Dị Ứng Mỹ Phẩm: Dấu Hiệu, Cách Xử Lý, Điều Trị & Chăm sóc
Nội dung bài viết
Ước tính, một người trưởng thành trung bình sử dụng ít nhất 7 sản phẩm chăm sóc da khác nhau mỗi ngày. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các dị ứng mỹ phẩm là tình trạng cực kỳ phổ biến. Phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay sau khi sử dụng mỹ phẩm nào đó hoặc sau nhiều năm sử dụng.
Nguyên nhân dị ứng mỹ phẩm
Theo một nghiên cứu da liễu năm 2010, có hơn 1/3 trong số hơn 900 người tham gia nghiên cứu gặp ít nhất 1 phản ứng bất lợi với các thành phần mỹ phẩm.
Dị ứng mỹ phẩm có thể được phân loại thành:
- Viêm da tiếp xúc kích ứng
Phản ứng của da khi tiếp xúc với một số chất nào đó, phát triển nhanh chóng, chỉ trong vài phút hoặc vài giờ tiếp xúc.
Tuy nhiên, đôi khi, sau vài ngày hoặc vài tuần dùng mỹ phẩm, làn da mới có những triệu chứng rõ rệt. Bởi lẽ, chỉ có làn da của bạn phản ứng với thành phần có trong mỹ phẩm, chứ không phải hệ thống miễn dịch.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng
Đây là phản ứng nghiêm trọng của cơ thể đối với bất kỳ thành phần nào có trong mỹ phẩm. Thường mất 12 tiếng sau khi dùng mỹ phẩm mới xuất hiện các dấu hiệu ban đầu.
Các triệu chứng trở nên cực đại vào khoảng 48 tiếng sau tiếp xúc. Đây là một phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch đối với các chất (cả vô hại và có hại).
Chất gây dị ứng sẽ hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể giải phóng các hóa chất (như kháng thể) và gây ra các triệu chứng dị ứng.
Bên cạnh chất gây dị ứng, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra phản ứng bất lợi trên da khi sử dụng một số loại mỹ phẩm.
Chất gây dị ứng
Bất cứ ai cũng đều có thể bị dị ứng mỹ phẩm. Nữ giới thường bị ảnh hưởng hơn nam giới, vì họ có xu hướng sử dụng nhiều mỹ phẩm hơn.
Rất nhiều chuyên gia và tổ chức sức khỏe đã tổng hợp danh sách các chất gây dị ứng phổ biến được tìm thấy trong một số sản phẩm mỹ phẩm.
Chúng cũng là những chất gây dị ứng gây ra hầu hết các phản ứng dị ứng từ việc sử dụng mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da.
Các chất gây dị ứng phổ biến có trong mỹ phẩm:
Hương thơm tổng hợp
Chất gây dị ứng phổ biến nhất là hương thơm tổng hợp. Có hơn 5.000 loại hương thơm tổng hợp khác nhau được sử dụng trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da.
Nó có mặt trong rất nhiều sản phẩm, như dầu gội, kem dưỡng da, sữa tắm, khử mùi, nước hoa, phấn má… Dị ứng hay nhạy cảm với hương thơm tổng hợp có thể gây ra một số triệu chứng:
- Hắt hơi (như đang bị cảm lạnh)
- Chóng mặt, đau nhức đầu
- Mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn
- Phát ban da, lên cơn hen suyễn
- …
Các chất bảo quản
Các hóa chất bảo quản giúp duy trì trạng thái, kết cấu sản phẩm và kéo dài thời gian sử dụng của mỹ phẩm. Bạn có thể bắt gặp những cái tên sau trên bao bì sản phẩm:
- Methylisothiazolinone/MIT
- Bronopol
- Methylchloroisothiazolinone/CMIT
- Bronidox
- Diazolidinyl urea
- DMDM hydantoin
- Imidazolidinyl urea
- Sodium hydroxymethylglycinate
- Quaternium-15 (Dowicil 200; N-(3-chloroallyl) hexaminium chloride)
Chúng được tìm thấy trong dầu dội/xả, kem chống nắng, kem dưỡng ẩm, phấn má, phấn mắt, thuốc nhuộm tóc…
Thuốc nhuộm, phụ gia tạo màu
Các loại thuốc nhuộm, hoặc hóa chất trong thuốc nhuộm và các phụ gia tạo màu, như p-phenylenediamine (PPD) và hắc ín, cũng có thể kích thích dị ứng trên da.
Thảo dược họ Cúc (Compositae)
Các sản phẩm chứa thảo dược họ Cúc, đặc biệt là dược mỹ phẩm, cũng có thể gây các phản ứng dị ứng trên da khi sử dụng.
Bao gồm:
- Atiso
- Cúc Hy Lạp
- Cúc dại
- Cúc dại feverfew
- Cúc đại đóa
- Cúc hoàng anh
Trong một số trường hợp, các phản ứng với thảo dược họ Cúc, như phát ban, trở nên tồi tệ hơn khi gặp ánh sáng mặt trời.
Thực vật
Nếu bạn bị dị ứng với loại thực vật nào, bạn cũng có thể gặp các phản ứng bất lợi khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân chứa thực vật đó.
Một số thực vật cũng có thể làm tăng sự nhạy cảm của da đối với ánh nắng mặt trời, như trái cây họ Cam Quýt, rau mùi tây, cần tây, thì là, quả sung…
Một số lý do khác
Lựa chọn sai mỹ phẩm, không phù hợp với loại da và lứa tuổi cũng có thể gây dị ứng. Giả sử, nếu bạn sở hữu làn da dầu, việc sử dụng các sản phẩm lotion cấp nhiều ẩm có thể khiến lỗ chân lông bị bít tắc, gây nổi mụn.
Mặt khác, dùng các sản phẩm kiềm dầu cho da khô sẽ càng khiến da bị mất nước, trở nên khô ráp, bong tróc hơn.
Mua mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái… cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây dị ứng.
Những sản phẩm này, đặc biệt là kem trộn và kem làm trắng da cấp tốc, có thể chứa nhiều chất tẩy cực mạnh, corticoid, hóa chất độc hại bào mòn da và tăng nguy cơ dị ứng.
Trang điểm quá dày, không tẩy trang đúng cách, dùng mỹ phẩm sai cách (theo thứ tự không phù hợp), dùng mỹ phẩm hết hạn, bảo quản mỹ phẩm không đúng cách hoặc kết hợp sai các sản phẩm (tạo ra phản ứng hóa học nào đó)… cũng có thể khiến da bị dị ứng.
Những người có tiền sử bệnh chàm, hen suyễn hoặc dị ứng theo mùa có xu hướng bùng phát dị ứng nhanh hoặc nghiêm trọng hơn. Trong hầu hết các trường hợp, theo thời gian, hệ thống miễn dịch sẽ trở nên quá mẫn cảm với hóa chất.
Bạn càng sử dụng loại mỹ phẩm đó nhiều, hệ thống miễn dịch sẽ càng trở nên nhạy cảm với nó hơn. Đến một thời điểm nhất định, hệ thống miễn dịch sẽ quyết định “không thích” nó và gây ra phản ứng mạnh mẽ.
Bạn có thể sử dụng một loại son môi trong 10 năm mà không gặp vấn đề gì và đột nhiên bị dị ứng. Mặt khác, dị ứng cũng có thể xảy ra khi bạn dùng một loại mỹ phẩm mới.
Ngoài ra, những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng mỹ phẩm:
- Người có cơ địa nhạy cảm
- Người có da mẫn cảm, da mỏng, da khô
- Người có da bị trầy xước
- Người mắc bệnh da liễu nào đó, như hồng ban
- Người có hệ miễn dịch suy giảm, vừa hóa trị hoặc xạ trị…
- Người có thói quen chăm sóc da kém khoa học
Dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm
Vì mỹ phẩm hầu hết được áp dụng trên da mặt, nên các triệu chứng dị ứng mỹ phẩm cũng thường gặp ở trên mặt hơn.
Dị ứng mỹ phẩm nhẹ
Dấu hiệu đầu tiên khi bị dị ứng với mỹ phẩm là phát ban bất thường, bao gồm:
- Da đỏ, ngứa
- Da khô hoặc bong tróc
- Các triệu chứng thường xuất hiện ở vùng da được áp dụng mỹ phẩm hoặc xung quanh
- Đôi khi, phản ứng có thể xuất hiện dưới dạng mề đay
- Sưng mắt, môi hoặc lưỡi
Đối với hầu hết các triệu chứng dị ứng mỹ phẩm, các phản ứng thường xuất hiện sau hơn 24 giờ từ khi áp dụng.
Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng với một sản phẩm mới, có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần để xuất hiện phát ban.
Ít phổ biến hơn, nhưng các phản ứng có thể xuất hiện dưới dạng mụn đầu đen, viêm nang lông và da sẫm màu.
Dị ứng mỹ phẩm nặng
Trong trường hợp nặng, phản ứng trên da có thể gây phồng rộp hoặc sưng da. Tổn thương do dị ứng có thể bị bội nhiễm nếu người bệnh không chăm sóc đúng cách và những người có thói quen cào, gãi da.
Bội nhiễm có thể khiến da bị tổn thưởng sâu, để lại sẹo hoặc tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết. Tình trạng này thường gặp ở những người dùng mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm giả hoặc nhái, như kem trộn, kem làm trắng da cấp tốc, mỹ phẩm chứa hóa chất độc hại…
Một số sản phẩm chứa thực vật thuộc họ Cam Quýt (Citrus) có thể gây viêm phytophotodermerm, khiến da đỏ, phồng rộp khi lần đầu tiên tiếp xúc với mỹ phẩm.
Sau đó, nó có thể làm tăng sắc tố da, gây sạm da kéo dài trong nhiều tháng. Phát ban được tạo ra thông qua phản ứng độc tính quang học.
Cụ thể, phản ứng làm cho da dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với tia UV (bước sóng lớn hơn 320nm, như ánh sáng mặt trời mùa Hè). Do đó, loại viêm da này thường gặp trong mùa Hè – Thu nhiều nắng.
Ngoài viêm da tiếp xúc dị ứng, các thành phần hương thơm tổng hợp có trong mỹ phẩm cũng có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng với bệnh nhân hen suyễn, viêm mũi dị ứng và nhiễm trùng đường hô hấp do virus. Với những người bị nhạy cảm với một số mùi hương nhất định, hít phải sản phẩm có thể dẫn tới:
- Khó thở
- Nghẹt thở
- Ho
- Đờm
- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi
- Nhức đầu
- Tức ngực
- Thở khò khè
Người bị dị ứng mỹ phẩm cũng có thể phải đối mặt với khả năng bị sốc phản vệ nguy hiểm. Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng, tình trạng này có thể gây tử vong.
Các triệu chứng bao gồm:
- Mất ý thức
- Khó thở
- Khó nuốt
- Chóng mặt
- Đau ngực
- Mạch nhanh, yếu
- Buồn nôn và nôn
Nếu nhận thấy các triệu chứng trên sau khi dùng mỹ phẩm, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Dị ứng mỹ phẩm có tự khỏi không? Bao lâu thì hết?
Dị ứng mỹ phẩm có tự hết không và dị ứng mỹ phẩm bao lâu thì hết còn phụ thuộc vào mức độ dị ứng cũng như cách chăm sóc da.
- Dị ứng mỹ phẩm nhẹ: Các triệu chứng có thể biến mất ngay sau khi bạn ngừng dùng loại mỹ phẩm gây dị ứng và làm sạch da. Thường là sau 2 – 3 ngày. Người bệnh không cần đi khám hoặc điều trị chuyên sâu.
- Dị ứng mỹ phẩm nặng: Cần điều trị chuyên sâu, tốt nhất nên đi khám để có cách điều trị phù hợp. Thời gian lành bệnh thường kéo dài, có thể lên tới 2 – 3 tháng nếu điều trị tốt.
- Dị ứng mỹ phẩm nghiêm trọng: Làn da bị dị ứng mỹ phẩm có thể để lại sẹo hoặc mụn mãn tính. Tình trạng này khó điều trị dứt điểm, có thể phải mất 6 tháng, 1 – 2 năm hoặc lâu dài hơn.
Điểm mấu chốt là phát hiện sớm và xử lý kịp thời dị ứng mỹ phẩm. Tránh để các triệu chứng dị ứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng mới nghĩ tới chuyện điều trị.
Bị dị ứng mỹ phẩm phải làm sao?
Ngừng sử dụng sản phẩm gây ra các phản ứng bất lợi trên da là điều đầu tiên và cơ bản nhất mà bạn cần làm.
Một khi ngừng sử dụng, sự kích thích sẽ giảm bớt. Dị ứng nhẹ thường giảm trong vài giờ và không cần điều trị.
Tuy nhiên, nếu phản ứng dị ứng nghiêm trọng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu ngay lập tức.
Bạn có thể được chỉ định uống thuốc, bôi thuốc hoặc làm một thử nghiệm trên da để tìm ra nguyên nhân chính xác của phản ứng dị ứng.
Dị ứng mỹ phẩm nên uống thuốc gì?
Giống như bất kỳ phản ứng dị ứng nào, phương pháp điều trị dị ứng mỹ phẩm cũng có thể bao gồm thuốc kháng histamine và một số thuốc bôi ngoài da.
- Các loại thuốc kháng histamine phổ biến, như Promethazin, Lorpheniramin hoặc Diphenhydramin, có thể giảm đỏ, ngứa và sưng trên da.
- Corticosteroid dạng bôi ngoài da cũng có thể giúp giảm khó thở và giảm viêm. Chỉ nên dùng thuốc này trong thời gian ngắn, vì nó có thể bào mòn da hoặc teo da.
- Nếu bạn muốn dùng steroid đường uống và một loại kem bôi nào đó mạnh hơn, cần có sự cho phép của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng.
Điều trị dị ứng mỹ phẩm tại nhà
Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu dị ứng mỹ phẩm, bạn nên thực hiện những điều sau:
- Ngừng sử dụng sản phẩm nghi là gây ra dị ứng.
- Rửa sạch da.
- Hạn chế dùng thêm bất cứ sản phẩm chăm sóc da, tóc, móng… nào trong khi bị dị ứng.
- Uống nhiều nước.
- Hạn chế ra nắng, tiếp xúc với bụi bẩn hay các tác nhân gây dị ứng khác.
Mẹo giảm dị ứng mỹ phẩm
Nếu bị dị ứng mỹ phẩm dạng nhẹ, bạn có thể áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà theo chỉ dẫn dưới đây:
Gel nha đam:
- Sau khi làm sạch da, hãy thoa gel nha đam lên da, để khô tự nhiên.
- Áp dụng nhiều lần mỗi ngày.
Dầu dừa:
- Dầu dừa giúp dưỡng ẩm, kháng khuẩn và tăng cường sức khỏe của làn da.
- Bạn chỉ cần thoa dầu dừa lên da, massage nhẹ nhàng. Áp dụng 2 lần/ngày.
- Bạn có thể thay thế dùng dầu olive theo cách này.
Mật ong:
- Mật ong giúp kháng khuẩn và giảm viêm.
- Bạn có thể thoa mật ong lên vùng da bị dị ứng 2 lần/ngày.
Baking soda:
- Trộn 1 thìa baking soda với 2 thìa dầu dừa để tạo thành một hỗn hợp sệt.
- Thoa hỗn hợp lên da, để khô trong 15 – 20 phút trước khi rửa sạch bằng nước ấm.
Chườm da:
- Chườm da bằng nước mát, đá viên hoặc dưa chuột cũng có thể giúp giảm dị ứng và xoa dịu cơn khó chịu.
- Bạn có thể chườm da 2 – 3 lần/ngày.
Bột yến mạch:
- Cho bột yến mạch vào nước ấm để tắm hoặc rửa mặt.
- Cách làm này có thể giúp giảm ngứa do dị ứng hiệu quả.
Dị ứng mỹ phẩm kiêng ăn gì? Nên ăn gì?
Mặc dù không trực tiếp điều trị dị ứng mỹ phẩm, những một chế độ ăn phù hợp có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa các triệu chứng trở nặng và thúc đẩy thời gian phục hồi.
Dị ứng mỹ phẩm kiêng ăn gì?
Trong thời gian điều trị dị ứng mỹ phẩm, đặc biệt là dị ứng trên da mặt, bạn nên kiêng cữ một số thực phẩm sau:
- Thực phẩm giàu protein: Bao gồm các loại thịt đỏ và trứng. Hàm lượng protein cao trong các thực phẩm này có thể khiến hệ miễn dịch hiểu lầm là dị nguyên. Điều này sẽ thúc đẩy cơ thể giải phóng histamine và làm nặng hơn các triệu chứng dị ứng.
- Thực phẩm dễ gây dị ứng: Bao gồm động vật có vỏ, hải sản, một số loại hạt…
- Chất kích thích: Có trong các loại đồ uống chứa cồn, soda, nước ngọt, nước tăng lực, cà phê… Nó làm suy giảm sức đề kháng và gây mất nước.
- Thực phẩm chứa nhiều muối, đường, gia vị cay nóng: Thực phẩm dạng này có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động hết công suất, tiết nhiều mồ hôi và tăng cảm giác ngứa ngáy. Chúng cũng gây viêm, góp phần hình thành mụn trứng cá.
Dị ứng mỹ phẩm nên ăn gì?
Nên ưu tiên ăn các thực phẩm bổ dưỡng, giàu chất oxy hóa, chống viêm… khi bị dị ứng nói chung. Bao gồm:
- Thực phẩm giàu probiotic: Có nhiều trong các thực phẩm lên men, như sữa chua, nấm sữa kefir, các loại rau củ quả muối chua… Probiotic đã được chứng minh là cung cấp cả hai tác dụng chống viêm và chống dị ứng.
- Trái cây giàu vitamin C: Như quả mọng, dưa hấu, cam… Vitamin C có thể gián tiếp ức chế các tế bào viêm giải phóng histamine, từ đó giúp giảm các triệu chứng dị ứng.
- Thực phẩm chứa bioflavonoid: Quercetin – một loại bioflavonoid thường gặp có thể chống viêm mạnh mẽ và giảm dị ứng hiệu quả. Nó có trong táo, hành tây, trà, rượu vang đỏ…
- Thực phẩm giàu magie: Như hạnh nhân, hạt điều, tảo bẹ… Magie có thể giúp kháng histamine, giãn phế quản, giảm dị ứng hiệu quả.
- Thực phẩm giàu vitamin E: Tocopherol là một dạng vitamin E hoạt tính có thể giảm viêm liên quan tới dị ứng. Nó có nhiều trong dầu đậu nành.
- Cá béo: Các loại cá béo, như cá hồi hay cá mòi, rất giàu axit béo omega-3. Loại axit béo này đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm và giảm dị ứng. Các loại thực phẩm giàu omega-3 chống viêm khác bao gồm quả óc chó và hạt lanh.
- Chất lỏng: Nên uống nhiều nước lọc và các loại chất lỏng khác, như nước canh, trà thảo dược, nước hầm xương, sữa hạt… để cung cấp thêm độ ẩm cho da. Điều này giúp giảm ngứa và giảm khô da.
Cách phòng tránh dị ứng mỹ phẩm
Để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng mỹ phẩm, bạn có thể thực hiện theo các bước đơn giản dưới đây:
Đọc kỹ nhãn trước khi sử dụng
- Tránh các mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc da có ghi “fragrance” hoặc “parfum” trên bao bì.
- Không quá tin tưởng các sản phẩm được ghi nhãn “unscented” hoặc “fragrance-free” (không chứa mùi hương hoặc không hương thơm tổng hợp). Bởi vì chúng vẫn có thể chứa hương thơm nhân tạo. Một số sản phẩm được quảng cáo là không mùi vẫn có thể chứa một mùi thơm nhân tạo nào đó để che giấu các mùi hóa học khác.
- Bạn nên biết bản thân sở hữu kiểu da nào để lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Thử nghiệm phản ứng dị ứng
- Lên danh sách những mỹ phẩm đã từng gây dị ứng cho bạn và tránh sử dụng chúng trong những lần tiếp theo.
- Đối với những mỹ phẩm mới sử dụng lần đầu tiên, hãy thử một lượng nhỏ lên vùng da ở mặt trong cánh tay. Nếu sau 2 – 3 ngày không thấy có triệu chứng gì bất thường, bạn có thể dùng chúng an toàn.
- Các chuyên gia da liễu có thể yêu cầu áp dụng phương pháp PUT/Provocative Use Test hoặc phương pháp ROAT/Repeat Open Application Test. Đây là phương pháp nhằm xác định phản ứng chậm với mỹ phẩm. Bạn sẽ được thoa mỹ phẩm lên vùng da ở mặt trong cánh tay, 2 lần/ngày trong 2 tuần, diện rộng khoảng 5cm2. Nếu không thấy phản ứng bất lợi nào, thì chứng tỏ bạn không bị dị ứng với mỹ phẩm đó.
Dùng mỹ phẩm thiên nhiên, organic
- Mỹ phẩm thiên nhiên hoặc organic thường chứa các thành phần tự nhiên.
- Mỹ phẩm thiên nhiên thường không chứa hoặc chứa rất ít chất bảo quản, thành phần tổng hợp có hại, chất tạo màu nhân tạo, hương thơm nhân tạo và các kim loại nặng.
- An toàn khi dùng trên da nhạy cảm và được đánh giá là thân thiện với môi trường.
- Tuy nhiên, mỹ phẩm tự nhiên thường có giá thành cao và có thời hạn sử dụng ngắn (do không chứa các chất bảo quản tổng hợp).
Dùng dược mỹ phẩm
- Đây là dòng mỹ phẩm thế hệ mới, tích hợp mỹ phẩm và dược phẩm. Dược mỹ phẩm không chỉ giúp làm đẹp, mà còn có thể chữa bệnh, cải thiện sức khỏe.
- Dược mỹ phẩm có tiêu chuẩn sản xuất khắt khe hơn các loại mỹ phẩm khác. Bởi vậy, nó được cho là ít gây dị ứng hơn các sản phẩm thông thường.
Có thói quen chăm sóc da tốt
- Nếu đã có một chế độ chăm sóc da tốt, bạn không nên mạo hiểm thay đổi.
- Nếu không quá cầu kỳ, bạn có thể áp dụng các bước chăm sóc da cơ bản, bao gồm: Làm sạch da – dùng toner – dưỡng ẩm – chăm sóc chuyên sâu (bằng serum hoặc huyết thanh nếu cần).
Bảo quản mỹ phẩm đúng cách
- Bạn không nên bảo quản mỹ phẩm trong phòng tắm. Hãy để chúng ở nơi khô thoáng, tránh xa độ ẩm cao hoặc ánh sáng mặt trời trực tiếp. Một số sản phẩm yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ thấp, như serum, mặt nạ miếng…
- Hãy kiểm tra hạn sử dụng của tất cả sản phẩm. Vứt bỏ những sản phẩm quá hạn hoặc bị biến đổi trạng thái (ngay cả khi nó vẫn còn hạn).
Tóm lại, đừng chủ quan với dị ứng mỹ phẩm. Tuy không gây tổn hại sức khỏe và tính mạng, nhưng dị ứng mỹ phẩm có thể gây khó chịu, mất thẩm mỹ và khiến bạn bực bội.
Đừng bỏ lỡ:
Tin bài nên đọc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!