Viêm gan E: Dấu hiệu, cách chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Viêm gan E là một thể viêm gan siêu vi nghiêm trọng. Bệnh xảy ra khi cơ thể bị xâm nhập bởi một loại virus mang tên HEV – Hepatitis E virus. Viêm gan do HEV thường không có diễn tiến lâu dài và ít phát sinh những rủi ro hay tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên nếu xâm nhập vào cơ thể của phụ nữ mang thai, những người ghép tạng hay có hệ miễn dịch suy yếu, Hepatitis E virus có thể nhanh chóng tiến triển, gây tổn thương nặng nề và hình thành các biến chứng nguy hiểm.
Viêm gan E là gì?
Viêm gan E là một trong các bệnh viêm gan nghiêm trọng. Bệnh hình thành khi có sự xâm nhập và gây tác động xấu của virus HEV (Hepatitis E virus). Hepatitis E virus là một loại virus có sức chịu đựng kém do không có vỏ bọc, có cấu tạo là một chuỗi ARN, dương.
Kết quả thống kê cho thấy, viêm gan do nhiễm Hepatitis E virus xảy ra phổ biến, khoảng 20 triệu người. Trong đó có khoảng 3,5 triệu người có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng khi mắc bệnh. Bệnh thường xuất hiện ở các quốc gia thuộc phía đông và phía nam châu Á. Đặc biệt bệnh có thể bùng phát thành dịch khi mưa lũ kéo dài, nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm.
Thời gian ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với HEV dao động trong khoảng 3 – 8 tuần, thời gian ủ bệnh trung bình là 40 ngày. Đối với thời kỳ lây nhiễm, các giai đoạn thường không rõ ràng. Nếu viêm gan E phát sinh ở những người trẻ tuổi, các triệu chứng của bệnh sẽ diễn ra rõ nét hơn. Đặc biệt là ở những bệnh nhân có độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi.
Các triệu chứng và mức độ gây tổn thương của bệnh thường rất nhẹ đối với trẻ em, ở một số trường hợp hầu như không có triệu chứng. Điều này cản trở quá trình chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lý.
Viêm gan do Hepatitis E virus chủ yếu lây qua đường tiêu hóa. Ở một số trường hợp ít gặp, virus gây bệnh viêm gan siêu vi E có thể truyền từ mẹ sang con hoặc truyền từ sang người qua đường máu.
Viêm gan E có xu hướng tự khỏi, không dai dẳng, không để lại biến chứng và không gây tổn thương nặng nề. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai và những người có thể miễn dịch suy yếu, viêm gan do Hepatitis E virus thường gây tổn thương lâu dài và chuyển sang viêm gan tối cấp và tử vong đối với trường hợp nặng.
Nguyên nhân gây viêm gan E
Viêm gan E xảy ra khi cơ thể bị xâm nhập bởi một loại virus có tên HEV – Hepatitis E virus. Đa số trường hợp mắc bệnh E là do Hepatitis E virus lây lan và xâm nhập vào cơ thể từ nguồn nước bị ô nhiễm bởi phân.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm phân của người mang virus, Hepatitis E virus sẽ nhanh chóng xâm nhập, di chuyển đến các tế bào gan và gây tổn thương.
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm Hepatitis E virus của bạn sẽ tăng cao khi bạn là người có thói quen vệ sinh cá nhân, vẹ sinh tay kém, thiếu nguồn nước sạch. Virus HEV cũng có thể lây lan khi bạn thường xuyên ăn tái, chưa được nấu chín kỹ hoặc ăn sống thịt động vật bị nhiễm bệnh (lây nhiễm từ động vật sang người). Khả năng nhiễm Hepatitis E virus cũng tăng cao khi ăn các loại động vật có vỏ được đánh bắt từ những vùng nước bị ô nhiễm.
Viêm gan E và dấu hiệu nhận biết
Viêm gan do Hepatitis E virus có thể xuất hiện nhưng không kèm theo triệu chứng hoặc triệu chứng của bệnh không rõ ràng. Trường hợp này xảy ra phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên đối với những trường hợp khác, bệnh xuất hiện kèm theo các triệu chứng rõ ràng. Nhất là khi viêm gan E xuất hiện trong cơ thể của những người trẻ tuổi (khoảng 15 đến 40 tuổi).
Tùy thuộc vào các tổn thương thực thể, mức độ nghiêm trọng, mức độ phát triển bệnh lý và bệnh cảnh, dấu hiệu nhận biết cũng như các triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi E ở từng trường hợp cụ thể thường khác nhau.
1. Triệu chứng nhiễm trùng virus HEV cấp tính
Thời gian ủ bệnh sau khi phơi nhiễm với HEV dao động trong khoảng 3 – 8 tuần, thời gian ủ bệnh trung bình là 40 ngày. Trong giai đoạn cấp tính, một vài triệu chứng có thể giúp bạn nhận biết sớm bệnh lý, bao gồm:
- Buồn nôn
- Vàng da
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Xuất hiện những cơn đau gan (đau dưới sườn và bên phải vùng thượng vị)
- Nước tiểu sẫm màu hơn so với thông thường
- Phân chuyển sang màu đất sét
- Đau bụng.
Hầu hết triệu chứng lâm sàng không xảy ra trong thời gian ủ bệnh. Tuy nhiên ở giai đoạn này, kết quả xét nghiệm có thể cho thấy nồng độ aminotransferase gan cao hơn mức bình thường, trong huyết thanh và phân của người bệnh có virus.
Ngoài ra trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện kháng thể IgG huyết thanh và kháng thể IgM sẽ hoạt động mạnh và chống lại sự xâm nhập và các hoạt động của Hepatitis E virus. Điều này dẫn đến quá trình thanh thải virus viêm gan E từ máu và giúp thể trạng nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên khi xuất hiện trong phân, vòng đời của virus có thể kéo dài.
Sự tăng nồng độ kháng thể IgG và sự sụt giảm hoặc biến mất của kháng thể IgM có thể thể là dấu hiệu thể hiện cho tình trạng hồi phục thể trạng.
2. Tình trạng nhiễm trùng mạn tính
Viêm gan do nhiễm Hepatitis E virus thường không kéo dài. Nếu áp dụng các phương pháp thích hợp, bệnh có thể biến mất. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu và những người có tiền sử cấy ghép nội tạng, viêm gan siêu vi E sẽ lan rộng và gây nhiễm trùng mạn tính.
Ở một số trường hợp, nhiễm trùng gan thể mạn tính có thể nhanh chóng chuyển sang nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Điển hình như bệnh suy gan tối cấp và xơ gan.
3. Triệu chứng xảy ra ở các cơ quan khác của cơ thể
Khi bị viêm gan E, một số cơ quan khác có thể bị ảnh hưởng và phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. Đa số các trường hợp được ghi nhận có liên quan đến các triệu chứng thông qua trung gian miễn dịch hoặc triệu chứng về cơ xương. Tuy nhiên trường hợp này thường không rõ ràng.
Những triệu chứng liên quan đến bệnh viêm gan E và tình trạng sức khỏe xảy ra ở các cơ quan khác sẽ rõ ràng hơn khi xuất hiện ở máu và hệ thần kinh.
- Hội chứng thận hư xuất hiện đồng thời cùng với bệnh huyết sắc tố hoặc / và viêm cầu thận.
- Viêm tụy cấp (hầu hết các trường hợp có liên quan đến kiểu gen HEV 1).
- Trong giai đoạn nhiễm trùng Hepatitis E virus, cơ chế phát sinh tổn thương thần kinh chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các biểu hiện vẫn có thể xảy ra ở hệ thần kinh. Điển hình như: Bệnh teo cơ thần kinh gây yếu vai và tay (tên gọi khác: Hội chứng Parsonage – Turner) viêm màng não cấp tính, Hội chứng Guillain – Barré liên đến hệ thần kinh nên khiến tay và chân suy yếu cấp tính, viêm tủy ngang cấp tính.
- Huyết sắc tố hỗn hợp. Nếu sinh sống ở những vùng có nhiệt độ thấp, những kháng thể được tìm thấy trong máu sẽ phát sinh ra những phản ứng không thích hợp.
- Giảm tiểu cầu nặng. Căn bệnh này là tình trạng nồng độ tiểu cầu trong máu đạt ở mức thấp. Từ đó làm tăng nguy cơ chảy máu và gây nguy hiểm.
4. Nhiễm trùng gan trong thai kỳ
Khi bị viêm gan siêu vi E, Phụ nữ mang thai thường gặp bất lợi và chịu nhiều tổn thương hơn so với các đối tượng nhiễm bệnh khác. Kết quả thống kê được thực hiện ở những nước phát triển cho thấy có khoảng 20 đến 25% trường hợp suy gan dẫn đến tử vong từ sự hình thành và phát triển nhanh của genotype 1 và 2 HEV.
Ngoài những triệu chứng xảy ra trong giai đoạn cấp tính, một số vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra trên cơ thể của mẹ bầu và thai nhi. Thường gặp nhất là sinh non, thai chết lưu, trẻ sơ sinh tử vong.
Các cơ chế đằng sau những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vẫn chưa được xác định rõ ràng. Sự nhân lên của Hepatitis E virus và sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trên hệ thống miễn dịch có khả năng tác động xấu đến cơ thể, thúc đẩy phát triển tình trạng nhiễm trùng, khiến những tổn thương và bệnh viêm gan trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra một số nghiên cứu đã được thực hiện và kết luận Hepatitis E virus có thể nhanh chóng phát triển khi tồn tại trong nhau thai, đồng thời nhân số lượng HEV bên ngoài gan. Tuy nhiên các yếu tố khiến tình trạng nhiễm trùng gan do Hepatitis E virus trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn mang thai vẫn chưa rõ ràng.
Các con đường lây truyền virus viêm gan E
Đường tiêu hóa là con đường lây truyền chủ yếu của virus viêm gan E. Vòng đời của loại virus này có thể kéo dài khi tồn tại trong phân, các loại thực phẩm, thức ăn không đảm bảo vệ sinh (rau củ quả, trái cây tươi bị nhiễm virus nhưng không được vệ sinh sạch sẽ, thịt chưa được nấu chín kỹ, tái hoặc còn sống), nguồn nước ô nhiễm. Việc sử dụng những loại thực phẩm, thức uống mang mầm bệnh nhưng không được vệ sinh kỹ và sạch sẽ có thể khiến bạn bị nhiễm Hepatitis E virus.
Mặc dù hiếm gặp nhưng virus viêm gan E vẫn có khả năng lây truyền thông qua một số con đường sau:
- Lây truyền từ mẹ sang con
- Quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh nhưng không áp dụng các biện pháp phòng nhiễm virus (không dùng bao cao su), quan hệ không an toàn (quan hệ tình dục với nhiều đối tượng), quan hệ tình dục bằng miệng và quan hệ tình dục đồng giới nam.
- Lây truyền qua virus HEV qua đường phân và đi vào miệng
- Lây truyền virus HEV qua dịch tiết cơ thể, hắt hơi, nước bọt, không khí
- Tiếp xúc với máu nhiễm Hepatitis E virus
- Sử dụng chung vật dụng y tế, kim tiêm, ống tiêm, đồ dùng cá nhân có khả năng gây trầy xước và dính máu
- Sử dụng những sản phẩm từ máu hoặc được truyền máu hiến tặng từ bệnh nhân bị nhiễm Hepatitis E virus.
Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan E
Đối với bệnh viêm gan E, diễn biến cấp tính có thể khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi, buồn nôn chán ăn, tiêu chảy, vàng da… Tuy nhiên những triệu chứng này có thể dần thuyên và biến mất trong 6 tháng.
Đa số trường hợp viêm gan siêu vi E không phát triển mạnh và không chuyển sang bệnh cảnh mạn tính. Đồng thời không gây ra các tổn thương vĩnh viễn và biến chứng nghiêm trọng.
Riêng đối với những trường hợp đặc biệt (những người có tiền sử cấy ghép nội tạng, thai phụ, người có hệ miễn dịch suy yếu, virus viêm gan E có thể phát triển mạnh, lan rộng sang các cơ quan khác của cơ thể. Từ đó chuyển sang bệnh cảnh mạn tính,gây suy gan tối cấp, xơ gan và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Một số biến chứng khác có thể xuất hiện ở phụ nữ mang thai:
- Trẻ sơ sinh tử vong sau khi sinh ra
- Thai chết lưu
- Sinh non
- Các biến chứng sản khoa hoặc viêm gan tối cấp xảy ra ở thai phụ dẫn đến từ vong. Biến chứng này xuất hiện phổ biến và chiếm tỉ lệ tử vong khoảng 20%.
Xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan E
Quá trình chẩn đoán viêm gan E tương tự như các bệnh viêm gan siêu vi khác (viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, viêm gan siêu vi D). Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả từ các xét nghiệm cần thiết.
1. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng
Để góp phần chẩn đoán viêm gan E, bác sĩ chuyên khoa có thể dựa vào các triệu chứng đặc trưng được liệt kê dưới đây:
- Sốt
- Có cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Tăng kích thước gan, ấn vào có cảm giác đau
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân nhạt màu
- Ăn không ngon miệng, biếng ăn
- Vàng tròng mắt, vàng da.
2. Chẩn đoán dựa trên kết quả xét nghiệm
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm siêu vi E thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ nhầm lẫn với các bệnh về gan khác. Chính vì thế, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuyên khoa chỉ định thực hiện một hoặc nhiều các xét nghiệm cần thiết.
Một số xét nghiệm chẩn đoán viêm gan dưới đây có thể được thực hiện:
- Xét nghiệm đánh giá phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược: Để tìm kiếm sự tồn tại của HEV – RNA (có nghĩa RNA của virus viêm gan E) trong phân và máu, xét nghiệm đánh giá phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (tên khoa học RT-PC – Reverse transcriptase polymerase) sẽ được chỉ định. Tuy nhiên việc chẩn đoán bệnh lý thông qua xét nghiệm HEV – RNA nên được thực hiện kỹ lưỡng ở các cơ sở y tế chuyên ngành.
- Xét nghiệm kháng thể IgM và kháng thể IgG trong máu: Xét nghiệm kháng thể IgM và kháng thể IgG trong máu có thể giúp bác sĩ chuyên khoa xác định nồng độ IgM và IgG đặc hiệu khi có sự tồn tại của Hepatitis E virus trong máu.
Bệnh viêm gan E được điều trị bằng cách nào?
Do tính chất tự giới hạn nên bệnh nhân bị viêm gan do Hepatitis E virus không cần phải nhập viện và không cần phải sử dụng thuốc hay các phương pháp điều trị chuyên sâu khác. Riêng đối với phụ nữ mang thai có nghi ngờ bị viêm gan siêu vi E và người bị viêm gan virus E tối cấp, việc nhập viện, theo dõi tình trạng sức khỏe mỗi ngày là đều vô cùng cần thiết.
1. Phương pháp điều trị viêm gan cấp tính
Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị và thay đổi quá trình tiến triển bệnh lý ở những bệnh nhân bị viêm gan siêu vi E cấp tính. Tuy nhiên các liệu pháp hỗ trợ điều trị viêm gan có thể được yêu cầu thực hiện.
Để cải thiện bệnh, những người đang trong giai đoạn nhiễm Hepatitis E virus cấp tính nên:
- Bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (2 -2,5 lít nước mỗi ngày).
- Tăng cường bổ sung vitamin, axit amin, omega-3 và khoáng chất cho cơ thể bằng việc dung nạp các loại thực phẩm dinh dưỡng.
- Không uống rượu bia và những loại thức uống chứa cồn khác.
- Thận trọng khi dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Đặc biệt là acetaminophen. Bởi nếu dùng thuốc bừa bãi, nguy cơ viêm gan, tổn thương gan sẽ tăng cao.
2. Phương pháp điều trị viêm gan mạn tính
Đối với những trường hợp bị viêm gan siêu vi E thể mạn tính, thuốc Ribavirin có thể được chỉ định. Thực tế, Bộ Y tế không quy định thuốc Ribavirin được chỉ định trong điều trị nhiễm virus HEV. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh được rằng các hoạt chất của thành thuốc Ribavirin có khả năng chữa bệnh viêm gan siêu vi E thể mạn tính và giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng.
Kết quả thống kê cho thấy, có khoảng 70% trường hợp nhiễm virus HEV thể mạn tính có thể ức chế tác nhân gây bệnh và làm sạch virus HEV trong máu sau một thời gian sử dụng thuốc Ribavirin (áp dụng liều dùng thấp trong 3 tháng).
Ngoài ra việc sử dụng kết hợp Ribavirin và Peginterferon hoặc chỉ dùng Peginterferon cũng có thể được chỉ định ở các trường hợp nhiễm trùng mạn tính.
Bệnh viêm gan siêu vi E thể mạn tính và tác dụng từ việc áp dụng các liệu pháp kìm hãm miễn dịch có mối liên quan. Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu vẫn chưa xác định được hết những ảnh hưởng, tác động xấu từ quá trình sử dụng thuốc ức chế miễn dịch đối với tình trạng nhiễm Hepatitis E virus thể mạn tính.
Đối với những bệnh nhân có tiền sử ghép tạng rắn, số lượng Hepatitis E virus đang tồn tại và hoạt động ở gan có thể được loại bỏ hoàn toàn bằng cách ngưng tạm thời hoặc ngưng hoàn toàn việc dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc các liệu pháp kìm hãm miễn dịch khác.
Bệnh viêm gan E được phòng ngừa như thế nào?
Để phòng ngừa hiệu quả viêm gan siêu vi E, bạn cần tiến hành tiêm vắc xin chủng phòng Hepatitis E virus càng sớm càng tốt. Ngoài ra quá trình lây nhiễm virus HEV cũng có thể được ngăn chặn bằng việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp sau:
- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn uống lành mạnh và khoa học. Đặc biệt để tránh bị nhiễm Hepatitis E virus bạn cần ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh, thực phẩm giàu vitamin, protein, thịt, cá để hệ miễn dịch và sức đề kháng được cải thiện, sức khỏe của gan và sức khỏe tổng thể được nâng cao.
- Thực ăn mà bạn sử dụng cần đảm bảo vệ sinh, được rửa sạch và nấu chín kỹ. Nên dùng nguồn nước sạch, không uống hoặc dùng nước không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời không ăn các động vật có vỏ sống tại vùng nước nhiễm khuẩn, không ăn thịt động vật sống, còn tái hoặc chưa nấu chín kỹ.
- Trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với vật dụng công cộng, bạn nên dùng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn vệ sinh tay. Ngoài ra bạn cần tắm rửa mỗi ngày và nên giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Luyện tập thể thao và vận động mỗi ngày để thể trạng, hệ miễn dịch, sức đề kháng được nâng cao. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa.
- Khám sức khỏe và kiểm tra chức năng gan định kỳ.
Nhiễm trùng gan do Hepatitis E virus thường không kéo dài dai dẳng, ít gây tổn thương vĩnh viễn hay biến chứng nghiêm trọng. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh có thể khỏi sau một thời gian. Riêng đối với các trường hợp đặc biệt (thai phụ, người có hệ miễn dịch suy yếu hay cấy ghép tạng), viêm gan có thể tiến triển và trở thành bệnh cảnh mãn tính. Cuối cùng phát sinh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, nếu có bất thường, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng dẫn và đề xuất phác đồ chữa trị thích hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!