Con gái bao nhiêu tuổi có kinh nguyệt? Thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Thời kỳ kinh nguyệt tình trạng chảy máu âm đạo hàng tháng, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời người phụ nữ. Vậy con gái bao nhiêu tuổi có kinh nguyệt là bình thường? Bạn đọc quan tâm có thể tham khảo thông tin cơ bản trong bài viết bên dưới.
Kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt là tình trạng chảy máu âm đạo bình thường và là một phần tự nhiên của chu kỳ hàng tháng ở người phụ nữ khỏe mạnh. Hàng tháng, ở những năm dậy thì và trước khi mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ chuẩn bị cho quá trình mang thai. Lúc này niêm mạc tử cung sẽ dày lên và một quả trứng sẽ được giải phóng từ 1 trong 2 buồng trứng để chuẩn bị thụ tinh, hình thành bào thai.
Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, nồng độ estrogen và progesterone sẽ giảm xuống và cuối cùng đạt đến mức có thể bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Trong chu kỳ, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra, kết hợp với một ít máu, trứng không được thụ tinh và một ít chất dịch, đi ra khỏi âm đạo để tạo thành kinh nguyệt. Thông thường, trong một chu kỳ khỏe mạnh, một phụ nữ có thể mất khoảng 3 muỗng canh máu (35 ml).
Chu kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài khoảng 28 ngày, với số ngày hành kinh (chảy máu kinh nguyệt) từ 2 – 7 ngày. Tuy nhiên một số phụ nữ có thể có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 30 hoặc 35 ngày.
Con gái bao nhiêu tuổi có kinh nguyệt lần đầu tiên?
Khi bước vào độ tuổi dậy thì các cô gái thường phát triển cơ quan sinh sản và bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt lần đầu. Trung bình, các cô gái vào độ tuổi 12 – 13 tuổi sẽ bắt đầu nhận có dấu hiệu của kinh nguyệt.
Tuy nhiên, đôi khi một số cô gái có thể có chu kỳ kinh nguyệt sớm (hay còn gọi là dậy thì sớm) thường xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên khi được 8 – 10 tuổi. Mặc dù điều này không phổ biến nhưng có khoảng 15% các cô gái dậy thì sớm. Các nguyên nhân phổ biến có thể gây dậy thì sớm thường bao gồm:
- Béo phì: Các tế bào mỡ thừa có thể tạo ra estrogen, khiến niêm mạc tử cung dày hơn, kích thích buồng trứng phát triển và dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, các cô gái có trọng lượng cơ thể lớn thường có nguy cơ dậy thì sớm cao hơn.
- Căng thẳng: Một số cô gái có thể lớn lên trong môi trường căng thẳng và điều này có thể dẫn đến dậy thì sớm. Căng thẳng có thể liên quan đến vấn đề học tập, quan hệ bạn bè, hoàn cảnh gia đình. Ngoài ra những nạn nhân bị lạm dụng tình dục hoặc tiếp xúc với các yếu tố tình dục sớm cũng có thể dậy thì và có kinh nguyệt sớm.
- Tác động của môi trường: Về cơ bản một số hóa chất mà cơ thể tiếp xúc hàng ngày cũng có thể dẫn đến tình trạng có chu kỳ kinh nguyệt sớm. Không khí ô nhiễm, nguồn nước bẩn, thực phẩm không đảm bảo, thức ăn nhanh hoặc các sản phẩm hóa chất khác đều có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt ở các cô gái.
Vấn đề cần lưu ý về kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Mặc dù không thông tin cụ thể về vấn đề con gái bao nhiêu tuổi có kinh nguyệt nhưng trong hầu hết các trường hợp các cô gái sẽ có chu kỳ sau 10 tuổi và trước khi được 15 tuổi. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe và tránh các rủi ro không mong muốn, bạn nên tìm hiểu một số thông tin bao gồm:
1. Đặc điểm kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên thường bắt đầu sau hai năm kể từ lúc một cô gái bắt đầu phát triển tuyến vú. Chu kỳ có thể kéo dài từ 21 – 45 ngày với thời gian hành kinh từ 2 – 7 ngày.
Một chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cho đến ngày đầu tiên của chu kỳ tiếp theo.
Trong những năm đầu của chu kỳ kinh nguyệt, thông thường các cô gái có dòng chảy kinh nguyệt trung bình. Hầu hết các cô gái có kinh nguyệt lần đầu sử dụng trung bình 3 – 5 miếng băng vệ sinh mỗi ngày, với tần suất 4 giờ thay một lần.
Ngoài ra, các cô gái khi mới bắt đầu có kinh nguyệt thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều và dễ bị đau bụng kinh. Tuy nhiên, nếu bạn không có kinh nguyệt sau 3 tháng, nên đến bệnh viện hoặc tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.
Bên cạnh đó, khi bắt đầu có kinh nguyệt có nghĩa là bạn có khả năng mang thai và sinh con. Do đó, nếu phát sinh quan hệ tình dục cần thực hiện các biện pháp an toàn và tránh thai. Sinh con ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến nhiều rủi ro và biến chứng nguy hiểm.
2. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh lý
Một số dấu hiệu ở tuổi dậy thì có thể liên quan đến các điều kiện y tế cần được điều trị. Do đó, đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:
- Không có kinh nguyệt trong vòng 3 năm phát triển tuyến ngực
- Không có dấu hiệu dậy thì hoặc kinh nguyệt khi được 13 tuổi
- Không có kinh nguyệt trước năm 14 tuổi và có dấu hiệu phát triển lông mặt hoặc lông trên cơ thể
- Không có kinh nguyệt trước 14 tuổi và có lịch sử tập thể dục quá mức hoặc rối loạn ăn uống
- Không có dấu hiệu trước năm 14 tuổi và có các dấu hiệu bệnh lý hoặc dị dạng đường sinh dục
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không diễn ra mỗi tháng
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hoặc có hai chu kỳ trong một tháng
- Chu kỳ kinh nguyệt cách nhau hơn 90 ngày
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày
- Lưu lượng máu kinh lớn, đòi hỏi phải thay băng vệ sinh mỗi giờ hoặc cứ sau 2 giờ
Nguyên nhân khiến con gái không có kinh nguyệt sau 15 tuổi
Các cô gái thường có kinh nguyệt khi được 13 hoặc 14 tuổi. Đây là dấu hiệu cơ thể trưởng thành và có khả năng mang thai. Đến năm 15 tuổi, hầu hết các thanh thiếu niên đã dậy thì và các thiếu nữ bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, những cô gái không có chu kỳ kinh nguyệt khi được 15 tuổi nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể liên quan đến lịch sử gia đình, mức độ vận động hàng ngày hoặc các vấn đề y tế cần được điều trị. Cụ thể các nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể bao gồm:
1. Lịch sử gia đình
Nếu mẹ của bạn không có chu kỳ kinh nguyệt khi được 15 tuổi, rất có thể bạn cũng có trường hợp tương tự như vậy. Ngoài ra, thời gian có kinh nguyệt ở bà, dì, chị họ của bạn cũng có thể là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến thời gian kinh nguyệt của bạn.
Các cô gái thường có xu hướng có kinh nguyệt sau 2 – 3 năm phát triển ngực và 6 – 12 tháng sau khi tiết dịch âm đạo như chất nhầy ở đồ lót. Tất cả các mốc thời gian này có thể xảy ra muộn hơn ở một số gia đình có tiền sử có kinh nguyệt muộn.
Tuy nhiên nếu cảm thấy lo lắng hoặc xuất hiện các triệu chứng bệnh lý khác, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
2. Nhẹ cân
Nếu bạn nhẹ cân hơn số cân nặng bình thường, điều này có thể gây ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể và ngăn bạn có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Nếu cân nặng của bạn nhẹ hơn 10% so với cân nặng trung bình, bạn nên tìm các biện pháp tăng cân hoặc trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng để cải thiện vấn đề cân nặng và chu kỳ kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, những cô gái có triệu chứng cuồng ăn ở tuổi dậy thì hoặc rối loạn ăn uống thường không thể bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt theo độ tuổi trung bình. Đến bệnh viện để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
3. Tập thể dục quá mức
Vận động cơ thể quá mức hoặc thực hiện các bài tập thể chất nặng cũng có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Điều này thường phổ biến ở vũ công múa ba lê và các vận động viên có thời gian luyện tập kéo dài nhiều giờ trong ngày.
Việc luyện tập thể chất có thể đốt cháy lượng calo nhiều hơn số lượng cơ thể hấp thụ. Điều này khiến cơ thể thiếu hụt chất béo cần thiết và trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt.
4. Căng thẳng quá mức
Một số cô gái có thể gặp nhiều căng thẳng trong cuộc sống và điều này có thể trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Các tác động chủ yếu thường là áp lực học tập, các vấn đề gia đình, tập thể thao cường độ cao, căng thẳng do bị lạm dụng tình dục hoặc các vấn đề xã hội khác.
5. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể khiến phụ nữ không có chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm thuốc điều trị ung thư, thuốc huyết áp cao, dị ứng và thuốc điều trị trầm cảm.
Do đó, nếu bạn đang sử dụng một trong các loại thuốc này, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc để thúc đẩy chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bình thường.
6. Tác động vật lý trong cơ thể
Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng đôi khi một số cô gái không thể có kinh nguyệt do các vấn đề về âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung. Bên cạnh đó, các vấn đề về mô, tắc nghẽn mạch máu hoặc các bệnh lý khác cũng có thể trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt.
Đến bệnh viện nếu bạn không có kinh nguyệt sau 14 tuổi và nhận thấy các dấu hiệu dị dạng hoặc bệnh lý ở bộ phận sinh dục. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm liên quan, xác định bệnh lý để có biện pháp điều trị phù hợp.
7. Các vấn đề sức khỏe khác
Mặc dù không phổ biến nhưng đôi khi tình trạng không có kinh nguyệt ở độ tuổi 15 có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý trong cơ thể. Các điều kiện y tế và bệnh lý có thể bao gồm:
- Có vấn đề ở một phần của não bộ, được gọi là vùng dưới đồi hoặc một cơ quan gần đó được gọi là tuyến yên. Các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Hội chứng buồng trứng đa nang, khiến hormone trong cơ thể mất cân bằng và gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
- Các điều kiện di truyền hoặc mắc Hội chứng không nhạy cảm với Androgen.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Hầu hết các cô gái không có chu kỳ kinh nguyệt khi được 15 tuổi nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, đến bệnh viện nếu gặp các triệu chứng như:
- Bắt đầu phát triển ngực và không có kinh nguyệt trong vòng 3 năm sau đó
- Bị đau bụng kinh dữ dội và không được cải thiện sau khi sử dụng ibuprofen hoặc naproxen
- Lưu lượng máu kinh nguyệt nặng hoặc chảy máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày
- Có các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng
- Không có chu kỳ kinh nguyệt trong 3 tháng liên tục
- Bị sốt hoặc cảm thấy mệt mỏi
- Tiết dịch âm đạo bất thường
Thông thường các cô gái sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên khi được 13 – 14 tuổi. Tuy nhiên một số người có thể có chu kỳ sớm hoặc muộn hơn độ tuổi trung bình. Kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì thường có 2 – 3 ngày chảy máu tương đối nặng và nhẹ hơn ở những ngày sau đó. Do đó, nếu bạn có lưu lượng kinh nguyệt nghiêm trọng hơn, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn y tế.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!