Viêm mao mạch dị ứng nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏi?
Nội dung bài viết
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp đẩy nhanh tiến độ phục hồi bệnh viêm mao mạch dị ứng. Để xây dựng được thực đơn ăn uống khoa học, bệnh nhân có thể tham khảo thông tin giải đáp về vấn đề Viêm mao mạch dị ứng nên ăn gì, kiêng gì? trong bài viết sau.
Viêm mao mạch dị ứng (bệnh Henoch-Schonlein) là tình trạng rối loạn tự miễn gây ra tổn thương lâm sàng có tính chất hệ thống. Trong đó, ảnh hưởng chủ yếu đến các mao mạch nhỏ ở da, thận, ruột và khớp. Các mao mạch bị viêm dẫn đến tình trạng rò rỉ máu và gây ra hiện tượng phát ban ngoài da. Ở những trường hợp nặng, bệnh có thể gây tổn thương ruột, khớp và làm suy giảm chức năng thận.
Hiện nay, chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra viêm mao mạch dị ứng. Tuy nhiên khi nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy hiện tượng viêm ở mao mạch, thận, khớp,… là do sự lắng đọng của kháng thể IgA (một loại protein có chức năng đề kháng và bảo vệ cơ thể).
Sự lắng đọng của IgA được cho là có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, sau khi bị côn trùng cắn, tiêm phòng vaccine hoặc do dị ứng thời tiết, thức ăn,… Tất cả những tác động này đều khiến hệ miễn dịch sản sinh kháng thể và dẫn đến hiện tượng kháng thể lắng đọng ở một số cơ quan trong cơ thể.
Viêm mao mạch dị ứng nên kiêng gì?
Viêm mao mạch dị ứng không chỉ gây ra tổn thương da mà còn làm xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, đau thượng vị,… Do đó để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, nên kết hợp các phương pháp y tế cùng với chế độ dinh dưỡng.
rong quá trình điều trị viêm mao mạch dị ứng, bệnh nhân nên kiêng cử một số loại thực phẩm sau:
1. Thực phẩm gây dị ứng
Dị ứng thực phẩm là một trong những yếu tố gây bùng phát viêm mao mạch dị ứng. Do đó trong thời gian điều trị, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm có tiền sử dị ứng. Sử dụng các loại thực phẩm này có thể tăng mức độ nhạy cảm của hệ miễn dịch và khiến các triệu chứng của bệnh tiến triển nặng hơn.
Ngoài ra nếu có cơ địa nhạy cảm, bạn cũng nên hạn chế các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như đậu phộng, mè, hải sản, đậu nành, trứng, sữa,… Bên cạnh đó, nên cân nhắc nguy cơ dị ứng chéo giữa các nhóm thực phẩm như các loại động vật có vỏ, các loại đậu, các loại nấm.
2. Các loại thực phẩm quá giàu đạm
Đạm (protein) là thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, đây lại chính là thành phần khó tiêu hóa và dễ gây dị ứng nhất. Vì vậy khi mắc các bệnh dị ứng nói chung và viêm mao mạch dị ứng nói riêng, bệnh nhân cần hạn chế các loại thực phẩm chứa quá nhiều đạm như hải sản, thịt dê, thịt bò, trứng vịt lộn,…
Thay vào đó, chỉ nên bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng đạm vừa phải và dễ chuyển hóa như thịt gà, thịt heo, các loại rau xanh, các loại hạt và một số loại trái cây tươi.
3. Đồ uống chứa cồn và cà phê
Đồ uống chứa cồn và cà phê là các loại thức uống cần hạn chế trong quá trình điều trị viêm mao mạch dị ứng. Ethanol (cồn) và caffeine có thể kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, từ đó làm nghiêm trọng các triệu chứng ở da, ruột, thận và khớp. Hơn nữa, các loại thức uống này còn làm tăng mức độ phù nề và gây ngứa ngáy, sốt cao.
Rượu bia và một số loại thức uống cồn khác còn gây tổn thương lên thận – một trong những cơ quan bị ảnh hưởng bởi viêm mao mạch dị ứng. Vì vậy, sử dụng các loại thức uống này trong thời gian điều trị có thể khiến tổn thương thận nghiêm trọng hơn và làm phát sinh nhiều biến chứng, rủi ro đáng tiếc.
4. Món ăn chứa nhiều dầu mỡ, gia vị
Các món ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ có thể khiến tổn thương ở da, khớp, thận và ruột trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, các món ăn này thường khó tiêu hóa và “vô tình” làm tăng áp lực lên đường ruột.
Đối với những trường hợp viêm mao mạch dị ứng có tổn thương hệ tiêu hóa, bổ sung các món ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ có thể khiến các triệu chứng như đau thượng vị, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu sử dụng món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, dạ dày và đường ruột có thể bị xuất huyết. Bởi trong thời gian bị viêm mao mạch dị ứng, mạch máu ở các cơ quan này đang bị viêm, phù nề và dễ bị vỡ khi có tác động.
Việc kiêng cử các loại thực phẩm và thức uống trên giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh rõ rệt. Đồng thời ngăn chặn tổn thương ở da, thận và khớp chuyển biến nặng. Hơn nữa, kiêng cử một số loại thực phẩm còn giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi và hạn chế tối đa các tình huống rủi ro phát sinh.
Bị viêm mao mạch dị ứng nên ăn gì?
Bên cạnh việc kiêng cử và hạn chế một số loại thực phẩm, thức uống, bệnh nhân bị viêm mao mạch dị ứng cũng bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh để đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Thực tế cho thấy, một số loại thực phẩm có thể kiểm soát tình trạng viêm ở da, đường ruột và hạn chế phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch.
Dưới đây là một số loại thực phẩm bệnh nhân nên bổ sung:
1. Uống đủ 2 lít nước/ ngày
Khi điều trị các bệnh dị ứng, bệnh nhân nên uống đủ 2 lít nước/ ngày. Uống đủ nước giúp giảm mức độ kích thích lên các cơ quan tiêu hóa, thận, từ đó hạn chế biến chứng xuất huyết tiêu hóa và tắc ruột. Đây đều là những biến chứng nặng nề do viêm mao mạch dị ứng gây ra.
Tuy nhiên, bạn nên không nên uống quá nhiều nước trong thời gian điều trị. Bởi thói quen này có thể làm tăng áp lực lên thận – một trong những cơ quan bị tổn thương do viêm mao mạch dị ứng.
2. Các loại rau xanh
Rau xanh là nhóm thực phẩm lành mạnh, dễ tiêu hóa và mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chất xơ cùng với vitamin và khoáng chất trong nhóm thực phẩm này giúp điều hòa nhu động ruột, giảm axit dạ dày và hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tiêu hóa do viêm mao mạch dị ứng gây ra như buồn nôn, nôn mửa, đau thượng vị, đau bụng,…
Bên cạnh đó, các loại vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa trong rau xanh còn giúp giảm các phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Từ đó hỗ trợ kiểm soát tiến triển của bệnh và rút ngắn thời gian điều trị.
3. Thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 là loại axit béo không no cần thiết đối với sức khỏe. Không chỉ tốt cho tim mạch và thị lực, Omega 3 còn có tác dụng chống viêm tự nhiên. Vì vậy, bệnh nhân bị viêm mao mạch dị ứng có thể bổ sung các nhóm thực phẩm giàu Omega 3 như rau xanh, quả bơ, các loại hạt, cá hồi,… để giảm hiện tượng viêm ở các mao mạch dưới da, dạ dày, đường ruột và thận.
Ngoài ra, Omega 3 còn tham gia vào hoạt động miễn dịch. Một số nghiên cứu được thực hiện cho thấy, loại axit béo này có thể điều hòa hoạt động của các tế bào miễn dịch và hạn chế tối đa các rối loạn tự miễn. Chính vì vậy để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi, bệnh nhân bị viêm mao mạch dị ứng nên bổ sung các loại thực phẩm chứa axit béo này thường xuyên.
4. Sữa chua – Tốt cho người bị viêm mao mạch dị ứng
Viêm mao mạch dị ứng có thể gây viêm và tổn thương các mạch máu ở dạ dày, đường ruột. Tình trạng này chính là điều kiện thuận lợi để hại khuẩn bùng phát và gây ra nhiều tác động xấu lên hoạt động tiêu hóa. Để cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột và giảm nhẹ các triệu chứng ở dạ dày, bệnh nhân nên bổ sung sữa chua vào chế độ dinh dưỡng.
Ngoài hàm lượng dinh dưỡng cao, sữa chua còn chứa nhiều probiotic (lợi khuẩn). Probiotic chính là các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Tăng số lượng lợi khuẩn giúp đường ruột hoạt động ổn định, giảm tình trạng đau bụng và hỗ trợ phòng ngừa biến chứng tắc ruột ở bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng.
5. Thực phẩm giàu vitamin C
Viêm mao mạch dị ứng là một dạng rối loạn tự miễn cấp tính có tính chất hệ thống. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng này là do hệ miễn dịch bị rối loạn, dẫn đến hiện tượng IgA lắng đọng tại các mao mạch của nhiều cơ quan trong cơ thể.
Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân bổ sung thực phẩm giàu vitamin C trong quá trình điều trị. Vitamin C là thành phần cần thiết cho hoạt động miễn dịch. Bổ sung loại vitamin này giúp hệ miễn dịch hoạt động ổn định và hạn chế tối đa các phản ứng bất thường. Thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu vitamin C có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và ngăn chặn tình trạng viêm mao mạch lan rộng.
Các loại thực phẩm giàu vitamin C bệnh nhân nên bổ sung, bao gồm cam, quýt, bưởi, dâu tây, nho, dưa hấu,… Ngoài vitamin C, các loại thực phẩm này còn cung cấp cho cơ thể nhiều loại khoáng chất, polyphenol, axit amin và vitamin thiết yếu khác.
Một số lưu ý khi điều trị viêm mao mạch dị ứng
Ngoài việc nắm bắt các loại thực phẩm, đồ uống nên kiêng cử và bổ sung, bệnh nhân cũng cần chú ý một số vấn đề khi ăn uống và sinh hoạt. Kết hợp lối sống khoa học cùng với các phương pháp y tế có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị đáng kể.
Một số vấn đề cần lưu ý khi điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng:
- Nên ưu tiên dùng các món ăn mềm, ấm và ít gia vị để cơ thể dễ dàng hấp thu và tiêu hóa. Bởi trong thời gian này, các cơ quan tiêu hóa có thể bị tổn thương và giảm chức năng hoạt động.
- Khi chế biến món ăn, nên tránh sử dụng muối. Muối khiến cơ thể giữ nước dẫn đến huyết áp cao, tăng nguy cơ tổn thương thận và gây phù mạch. Sử dụng quá nhiều muối trong thời gian này có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như thận hư, xuất huyết tiêu hóa,…
- Không nên ăn uống quá kiêng khem trong thời gian bị viêm mao mạch dị ứng. Ăn uống không đủ chất có thể khiến cơ thể suy nhược, chậm phục hồi và dễ khiến các triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh.
- Hạn chế căng thẳng và không sử dụng thuốc lá trong thời gian điều trị. Các thói quen này có thể gây chảy máu mao mạch và dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề.
Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bệnh nhân có thể nắm bắt rõ vấn đề “Viêm mao mạch dị ứng nên ăn gì, kiêng gì?” và dễ dàng xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.
XEM THÊM
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!