Mẹo Chữa Đau Bụng Kinh Bằng Ngải Cứu An Toàn, Hiệu Quả

Cách chữa đau bụng kinh bằng ngải cứu được lưu truyền rộng rãi trong phạm vi nhân dân. Theo y học cổ truyền, ngải cứu (ngải diệp) có tác dụng trấn thống, điều kinh, an thai và lý khí huyết. Áp dụng mẹo chữa từ thảo dược này có thể giảm tình trạng đau bụng trong thời gian hành kinh, hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và chống suy nhược.

chữa đau bụng kinh bằng ngải cứu
Ngải cứu (ngải diệp) thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ

Tác dụng chữa đau bụng kinh của ngải cứu

Ngải cứu (ngải diệp) là loại thuốc quý trong y học cổ truyền. Theo ghi chép, thảo dược này có vị cay, đắng, tính ấm, mùi thơm đặc trưng, tác dụng đuổi hàn thấp, ấm kinh, an thai, lý khí huyết, cầm máu và trấn thống. Chính vì vậy, ngải diệp thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh hay gặp ở phụ nữ – chẳng hạn như đau bụng kinh (thống kinh).

Thống kinh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau (nguyên phát và thứ phát). Tình trạng này có thể tự thuyên giảm sau khi kỳ kinh kết thúc. Tuy nhiên, đau bụng kinh ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, gây mệt mỏi, mất ngủ và làm giảm hiệu suất lao động – học tập.

cách chữa đau bụng kinh bằng lá ngải cứu
Lá ngải cứu giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó làm giảm hiện tượng đau bụng trong kỳ kinh

Một trong những mẹo chữa thống kinh đơn giản và an toàn là sử dụng ngải cứu. Tính ấm từ thảo dược này sẽ giúp đuổi khí hàn ở tử cung, làm tiêu huyết ứ và tăng co bóp giúp đào thải niêm mạc tử cung và nang noãn ra bên ngoài.

Theo y học hiện đại, ngải cứu có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, từ đó làm giảm mức độ đau bụng vào những ngày hành kinh. Bên cạnh đó, dược liệu này còn có tác dụng bổ máu, giúp cải thiện tình trạng xanh xao, suy nhược và mệt mỏi.

Hướng dẫn 4 mẹo dùng ngải cứu trị đau bụng kinh đơn giản

Ngải cứu không chỉ là vị thuốc tự nhiên mà còn được sử dụng như một loại rau ăn. Vì vậy bên cạnh các bài thuốc chườm đắp và bài thuốc uống, nữ giới cũng có thể bổ sung các món ăn từ thảo dược này để cải thiện sức khỏe, giảm đau bụng kinh và hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt.

1. Chườm đắp ngải cứu với muối biển

Chườm đắp ngải cứu với muối biển là mẹo chữa đau bụng kinh và đau nhức xương khớp khá phổ biến, được lưu truyền rộng rãi trong phạm vi nhân dân. Muối có tác dụng giữ nhiệt và dẫn thuốc vào các kinh mạch. Chính vì vậy, phối hợp thảo dược này với muối biển có thể tăng hiệu quả trừ phong hàn và giảm đau.

trị đau bụng kinh bằng ngải cứu
Chườm đắp ngải cứu và muối biển giúp giảm đau bụng kinh và tiêu huyết ứ trong tử cung

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm ngải cứu và 200g muối biển
  • Đem ngải cứu rửa sạch, để ráo và cho vào chảo sao cùng với muối
  • Sao đến khi muối và ngải cứu khô hoàn toàn thì tắt bếp
  • Cho tất cả vào túi vải và chườm đắp lên vùng bụng dưới
  • Nên nằm thư giãn trong khi đắp

Áp dụng mẹo chữa này từ 15 – 20 phút có thể giảm nhanh tình trạng đau bụng và khó chịu trong những ngày hành kinh. Ngoài ra, tính ấm từ túi chườm còn giúp máu kinh dễ dàng đào thải, tránh tình trạng máu ứ bên trong tử cung gây đau bụng, ngứa ngáy và khó chịu.

2. Trà ngải cứu giảm đau bụng kinh

Sau khi chườm đắp, bạn cũng có thể dùng 1 tách trà ngải cứu ấm để thư giãn cơ, giảm mệt mỏi và cải thiện tình trạng thống kinh. Ngoài lợi ích đối với chu kỳ kinh nguyệt, trà ngải cứu còn có tác dụng giảm căng thẳng và giải tỏa áp lực lên não bộ nhờ chứa hàm lượng vitamin B dồi dào.

Bên cạnh đó, hoạt chất trong thảo dược này còn giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, giảm tình trạng chán ăn, ăn uống kém và tiêu chảy/ táo bón. Chính vì vậy, bạn có thể sử dụng loại trà này thường xuyên – ngay cả khi không trong thời gian hành kinh.

trị đau bụng kinh bằng ngải cứu
Trà ngải cứu không chỉ giúp giảm đau bụng kinh mà còn giải tỏa căng thẳng và giảm mệt mỏi

Hướng dẫn cách pha trà ngải cứu hỗ trợ giảm đau bụng kinh:

  • Chuẩn bị khoảng 10g ngải cứu khô
  • Cho trà vào tách và đổ 700ml nước sôi vào hãm trong 10 – 15 phút
  • Sau đó lọc bã và thêm đường hoặc mật ong vào
  • Dùng trà khi còn ấm và nên sử dụng liên tục trong thời kỳ hành kinh

3. Bài thuốc từ ngải cứu và các dược liệu khác

Đối với trường hợp đau bụng kinh dữ dội, bạn nên tìm gặp thầy thuốc để được hướng dẫn các bài thuốc điều trị từ ngải cứu và các dược liệu khác. Các bài thuốc này có dược tính mạnh hơn so với việc sử dụng ngải cứu đơn độc. Ngoài tác dụng giảm đau bụng kinh, bài thuốc từ ngải cứu và các dược liệu khác còn giúp điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ phục hồi thể trạng, giảm suy nhược và cải thiện một số bệnh lý phụ khoa thường gặp.

Một số bài thuốc trị đau bụng kinh từ ngải cứu:

  • Đau bụng kinh kèm rong huyết do huyết hư: Chuẩn bị xuyên khung 3g, bạch thược 5g, sinh địa và đương quy 10g, ngải cứu 12g. Đem dược liệu rửa sạch, sau đó sắc với 800ml nước còn lại 300ml. Sau đó lọc bỏ bã và thêm vào 12g a giao, khuấy đều và chia thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày.
  • Thống kinh, bụng sườn đầy trướng, kinh nguyệt không đều: Dùng hương phụ 240g, ngải cứu và đương quy mỗi thứ 80g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
  • Đau bụng kinh do lạnh: Chuẩn bị sinh khương và quất bì mỗi thứ 8g và ngải cứu 12g. Rửa sạch dược liệu, cho vào ấm sắc kỹ. Mỗi ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi khỏi.
  • Đau bụng kinh do huyết ứ: Dùng ích mẫu khô và ngải cứu khô mỗi thứ 5g, 1 ít cam thảo. Cho dược liệu vào tách và hãm với 200ml nước, uống khi trà còn ấm. Dùng đều đặn 3 lần/ ngày trước kỳ kinh khoảng 1 tuần.

4. Dùng món ăn từ ngải cứu

Ngoài các bài thuốc uống và chườm đắp, bạn cũng có thể dùng các món ăn từ ngải cứu để cải thiện tình trạng thống kinh, khí hư và kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, các món ăn từ thảo dược này còn giúp phục hồi sức khỏe và chống mệt mỏi.

trị đau bụng kinh bằng ngải cứu
Bổ sung các món ăn từ ngải cứu giúp cải thiện sức khỏe, bổ máu và giảm đau bụng khi hành kinh

Các món ăn từ ngải cứu hỗ trợ điều trị đau bụng kinh:

  • Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Chuẩn bị 100g thịt lợn nạc băm nhỏ và 1 nắm ngải cứu tươi. Cho thịt lợn vào tô, ướp gia vị và đem xào qua. Sau đó thêm vào 1 tô nước đầy đun sôi rồi cho ngải cứu vào. Đến khi sôi lại thì tắt bếp, nêm nếm vừa ăn và dùng canh khi còn ấm.
  • Ngải cứu chiên trứng gà: Cắt nhỏ 1 nắm ngải cứu rồi đánh đều với 2 quả trứng gà và nêm thêm gia vị. Sau đó bật lửa đợi chảo nóng, thêm dầu vào và chiên chín. Nên ăn món ngải cứu chiên trứng gà với cơm nóng đều đặn 2 lần/ tuần. Món ăn này không chỉ giúp điều hòa kinh nguyệt và còn thúc đẩy tuần hoàn não, giảm đau đầu.
  • Cháo ngải cứu: Chuẩn bị gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ, 1 ít lá lốt và 50g ngải cứu tươi. Cho gạo tẻ vào nồi nấu nhừ, sau đó đem ngải cứu và lá lốt rửa sạch, thái nhỏ. Đợi cháo nhừ thì cho vào nấu chín, sau đó thêm đường đỏ và ăn khi nóng. Nên chia thành 2 lần (sáng – tối) và dùng liên tục từ 3 – 5 ngày.
  • Gan heo xào ngải cứu: Gan heo xào ngải cứu thích hợp với nữ giới bị đau bụng kinh, thiếu máu và cơ thể suy nhược. Để thực hiện món ăn này, cần chuẩn bị 200g ngải cứu, 300g gan heo và gia vị vừa đủ. Đem cắt nhỏ gan heo và chần sơ với nước sôi. Sau đó xào với tỏi, khi gan chín thì cho ngải cứu vào xào thêm khoảng 3 – 5 phút là được. Nêm nếm gia vị, tắt bếp và dùng món ăn khi còn nóng.

Lưu ý chữa đau bụng kinh bằng ngải cứu

Chữa đau bụng kinh bằng ngải cứu là mẹo đơn giản, an toàn và có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên khi áp dụng mẹo chữa này, bạn cần lưu ý một số thông tin sau:

trị đau bụng kinh bằng ngải cứu
Bên cạnh mẹo chữa từ ngải cứu, nữ giới nên tập thể dục thường xuyên để kiểm soát chứng thống kinh
  • Dùng ngải cứu trị đau bụng kinh có hiệu quả khá chậm. Vì vậy nếu cơn đau có mức độ nghiêm trọng, nên thông báo với bác sĩ để được chỉ định thuốc.
  • Đau bụng kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu triệu chứng này có mức độ nặng hoặc đi kèm với những biểu hiện bất thường, nữ giới nên chủ động thăm khám để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý tiềm ẩn.
  • Ngải cứu là vị thuốc thiên nhiên nên có độ an toàn cao và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, thảo dược này có chứa độc tố thujone. Vì vậy, chỉ sử dụng món ăn và các bài thuốc uống từ ngải diệp với tần suất và liều lượng thích hợp.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú không tự ý sử dụng món ăn và bài thuốc từ ngải cứu khi chưa tham vấn y khoa.
  • Bên cạnh mẹo chữa từ ngải cứu, nữ giới nên tập thể dục thường xuyên, ăn uống và sinh hoạt điều độ để giảm mức độ đau bụng trong kỳ kinh.
  • Có thể sử dụng các viên uống có tác dụng điều kinh từ ngải cứu và một số thảo dược khác. Tuy nhiên trước khi sử dụng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về liều lượng.
  • Người bị cao huyết áp, âm hư huyết nhiệt không nên sử dụng bài thuốc uống và món ăn từ ngải diệp.
  • Ngưng áp dụng mẹo chữa từ ngải cứu nếu có dấu hiệu dị ứng và ngộ độc (đau bụng, buồn nôn, khát nước, nôn mửa, run giật chân tay). Khi phát sinh các triệu chứng này, nên chủ động đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Bài viết đã tổng hợp một số cách dùng ngải cứu chữa đau bụng kinh đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên nữ giới không nên quá phụ thuộc vào mẹo chữa này. Thay vào đó, cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để kiểm soát cơn đau trong thời gian hành kinh và chủ động tìm gặp bác sĩ nếu đau bụng kinh có mức độ nghiêm trọng.

Tham khảo thêm: Ăn gì để kinh nguyệt đều? 20 thực phẩm điều kinh tốt

Đánh giá bài viết

Hành trình của một cô gái khi bước vào đời cần rất nhiều thứ, đó có thể là tri thức của 12 năm đèn sách, sự tự tin, hoặc những kỹ năng sống cực kỳ hữu dụng được chia sẻ từ cha mẹ, từ các bậc tiền bối. Đối với Tuệ Lâm, một món quà quý giá mà mẹ đã dành cho bạn chính là sự đồng hành, thấu hiểu và giúp đỡ cùng đi qua những năm tháng mệt mỏi vì rối loạn kinh nguyệt.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *