Dị ứng thịt gà phải làm sao? Thông tin cần biết

Dị ứng thịt gà cực kỳ hiếm gặp, nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ – khoảng 0,6 – 5% trong tất cả các ca dị ứng thực phẩm. Để biết phải làm gì khi bị dị ứng thịt gà, đừng bỏ lỡ bài viết này.

Dị ứng thịt gà là gì? Có nguy hiểm không?

Thịt gà là một nguồn protein chất lượng cao với hàm lượng calorie thấp và ít chất béo. Thực phẩm này cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng trong suốt cuộc đời của bạn, từ khi mang thai cho đến những năm cuối đời. Ai ai cũng có thể hưởng lợi từ thực phẩm bổ dưỡng này, trừ khi bạn bị dị ứng với nó.

Dị ứng thịt gà rất hiếm gặp, nhưng chúng có thể gây ra các triệu chứng vô cùng khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm ở một số người, đặc biệt khi bị sốc phản vệ.

Khi bạn bị dị ứng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ hiểu nhầm các chất gây dị ứng là chất nguy hiểm. Hệ thống miễn dịch sau đó tạo ra các kháng thể gọi là immunoglobulin E/IeG để tấn công chất này. Phản ứng này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng, từ nhẹ đến nặng.

Thịt gà là món khoái khẩu của nhiều người
Thịt gà là món khoái khẩu của nhiều người

Dị ứng thịt gà có thể xảy ra ở bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể bị dị ứng với thịt gà khi còn nhỏ và tự thuyên giảm hoặc khỏi hẳn vào một độ tuổi nhất định.

Phóng sự VTV2 đưa tin Trung tâm Thuốc dân tộc là đơn vị khám chữa bệnh mề đay bằng Đông y uy tín nhất hiện nay. [Tìm hiểu ngay để khỏi bệnh]

Tuy nhiên, nhiều người có thể phải sống chung với dị ứng thực phẩm này cả đời. Một số người có thể đột nhiên bị dị ứng thịt gà sau một thời gian dài không gặp phải phản ứng bất lợi nào.

Yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng với thịt gà

Bạn có thể bị dị ứng với gà sống, thịt gà đã được chế biến hoặc các sản phẩm chứa thịt gà.

Những người bị dị ứng thịt gà có thể cần tránh ăn một số hoặc tất cả những thực phẩm dưới đây:

  • Soup gà
  • Ruốc gà
  • Thịt gia cầm, như ngỗng, vịt, ngan, gà tây…
  • Thịt chim, như bồ câu, chim sẻ, chim cút…
  • Cá và tôm
  • Trứng

Bạn cũng có thể cần tránh tiếp xúc với phụ phẩm từ gà, như lông gà và lông các loại gia cầm khác, bao gồm cả chim cảnh. Với những người dị ứng nặng, nên tránh các sản phẩm sử dụng lông gà, như gối nhồi lông gà, chổi lông gà…

Một số vắc xin, như vắc xin chống bệnh sốt vàng (một loại sốt xuất huyết), có chứa protein gà. Điều này có thể gây ra một phản ứng dị ứng khi tiêm. Bởi vậy, nếu bạn bị dị ứng, hãy thảo luận với bác sĩ để cân nhắc có tiêm hay không.

Mối liên hệ giữa dị ứng thịt gà và dị ứng trứng gà

Dị ứng trứng gà thường gặp ở trẻ nhỏ, với tỷ lệ mắc phải là 2%. Khi đó, trẻ cần tránh trứng và các thực phẩm chứa trứng, như bánh mì, bánh ngọt, bánh nướng, ngũ cốc, kẹo, kem…

Nếu không may ăn phải trứng gà, trẻ có thể phát triển các phản ứng dị ứng trên da, xung quanh miệng, thậm chí sốc phản vệ.

Người lớn hiếm khi bị dị ứng trứng gà
Người lớn hiếm khi bị dị ứng trứng gà

Bên cạnh đó, một người cũng có thể phát triển hội chứng “trứng chim”, do nhạy cảm với albumin có trong huyết thanh gà (alpha-livetin).

Nó gây ra các triệu chứng hô hấp và tiêu hóa sau khi ăn trứng hoặc tiếp xúc với những chất liên quan tới gà, chim và các loại gia cầm khác. Các chất này có thể là thịt, lông, phân hoặc huyết thanh.

Hội chứng này thường gặp ở người lớn, đặc biệt là ở phụ nữ. Trẻ nhỏ cũng có thể gặp hội chứng này khi tiếp xúc với lòng trắng trứng.

Bởi vậy, những người bị dị ứng thịt gà chưa chắc đã bị dị ứng trứng gà, hoặc ngược lại. Tuy nhiên, nếu mắc hội chứng trứng chim, bạn có thể vừa bị dị ứng trứng gà, vừa dị ứng thịt gà.

Các triệu chứng dị ứng thịt gà

Khi bị dị ứng với thịt gà, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng nhẹ và gây khó chịu ngay sau khi ăn hoặc chạm vào thịt gà khoảng vài phút đến vài giờ.

Triệu chứng thường gặp

  • Những bất thường trên da

Những người bị dị ứng với thịt gà có thể trải qua những sự thay đổi đáng kể trên da, bao gồm: Nổi mề đay, phát ban, đỏ hoặc viêm da.

Dị ứng thịt gà cũng có triệu chứng như nhiều loại dị ứng thực phẩm khác
Dị ứng thịt gà cũng có triệu chứng như nhiều loại dị ứng thực phẩm khác
  • Khó chịu đường tiêu hóa

Buồn nôn, đau hoặc co thắt bụng, tiêu chảy hoặc nôn cũng có thể xảy ra khi bị dị ứng thịt gà. Những triệu chứng này có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc trong vài giờ sau khi bạn ăn thịt gà.

  • Triệu chứng giống cảm lạnh

Một số người có thể gặp các triệu chứng tương tự như cảm lạnh khi tiếp xúc với thịt gà. Những triệu chứng này có thể bao gồm: Sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa hoặc chảy nước mắt, ho, hắt hơi, đau họng hoặc khó thở. Chúng thường không xảy ra đơn lẻ, mà xuất hiện cùng với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và bất thường trên da.

  • Sưng ở một số bộ phận

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi và sưng cổ họng.

Triệu chứng nghiêm trọng

Những người bị dị ứng thịt gà nghiêm trọng có thể bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ khi không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng.

Sốc phản vệ có thể nhận biết qua triệu chứng:

  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Đau bụng, co thắt bụng dữ dội
  • Co thắt đường thở
  • Nhịp tim nhanh
  • Huyết áp giảm đột ngột
  • Lo lắng
  • Nói nhịu
  • Lú lẫn
  • Sốc
  • Mất ý thức

Những người gặp phải những dấu hiệu này cần phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Phân biệt dị ứng và bất dung nạp

Cần phân biệt dị ứng thịt gà với bất dung nạp thịt gà vì chúng thường bị nhầm lẫn, dẫn tới cách điều trị không phù hợp.

Khó phân biệt dị ứng thịt gà và bất dung nạp thịt gà
Khó phân biệt dị ứng thịt gà và bất dung nạp thịt gà

Các triệu chứng bất dung nạp thịt gà thường xuất hiện muộn hơn so với dị ứng. Chúng có thể xảy ra sau khi ăn thịt gà khoảng vài giờ, thậm chí vài ngày. Dị ứng thường liên quan tới các triệu chứng trên cả da và tiêu hóa. Trong khi đó, bất dung nạp thường chỉ biểu hiện các triệu chứng liên quan tới đường tiêu hóa.

Những người bị bất dung nạp thịt gà vẫn có thể ăn một lượng nhỏ thịt gà mà không gặp vấn đề bất lợi nào. Trong khi đó, ở những người bị dị ứng thịt gà, chỉ cần thử một chút xíu thịt gà cũng có thể gây ra phản ứng.

Làm gì khi bị dị ứng thịt gà?

Không thể chữa khỏi dị ứng thịt gà hoặc bất cứ loại dị ứng thực phẩm nào khác. Tuy vậy, bạn có thể giảm các triệu chứng dị ứng theo các cách sau:

Chăm sóc tại nhà

Phần lớn các triệu chứng dị ứng tại nhà đều có thể thuyên giảm khi bạn ngừng ăn hoặc tiếp xúc với thịt gà.

Hãy tạo cho bản thân thói quen luôn đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng. Nếu nó có thành phần là thịt gà hoặc trứng gà, hãy loại bỏ ngay để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng.

Sử dụng thuốc

Thuốc kháng histamine có tác dụng tốt trong điều trị các triệu chứng liên quan đến dị ứng thịt gà. Thuốc kháng histamine được sử dụng trong trường hợp này là dòng H1. Nó có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần nhẹ, giảm chóng mặt, buồn nôn và các triệu chứng khác.

Thuốc kháng histamine H1 có hai loại, thế hệ 1 và thế hệ 2. Thuốc kháng histamine H1 thế hệ 2 được sử dụng nhiều hơn, điển hình như Loratadin, Acrivastin, Cetirizin hydroclorid, Fexofenadin…

Những thuốc này chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn. Khi các triệu chứng dị ứng thực phẩm đã thuyên giảm, nên ngừng uống thuốc. Dùng thuốc kéo dài có thể gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như mêt mỏi và giảm phát triển trí tuệ ở bệnh nhi.

Phụ nữ mang thai và cho con bú nên thận trọng khi sử dụng thuốc này.

Chỉ sử dụng thuốc kháng histamine H1 khi được bác sĩ cho phép
Chỉ sử dụng thuốc kháng histamine H1 khi được bác sĩ cho phép

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc cortisone để giúp giảm phát ban và giảm viêm. Hoặc, thuốc corticosteroid dạng hít có thể được chỉ định cho bệnh nhân gặp các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng, như hen suyễn.

Đối với dị ứng nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể cần tiêm Epinephrine. Epinephrine (Adrenalin hoặc Adrenaline) được tiêm bắp có thể giảm các triệu chứng dị ứng thực phẩm nghiêm trọng, như sốc phản vệ.

Tuy nhiên, thuốc Epinephrine dạng tiêm có thể gây ra một số tác dụng phụ:

  • Run rẩy
  • Lo âu
  • Đổ mồ hôi
  • Nhịp tim nhanh
  • Tăng huyết áp
  • Nhịp tim bất thường

Bởi vậy, nên tham vấn bác sĩ, thầy thuốc, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc này.

Chế độ ăn uống loại trừ

Để hỗ trợ điều trị dị ứng trứng, dị ứng thịt gà và dị ứng thực phẩm nói chung, người bệnh có thể áp dụng chế độ ăn uống loại trừ (Elimination Diet). Đây là chế độ ăn kiêng đặc biệt giúp xác định thực phẩm nào gây dị ứng để loại bỏ chúng khỏi bữa ăn.

Ngoài ra, nó cũng giúp giảm triệu chứng ruột kích thích, đau nửa đầu, hội chứng ruột rò rỉ và các triệu chứng dị ứng trên da, như mẩn đỏ hoặc phát ban.

Các bước thực hiện:

  • Không ăn tất cả các thực phẩm gây dị ứng phổ biến trong 3 tuần, bao gồm: Sữa bò, trứng, lúa mì, đậu nành, đậu phộng/lạc, các loại hạt, động vật có vỏ, cá và thịt gà (trong trường hợp dị ứng thịt gà).
  • Trong 3 tuần này, bạn nên ăn chế độ ăn khoa học với các thực phẩm lành mạnh, như: Rau lá xanh đậm, trái cây tươi, thịt hữu cơ, chất béo lành mạnh… Những thực phẩm này có khả năng chống viêm giúp giảm các triệu chứng dị ứng.
  • Không được ăn các thực phẩm gây dị ứng, dù chỉ một lượng nhỏ.
  • Bạn hãy ghi chép nhật ký ăn uống và các triệu chứng gặp phải sau khi ăn thực phẩm nào đó.
  • Sau 3 tuần, bạn sẽ chuyển sang giai đoạn tái tiêu thụ. Bạn có thể ăn những thực phẩm đã bị loại bỏ trở lại trong 1 – 2 tuần. Ghi lại nhật ký ăn uống đừng quên ghi lại các triệu chứng.
  • Với các thông tin đã ghi chép được, bạn có thể so sánh các triệu chứng phản ứng sau ăn uống của giai đoạn loại trừ thực phẩm và giai đoạn tái tiêu thụ.
  • Nếu thực phẩm nào đó lại gây ra các phản ứng bất lợi, bạn có thể loại trừ thực phẩm đó một lần nữa. Nếu thịt gà vẫn tiếp tục gây ra các triệu chứng khó chịu, hãy ngừng ăn nó ngay.

Chỉ nên thực hiện chế độ ăn này tối đa trong 6 tuần.

Bổ sung một số dưỡng chất

Theo các chuyên gia hàng đầu về dị ứng, bổ sung một số dưỡng chất cho cơ thể có thể giúp giảm dị ứng thực phẩm hiệu quả, trong đó có dị ứng thịt gà:

Bổ sung dưỡng chất có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
Bổ sung dưỡng chất có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe
  • Enzyme tiêu hóa

Không tiêu hóa hết các protein từ thực phẩm có mối liên quan mật thiết tới dị ứng thực phẩm và một số triệu chứng tiêu hóa khó chịu. Bổ sung enzyme tiêu hóa sẽ giải quyết điều này. Nó còn giúp tăng hấp thu các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể, như vitamin D, K và axit béo omega-3.

Có 3 loại enzyme tiêu hóa chủ yếu là: Enzyme amylase để phân hủy carbohydrate, enzyme protease giúp phân hủy đạm/protein và enzyme lipase để phân hủy chất béo.

  • Probiotic

Theo Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO), chưa thể chứng minh rõ ràng vai trò của bổ sung probiotic trong việc phòng ngừa, điều trị dị ứng ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ở một số cá nhân cụ thể, bổ sung lợi khuẩn này cũng đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Với những trẻ bị đau bụng tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa, bổ sung probiotic có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng này.

  • MSM (Methylsulfonylmethane)

MSM là một hợp chất lưu huỳnh hữu cơ, thuộc nhóm hóa chất sulfone có màu trắng, không mùi, hòa tan trong nước nóng và nhiều loại dung môi hữu cơ. Lưu huỳnh là khoáng chất xếp thứ tư về độ phổ biến trong cơ thể con người. Bởi vậy, MSM cũng có vai trò quan trọng cho nhiều chức năng của cơ thể.

Khi đi vào cơ thể, MSM sẽ phục hồi tính thấm và tính linh hoạt của màng tế bào, từ đó cho phép chất lỏng thẩm thấu qua các mô dễ dàng hơn. Đồng nghĩa với việc thúc đẩy các tế bào có thể nhanh chóng thải độc liên tục. Qua đó, nó rất có tiềm năng trong hỗ trợ điều trị dị ứng thực phẩm.

MSM rất ít khi mang lại tác dụng phụ. Các tác dụng không mong muốn gặp thường là đau bụng, buồn nôn, buồn ngủ và đau nhức đầu.

  • Axit pantothenic

Axit pantothenic và vitamin B5 cực kỳ cần thiết cho chức năng của tuyến thượng thận. Bổ sung axit pantothenic giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và tăng cường chức năng miễn dịch. Qua đó, nó giúp giảm khả năng phản ứng thái quá của cơ thể đối với thực phẩm gây dị ứng.

  • L-glutamine

Đây là một axit amin có nhiều trong cơ thể của chúng ta, đặc biệt là ruột. Bổ sung thêm L-glutamine có thể cải thiện tính thấm của ruột. Như đã biết, ruột bị rò rỉ hoặc tăng cường tính thấm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm dị ứng thức ăn.

Dưỡng chất này thường được bán ở dạng bột, có thể pha với nước uống. Liều dùng có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, dao động từ 1.000 – 3.000mg/ngày.

Thịt gà là một thực phẩm bổ dưỡng
Thịt gà là một thực phẩm bổ dưỡng

Tóm lại, không khó để kiểm soát dị ứng thịt gà. Điều bạn cần nhớ là luôn lắng nghe cơ thể của mình khi ăn bất cứ thực phẩm nào. Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng dị ứng khi ăn thịt gà hoặc bất cứ thực phẩm nào khác, hãy sớm áp dụng các phương pháp điều trị, khắc phục và thăm khám kịp thời.

Có thể bạn muốn biết:

5/5 - (2 bình chọn)

XEM THÊM

Phóng sự VTV2 Chất lượng cuộc sống đưa tin Trung tâm Thuốc dân tộc là địa chỉ khám chữa bệnh mề đay bằng Y học cổ truyền uy tín nhất hiện nay [Tìm hiểu thêm]

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *