Hướng dẫn cách giảm đau bụng kinh bằng bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt là cách giảm đau bụng kinh đơn giản, khá an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Không chỉ có tác dụng giảm đau, phương pháp này còn hỗ trợ làm ấm tử cung, thúc đẩy hoạt động đào thải chất cặn bã, điều hòa kinh mạch và tăng cường tuần hoàn máu.

bấm huyệt giảm đau bụng kinh
Có nên thực hiện xoa bóp bấm huyệt giảm đau bụng kinh (chứng thống kinh)?

Có nên bấm huyệt chữa đau bụng kinh?

Đau bụng kinh (thống kinh) là cơn đau xảy ra ở vùng bụng dưới trong thời gian hành kinh do hai mạch nhâm – xung mất điều hòa. Theo y học hiện đại, hiện tượng đau bụng kinh ở phái nữ là do cơ thể tăng tổng hợp prostaglandin (chất trung gian trong phản ứng viêm) và tử cung co bóp quá mức để đào thải máu, lớp niêm mạc ra bên ngoài.

Tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khi kỳ kinh kết thúc mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đau bụng kinh dữ dội có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt, hiệu suất học tập và lao động. Một số nữ giới còn có thể bị hạ huyết áp, choáng váng, đổ mồ hôi và ngất xỉu.

Xoa bóp bấm huyệt là một trong những cách giảm đau bụng kinh đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Phương pháp này kết hợp các động tác xoa, xát, day và bấm huyệt nhằm tăng tuần hoàn máu, điều hòa mạch nhâm – xung, hỗ trợ làm ấm và thư giãn tử cung.

cách bấm huyệt giảm đau bụng kinh
Bấm huyệt giúp giảm đau bụng kinh, thúc đẩy tuần hoàn máu và làm ấm tử cung

Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, mang oxy đến thành tử cung, làm dịu cơ trơn và hỗ trợ đào thải máu, niêm mạc ra bên ngoài qua âm đạo. Bên cạnh đó theo y học cổ truyền, liệu pháp này còn giúp điều hòa khí huyết, tăng cường chức năng tạng phủ, thông kinh hoạt lạc và tăng khả năng phòng vệ của cơ thể.

Cách giảm đau bụng kinh bằng bấm huyệt tương đối dễ thực hiện. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ thích hợp với những trường hợp đau bụng kinh sinh lý. Trong trường hợp đau bụng kinh dữ dội do các bệnh lý tiềm ẩn (u nang buồng trứng, u xơ tử cung,…), nên tham khảo ý kiến bác sĩ/ thầy thuốc trước khi áp dụng.

Hướng dẫn thực hiện cách bấm huyệt giảm đau bụng kinh

Xoa bóp bấm huyệt giảm đau bụng kinh có cách thực hiện khá đơn giản. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, cần thực hiện theo đúng trình tự sau:

1. Xoa bóp vùng bụng

Trước khi bấm huyệt, nên xoa bóp vùng bụng để làm nóng các mô, thúc đẩy tuần hoàn máu và giải phóng kinh mạch bị ứ trệ. Khi xoa bóp, có thể sử dụng cùng với tinh dầu tự nhiên (dầu khuynh diệp, tràm trà, hoa cúc,…) để thư giãn, giảm căng thẳng và mệt mỏi.

cách bấm huyệt giảm đau bụng kinh
Xoa bóp vùng bụng giúp làm ấm tử cung, thúc đẩy tuần hoàn máu và hỗ trợ đào thải cặn bã

Cách xoa bóp vùng bụng giảm chứng thống kinh:

  • Xoa bụng: Đặt hai bàn tay chồng lên nhau, sau đó đặt lên vùng bụng dưới và xoa theo chiều kim đồng hồ với lực nhẹ. Có thể tăng lực lên để thúc đẩy máu tuần hoàn và làm ấm vùng bụng. Thực hiện liên tục trong 1 – 2 phút.
  • Xát bụng: Khép chặt bàn tay, áp lòng bàn tay vào bụng dưới bên phải rồi xát nhẹ nhàng từ bên phải sang bên trái và xuống bờ trên của xương mu. Lặp lại liên tục trong 1 – 2 phút với cường độ vừa phải đến khi vùng bụng nóng lên là được.

2. Bấm huyệt trị đau bụng kinh

Để giảm đau bụng kinh, bạn có thể day bấm huyệt trước kỳ kinh hoặc thực hiện khi cơn đau bùng phát. Nên day ấn huyệt vị trong 3 – 5 phút với lực vừa phải, thực hiện 1 – 2 lần/ ngày để kiểm soát cơn đau và cải thiện các triệu chứng khó chịu.

Các huyệt vị có tác dụng giảm đau bụng kinh:

  • Giáp tích L1 – L2: Huyệt nằm ở vị xương cụt thứ 12 đo ngang ra 0.5 thốn. Huyệt có tác dụng giảm đau nhức, điều hòa kinh mạch và thúc đẩy tuần hoàn máu.
  • Thái xung: Huyệt Thái xung nằm ở khe giữa ngón chân số 1 và số 2 đo ngược lên 1.5 thốn. Huyệt có tác dụng sơ tiết thấp nhiệt ở hạ tiêu, thanh can hỏa và bình can. Day bấm huyệt vị này có tác dụng chữa chứng băng lậu (rong kinh), đau bụng kinh và đau nhức vùng lưng do thoát vị đĩa đệm. Sử dụng ngón tay bấm nhẹ nhàng vào huyệt vị này từ 3 – 5 phút.
  • Huyết hải: Để xác định huyệt, cần ngồi co đầu gối, buông thõng chân. Sau đó đo từ xương bánh chè đầu gối lên 2 thốn, huyệt nằm ở khe lõm giữa cơ rộng trong và khe lõm giữa cơ may. Bấm huyệt vị này có tác dụng thanh huyết, điều huyết và tuyên thông hạ tiêu, chủ trị chứng viêm da, phong ngứa, xuất huyết tử cung, đau bụng kinh và kinh nguyệt không đều.
  • Tam âm giao: Tam âm giao nằm ở mặt trong bắp chân, đo từ đỉnh cao của mắt cá chân lên khoảng 3 thốn. Tác động lên huyệt vị này có tác dụng ích thận, sơ can, điều huyết, thông khí trệ và bổ âm, kiện tỳ. Nên bấm huyệt từ 1 – 3 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau bụng kinh.
  • Huyệt Thập thất chùy hạ: Để xác định huyệt, dùng ngón tay ấn mạnh vào vùng dưới xương chậu cho đến khi có cảm giác đau tức – đây chính là huyệt Thập thất chùy hạ. Khi bấm huyệt vị này, nên xoa bóp liên tục để thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn tử cung và giảm đau bụng. Thực hiện liên tục từ 3 – 5 phút với tần suất 1 – 2 lần/ ngày trong những ngày hành kinh.

Một số lưu ý khi bấm huyệt giảm đau bụng kinh

Đau bụng dưới vào những ngày “đèn đỏ” gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nếu xoa bóp bấm huyệt đều đặn, bạn có thể cải thiện tình trạng này và các triệu chứng đi kèm như đầy hơi, chướng bụng, mệt mỏi,…

Cách bấm huyệt chữa đau bụng kinh
Vào những ngày hành kinh, nữ giới nên dành thời gian nghỉ ngơi và tránh làm việc, lao động quá sức

Tuy nhiên khi áp dụng cách giảm đau bụng kinh bằng bấm huyệt, nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không xoa bóp bấm huyệt nếu vùng bụng dưới có vết thương hở, mụn nhọt và lở loét.
  • Nên cắt ngắn móng và rửa tay sạch trước khi xoa bóp.
  • Có thể kết hợp với dầu nóng khi xoa bóp bấm huyệt hoặc hơ ngải cứu lên các huyệt vị để tăng tác dụng giảm đau, chống viêm và hỗ trợ đào thải máu bên trong tử cung.
  • Nên sử dụng lực vừa phải khi bấm huyệt. Tác động lực quá mạnh có thể gây bầm tím, đau nhức và khiến máu kinh chảy ồ ạt.
  • Bên cạnh mẹo xoa bóp bấm huyệt, bạn có thể chườm nóng, tắm nước ấm, uống trà gừng mật ong,… để giảm chứng thống kinh, cải thiện buồn nôn, mệt mỏi và đau đầu trong những ngày “đèn đỏ”.
  • Nên nghỉ ngơi trong những hành kinh, tránh suy nghĩ, lo lắng quá mức và hạn chế làm việc, mang vác nặng.
  • Trong trường hợp đau bụng kinh có mức độ dữ dội và không thuyên giảm khi áp dụng các biện pháp tại nhà, nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám.

Bài viết đã hướng dẫn cách giảm đau bụng kinh đơn giản bằng xoa bóp bấm huyệt. Hy vọng qua thông tin trên, bạn có thể dễ dàng kiểm soát cơn đau và đẩy lùi các triệu chứng khó chịu vào những ngày “đèn đỏ”. Trong trường hợp đau bụng kinh có mức độ nghiêm trọng hoặc đi kèm với những triệu chứng bất thường, nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Tham khảo thêm:

5/5 - (5 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *