Trễ kinh 1 – 2 tháng nhưng thử vẫn 1 vạch do đâu?

Bên cạnh việc mang thai, trễ kinh 1 – 2 tháng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân bao gồm căng thẳng, thay đổi thói quen ăn uống hoặc tập thể dục quá mức. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.

Trễ kinh 1 - 2 tháng
Trễ kinh 1 – 2 tháng có thể là dấu hiệu mang thai hoặc các bệnh lý liên quan khác trong cơ thể

Nguyên nhân trễ kinh 1 – 2 tháng nhưng thử vẫn 1 vạch

Mỗi tháng buồng trứng giải phóng một trứng trưởng thành, gọi là quá trình rụng trứng. Nếu không được thụ tinh trong vòng 24 giờ, trứng đã rụng sẽ tan vào cơ thể và kinh nguyệt sẽ bắt đầu sau khoảng 14 ngày.

Do đó, trễ một kỳ kinh nguyệt được xem là dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh thai kỳ, có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng trễ kinh 1 – 2 tháng. Nếu một người không có kinh nguyệt trong vòng 3 tháng liên tiếp, điều này được gọi là vô kinh và có thể ảnh hưởng đến 3 – 4% nữ giới.

Trễ kinh 1 – 2 tháng có thể là do buồng trứng không thể sản xuất đủ lượng nội tiết tố nữ estrogen. Có nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này thường bao gồm:

1. Căng thẳng

Hệ thống phản ứng căng thẳng của cơ thể có nguồn gốc từ một bộ phận của não bộ, được gọi là vùng dưới đồi.

Nếu bạn căng thẳng quá mức, não bộ sẽ phát ra tín hiệu để hệ thống nội tiết tạo ra các hormone để cải thiện tình trạng căng thẳng. Những hormone này có thể ức chế các chức năng không cần thiết, bao gồm chức năng của hệ thống sinh sản để bảo vệ cơ thể khỏi căng thẳng.

Do đó, nếu bạn đang chịu nhiều căng thẳng, áp lực cuộc sống, cơ thể có thể luôn ở trong trạng thái phòng vệ. Điều này có thể khiến bạn ngừng rụng trứng, dẫn đến tình trạng trễ kinh hoặc mất kinh nguyệt. Tình trạng này sẽ được cải thiện sau khi các áp lực, căng thẳng được giải quyết.

Nguyên nhân chậm kinh 1 tháng
Căng thẳng, áp lực công việc quá mức có thể dẫn đến trễ kinh

2. Tăng hoặc giảm cân

Việc thay đổi trọng lượng nghiêm trọng có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là vô kinh thứ phát. Điều này đặc biệt phổ biến ở những phụ nữ có chỉ số cơ thể thay đổi nhanh chóng.

Tăng hoặc giảm quá mức các chất béo trong cơ thể có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Điều này khiến bạn bị trễ kinh 1 – 2 tháng hoặc dừng hẳn chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, việc hạn chế tiêu thụ lượng calo cần thiết có thể khiến tín hiệu giữa não bộ và hệ thống nội tiết bị gián đoạn. Điều này gây rối loạn hormone sinh sản và gây mất chu kỳ kinh nguyệt.

3. Tập luyện với cường độ cao

Các bài tập thể dục với cường độ vận động mạnh có thể gây thay đổi hormone tuyến yên và hormone tuyến giáp, dẫn đến thay đổi chu kỳ rụng trứng và kinh nguyệt. Tình trạng này thường phổ biến ở những người thường xuyên luyện tập vất vả vài giờ trong một ngày.

Nguyên nhân phổ biến thường là do bạn đốt cháy nhiều calo hơn mức tiêu thụ. Khi bạn đốt cháy quá nhiều calo, cơ thể không đủ năng lượng để duy trì các hệ thống hoạt động bình thường. Điều này dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, dẫn đến tình trạng trễ kinh 1 – 2 tháng hoặc mất chu kỳ kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường nếu bạn ngừng thực hiện các bài tập quá mức hoặc tăng lượng calo tiêu thụ.

4. Thay đổi thói quen

Thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc lịch trình làm việc có thể khiến đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn. Nếu bạn thường xuyên thay đổi ca làm việc, đi từ ngày sang đêm, đặc biệt là các ca làm việc không nhất quán, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể bị rối loạn và không theo một chu kỳ nhất định.

Nói chung những người có lịch trình thay đổi thường xuyên, có nguy cơ trễ kinh hoặc mất chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở lại bình thường nếu bạn điều hòa lại lịch trình cá nhân.

Chậm kinh 2 tháng
Thay đổi lịch làm việc thường xuyên có thể gây trễ kinh

5. Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một tập hợp các triệu chứng được gây ra bởi sự mất cân bằng của các hormone sinh sản. Những người bị Hội chứng buồng trứng đa nang thường không rụng trứng thường xuyên. Do đó, chu kỳ kinh nguyệt có thể không đều, trễ kinh 1 – 2 tháng hoặc chu kỳ kinh nguyệt biến mất hoàn toàn.

Có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có các triệu chứng Hội chứng buồng trứng đa nang. Điều này có thể dẫn đến buồng trứng mở rộng và hình thành các khối u nhỏ, lành tính. Các dấu hiệu nhận biết khác có thể bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh
  • Khối lượng máu mỗi chu kỳ rất nhẹ hoặc rất nặng và thường không thể tính được ngày hành kinh
  • Rối loạn da chẳng hạn như nổi mụn trứng cá hoặc các mảng tối trên da
  • Thừa cân, béo phì
  • Tóc mỏng
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Khó mang thai
  • Lông rậm ở mặt, lưng, đùi

6. Rối loạn tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến sản xuất hormone để kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể.

Suy giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động kém. Điều này khiến tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết. Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến tăng cao nồng độ hormone trong cơ theer.

Cả hai điều kiện này đều có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Các dấu hiệu rối loạn tuyến giáp phổ biến có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi quá mức trong một thời gian dài
  • Rụng tóc
  • Thay đổi khẩu vị
  • Tim đập nhanh
  • Hồi hộp, lo lắng, hay run tay
  • Khó ngủ
  • Tăng hoặc giảm cân mà không rõ lý do
  • Luôn cảm thấy lạnh hoặc ấm áp

Rối loạn tuyến giáp cần được chẩn đoán và điều trị để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.

7. Thời kỳ tiền mãn kinh

Phụ nữ thường bước vào giai đoạn mãn kinh sau khi không có kinh nguyệt trong vòng 12 tháng. Thời kỳ chuyển tiếp giữa mãn kinh và giai đoạn kinh nguyệt được gọi là tiền mãn kinh.

Mất kinh nguyệt 5 tháng
Phụ nữ tiền mãn kinh có thể bị trễ hoặc mất chu kỳ kinh nguyệt trong vài tháng

Giai đoạn tiền mãn kinh thường kéo dài khoảng 4 năm trước khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn. Ở một số người, trễ kinh 1 – 2 tháng có thể là dấu hiệu đầu tiên của tiền mãn kinh. Ngoài ra, đôi khi kinh nguyệt có thể mất trong vài tháng liên tục và trở lại bất thường, tuy nhiên lưu lượng máu kinh thường nhẹ hoặc nặng hơn bình thường.

Các dấu hiệu tiền mãn kinh khác có thể bao gồm:

  • Xuất hiện các cơn bốc hỏa tiền mãn kinh
  • Mất ngủ hoặc khó ngủ
  • Thay đổi tâm trạng, dễ nổi giận
  • Khô âm đạo
  • Ít hoặc không có ham muốn tình dục

8. Sử dụng một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể và gây mất hoặc trễ kinh 1 – 2 tháng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc điều hòa tuyến giáp
  • Thuốc tránh thai nội tiết
  • Một số loại thuốc hóa trị

Bên cạnh đó, một số loại thuốc và phương pháp tránh thai có thể thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể khiến chu kỳ với lưu lượng máu nặng hoặc nhẹ hơn bình thường. Ngoài ra, một số người có thể bị vô kinh.

9. Có một số bệnh mãn tính khác

Một số vấn đề sức khỏe mãn tính, đặc biệt là bệnh celiac hoặc tiểu đường, đôi khi có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.

Bệnh celiac là một bệnh tự miễn gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa. Khi người bệnh tiêu thụ gluten, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng bằng cách tấn công niêm mạc ruột non, dẫn đến các cơn đau thắt ở bụng.

Khi ruột non bị tổn thương, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng sẽ suy yếu. Thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone bình thường, gây mất chu kỳ kinh nguyệt, trễ kinh 1 – 2 tháng hoặc các bất thường khác liên quan đến kinh nguyệt.

Những người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 cũng có thể bị mất chu kỳ kinh nguyệt. Điều này thường liên quan đến lượng đường trong máu không được duy trì ở mức ổn định.

Điều trị các bệnh lý tiềm ẩn là cách tốt nhất để cải thiện chu kỳ kinh nguyệt.

Mức độ chính xác của que thử thai

Đôi khi trễ kinh 1 – 2 tháng nhưng thử thai vẫn 1 vạch có thể là do kết quả thử thai bị sai lệch. Các xét nghiệm thử thai tại nhà có thể mang lại kết quả âm tính giả, trong khi bạn thật sự đã mang thai.

Trễ kinh 3 tháng thử que 1 vạch
Đôi khi các biện pháp thử thai tại nhà có thể cho kết quả âm tính giả

Độ chính xác của que thử thai và các biện pháp thử thai tại nhà phụ thuộc vào cách thử và thời điểm thực hiện thử nghiệm. Một số lý do và nguyên nhân có thể gây ảnh hưởng đến kết quả thử thai bao gồm:

  • Làm xét nghiệm quá sớm: Hầu hết các thử nghiệm thai kỳ tại nhà đều dựa vào sự hiện diện của gonadotropin màng đệm ở người (hCG) trong nước tiểu. Mặc dù một số thử nghiệm có thể phát hiện hCG ngay từ những ngày đầu hình thành bào thai, nhưng một số thử nghiệm khác có thể không phát hiện hCG nếu thử nghiệm quá sớm.
  • Thời điểm xét nghiệm: Các xét nghiệm thử thai thường chính xác hơn vào buổi sáng, bởi vì lúc này nước tiểu ít bị pha loãng và có nồng độ hormone ổn định. Lúc này que thử thai dễ phát hiện được hCG hơn so với các thời điểm khác trong ngày.

Do đó, nếu nghi ngờ có thai, trễ kinh 1 – 2 tháng nhưng thử thai không cho kết quả, bạn nên đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm chuyên môn.

Trễ kinh khi nào cần đến bệnh viện?

Trễ kinh 1 – 2 tháng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu nguyên nhân liên quan đến chế độ sinh hoạt, ăn uống, luyện tập, bạn có thể tự cải thiện các triệu chứng tại nhà. Nếu không xác định được nguyên nhân hoặc nghi ngờ có thai, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Bị trễ kinh phải làm sao
Đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm và điều trị phù hợp

Những người mất chu kỳ kinh nguyệt 3 tháng liên tiếp và có kết quả thử thai âm tính nên đi khám bác sĩ. Ngoài ra, đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Đau đầu
  • Thay đổi tầm nhìn
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Sốt cao
  • Rụng tóc
  • Tiết dịch sữa hoặc rò rỉ sữa từ đầu vú
  • Tăng trưởng tóc quá mức

Phòng ngừa tình trạng trễ kinh

Để phòng ngừa tình trạng trễ kinh hoặc rối loạn kinh nguyệt, bạn có thể tham khảo một số biện pháp chăm sóc như:

  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Nếu cần giảm cân, hãy thực hiện kế hoạch giảm cân lành mạnh, từ từ và không cắt giảm toàn bộ thức ăn hoặc lượng calo.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, đi dạo, yoga hoặc thiền định.
  • Nếu bạn là một vận động viên, hãy thay đổi các thói quen tập luyện cường độ cao, nhiều giờ liên tục để đảm bảo sức khỏe và tránh rối loạn kinh nguyệt.
  • Sử dụng thuốc tránh thai và các biện pháp tránh thai theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.
  • Thay băng vệ sinh, cốc nguyệt san thường xuyên (sau khoảng 4 – 6 giờ mỗi lần). Điều này có thể tránh tình trạng nhiễm trùng và ngăn ngừa hội chứng sốc độc tố.
  • Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp điều trị, chăm sóc và cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, bạn cũng nên đến bệnh viện nếu nghĩ bản thân đang mang thai.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trễ kinh 1 – 2 tháng, bao gồm mang thai và các điều kiện sức khỏe tiềm ẩn. Mặc dù không phải tất cả các nguyên nhân đều nguy hiểm nhưng người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và được tư vấn cụ thể.

5/5 - (5 bình chọn)

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thanh Hà với 40 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh sản phụ khoa đã giúp cho hàng ngàn chị em thoát khỏi các chứng bệnh khó nói, trong đó có rong kinh.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *