Cách để có một lá gan khỏe mạnh (Ăn uống, sinh hoạt)
Nội dung bài viết
Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, hạn chế sử dụng thuốc, chủ động tầm soát bệnh gan mật định kỳ,… là các cách để có một lá gan khỏe mạnh. Ngoài ra, các biện pháp này còn hỗ trợ kiểm soát tiến triển và tăng tốc độ phục hồi đối với những người có bệnh gan từ trước.
Cách để có một lá gan khỏe mạnh – 5 Bí quyết “vàng”
Gan là cơ quan tiêu hóa có kích thước lớn nhất và giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động sống của cơ thể. Chức năng chính của gan là chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng liên tục – bất kể ngày hay đêm. Bên cạnh đó, gan còn có chức năng tổng hợp chất mật, thanh lọc độc tố và thoái biến chất đạm.
Mặc dù gan có khả năng tự tái tạo và phục hồi nhưng cơ quan này vẫn có thể bị tàn phá và tổn thương bởi vi khuẩn, virus, độc tố,… Theo Tổ chức Y Tế Thế Giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có người mắc bệnh gan cao nhất thế giới với 7.8 triệu người mắc viêm gan B mãn tính, 6.000 người bị ung thư gan, 13.000 người bị xơ gan mất bù và 6.400 người tử vong do các vấn đề liên quan đến gan.
Chính vì vậy để bảo vệ sức khỏe nói chung và chức năng gan nói riêng, bạn cần thực hiện các biện pháp khoa học nhằm duy trì chức năng gan, cải thiện sức khỏe và phòng ngừa các vấn đề về gan.
Dưới đây là một số cách để có một lá gan khỏe mạnh:
1. Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng
Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể trạng nói chung và chức năng gan nói riêng. Sau khi được dung nạp vào cơ thể và tiêu hóa tại dạ dày, thành phần dinh dưỡng trong các loại thức uống và thực phẩm được chuyển đến gan để phân giải, thoái biến và chuyển hóa thành năng lượng.
Chính vì vậy, xây dựng chế độ ăn uống cân bằng là một trong những cách để có lá gan khỏe mạnh, giúp gan duy trì chức năng lâu dài, phục hồi và hỗ trợ tái tạo các tế bào hư tổn. Bên cạnh đó, ăn uống khoa học còn giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng miễn dịch và hỗ trợ quá trình thanh lọc độc tố, chất cặn bã.
Ngược lại chế độ ăn uống thiếu lành mạnh có thể tăng áp lực lên gan, khiến gan xơ hóa, tổn thương và có nguy cơ suy giảm chức năng lâu dài. Ngoài ra, thói quen ăn uống bừa bãi còn khiến cơ thể thừa cân – béo phì, giảm sức khỏe, tăng nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, xơ gan do rượu và một số bệnh lý nội khoa khác.
Vì vậy để có một lá gan khỏe mạnh, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng theo những nguyên tắc sau:
- Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn: Chất xơ không chỉ tốt cho hoạt động của đường ruột mà còn đem lại nhiều lợi ích đối với chức năng gan. Theo nghiên cứu, chất xơ giúp hỗ trợ chuyển hóa lipid, kiểm soát nồng độ cholesterol và ngăn ngừa tích trữ mỡ tại gan. Vì vậy, bạn nên bổ sung chất xơ vào thực đơn ăn uống hằng ngày để cải thiện sức khỏe và có một lá gan khỏe mạnh.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Theo thời gian, tế bào gan có thể bị thoái hóa và suy giảm chức năng do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Vì vậy, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như cải xoăn, dâu tây, việt quất, khoai lang, cà rốt,… vào chế độ dinh dưỡng. Các chất chống oxy hóa như quercetin, vitamin C, vitamin E, flavoid,… có thể ức chế phản ứng viêm và bảo vệ tế bào của cơ thể cũng như nhu mô gan.
- Cân bằng giá trị dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn: Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể có đủ năng lượng để phát triển và đảm bảo hoạt động của các cơ quan nội tạng – trong đó có gan. Chế độ ăn với giá trị dinh dưỡng cân bằng giúp gan khỏe mạnh, tăng khả năng chuyển hóa, thanh thải độc tố và thúc đẩy tốc độ phục hồi, tái tạo. Ngược lại, ăn uống quá mức, bổ sung quá đạm, chất béo hoặc ăn uống kiêng khem có thể khiến cơ thể suy nhược, gan giảm khả năng phục hồi, tái tạo và giảm dần chức năng chuyển hóa theo thời gian.
- Chú ý phương thức chế biến: Thực tế cho thấy, các món ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ và gia vị thường khó tiêu hóa và làm tăng áp lực lên gan đáng kể. Trong khi đó, thực phẩm được luộc, hấp, nấu súp, canh,… dễ tiêu hóa và bảo toàn được giá trị dinh dưỡng. Chính vì vậy, để có một lá gan khỏe mạnh và cải thiện hoạt động tiêu hóa, bạn nên chú ý phương thức khi chế biến món ăn.
- Thay đổi thói quen ăn uống: Ngoài ra để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa nói chung và gan nói riêng, cần tập một số thói quen ăn uống khoa học như ăn chậm nhai kỹ, ăn chín uống sôi, tránh vận động ngay sau khi ăn, không bỏ bữa và không dùng bữa tối sau 19:00. Đối với người thường xuyên bị đầy hơi, khó tiêu, nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên gan và dạ dày.
- Không sử dụng rượu bia: Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ và ung thư gan. Ngoài ra, thói quen này còn có thể làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa và hoại tử vô mạch chỏm xương đùi. Sau khi được dung nạp, Ethanol (cồn) trong rượu bia sẽ chuyển thành acetaldehyde dưới tác động của các enzyme tiêu hóa. Chất độc này tích tụ tại gan, kích thích đại thực bào ở cơ quan này dẫn đến hiện tượng viêm mãn tính và xơ hóa tế bào.
- Uống đủ nước: Uống đủ nước là thói quen lành mạnh không chỉ giúp cân bằng điện giải, giảm mệt mỏi mà còn là cách để có một lá gan khỏe mạnh. Cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể giúp gan dễ dàng thanh thải, trung hòa chất cặn bã và làm “sạch” độc tố tích tụ. Ngoài ra, uống đủ nước còn có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất và kích thích hoạt động tiêu hóa.
Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và khoa học có thể giúp cải thiện sức khỏe, phòng ngừa các bệnh mãn tính và tăng cường chức năng gan đáng kể. Ngoài ra, yếu tố dinh dưỡng còn có vai trò làm chậm tiến triển của quá trình xơ hóa, đồng thời thúc đẩy tốc độ phục hồi và tái tạo tế bào ở những bệnh nhân có vấn đề về gan.
2. Thiết lập thói quen sinh hoạt khoa học
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chức năng gan còn bị ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt. Vì vậy để có một lá gan khỏe mạnh, bạn cần thay đổi thói quen xấu và thiết lập lối sống khoa học, lành mạnh.
Thiết lập thói quen sinh hoạt khoa học giúp cải thiện thể trạng và sức khỏe gan:
- Chỉ làm việc từ 7 – 8 giờ/ ngày, tránh căng thẳng và lo âu quá mức. Thực tế cho thấy, stress ảnh hưởng đến chức năng của toàn bộ cơ quan trong cơ thể – trong đó có gan. Nhiều nghiên cứu được thực hiện nhận thấy, căng thẳng thần kinh kéo dài gây mất ngủ, giảm lưu lượng máu tuần hoàn qua gan, khiến cơ quan này giảm chức năng hồi phục, tái tạo và làm gián đoạn hoạt động thải độc.
- Nên thay đổi thói quen lười vận động. Thói quen này không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ thống xương khớp mà còn gây thừa cân – béo phì và tăng lượng mỡ tích trữ tại gan. Để có một lá gan khỏe mạnh, bạn nên dành ít nhất 20 phút/ ngày để thực hiện các bộ môn tập luyện có cường độ phù hợp với thể trạng như đi bộ, chạy bộ, yoga,…
- Cần ngủ trước 23:00 và đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Nếu không có nhiều thời gian, cần ngủ ít nhất 6 giờ/ ngày. Giấc ngủ không chỉ phục hồi thể trạng, giảm mệt mỏi, căng thẳng mà còn có vai trò phục hồi, tái tạo tế bào ở gan và các cơ quan nội tạng khác.
- Nên hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại. Ngoài chức năng chuyển hóa thức ăn, gan còn có vai trò thải độc tố nhằm bảo vệ cơ thể. Chính vì vậy nếu thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, gan có thể bị tổn thương, viêm và xơ hóa theo thời gian.
- Sử dụng khẩu trang khi di chuyển ngoài trời. Các kim loại nặng, bụi bẩn, hóa chất,… trong không khí có thể làm tăng độc tố tích tụ ở gan và khiến cơ quan này suy giảm chức năng hoạt động.
- Nếu sinh sống trong môi trường có chất lượng không khí kém, nên sử dụng thiết bị lọc không khí để bảo vệ gan, phổi và sức khỏe tổng thể.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá – kể cả thuốc lá điện tử. Nicotine, asen cùng với các độc tố trong khói thuốc có thể làm tăng áp lực lên gan, dẫn đến tổn thương và xơ hóa tế bào.
Thực tế, ít có trường hợp mắc bệnh gan do thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt không lành mạnh kết hợp với chế độ ăn bừa bãi có thể đẩy nhanh tốc độ tổn thương, hoại tử và xơ hóa nhu mô gan. Vì vậy để gan có thời gian phục hồi, tái tạo và thanh thải độc tố, cần kết hợp cả chế độ ăn uống cân bằng và thói quen sinh hoạt khoa học.
3. Chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết
Hầu hết các loại thuốc ở dạng uống (viên uống, siro) đều được chuyển hóa qua gan và bài tiết qua thận. Lạm dụng thuốc trong thời gian dài hoặc sử dụng thuốc quá liều chính là nguyên nhân gây viêm gan cấp tính và có thể dẫn đến suy gan nếu không được điều trị kịp thời.
Chính vì vậy để có một lá gan khỏe mạnh, cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc. Các loại thuốc sử dụng phổ biến có thể gây hại cho gan bao gồm Paracetamol, kháng sinh Amoxicillin, thuốc chống loạn thần Chlorpromazine, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng nấm, thuốc tránh thai,… Ngoài ra, một số viên uống bổ sung và TPCN cũng có thể gây hại cho gan và thận.
Để tránh rủi ro khi sử dụng thuốc, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết.
- Nếu có thể, nên dùng chế phẩm dùng ngoài (dạng bôi, dán, xịt,…) để hạn chế áp lực lên gan, thận và các cơ quan nội tạng.
- Trong trường hợp phải dùng thuốc, nên tham vấn y khoa để được tư vấn về liều lượng và thời gian sử dụng cụ thể.
- Tuân thủ liều lượng được chỉ định, không tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Nếu có biểu hiện bất thường, nên thông báo ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
4. Tầm soát bệnh lý gan mật 6 tháng/ lần
Không giống với những bệnh lý ở các cơ quan khác, các vấn đề gan mật hiếm khi khởi phát triệu chứng ở giai đoạn đầu. Ở một số ít trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng mờ nhạt và không điển hình như đau bụng, buồn nôn, ăn uống không ngon, đầy hơi,…
Chính vì vậy, rất ít trường hợp chủ động đến bệnh viện đề nghị chẩn đoán các bệnh lý về gan. Đa phần những trường hợp phát hiện bệnh đều ở giai đoạn nặng hoặc “vô tình” phát hiện ra dấu hiệu bất thường khi thăm khám định kỳ.
Do đó để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề gan, nên chủ động tầm soát định kỳ bệnh lý gan mật 6 tháng/ lần. Phát hiện sớm có thể tăng khả năng điều trị bệnh dứt điểm và phục hồi chức năng gan hoàn toàn. Đối với những bệnh về gan không thể chữa trị hoàn toàn, can thiệp sớm có thể kiểm soát được tiến triển của bệnh, cải thiện chức năng gan và kéo dài thời gian sống đáng kể.
5. Sử dụng thảo dược bổ gan, mát gan
Ngoài ra, bạn cũng có thể cải thiện chức năng gan bằng một số thảo dược bổ gan và làm mát gan như atiso, nhân trần, đậu đen, diệp hạ châu, rau đắng đất, cây kế sữa, râu ngô, bồ bồ,… Các loại thảo dược có khả năng kích thích chức năng gan, hỗ trợ thanh thải độc tố, chất cặn bã và làm mát gan.
Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng thảo dược làm mát gan, bổ gan. Theo các bác sĩ, chỉ nên sử dụng thảo dược tăng cường chức năng gan trong thời gian gan bị rối loạn chức năng do căng thẳng quá mức, phải sử dụng thuốc dài hạn hoặc do thời tiết nóng ẩm, thay đổi thất thường.
Bài viết đã tổng hợp 5 cách để có một lá gan khỏe mạnh đơn giản và dễ thực hiện. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa các bệnh lý về gan mật. Nếu nghi ngờ mắc bệnh viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan,…, nên chủ động thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!