Rối Loạn Kinh Nguyệt Ở Tuổi Dậy Thì Cần Phải Làm Gì?
Nội dung bài viết
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là hiện trạng thường gặp và không quá nghiêm trọng. Đa phần do nội tiêt chưa ổn định hay hệ quả của việc ăn uống và sinh hoạt không điều độ. Cần có biện pháp khắc phục sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Kinh nguyệt là gì? Xuất hiện ở độ tuổi nào?
Kinh nguyệt theo nhận định y khoa thực chất là hiện tượng bong niêm mạc tử cung. Nguyên nhân là do sự sụt giảm một cách đột ngột của hormone estrogen. Và trong nhiều trường hợp là của cả estrogen và progesterone. Đây là hiện tượng có tính chất chu kỳ và lặp đi lặp lại vào mỗi tháng.
Kinh nguyệt chính là hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra ở phụ nữ không mang thai. Nó bắt đầu xuất hiện khi nữ giới bước vào độ tuổi dậy thì, khoảng từ 9 – 15 tuổi.
Khi tới tuổi dậy thì, cơ thể nữ giới sẽ tự có xu hướng sản sinh ra hormone sinh dục. Chính loại hormone này sẽ làm cho lớp niêm mạc tử cung trở nên dày hơn. Đồng thời kích thích hoạt động phóng thích trứng của cả hai buồng trứng. Trứng rụng nếu có cơ hội gặp được tinh trùng của nam giới sẽ tạo thành phôi thai phát triển ở trong lòng tử cung.
Trong trường hợp không xảy ra hiện tượng thụ thai thì trứng sẽ được đẩy ra bên ngoài theo đường âm đạo cùng với lớp niêm mạc tử cung. Và đây được gọi là máu kinh. Kinh nguyệt bình thường sẽ diễn ra 1 tháng/ lần và có tính chất lặp lại theo chu kỳ. Điều này nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng của hệ trục buồng trứng – tuyến yên – vùng dưới đồi.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Dậy thì chính là giai đoạn nhạy cảm. Lúc này cơ thể nữ giới sẽ có nhiều thay đổi về cả mặt sinh lý cũng như tâm lý. Chính vì vậy, tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn ra được cho là tình trạng bình thường. Nó hiếm khi là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì có thể do một số nguyên nhân dưới đây gây ra:
1. Nội tiết tố chưa ổn định
Khi bắt đầu bước vào độ tuổi dậy thì, một số hormone đặc trưng ở nữ giới sẽ có xu hướng tăng cao đột ngột. Điển hình nhất là 2 hormone progesterone và estrogen. Đây là các hormone giúp phái nữ hình thành các đặc điểm giới tính, phát triển cơ quan sinh dục cùng khả năng mang thai.
Tuy nhiên, cũng ở giai đoạn này, hàm lượng hormone trong cơ thể chưa có sự ổn định. Chính vì vậy mà chu kỳ kinh nguyệt có thể gặp phải các dấu hiệu bất thường như lượng máu chảy ra quá ít hay quá nhiều, vòng kinh ngắn/ dài…
Phân tích cho thấy, hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng sẽ chi phối trực tiếp tới hiện tượng kinh nguyệt ở nữ giới. Cụ thể như sau:
Vào một thời điểm cụ thể trong tháng thì vùng dưới đồi sẽ có cơ chế phóng thích hormone Gn-RH. Loại hormone này sẽ kích thích tuyến yên sản sinh ra FSH và LH. Và chính FSH lại kích thích trứng ở nang noãn gia tăng kích thước. Cũng trong lúc này, LH lại kết hợp với FSH làm cho nang noãn chính hoàn toàn. Sau đó kích thích hiện tượng phóng noãn (rụng trứng).
Sau khoảng 14 ngày bắt đầu từ ngày phóng noãn, hormone progesterone và estrogen sẽ có sự sụt giảm nhanh chóng. Điều này khiến cho niêm mạc tử cung và nang noãn được đào thải ra bên ngoài qua đường âm đạo. Các chuyên gia cho biết, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì được xác định là do một hay nhiều rối loạn xảy ra trong cơ chế nêu trên.
2. Căng thẳng thần kinh quá mức
Trong độ tuổi dậy thì, nhiều bạn nữ gặp phải tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ những áp lực học tập cũng như kỳ vọng từ phía gia đình.
Hơn nữa, dậy thì lại là thời điểm rất nhạy cảm. Cả nam và nữ giới đều rất dễ bị tác động bởi những lời nói, hành động từ những người xung quanh. Từ đó dễ bị stress, căng thẳng. Đồng thời rất dễ gặp phải một số vấn đề về tâm lý như rối loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc, hành vi…
Hệ thần kinh bị căng thẳng quá mức không chỉ ảnh hưởng tới trí nhớ, khả năng học tập mà còn trực tiếp tác động tới chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Nó gây ra nhiều vấn đề bất thường, gọi chung là tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Các nhà nghiên cứu cho biết, bất ổn về tâm lý có thể gây ảnh hưởng tới vùng dưới đồi và tuyến yên. Trong khi đây lại là những cơ quan chi phối tới hoạt động sản sinh nội tiết tố của cơ thể. Hoạt động của cơ quan này bị rối loạn có thể dẫn tới tình trạng thống kinh, thiểu kinh, vòng kinh không đều…
3. Duy trì chế độ ăn thiếu lành mạnh
Không giống như ở các độ tuổi khác, trong tuổi dậy thì, cơ thể cần bổ sung nhiều dưỡng chất và năng lượng hơn để có thể phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên nhiều bạn nữ lại không ý thức được điều này và duy trì cho mình chế độ ăn thiếu khoa học.
Việc không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết có thể khiến cơ thể bị sụt cân, chậm phát triển. Từ đó ảnh hưởng tới cơ chế hình thành kinh nguyệt.
Thực tế ghi nhận rằng, việc ăn uống không điều độ, thường xuyên tiêu thụ thức ăn nhanh hay thực phẩm chế biến sẵn… rất dễ khiến cho cơ thể bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Từ đó dẫn tới sự mất cân bằng nội tiết tố. Vì vậy, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh được cho là nguyên nhân khá phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì.
4. Tập luyện quá sức
Ở độ tuổi dậy thì, cơ thể luôn trong trạng thái khỏe khoắn và có nhiều năng lượng. Nhiều bạn nữ cũng tăng cường việc tập luyện thể dục thể thao với mong muốn có được thân hình như mơ ước. Bởi lúc này, nhận thức về cái đẹp luôn thôi thúc.
Tuy nhiên, việc tập luyện quá sức có thể tác động tiêu cực tới chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới trong tuổi dậy thì. Chơi thể thao, tập luyện thể dục cường độ mạnh có nhiều khả năng sẽ gây rối loạn kinh nguyệt. Thường gặp là tình trạng giảm thời gian hành kinh và thậm chí có thể là mất kinh hay vô kinh.
5. Mang thai hoặc dùng thuốc tránh thai
Thực tế cho thấy rằng, cả nam và nữ trong độ tuổi dậy thì đều có xu hướng thích tò mò về các vấn đề tình dục. Nguyên nhân bắt nguồn từ những thay đổi nhanh chóng về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Những tò mò về tình dục có thể dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc tránh thai khi còn quá sớm. Thậm chí trong nhiều trường hợp còn dẫn tới mang thai ngoài ý muốn.
Khi mang thai, nang noãn sẽ được kết hợp với tinh trùng của nam giới để tạo thành phôi. Chính vì vậy mà thời điểm này sẽ không xảy ra tình trạng kinh nguyệt giống như bình thường. Ở một số trường hợp, vòng kinh thay đổi và kéo dài bất thường có thể là dấu hiệu dự báo mang thai. Để chắc chắn điều này thì nữ giới có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra.
Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì còn được xác định là do gặp phải tác dụng phụ của thuốc tránh thai. Đa phần thuốc tránh thai sẽ bổ sung estrogen dưới dạng ethinylestradiol cho cơ thể. Thành phần này có khả năng ức chế hoạt động bài tiết FSH và LH của tuyến yên.
Các hormone này bị ức chế sẽ dẫn tới tình trạng nang noãn không thể phát triển và chín muồi. Từ đó không xảy ra hiện tượng phóng noãn. Noãn nang không được phóng thích vào tử cung thì cũng sẽ không xảy ra hành kinh mỗi tháng như bình thường.
6. Một số nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân được đề cập ở trên thì tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì còn có thể liên quan tới một số vấn đề khác. Phải kể đến như:
– Sụt cân đột ngột:
Sụt cân đột ngột sẽ gây ảnh hưởng tới nồng độ hormone progesterone và estrogen trong cơ thể nữ giới. Bên cạnh đó, cân nặng bị sụt giảm nghiêm trọng sẽ khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất. Từ đó gây rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi và tuyến yên. Tất cả những vấn đề này đều làm ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt và gây ra sự rối loạn.
– Rối loạn tuyến giáp:
Hormone tuyến giáp cũng chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt ở phái nữ. Hormone tuyến giảm suy giảm bất thường có thể gây ra tình trạng đa kinh, rong kinh. Còn trường hợp gia tăng đột ngột lại thường gây thiểu kinh, thậm chí là vô kinh.
– Hội chứng buồng trứng đa nang:
Đây là một hội chứng khá phổ biến ở nữ giới, kể cả trong độ tuổi dậy thì. Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang thì hormone androgen trong cơ thể nữ sẽ tăng cao quá mức. Sự gia tăng đột ngột của loại hormone này có thể khiến buồng trứng xuất hiện nhiều nang noãn hơn.
Tuy nhiên, nang noãn lại không phát triển và hầu như không xảy ra tình trạng phóng noãn vào mỗi tháng. Và hội chứng buồng trứng đa nang được nhận định là một nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt và vô sinh phổ biến ở phái nữ.
Ngoài ra, tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì còn có thể do:
- Thừa cân – béo phì
- Lạc nội mạc tử cung
- U xơ tử cung
- Ảnh hưởng của một số loại thuốc
- Tác dụng phụ của thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc chống trầm cảm, chống đông máu…
Dấu hiệu nhận biết rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Dậy thì chính là thời điểm mà cơ thể bắt đầu có những thay đổi rất khác biệt về cơ quan sinh sản và vóc dáng. Cũng trong giai đoạn này, phái nữ sẽ bắt đầu có kinh nguyệt. Và chu kỳ kinh nguyệt sẽ được tính từ ngày bắt đầu của kỳ hành kinh này cho tới ngày đầu tiên của kỳ hành kinh tiếp theo.
Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tùy thuộc vào cơ địa mà sức khỏe từng người mà chu kỳ kinh nguyệt có thể dao động khoảng từ 21 – 35 ngày. Mỗi kỳ hành kinh sẽ kéo dài khoảng 3 – 7 ngày. Và trung bình mỗi nữ giới sẽ mất khoảng từ 50 – 150ml máu trong mỗi đợt hành kinh.
Kinh nguyệt chính là yếu tố để xác định sức khỏe tổng thể cũng như chức năng sinh sản của phái nữ. Và căn cứ vào đặc điểm của kinh nguyệt như thời gian hành kinh, vòng kinh, số lượng, màu sắc của máu kinh… bác sĩ có thể chẩn đoán các vấn đề bất thường liên quan.
Tuy nhiên, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì lại được nhận định là vấn đề bình thường. Bởi ở thời điểm này, nội tiết tố nữ chưa thật sự ổn định.
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì biểu hiện thông qua một số dấu hiệu sau:
- Vòng kinh không đều: Đây là tình trạng rất phổ biến ở phái nữ trong tuổi dậy thì. Do hormone chưa ổn định nên chu kỳ có thể dài hơn 35 ngày, còn được gọi là vòng kinh thưa. Còn trường hợp ít hơn 21 ngày sẽ gọi là vòng kinh mau.
- Băng kinh: Đặc trưng bởi tình trạng máu kinh chảy ra quá nhiều. Đồng thời số lượng máu còn được xác định là nhiều hơn kỳ hành kinh trước đó.
- Rong kinh: Thể hiện bởi hiện tượng hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
- Thiểu kinh: Đề cập tới tình trạng thời gian hành kinh chỉ xuất hiện dưới 2 ngày. Nguyên nhân là do lớp niêm mạc tử cung của nữ giới ở độ tuổi dậy thì còn mỏng. Cùng voiwis đó lượng máu kinh ít nên thời gian hành kinh không dài quá 2 ngày. Trong trường hợp này, nữ giới thường chỉ mất khoảng dưới 30ml máu/ kỳ hành kinh.
- Vô kinh: Bao gồm cả vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh nguyên phát là tình trạng xuất hiện ở nữ giới chưa từng có kinh nguyệt. Và trong trường hợp này, kinh nguyệt thường bắt đầu muộn, trong khoảng từ 16 tới 20 tuổi. Còn vô kinh thứ phát đặc trưng bởi tình trạng đã xuất hiện kinh nguyệt nhưng sau đó bị mất kinh trong khoảng hơn 90 ngày. Lúc này, số lần hành kinh/ năm chỉ dao động trong khoảng từ 2 – 4 lần.
- Màu sắc máu kinh bất thường: Thông thường, máu kinh sẽ có màu đỏ đậm hay hơi ngả nâu nhẹ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp máu kinh bị thay đổi về màu sắc. Có thể là màu hồng nhạt, nâu đậm hay thậm chí là đen. Và tình trạng này thường gặp ở nữ giới đang trong độ tuổi dậy thì hay mắc các bệnh lý phụ khoa.
- Thống kinh: Đây được cho là hiện tượng thường gặp nhất ở phái nữ trong tuổi dậy thì. Thống kinh đặc trưng bởi tình trạng đau bụng dữ dội, tụt huyết áp, toát mồ hôi, da mặt xanh xao… cả trước và trong ngày “đèn đỏ”.
- Các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn: Đây cũng là một trong những dấu hiệu của hiện tượng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì. Khoảng 1 tuần trước khi hành kinh, nữ giới có thể bị khó ngủ, khó chịu, thay đổi tâm trạng, đau bụng, xuất hiện mụn trứng cá… Các triệu chứng này thường kích hoạt ở mức độ nhẹ và tự giảm dần khi kỳ hành kinh kết thúc. Tuy nhiên, ở tuổi dậy thì, các triệu chứng tiền kinh nguyệt này có thể xảy ra với mức độ nghiêm trọng và tần suất dày đặc.
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có sao không?
Các chuyên gia cho biết, kinh nguyệt phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động của hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Chính sự phối hợp nhịp nhàng giữa 3 cơ quan này là yếu tố giúp kinh nguyệt diễn ra theo đúng chu kỳ từ 21 – 35 ngày.
Tuy nhiên, trong độ tuổi dậy thì các cơ quan này vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh. Vì vậy rất dễ dẫn tới các rối loạn trong quá trình hoạt động. Từ đó gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Và đây được cho là tình trạng bình thường.
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì hầu như không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như chức năng sinh sản của phái nữ. Tình trạng này có thể sẽ tự cải thiện dần sau khoảng vài ba năm mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, phái nữ được khuyên là nên chủ động điều chỉnh lối sống để có thể điều hòa kinh nguyệt tốt hơn. Từ đó tránh những ảnh hưởng của kỳ hành kinh tới chất lượng cuộc sống.
Mặc dù ít phổ biến nhưng trong một số trường hợp, rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì còn liên quan tới các vấn đề sức khỏe bất thường. Ví dụ như hội chứng đa nang buồng trứng, cường giáp, suy giáp, rối loạn tâm lý, lạc nội mạc tử cung… Lúc này nếu không sớm phát hiện và can thiệp kịp thời thì sẽ gây ra rất nhiều hệ quả khó lường.
Cách khắc phục tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có thể tự động cải thiện sau khoảng vài ba năm mà không cần bất cứ một biện pháp can thiệp nào. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, lời khuyên cho phái đẹp là hãy chủ động điều chỉnh việc ăn uống, sinh hoạt cũng như lối sống. Trong một số trường hợp cần thiết có thể sử dụng viên uống bổ sung hay thuốc để khắc phục.
1. Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh
Các chuyên gia cho biết, thiết lập và duy trì một chế độ ăn khoa học có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, ăn uống lành mạnh còn giúp tăng cường thể trạng và cải thiện chức năng miễn dịch. Đồng thời giúp cơ thể phát triển một cách toàn diện hơn.
Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý trong ăn uống:
- Nên tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh vào khẩu phần ăn. Ví dụ như rau xanh, trái cây, cá béo, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu, hạt…
- Thực phẩm có hàm lượng sắt cao cũng rất tốt cho nữ giới trong tuổi dậy thì. Phải kể đến như thịt bò, gan động vật, hạt óc chó, thịt gà, cá, nghệ, củ cải. Chúng giúp thúc đẩy hoạt động tái tạo hồng cầu. Đồng thời ngăn ngừa tình trạng thiếu máu do cường kinh hay rong kinh kéo dài.
- Đậu nành là siêu thực phẩm rất tốt cho nội tiết tố nữ. Vì vậy, các bạn nữ trong tuổi dậy thì cũng nên bổ sung đậu nành vào chế độ ăn hằng ngày. Hợp chất Isoflavone dồi dào trong thực phẩm này hoạt động tương tự như hormone estrogen trong cơ thể phái nữ.
- Cần ăn uống đúng giờ, đủ bữa. Tuyệt đối tránh tình trạng bỏ bữa và nhịn ăn.
- Ngoài ra, cần tránh sử dụng thức ăn nhanh, món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, muối đường, thực phẩm chế biến sẵn. Đồng thời hạn chế tiêu thụ rượu bia, cà phê hay nước ngọt có gas.
2. Xây dựng thói quen sinh hoạt và luyện tập điều độ
Căng thẳng, stress quá mức hay rối loạn cảm xúc, tâm lý… đều là những nguyên nhân phổ biến khiến nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống thì nữ giới còn được khuyên là nên thiết lập thói quen sinh hoạt và tập luyện điều độ.
Bởi lối sống lành mạnh đem lại rất nhiều lợi ích đối với hoạt động của hệ thống nội tiết. Đồng thời còn giúp làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa các vấn đề tâm lý bất thường phát sinh.
Trong sinh hoạt và tập luyện, cần lưu ý tới một số khuyến nghị dưới đây:
- Cần biết cách cân đối giữa thời gian học tập và thời gian nghỉ ngơi. Nếu có áp lực trong học tập cũng như cuộc sống hãy chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè.
- Tránh thức khuya sau 23 giờ. Cố gắng đảm bảo ngủ đủ từ 7 – 9 tiếng đồng hồ mỗi ngày.
- Thay đổi các thói quen xấu như chơi game nhiều, hút thuốc lá, lười vận động…
- Tập thể dục là tốt nhưng không nên tập quá mức. Đồng thời cần lựa chọn bộ môn phù hợp với thể trạng.
- Mỗi ngày khoảng 20 – 30 phút cùng các bộ môn như bơi lội, đạp xe, đi bộ, chạy bộ, yoga là hoàn toàn phù hợp.
3. Giữ gìn vệ sinh vùng kín
Ở độ tuổi dậy thì, đa số nữ giới đều chưa có đủ nhận thức cũng như kinh nghiệm về việc vệ sinh vùng kín. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn. Hãy hướng dẫn các bạn nữ vệ sinh vùng kín đúng cách để có thể bảo vệ sức khỏe. Đồng thời phòng ngừa các bệnh phụ khoa. Trong một số trường hợp, rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có thể là do hệ quả của các bệnh phụ khoa thường gặp.
Hướng dẫn cách chăm sóc vùng kín cho phái nữ ở tuổi dậy thì:
- Vệ sinh vùng kín đều đặn mỗi ngày 1 – 2 lần. Có thể dùng nước sạch hay các sản phẩm dung dịch vệ sinh dịu nhẹ.
- Khi vệ sinh, tuyệt đối không thụt rửa quá sâu vào trong âm đạo. Bởi có thể khiến nấm men, vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập và gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Thay quần lót hằng ngày. Đồng thời giặt giũ sạch sẽ và phơi ở nơi có nắng chiếu trực tiếp để tiêu diệt vi khuẩn, nấm men tích tụ.
- Dùng băng vệ sinh trong những ngày “đèn đỏ”. Chú ý thay bằng sau mỗi 4 giờ ngay cả khi máu kinh chảy ít.
- Nên mặc quần, váy có chất liệu thoáng mát cùng khả năng thấm hút tốt. Việc chọn lựa trang phục bó sát có thể gây ẩm ướt, ngứa ngáy vùng kín.
4. Sử dụng thuốc giảm đau hay viên uống bổ sung
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có thể gây ra triệu chứng thống kinh hay thiếu máu. Lúc này, việc sử dụng một số loại thuốc hay viên uống bổ sung được cho là cần thiết.
Các loại được dùng phổ biến là:
- Viên uống bổ sung: Thường là viên uống có chứa sắt. Bởi sắt là nguyên tố vi lượng không thể thiếu với quá trình sản sinh hồng cầu. Trường hợp phái nữ bị rối loạn kinh nguyệt do thiếu máu thì dùng viên uống chứa sắt có thể giúp điều kinh và cải thiện sức khỏe.
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Trong trường hợp bị đau bụng kinh dữ dội thì nữ giới có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau và chống viêm. Cụ thể như Paracetamol, Diclofenac hay Spasmaverine. Đây đều là các thuốc không kê toa nhưng để đảm bảo an toàn, cần trao đổi với dược sĩ trước khi dùng.
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Như đã đề cập, rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là vấn đề bình thường. Đồng thời nó hầu như không tác động nghiêm trọng tới sức khỏe. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe bất thường. Đặc biệt là bệnh lý phụ khoa.
Chính vì vậy, bạn hãy tự theo dõi và báo cho phụ huynh được biết nếu có các biểu hiện sau:
- Không có kinh nguyệt trong khoảng từ 90 ngày trở lên.
- Máu kinh có màu đen kèm theo mủ cùng mùi hôi khó chịu.
- Vùng kín sưng đỏ, ngứa ngáy.
- Huyết trắng có màu sắc cũng như mùi bất thường.
- Sụt cân một cách đột ngột, rậm lông, mụn trứng cá nổi nhiều…
- Kỳ hành kinh kéo dài trên 7 ngày, bụng đau dữ dội, máu kinh ra quá nhiều, thể trạng suy yếu…
Lúc này, phụ huynh cần sắp xếp đưa con đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Tùy thuộc vào bệnh lý nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp.
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có thể kích hoạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong trường hợp có dấu hiệu bất thường thì nên tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ. Dậy thì là thời điểm rất nhạy cảm, phụ huynh nên theo sát con cái, chia sẻ cùng con để tránh các rủi ro không đáng có phát sinh.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!