng gan
Xét nghiệm chức năng gan sử dụng các mẫu máu để xác định mức độ hoạt động hiệu quả của gan. Các kết quả của xét nghiệm này có thể là dấu hiệu cho thấy gan có vấn đề, nhiễm virus, đặc biệt là khi người bệnh không có dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan nào khác.
Bên cạnh đó, xét nghiệm chức năng gan có thể giúp bác sĩ xác định các tổn thương, tình trạng căng thẳng và gan có hoạt động hiệu quả hay không.
3. Siêu âm
Siêu âm được thực hiện để xét nghiệm viêm gan A bằng cách tạo ra hình ảnh của các cơ quan bên trong bụng, bao gồm cả gan. Kết quả siêu âm có thể cho phép bác sĩ quan sát các bất thường ở gan và các cơ quan lân cận.
Cụ thể, siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định các vấn đề như:
- Các chất lỏng bên trong khoang bụng
- Tổn thương hoặc mở rộng gan
- Khối u gan
- Bất thường ở túi mật
Đôi khi tuyến tụy và các vấn đề ở tuyến tụy cũng có thể được hiển thị ở siêu âm. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định các nguyên nhân bất thường ở chức năng gan, bao gồm nhiễm các loại virus viêm gan.
4. Xét nghiệm máu
Sau khi xác định các triệu chứng và kiểm tra nồng độ men gan cao trong máu, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm viêm gan A chuyên sâu thông qua kiểm tra công thức máu. Cụ thể, các xét nghiệm máy được sử dụng để xác định:
- Các kháng thể IgM (immunoglobulin M): Cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể này khi cơ thể nhiễm trùng viêm gan A. Các kháng thể này tồn tại trong máu khoảng 3 – 6 tháng, kể từ lúc nhiễm viêm gan A. Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định nồng độ kháng thể IgM và chẩn đoán bệnh viêm gan A.
- Kháng thể IgG (immunoglobulin G): Các kháng thể này xuất hiện sau khi virus viêm gan A đã xâm nhập vào cơ thể được một thời gian và có thể tồn tại trong cơ thể cả đời. Các kháng thể này được tạo ra để bảo vệ cơ thể khỏi các biến chứng và rủi ro của bệnh viêm gan A. Do đó, một người có kết quả xét nghiệm dương tính IgG và không có kháng thể IgM, điều này chứng tỏ người bệnh đã từng nhiễm viêm gan A trong quá khứ hoặc đã được tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan A.
5. Sinh thiết gan
Sinh thiết gan là một thủ thuật xâm lấn để bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ gan và kiểm tra ở phòng thí nghiệm. Thủ thuật này được thực hiện thông qua da bằng kim tiêm và không cần thực hiện phẫu thuật. Thông thường, bác sĩ có thể sử dụng thiết bị siêu âm để hướng dẫn quá trình lấy mẫu mô chính xác.
Sinh thiết gan có thể cho phép bác sĩ xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc viêm và quá trình nhiễm trùng đã gây ảnh hưởng đến gan như thế nào. Bên cạnh đó, sinh thiết cũng được sử dụng để lấy mẫu mô ở bất cứ khu vực nào ở gan có các dấu hiệu bất thường.
Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm viêm gan A
Để quá trình thực hiện xét nghiệm chẩn đoán viêm gan A diễn ra thuận lợi, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như:
- Ngưng sử dụng rượu, bia, thuốc lá, các loại đồ uống chứa cồn và các chất kích thích trước khi xét nghiệm 48 giờ.
- Thông thường người bệnh không cần nhịn ăn khi xét nghiệm các bệnh viêm gan. Tuy nhiên, đối với viêm gan A, một số loại thức ăn có thể gây ảnh hưởng đến sắc tố mật, chức năng gan. Do đó, người bệnh tốt nhất nên tránh tiêu thụ các loại thực phẩm trong 2 – 5 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ có thể đề nghị thay đổi liều lượng hoặc tạm ngưng thuốc để tránh gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm viêm gan A.
- Không sử dụng các loại thuốc không kê đơn trước khi thực hiện xét nghiệm, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc chống loạn thần và các loại thuốc điều trị tâm lý.
- Thực hiện xét nghiệm vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất.
Xét nghiệm viêm gan A bao nhiêu tiền?
Hiện tại xét nghiệm viêm gan A là một xét nghiệm phổ biến, được thực hiện tại các cơ sở y tế công lập và dân lập. Chi phí xét nghiệm dao động từ 150.000 – 250.000 đồng cho mỗi lần xét nghiệm.
Tuy nhiên chi phí này không bao gồm các chi phí phát sinh khác, như chi phí khám bệnh. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm viêm gan A có thể thay đổi phụ thuộc vào cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm. Do đó, để biết chính xác thông tin về chi phí, người bệnh vui lòng liên hệ với bệnh viện để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể.
Xét nghiệm viêm gan A ở đâu?
Xét nghiệm viêm gan A được thực hiện tại các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả xét nghiệm và tránh các rủi ro không mong muốn, người bệnh nên chọn cơ sở y tế uy tín. Bên cạnh đó, người bệnh có tham khảo một số địa chỉ y tế thực hiện xét nghiệm viêm gan A như:
+ Tại Hà Nội:
Bệnh viện Bạch Mai:
- Địa chỉ: Số 78, Đường Giải Phóng, Phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội
- Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (6:30 – 12:00 và 13:00 – 18:00)
Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương:
- Địa chỉ: Số 78, Đường Giải Phóng, Hà Nội
- Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 7 (7:30 – 11:30 và 13:00 – 17:00)
Bệnh viện Trung Ương Quân đội 108:
- Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 7 (7:00 – 17:30)
+ Tại Thành phố Hồ Chí Minh:
Bệnh viện Chợ Rẫy
- Địa chỉ: Số 201B, Đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Tp.HCM
- Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (7:00 – 11:00 và 13:00 – 16:00), Thứ 7 (7:00 – 11:00).
Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 1:
- Địa chỉ: Số 20 – 22, Đường Dương Quang Trung, Phường 12, Quận 10, Tp.HCM
- Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (7:00 – 12:00 và 13:00 – 16:30)
Bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM:
- Địa chỉ: Số 764, Đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Tp.HCM
- Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 6 (7:00 – 11:30 và 13:00 – 16:00), Thứ 7 – Chủ nhật (7:30 – 11:30)
Xét nghiệm viêm gan A là một thủ tục cần thiết để chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Nếu có thắc mắc hoặc các câu hỏi liên quan, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn hoặc liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!