Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là bao nhiêu ngày?
Nội dung bài viết
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường xảy ra hàng tháng và là cách cơ thể người phụ nữ chuẩn bị cho quá trình mang thai. Đôi khi chu kỳ này có thể là biểu hiện của một số bất thường và vấn đề sức khỏe cần điều trị y tế.
Chu kỳ kinh nguyệt ở người diễn ra trung bình bao nhiêu ngày?
Chu kỳ kinh nguyệt là những thay đổi hàng tháng mà cơ thể người phụ nữ trải qua để chuẩn bị cho khả năng mang thai. Mỗi tháng, một trong hai buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng, là rụng trứng. Đồng thời, cơ thể sẽ thay đổi nội tiết tố chuẩn bị tử cung cho thai kỳ. Nếu quá trình rụng trứng diễn ra và trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra và chảy qua âm đạo để ra khỏi cơ thể. Điều này được gọi là một chu kỳ kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt là một phần của hệ thống sinh sản của người phụ nữ và là cách cơ thể chuẩn bị để mang thai. Chu kỳ này được tính từ ngày đầu tiên khi hành kinh và có sự chênh lệch ở mỗi phụ nữ.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường có 28 ngày và những ngày hành kinh có thể kéo dài từ 2 – 7 ngày. Trong những năm đầu sau khi có kinh nguyệt, chu kỳ thường dài hơn. Tuy nhiên, chu kỳ sẽ được cải thiện, trở nên ngắn hơn và đều đặn hơn khi cơ thể trưởng thành.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày. Thông thường, chu kỳ có thể xảy ra trong vòng 21 – 35 ngày. Các chu kỳ nằm trong khoảng thời gian này được xem là bình thường và có thể không cần điều trị.
Bên cạnh đó, một số biện pháp tránh thai như sử dụng thuốc tránh thai hoặc sử dụng dụng cụ đặt tử cung đều có thể gây thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh cũng có thể gây ảnh hưởng đến số ngày của chu kỳ. Bên cạnh đó, phụ nữ đã mãn kinh nên đến bệnh viện kiểm tra nếu ra máu âm đạo bất thường.
Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt bình thường
Số ngày của chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi nếu các giai đoạn trong chu kỳ thay đổi. Các giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt được kích hoạt bởi sự tăng giảm của các hóa chất trong cơ thể được gọi là hormone.
Tuyến yên và buồng trứng là nơi sản xuất các hormone sinh sản nữ và giải phóng hormone vào một thời điểm nhất định trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Cụ thể các giai đoạn phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt bao gồm:
- Hành kinh: Giai đoạn này có thể kéo dài 2 – 5 ngày và là thời điểm niêm mạc tử cung bị bong ra nếu bạn không có thai. Hầu hết phụ nữ có thời gian kinh nguyệt từ 3 – 5 ngày, tuy nhiên một số người có thể hành kinh trong 2 – 7 ngày, điều này hoàn toàn bình thường.
- Giai đoạn nang trứng: Giai đoạn này thường diễn ra từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 14 của chu kỳ. Lúc này, nồng độ hormone estrogen tăng cao khiến cho niêm mạc tử cung phát triển dày lên. Bên cạnh đó, một loại hormone kích thích khác có thể kích thích các nang trứng phát triển. Trong ngày 10 – 14 của chu kỳ, một trứng sẽ phát triển, trường thành và hình thành một quả trứng (được gọi là noãn).
- Rụng trứng: Giai đoạn này xảy ra vào khoảng ngày 14 trong chu kỳ kinh nguyệt dài 28 ngày. Trong giai đoạn này, hoocmon luteinizing sẽ tăng đột ngột khiến buồng trứng giải phóng trứng, hiện tượng này được gọi là rụng trứng.
Giai đoạn hoàng thể kéo dài từ khoảng ngày 15 đến ngày 28. Sau khi rụng trứng, trứng sẽ di chuyển đến ống dẫn trứng và tử cung, nồng độ hormone progesterone tăng lên để chuẩn bị cho thai kỳ. Nếu trứng được thụ tinh, trứng sẽ bám vào thành tử cung và hình thành bào thai. Nếu không được thụ tinh, nồng độ estrogen tăng lên và progesterone giảm xuống. Điều này khiến niêm mạc tử cung bong ra và tạo thành kinh nguyệt.
Nguyên nhân gây thay đổi số ngày của chu kỳ kinh nguyệt
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Điều này khiến một số phụ nữ trải qua chu kỳ kinh nguyệt với số ngày dài hoặc ngắn bất thường. Theo một số nghiên cứu, nếu một phụ nữ rụng trứng sớm, chu kỳ kinh nguyệt có thể ngắn hơn 21 ngày. Tương tự, nếu một phụ nữ rụng trứng muộn, chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài hơn 35 ngày.
Tần suất rụng trứng của một phụ nữ có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và một số yếu tố bao gồm:
- Độ tuổi: Thanh thiếu niên có thể không rụng trứng thường xuyên, điều này có thể gây thay đổi chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Tương tự, khi bước vào độ tuổi mãn kinh, phụ nữ thường ít rụng trứng hơn, điều này gây thay đổi số ngày trong chu kỳ.
- Căng thẳng: Những người có tính chất công việc căng thẳng, nhiều áp lực hoặc làm việc không theo ca nhất định có nhiều nguy cơ rối loạn kinh nguyệt.
- Năng lượng thấp: Những người tập thể dục quá mức hoặc rối loạn ăn uống thường có mức năng lượng thấp và gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, người bệnh chán ăn tâm thần hoặc mắc chứng cuồng ăn có thể dẫn đến tình trạng ngừng rụng trứng và thay đổi số ngày của chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu cả chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và chu kỳ ngắn có thể liên quan đến một số bệnh lý hoặc điều kiện y tế. Cụ thể bao gồm:
1. Nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt ngắn
Những phụ nữ rụng trứng sớm hơn trong chu kỳ kinh nguyệt thường có chu kỳ ngắn hơn 21 ngày. Các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng xảy ra khi các tuyến, tế bào máu và mô liên kết ở tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Các triệu chứng thường bao gồm đau bụng kinh dữ dội, ngày hành kinh kéo dài và chảy máu nặng (rong kinh).
- Khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể: Một số phụ nữ không có giai đoạn hoàng thể hoặc có giai đoạn hoàng thể ngắn. Điều này dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt ngắn và có thể khiến trứng được thụ tinh khó bám vào niêm mạc tử cung.
- Chỉ số khối cơ thể cao: Trong một số nghiên cứu, phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao thường có giai đoạn hoàng thể ngắn và có có ít hơn 34% xét nghiệm rụng trứng dương tính, ngay cả khi đã rụng trứng.
- Áp dụng biện pháp ngừa thai: Đôi khi biện pháp ngừa thai kiểm soát hormone có thể gây ra tình trạng chu kỳ kinh nguyệt ngắn. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và được xem là một tác dụng phụ của biện pháp kiểm soát sinh sản.
Thông thường chu kỳ kinh nguyệt ngắn không nghiêm trọng và có thể cải thiện sau một thời gian. Tuy nhiên nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để xác định các bất thường liên quan.
2. Nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài
Những thanh thiếu niên có mới có chu kỳ kinh nguyệt thường trải qua ít nhất 4 chu kỳ trong một năm. Tình trạng này thường phổ biến ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 9 – 14 tuổi. Khi cơ thể trưởng thành theo thời gian, một người phụ nữ có thể có ít nhất 9 chu kỳ kinh nguyệt trong một năm. Điều này có nghĩa là một chu kỳ có thể cách xa nhau 35 ngày.
Một số nguyên nhân có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường bao gồm:
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Đôi khi rụng trứng muộn có thể là dấu hiệu của Hội chứng buồng trứng đa nang. Các dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm kinh nguyệt không đều, phát triển lông trên mặt và cơ thể, tăng cân không rõ nguyên nhân hoặc kháng insulin.
- Bệnh cường giáp: Cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá ra nhiều hormone. Điều này có thể dẫn đến các chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc mất một vài chu kỳ. Các dấu hiệu và triệu chứng cường giáp khác có thể bao gồm căng thẳng, giảm cân không rõ lý do, tim đập nhanh và khó ngủ.
Bên cạnh đó, suy buồng trứng và những người mãn kinh sớm cũng có thể gây thay đổi số ngày của chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
Nếu nghi ngờ các bệnh lý tiềm ẩn có thể dẫn đến tình trạng thay đổi số ngày trong chu kỳ kinh nguyệt, người bệnh nên đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm và điều trị phù hợp.
Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt bình thường
Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt là cách tốt nhất để dự đoán ngày hành kinh tiếp theo. Điều này cũng giúp người bệnh xác định chu kỳ kinh nguyệt có bình thường hay không.
Các biện pháp thường được sử dụng để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt không đều bao gồm:
- Lưu lượng dòng chảy: Bạn có thể chú ý đến tần suất thay đổi băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san hoặc các sản phẩm khác. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý màu sắc và tính chất của kinh nguyệt.
- Nhức mỏi và đau bụng kinh: Chuột rút ở bụng, đặc biệt là ngoài những ngày hành kinh, có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, bạn cần ghi lại thời điểm các triệu chứng, thời điểm xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của cơn đau để có cách xử lý phù hợp.
- Ra máu bất thường: Ra máu ngoài những ngày hành kinh có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn. Do đó, bạn cần lưu ý về lưu lượng máu, màu sắc cũng như thời gian chảy máu để có biện pháp xử lý phù hợp.
- Thay đổi tâm trạng: Thông thường trước những ngày hành kinh, phụ nữ thường dễ thay đổi tâm trạng, nổi giận, nhạy cảm và dễ khóc.
- Dịch cổ tử cung: Dịch cổ tử cung chảy ra từ âm đạo sẽ thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi gần đến ngày rụng trứng, chất dịch này có xu hướng tiết nhiều hơn, loãng hơn và có thể giống như lòng trắng trứng.
- Nhiệt độ cơ thể: Xác định nhiệt độ cơ thể vào mỗi buổi sáng có thể giúp bạn nhận biết ngày rụng trứng. Thông thường nhiệt độ sẽ tăng nhẹ và kéo dài trong vài ngày vào ngày rụng trứng.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể ảnh hưởng đến giai đoạn rụng trứng. Bất kể chu kỳ dài hay ngắn đều có thể là dấu hiệu mất cân bằng nội tiết tố và gây khó khăn cho quá trình thụ thai. Mặc dù không phải tất cả phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều đều có ít khả năng mang thai, tuy nhiên bạn nên đến bệnh viện kiểm tra nếu có chu kỳ ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Mặc dù những thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể liên quan đến căng thẳng và các yếu tố lối sống. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Bạn nên đến bệnh viện kiểm tra nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Không có chu kỳ kinh nguyệt trong liên tục 3 tháng
- Thường xuyên có chu kỳ ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày
- Ngày hành kinh kéo dài hơn 7 ngày
- Cần phải thay đổi băng vệ sinh, tampon hoặc đổ cốc nguyệt san sau mỗi một giờ
- Có cục máu đông lớn và thường xuyên ở những ngày hành kinh
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Đau bụng kinh dữ dội trong những ngày hành kinh
- Sốt hoặc cảm thấy mệt mỏi
Tóm lại, số ngày của một chu kỳ kinh nguyệt bình thường là 28 ngày. Tuy nhiên chu kỳ trong khoảng 21 – 35 ngày được xem là bình thường và có thể không phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Nếu cảm thấy lo lắng về số ngày của chu kỳ kinh nguyệt hoặc có các dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!