Viêm Gan B: Dấu Hiệu, Điều Trị Và Thông Tin Cần Biết

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Tình trạng này có thể dẫn đến sẹo gan, suy gan, ung thư gan và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị phù hợp.

Viêm gan B
Viêm gan B là bệnh viêm trùng do virus viêm gan B gây ra

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B hay viêm gan siêu vi B là một trong 5 loại viêm gan do virus gây ra. Nhiễm viêm gan B có thể là ngắn hạn (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính).

  • Viêm gan B cấp tính: Là tình trạng nhiễm trùng kéo dài dưới 6 tháng. Hệ thống miễn dịch sẽ loại bỏ viêm gan khỏi cơ thể và hỗ trợ phục hồi trong vài tháng. Hầu hết các trường hợp viêm gan B ở người trưởng thành là cấp tính, tuy nhiên bệnh cũng có thể phát triển thành mãn tính.
  • Viêm gan B mãn tính: Là tình trạng nhiễm trùng kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn. Hệ thống miễn dịch không thể chống lại nhiễm trùng, do đó không thể tự cải thiện các triệu chứng bệnh. Viêm gan B mãn tính có thể là tình trạng suốt đời, nghiêm trọng và có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan.

Theo thống kê có khoảng 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nhiễm viêm gan B sẽ phát triển thành mãn tính. Hầu hết các trường hợp viêm gan B ở người trưởng thành là cấp tính và có thể phục hồi hoàn toàn, ngay cả khi các dấu hiệu trở nên nghiêm trọng. Nhiễm trùng viêm gan B mãn tính thường không được chẩn đoán trong nhiều thập kỷ cho đến khi bệnh gan diễn tiến nghiêm trọng.

Viêm gan B là bệnh lây lan thông qua tiếp xúc với các chất dịch của cơ thể như máu, vết thương hở, tinh dịch hoặc dịch âm đạo. Do đó tránh tiếp xúc với các chất dịch của người bệnh có thể phòng ngừa viêm gan B. Bên cạnh đó, tiêm phòng vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B, nhưng không phải là cách điều trị bệnh. Vaccine được cho là có hiệu quả tốt nhất khi được tiêm trong vòng 6 tháng đầu đời.

Viêm gan B có lây không?

Viêm gan B là tình trạng dễ lây truyền. Cách lây nhiễm phổ biến nhất là tiếp xúc với máu và một số chất dịch có chứa virus gây bệnh.

Mặc dù virus được tìm thấy trong nước bọt và dịch mũi nhưng virus viêm gan B không thể lây lan thông qua việc hắt hơi, ho, cho cho bú, sử dụng chung đồ dùng cá nhân và hôn (trừ khi có vết trầy xước hoặc tổn thương khi hôn).

Các triệu chứng viêm gan B có thể không xuất hiện trong 3 tháng kể từ lúc nhiễm virus. Tuy nhiên, một người mang virus gây bệnh có thể truyền nhiễm cho người khác, kể cả khi không có bất cứ triệu chứng hoặc dâu hiệu nào.

viêm gan b có lây không
Viêm gan B có thể lây truyền thông qua việc tiếp xúc máu và chất dịch của người bệnh

Các phương thức lây truyền viêm gan B phổ biến bao gồm:

  • Tiếp xúc với máu của người bệnh
  • Chuyển từ mẹ sang con trong quá trình sinh
  • Sử dụng chung kim tiêm với người nhiễm bệnh
  • Tiếp xúc thân mật (quan hệ tình dục) với người nhiễm bệnh
  • Quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn, tay hoặc âm đạo – dương vật với người bệnh
  • Sử dụng chung dao cao hoặc các vật dụng cá nhân có thể chứa chất dịch cơ thể hoặc máu

Ngoài ra, virus viêm gan B có thể sống bên trong cơ thể đến 7 ngày. Do đó, giữ vệ sinh cơ thể và thận trong việc tiếp xúc với quần áo dính máu hoặc các chất dịch khác, đặc biệt là đối với nhân viên y tế và nhân viên vệ sinh.

Dấu hiệu nhận biết viêm gan B

Các dấu hiệu nhiễm trùng viêm gan B có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng và thường xuất hiện trong vòng 4 tháng sau khi nhiễm virus, tuy nhiên một số người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu sau 2 tuần. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhiễm viêm gan B thường không có bất cứ dấu hiệu nhận biết nào trong nhiều năm, cho đến khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

viêm gan b triệu chứng
Các triệu chứng phổ biến bao gồm gây vàng da, mệt mỏi, sốt và các dấu hiệu liên quan đến dạ dày

Cụ thể, các dấu hiệu và triệu chứng viêm gan B có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi bất thường kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng
  • Nước tiểu có màu vàng đậm, nâu hoặc cam
  • Đau khớp hoặc đau cơ
  • Mất cảm giác ngon miệng
  • Khó chịu hoặc đau bụng
  • Mất sức mạnh
  • Phân có màu nhạt
  • Sốt
  • Có các vấn đề về dạ dày như chán ăn, buồn nôn và nôn
  • Vàng da hoặc vàng tròng trắng mắt

Các triệu chứng và dấu hiệu viêm gan B có thể không rõ ràng ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và người trưởng thành có hệ thống miễn dịch suy yếu. Bên cạnh đó, các triệu chứng viêm gan B ở người trên 60 tuổi có thể trở nên nghiêm trọng, do đó đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B được gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Virus này có thể truyền từ này sang người khác thông qua máu và các chất dịch cơ thể như tinh dịch và dịch âm đạo. Virus cũng có thể lây từ mẹ sang con thông qua chất dịch từ nhau thai trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, virus không lây lan thông qua hắt hơi hoặc ho.

viêm gan b lây qua đường gì
Viêm gan B do virus viêm gan B (HBV) gây ra

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nhiễm virus viêm gan B bao gồm:

  • Tình dục: Một người có thể nhiễm viêm gan B khi quan hệ tình dục không an toàn với người người nhiễm bệnh.
  • Sử dụng chung kim tiêm: Virus có thể lây lan nhanh chóng và dễ dàng thông qua kim tiêm nhiễm máu.
  • Từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai bị viêm gan B có thể truyền cho em bé tròng quá trình sinh con. Tuy nhiên có một loại vaccine có thể ngăn ngừa lây nhiễm ở trẻ sơ sinh.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao:

  • Nhân viên y tế
  • Người có nhiều bạn tình
  • Sử dụng ma túy hoặc dùng chung kim tiêm
  • Người mắc các bệnh gan mãn tính
  • Bệnh nhân bệnh thận
  • Bệnh nhân được chạy thận nhân tạo
  • Người trên 60 tuổi có bệnh tiểu đường
  • Người sử dụng một số loại thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như thuốc hóa trị điều trị ung thư
  • Bệnh nhân HIV
  • Phụ nữ mang thai
  • Người sinh sống hoặc du lịch đến các quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao

Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?

Viêm gan B cấp tính có thể phục hồi hoàn toàn mà không dẫn đến các rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, nhiễm trùng viêm gan B mãn tính có thể tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

viêm gan b có nguy hiểm không
Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng và ảnh hưởng đến tính mạng
  • Xơ gan: Là tình trạng hình thành các mô sẹo trên các tế bào gan và thường là biến chứng của bệnh viêm gan không được điều trị phù hợp. Hầu hết các trường hợp xơ gan không thể phục hồi và chữa lành, tuy nhiên nếu phát hiện sớm các triệu chứng có thể được ngăn ngừa và kiểm soát.
  • Ung thư gan: Những bệnh nhân viêm gan B thường có nguy cơ ung thư gan tương đối cao. Ung thư gan bao gồm hai loại phổ biến là ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư đường mật. Nếu được điều trị sớm, ung thư gan có thể được cải thiện bằng cách ghép gan, tuy nhiên nếu điều trị không thành công, người bệnh sẽ tử vong.
  • Suy gan: Các loại virus viêm gan, bao gồm viêm gan A, B và E có thể dẫn đến suy gan. Suy gan là tình trạng y tế nghiêm trọng, xảy ra khi các chức năng quan trọng của gan ngừng hoạt động. Nếu không được điều trị phù hợp, người bệnh có thể sẽ tử vong.
  • Bệnh thận: Các bệnh lý nhiễm virus kéo dài như viêm gan B mãn tính có thể dẫn đến các vấn đề ở thận. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng lọc máu và kiểm soát huyết áp của cơ thể. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể tử vong.
  • Các vấn đề về mạch máu: Bệnh nhân viêm gan B mãn tính có thể gặp các vấn đề như viêm mạch máu.

Ngoài ra, bệnh nhân viêm gan B có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng viêm gan D. Nhiễm trùng kép viem gan D và B có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Viêm gan B có chữa được không?

Hiện tại không có cách điều trị bệnh viêm gan B. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể tự cải thiện và phục hồi trong vài tháng, kể cả đối với viêm gan B mãn tính.

Thuốc kháng virus có thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mãn tính. Tuy nhiên, việc điều trị cần kéo dài liên tục trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, do đó có thể tốn kém nhiều chi phí.

Nếu viêm gan B mãn tính gây tổn thương gan nghiêm trọng, không thể phục hồi, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh ghép gan để cải thiện bệnh và kéo dài sự sống.

Mặc dù không có cách điều trị, tuy nhiên người bệnh có thể phòng ngừa viêm gan B bằng cách tiêm phòng vaccine. Vaccine có sẵn và được khuyến cáo cho cả người lớn, trẻ em và trẻ sơ sinh (hiệu quả nhất trong 6 tháng đầu đời).

Biện pháp chẩn đoán viêm gan B

Viêm gan B thường được chẩn đoán thông qua xét nghiệm máu. Nếu một người có triệu chứng viêm gan B hoặc men gan cao, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm như:

viêm gan b có chữa được không
Thực hiện kiểm tra viêm gan B để có biện pháp xử lý, điều trị phù hợp
  • Kháng nguyên bề mặt viêm gan B và kháng thể (HBsAg): Kháng nguyên là protein có trong virus viêm gan B, kháng thể là protein được hệ thống miễn dịch. Các kháng thể sẽ được tạo ra trong máu từ 1 – 10 tuần sau khi nhiễm viêm gan B. Nếu viêm gan B là cấp tính và tự hồi phục, các kháng thể sẽ tự biến mất sau 4 – 6 tháng. Nếu các kháng thể tồn tại sau 6 tháng, viêm gan là mãn tính.
  • Kháng thể bề mặt viêm gan B (chống HBs): Các kháng thể này xuất hiện sau khi HBsAg biến mất và có thể giúp cơ thể miễn dịch với viêm gan B trong tương lai.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Đây là xét nghiệm quan trọng đối với bệnh nhân viêm gan và các bệnh gan khác. Xét nghiệm này có thể kiểm tra máu để xác định lượng enzyme do gan tạo ra. Men gan cao là dấu hiệu tổn thương gan hoặc chức năng gan bất thường.
  • Siêu âm gan: Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định mức độ tổn thương gan.
  • Sinh thiết gan: Bác sĩ có thể lấy một mẫu gan nhỏ và tiến hành kiểm tra mức độ tổn thương ở phòng thí nghiệm. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy mẫu gan thông qua một cây kim mỏng, xuyên qua da, đi vào gan để lấy mẫu phân tích.

Các đối tượng cần được sàng lọc viêm gan trước khi xuất hiện các triệu chứng và tổn thương gan, bao gồm:

  • Phụ nữ mang thai
  • Người sống chung với bệnh nhân viêm gan B
  • Có nhiều bạn tình
  • Có quan hệ tình dục với người bệnh viêm gan B
  • Có tiền sử mắc các bệnh lây qua đường tình dục
  • Nhiễm viêm gan C hoặc HIV
  • Các xét nghiệm men gan cho kết quả bất thường
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
  • Sử dụng kim tiêm bất hợp pháp

Viêm gan B điều trị như thế nào?

Một người đã tiếp xúc với virus viêm gan B cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Trong 12 giờ đầu tiên sau khi nhiễm virus, người bệnh có thể được tiêm một loại kháng thể gọi là immunoglobulin để ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan.

Viêm gan B cấp tính có thể không cần điều trị và có thể tự khỏi sau một thời gian. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và uống nhiều chất lỏng để cải thiện nhiễm trùng. Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc kháng virus để ngăn ngừa các biến chứng.

Đối với viêm gan B mãn tính, người bệnh cần được điều trị trong suốt phần đời còn lại. Các biện pháp điều trị có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh gan, hạn chế lây nhiễm cho người khác và kéo dài thời gian sống. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm:

1. Sử dụng thuốc kháng virus

Một số loại thuốc chống virus có thể chống lại virus và làm chậm tiến triển của bệnh gan. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc được sử dụng thông qua đường uống như:

điều trị viêm gan b mạn
Viêm gan siêu vi B mãn tính được điều trị bằng thuốc kháng virus trong thời gian dài
  • Entecavir: Đây là loại thuốc mới nhất có thể điều trị viêm gan B. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng chất lỏng và thuốc viên.
  • Tenofovir: Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén hoặc thuốc bột có thể được chỉ định để ngăn ngừa tổn thương thận liên quan đến viêm gan.
  • Lamivudine: Thuốc thường được sử dụng dưới dạng viên nén hoặc chất lỏng một ngày một lần. Hầu hết các trường hợp, thuốc có tác dụng tốt nhưng đôi khi virus có thể kháng thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài.
  • Adefovir dipivoxil: Thuốc được sử dụng dưới dạng viên và có tác dụng tốt đối với người bệnh không đáp ứng với lamivudine. Tuy nhiên khi sử dụng ở liều cao, thuốc có thể dẫn đến một số vấn đề về thận.
  • Interferon alfa: Thuốc có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và được sử dụng dưới dạng tiêm một mũi cho ít nhất là 6 tháng. Thuốc không thể điều trị viêm gan nhưng có thể làm chậm diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên, các tác dụng phụ có thể bao gồm gây cảm giác trầm cảm, chán nản, giảm sự thèm ăn. Ngoài ra, thuốc cũng có thể làm giảm số lượng bạch cầu, khiến việc chống nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn.

2. Ghép gan

Trong trường hợp nhiễm trùng gan nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị ghép gan để điều trị. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ gan bị tổn thương và thay thế bằng một lá gan khỏe mạnh.

Hầu hết các trường hợp, gan được ghép được lấy từ một người hiến tạng đã qua đời. Tuy nhiên đôi khi một người sống có thể hiến tặng một lá gan.

viêm gan b chữa trong bao lâu
Trong các trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng, người bệnh có thể cần ghép gan

Phẫu thuật ghép gan có thể dẫn đến nhiều rủi ro và cần sử dụng thuốc để ngăn ngừa đào thải gan mới sau phẫu thuật. Các rủi ro liên quan đến phẫu thuật ghép gan có thể bao gồm:

  • Biến chứng ảnh hưởng ống mật bao gồm rò rỉ ống mật hoặc co rút ống mật
  • Xuất huyết nội
  • Có các cục máu đông
  • Ghép gan thất bại, xảy ra khi cơ thể đào thải được ghép
  • Nhiễm trùng
  • Rối loạn thần kinh hoặc co giật

Bên cạnh đó, người ghép gan cần dùng thuốc kéo dài trong quãng đời còn lại để chống đào thải gan, Các loại thuốc này có thể gây ra  một số tác dụng phụ như:

  • Loãng xương
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh tiêu chảy
  • Đau đầu mãn tính
  • Huyết áp cao
  • Nồng độ cholesterol cao

3. Thay đổi lối sống

Người bệnh viêm gan B cần thực hiện một số biện pháp để ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác. Các biện pháp thường bao gồm:

bệnh viêm gan b có chữa được không
Thực hiện các biện pháp tình dục an toàn để tránh lây nhiễm bệnh
  • Quan hệ tình dục an toàn: Nếu có các hoạt động quan hệ tình dục, người bệnh viêm gan B cần trao đổi với bạn tình về nguy cơ lây nhiễm và sử dụng các biện pháp tình dục an toàn như bao cao su hoặc màng chắn miệng. Tuy nhiên, sử dụng các biện pháp an toàn không thể loại bỏ tất các các nguy cơ lây nhiễm viêm gan.
  • Đề nghị bạn tình đến bệnh viện kiểm tra: Bất cứ ai có quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc thân mật với người viêm gan B cần đến bệnh viện để được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B.
  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân: Các vật dụng như dao cạo, bàn chải đánh răng, kim tiêm có thể chứa chất dịch cơ thể và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng viêm gan.

Viêm gan B ở phụ nữ mang thai

Phụ nữ mang thai có thể truyền virus viêm gan B cho em bé thông qua việc sinh nở. Tuy nhiên, virus thường không lây nhiễm trong thai kỳ.

Có khoảng 90% viêm gan B ở trẻ em phát triển thành mãn tính và có thể dẫn đến các vấn đề lâu dài. Do đó, tất cả trẻ sơ sinh được sinh ra từ một người mẹ viêm gan B cần được tiêm globulin miễn dịch viêm gan B trong vòng 12 giờ sau khi sinh và tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 6 tháng đầu đời.

Biện pháp phòng ngừa viêm gan B

Để ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan B, mọi người có thể tiêm phòng vaccine phòng ngừa trong 6 tháng. Vaccine được khuyến nghị cho các đối tượng như:

viêm gan b vacxin
Tiêm phòng vaccine là cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B
  • Trẻ sơ sinh
  • Trẻ em và thanh thiếu niên không được tiêm phòng khi sinh
  • Người làm việc trong môi trường cộng đồng hoặc tập thể
  • Nhân viên y tế, nhân viên cấp cứu và người tiếp xúc với máu
  • Người sống chung với bệnh nhân viêm gan B
  • Bất cứ ai có bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả HIV
  • Người có nhiều bạn tình
  • Quan hệ tình dục với người bệnh viêm gan B
  • Người tiêm chích ma túy hoặc sử dụng kim tiêm không an toàn
  • Người bệnh gan hoặc viêm gan mạn tính
  • Bệnh nhân thận giai đoạn cuối hoặc người chạy thận nhân tạo

Bên cạnh việc tiêm vaccine, bạn có thể phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B thông qua một số lưu ý như:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Đeo găng tay khi dọn dẹp, đặc biệt là khi tiếp xúc với chất dịch của người khác như chạm vào băng, băng vệ sinh, khăn trải giường
  • Che chắn tất cả các vết thương
  • Không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ chăm sóc móng tay hoặc khuyên tai
  • Cẩn thận khi sử dụng kim tiêm, xỏ khuyên tai, xăm hình hoặc làm móng tay móng chân
  • Làm sạch vết máu bằng dung dịch thuốc tẩy pha loãng, trộn 1 phần thuốc tẩy với 9 phần nước

Viêm gan B là tình trạng phổ biến và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Một số người có thể tự cải thiện viêm gan B trong 6 tháng, trong khi một số khác có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan và tử vong. Do đó, nếu nghi ngờ hoặc tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan B, người bệnh nên đến bệnh viện ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.

5/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *