Tiêm ngừa viêm gan B cần bao nhiêu mũi? Lịch nhắc lại
Nội dung bài viết
Tiêm ngừa viêm gan B là biện pháp ngăn ngừa nhiễm Hepatitis B virus (HBV) hiệu quả nhất hiện nay. Vaccine bao gồm 3 – 4 mũi tiêm tùy vào từng độ tuổi. Đối với những trường hợp đã tiêm vaccine phòng ngừa, cần xét nghiệm kháng thể định kỳ 5 năm/ lần và tiêm bổ sung 1 mũi nếu kháng thể thấp hơn 10mUI/ ml.
Viêm gan B là một trong những loại viêm gan do siêu vi phổ biến nhất hiện nay. Hepatitis B virus (siêu vi B) có thể tấn công vào gan gây hoại tử nhu mô gan và làm giảm chức năng hoạt động của cơ quan này. Ở một số ít trường hợp, bệnh chỉ khởi phát cấp tính và có thể điều trị dứt điểm chỉ sau vài tháng. Tuy nhiên đa phần các trường hợp mắc bệnh đều không kịp thời điều trị, dẫn đến tình trạng tổn thương tế bào và suy giảm chức năng gan mãn tính.
Nhiễm Hepatitis B virus là nguyên nhân gây viêm gan cấp, mãn tính, xơ gan, suy gan và ung thư gan. Hơn nữa khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, khả năng điều trị dứt điểm bệnh lý này là rất thấp. Chính vì vậy, việc tiêm vaccine phòng ngừa là biện pháp thực sự cần thiết.
Chích ngừa viêm gan B để làm gì?
Chích ngừa viêm gan B là phương pháp phòng ngừa bệnh viêm gan do Hepatitis B virus hiệu quả nhất hiện nay. Nếu tiêm đầy đủ các mũi vaccine, khả năng phòng ngừa bệnh có thể đến 90 – 95% đối với người trưởng thành khỏe mạnh và 85% đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Vaccine ngừa viêm gan B chứa các phân tử protein có trên bề mặt của chủng vi khuẩn ái tính với Hepatitis B virus (HBV). Các phân tử này có xu hướng chuyển đổi thành HBsAg và kích thích hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tương ứng (anti-HBs). Kháng thể anti-HBs có khả năng đối kháng với Hepatitis B virus, ngăn chặn tình trạng virus nhân đôi và gây tổn thương tế bào gan.
Tuy nhiên, cần tiêm đầy đủ các mũi vaccine (3 – 4 mũi) nhằm đảm bảo cơ thể có số lượng kháng thể lớn để phòng ngừa bệnh. Cơ thể không tự sản sinh kháng thể anti-HBs và có xu hướng giảm dần theo thời gian. Do đó, cần xét nghiệm kháng thể viêm gan B định kỳ 5 năm/ lần và tiêm vaccine bổ sung trong trường hợp cần thiết.
Ngoài khả năng ngăn ngừa viêm gan B, tiêm vaccine phòng ngừa còn giúp hạn chế nguy cơ bị viêm gan D (một loại viêm gan siêu vi chỉ khả năng phát triển ở người nhiễm Hepatitis B virus).
Chỉ định và Chống chỉ định
Tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B được khuyến khích đối với tất cả các đối tượng chưa nhiễm Hepatitis B virus – kể cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Đặc biệt là các nhóm đối tượng sau:
- Trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm hoặc không nhiễm HBV
- Người không có đủ kháng thể anti HBs (<10mUI/ ml)
- Người vừa tiếp xúc với máu hoặc quan hệ với người nhiễm Hepatitis B virus
- Người bị nhiễm viêm gan A, C, E và các vấn đề về gan khác như viêm gan tự miễn, gan nhiễm mỡ,… nên chủ động tiêm ngừa viêm gan B. Việc đồng nhiễm nhiều loại siêu vi có thể khiến tế bào gan tổn thương nặng nề và khó phục hồi, tái tạo
- Người tiêm chích ma túy, sử dụng chất kích thích và có đời sống tình dục phóng túng
- Người phải chạy thận nhân tạo, truyền máu, ghép tạng
- Người bị suy giảm khả năng miễn dịch như tiểu đường, nhiễm HIV,…
- Nhân viên y tế – đặc biệt là người thường xuyên phải tiếp xúc với máu và bệnh phẩm
- Gia đình có người nhiễm viêm gan B
Chống chỉ định tiêm ngừa viêm gan B cho những đối tượng sau:
- Đang sốt cao do nhiễm trùng
- Người đã nhiễm viêm gan B
- Quá mẫn hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong vaccine
- Đang bị nhiễm trùng cấp có mức độ nặng
- Tiền sử hội chứng Guillain Barre, lupus ban đỏ và đa xơ cứng
Ngoài ra trước khi chích ngừa, bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng sức khỏe để được cân nhắc về việc tiêm vaccine. Đối với những đối tượng đang bị nhiễm trùng hoặc đang phải sử dụng một số loại thuốc ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine, bác sĩ có thể đề nghị trì hoãn thời gian tiêm vaccine để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tiêm ngừa viêm gan B cần bao nhiêu mũi?
Vaccine ngừa viêm gan B bao gồm 3 – 4 mũi (tùy đối tượng). Khi tiêm đủ số lượng vaccine được chỉ định, cơ thể sẽ tạo ra đủ kháng thể để đối kháng với Hepatitis B virus.
Mặc dù kháng thể có thể tồn tại trong cơ thể trong 10 – 20 năm. Tuy nhiên để đảm bảo khả năng phòng bệnh, cả trẻ nhỏ và người lớn đều nên xét nghiệm viêm gan B sau mỗi 5 năm và tiêm mũi bổ sung nếu có chỉ định.
1. Lịch tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Hiện nay, tất cả trẻ sơ sinh đều phải tiêm ngừa viêm gan B – đặc biệt là trẻ có mẹ nhiễm Hepatitis B virus. Trong thời gian chuyển dạ và sinh nở, thai nhi tiếp xúc với máu và dịch ở âm đạo của mẹ nên sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Đối với trẻ có mẹ nhiễm viêm gan B, cần tiêm vaccine phòng ngừa và tiêm 1 mũi kháng thể HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) trong 12 – 24 giờ sau khi sinh. Kháng thể HBIg tạo ra miễn dịch thụ động giúp bảo vệ trẻ khỏi virus trong thời gian chờ miễn dịch chủ động từ vaccine phòng ngừa. Sau khi đủ 15 – 18 tháng tuổi, trẻ sẽ được xét nghiệm antiHBs và HBsAg để chắc chắn không bị lây nhiễm virus từ mẹ và có đủ kháng thể để phòng bệnh.
Phác đồ tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh:
Phác đồ 1: 0-1-2-12
- Mũi 1: Tiêm trong vòng 12 – 24 giờ sau khi sinh. Trường hợp có mẹ nhiễm HBV, cần tiêm phối hợp với huyết thanh kháng viêm gan B
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi
- Mũi 3: Tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi
- Mũi 4: Tiêm sau mũi thứ 3 12 tháng
Phác đồ 2: 0-1-6-18
- Mũi 1: Tiêm trong vòng 12 – 24 giờ sau khi sinh và cần tiêm cùng với huyết thanh kháng viêm gan B nếu mẹ nhiễm HBV.
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 1 tháng tuổi
- Mũi 3: Tiêm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi (cách mũi 2 5 tháng)
- Mũi 4: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi
Ngoài trừ mũi tiêm đầu tiên, từ mũi thứ 2 trở đi phụ huynh có thể cho trẻ tiêm ngừa viêm gan B trong các mũi phối hợp (5in1 hoặc 6in1).
2. Lịch tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ lớn và người trưởng thành
Trẻ lớn và người trưởng thành bắt buộc phải xét nghiệm máu trước tiêm vaccine. Xét nghiệm giúp bác sĩ xác định nồng độ kháng thể trong máu và chắc chắc không bị nhiễm Hepatitis B virus. Vaccine phòng ngừa chỉ được tiêm cho trường hợp chưa nhiễm bệnh và có nồng độ kháng thể dưới 10mUI/ ml.
Phác đồ tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ lớn và người trưởng thành (phác đồ 0-1-6):
- Mũi 1: Tiêm vào bất cứ thời điểm nào
- Mũi 2: Cách mũi 1 1 tháng
- Mũi 3: Tiêm cách mũi 1 6 tháng
Đối với những trường hợp đã tiêm vaccine phòng ngừa và xét nghiệm cho thấy kháng thể ít hơn <10mUI/ ml, cần tiêm thêm 1 mũi bổ sung để có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh.
3. Lịch tiêm ngừa viêm gan B khẩn cấp
Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm HBV do tiếp xúc với máu hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm viêm gan B, cần tiến hành tiêm vaccine ngừa viêm gan B khẩn cấp.
Phác đồ tiêm ngừa viêm gan B khẩn cấp gồm có 4 mũi:
- Mũi 1: Cần tiêm sớm nhất sau khi tiếp xúc với máu và bệnh phẩm
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 7 ngày
- Mũi 3: Tiêm sau mũi thứ 2 21 ngày (3 tuần)
- Mũi 4: Tiêm sau mũi thứ 1 12 tháng
Tiêm ngừa viêm gan B có tác dụng phụ không?
Hầu hết các loại vaccine phòng ngừa đều gây ra một số triệu chứng khó chịu sau khi tiêm do phản ứng của hệ miễn dịch. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể thuyên giảm hoàn toàn chỉ sau vài ngày.
Các triệu chứng thường gặp sau khi tiêm ngừa viêm gan B:
- Tại vị trí tiêm xuất hiện tình trạng ửng đỏ, hồng ban, đau nhức
- Sốt nhẹ
- Mệt mỏi
- Viêm họng
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Một số ít trường hợp có thể bị tiêu chảy, đau bụng, đau nhức khớp, phát ban, mề đay,…
Mặc dù hiếm gặp nhưng đã có ghi nhận về các trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine (khó thở, nổi mề đay, phù mạch, sưng lưỡi,…). Để tránh các rủi ro đáng tiếc, nên ở lại cơ sở y tế trong vòng 30 phút sau khi tiêm trước khi trở về nhà. Với trẻ nhỏ, phụ huynh cần theo dõi biểu hiện của trẻ trong ít nhất 3 ngày sau khi tiêm và thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Lưu ý khi tiêm ngừa viêm gan B
Tiêm vaccine viêm gan B là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên trước khi tiêm, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Các trường hợp bị nhiễm trùng nhẹ (chốc lở, viêm nhiễm da, viêm họng, viêm amidan, do virus,…) vẫn có thể tiêm vaccine. Tuy nhiên nếu bị nhiễm trùng nặng, nên điều trị dứt điểm trước khi tiêm ngừa viêm gan B.
- Viêm gan B và các bệnh viêm gan do virus đều có biểu hiện mờ nhạt và không điển hình. Chính vì vậy trước khi chích ngừa, cần phải xét nghiệm máu để chắc chắn chưa nhiễm Hepatitis B virus.
- Hiệu quả phòng bệnh của vaccine phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy, tiêm đầy đủ các mũi vaccine có khả năng ngăn ngừa bệnh từ 80 – 95%.
- Ở những trường hợp có đáp ứng miễn dịch kém, bác sĩ có thể đề nghị tiêm nhiều mũi hơn phác đồ thông thường. Ngoài ra, cần xét nghiệm kháng thể viêm gan B sau mỗi 5 năm và tiêm bổ sung nếu cần thiết.
- Phụ nữ nên thăm khám tổng quát và tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan B trước khi mang thai.
- Nếu có thể, nên tiêm ngừa viêm gan B và viêm gan A (tiêm riêng lẻ hoặc phối hợp). Đối với viêm gan C và E, cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vì chưa có vaccine phòng ngừa 2 loại viêm gan này.
- Trong trường hợp bị sốt và mệt mỏi sau khi tiêm vaccine, có thể dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, chườm khăn mát, ăn uống điều độ và nghỉ ngơi tại nhà trong 1 – 3 ngày.
- Nếu có biểu hiện dị ứng và sốc phản vệ, nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất và tuyệt đối không tiêm thêm bất cứ mũi vaccine ngừa viêm gan B nào khác.
Tiêm vaccine viêm gan B là biện pháp ngăn ngừa nhiễm Hepatitis B virus hiệu quả (80 – 95%). Vì vậy, cần chủ động chích ngừa trong thời gian sớm nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân và giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cho cộng đồng.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!