Chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày có bình thường không?
Nội dung bài viết
Chu kỳ kinh nguyệt có thể dài 22 ngày hoặc 45 ngày phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi phụ nữ. Tìm hiểu chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày có bình thường không để có cách chăm sóc và điều trị phù hợp.
Chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày có bình thường không?
Chu kỳ kinh nguyệt là thuật ngữ để mô tả một chuỗi các thay đổi hàng tháng mà cơ thể người phụ nữ trải qua để chuẩn bị cho khả năng mang thai.
Mỗi tháng một trong hai buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng, gọi là quá trình rụng trứng. Điều này khiến lớp niêm mạc tử cung trở nên dày. Nếu không được thụ thai, niêm mạc tử cung sẽ bong ra trong chu kỳ kinh nguyệt, kết hợp với máu, chất nhầy để tạo thành kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày hành kinh (chảy máu kinh nguyệt) đầu tiên đến ngày bắt đầu của chu kỳ tiếp theo. Chu kỳ này thường không giống nhau ở mọi phụ nữ. Thông thường, dòng chảy kinh nguyệt có thể xuất hiện sau 21 – 35 ngày với số ngày chảy máu khoảng 2 – 7 ngày. Trong những năm có kinh nguyệt đầu tiên, chu kỳ dài tương đối phổ biến và sẽ được rút ngăn khi cơ thể trưởng thành.
Do đó, có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày và dài hơn 35 ngày được xem là chu kỳ bất thường. Chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày nằm trong khoảng cách bình thường và bạn có thể không cần lo lắng nếu có chu kỳ kinh dài 22 ngày.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp chu kỳ kinh nguyệt trung bình kéo dài 28 ngày. Vì vậy, đôi khi chu kỳ 22 ngày được xem là chu kỳ kinh nguyệt ngắn, đặc biệt là khi tình trạng này xuất hiện đột ngột.
Nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày
Chu kỳ kinh nguyệt ngắn có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Cụ thể các nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể bao gồm:
1. Mất cân bằng nội tiết tố
Thay đổi hoặc dao động nội tiết tố trong cơ thể có thể là nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi chu kỳ kinh nguyệt ở một số phụ nữ. Hai loại hormone chính kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt là hormone estrogen hoặc progesterone.
Nồng độ estrogen thường tăng cao trong giai đoạn đầu của chu kỳ, hay còn được gọi là giai đoạn nang trứng. Giai đoạn nang trứng sẽ kết thúc khi trứng rụng. Giai đoạn hoàng thể sẽ bắt đầu ngay sẽ khi rụng trứng. Estrogen sẽ giảm một cách nhanh chóng sau khi rụng trứng và nồng độ hormone progesterone bắt đầu tăng nhanh.
Hormone progesterone có nhiệm vụ làm dày niêm mạc tử cung để bào thai bám vào thành tử cung. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra trong vòng hai tuần và tạo thành dòng chảy kinh nguyệt.
Do đó, mất cân bằng hormone estrogen và progesterone có thể dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Thông thường, phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 22 ngày có thể là do giai đoạn nang trứng ngắn, trứng rụng sớm (trước ngày thứ 9 của chu kỳ) và dẫn đến dòng chảy kinh nguyệt. Trong các trường hợp nghiêm trọng, một số phụ nữ có thể có hai chu kỳ kinh nguyệt trong một tháng.
2. Rụng trứng sớm
Thông thường quá trình rụng trứng bắt đầu vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Ở phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày sẽ rụng trứng vào ngày 14. Tuy nhiên, trong một số trường hợp quá trình rụng trứng có thể dẫn ra sớm hơn bình thường. Điều này gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và khả năng mang thai của phụ nữ.
Hiện tại các bác sĩ không biết nguyên nhân dẫn đến rụng trứng sớm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sự dao động nồng độ hormone trong cơ thể có thể dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, rụng trứng sớm có thể được kích hoạt bởi các chức năng não bộ. Vùng dưới đồi có thể giải phóng gonadotropin. Nếu sản xuất quá nhiều gonadotropin có thể kích thích tuyến yên sản xuất nhiều hormone và dẫn đến rụng trứng.
Rụng trứng sớm có thể gây khó khăn cho khả năng thụ thai của phụ nữ. Do đó, nếu thường xuyên có dấu hiệu rụng trứng sớm, bạn nên đến bệnh viện để trao đổi với bác sĩ chuyên môn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều hòa kinh nguyệt hoặc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống phù hợp.
3. Căng thẳng
Stress, áp lực, căng thẳng có yếu tố rủi ro phổ biến của chu kỳ kinh nguyệt ngắn và một số điều kiện y tế khác.
Căng thẳng và lo lắng có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên của cơ quan sinh sản và nội tiết tố nữ. Các hormone căng thẳng, như cortisol, có thể gây ảnh hưởng đến việc sản xuất estrogen và gây rối loạn kinh nguyệt.
4. Tiền mãn kinh
Giai đoạn tiền mãn kinh là thời kỳ chuyển tiếp giữa kinh nguyệt và mãn kinh. Thời kỳ này thường kéo dài khoảng 8 – 10 nằm và bắt đầu khi phụ nữ được 40 tuổi.
Tiền mãn kinh có thể gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, với chu kỳ dài hoặc ngắn hơn so với bình thường. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp khác có thể bao gồm:
- Xuất hiện các cơn bốc hỏa tiền mãn kinh
- Thay đổi nội tiết tố
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn với số ngày hành kinh ngắn, khoảng 1 – 2 ngày
- Khô âm đạo
- Suy giảm ham muốn tình dục
Trong một số trường hợp, một số phụ nữ có thể trải qua chu kỳ kinh nguyệt mà không rụng trứng. Điều này dẫn đến tình trạng chu kỳ với một đốm máu nhỏ hoặc xuất hiện tình trạng chất nhầy có lẫn máu từ âm đạo.
Thời kỳ tiền mãn kinh thường bắt đầu vào lúc 40 tuổi và kết thúc vào những năm 50 tuổi. Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể tiền mãn kinh trước 30 tuổi và bắt đầu có các triệu chứng mãn kinh khi được 40 tuổi. Điều này được gọi là mãn kinh sớm và có thể cần điều trị khắc phục để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
5. Lạc nội mạc tử cung
Nội mạc tử cung bao gồm các tuyến, tế bào máu và mô liên kết. Các mô này thường phát triển bên trong tử cung để chuẩn bị cho quá trình rụng trứng. Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô nội mạc tử cung phát triển ở các vị trí bên ngoài tử cung. Một số nghiên cứu cho biết, các chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 27 ngày thường có liên quan đến lạc nội mạc tử cung.
Lạc nội mạc tử cung có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, tuy nhiên thương ảnh hưởng đến vùng chậu. Các khu vực thường bị ảnh hưởng bao gồm:
- Buồng trứng
- Ống dẫn trứng
- Phúc mạc
- Các hạch bạch huyết
Thông thường các mô lạc nội mạc tử cung cũng bị trục xuất ra khỏi cơ thể tương tự như một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Tuy nhiên các mô này không thể ra khỏi cơ thể thông qua âm đạo. Điều này dẫn đến các triệu chứng thực thể bao gồm:
- Đau bụng kinh dữ dội, không được cải thiện ngay cả khi sử dụng thuốc giảm đau
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, đôi khi một số người có thể có hai chu kỳ trong một tháng
- Đau lưng và đau vùng xương chậu
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày
- Số lượng máu kinh nhiều, một số người có thể cần thay băng vệ sinh, tampon hoặc đổ cốc nguyệt san trong 1 – 2 giờ
- Có các vấn đề về đường ruột như tiêu chảy, táo bón, đầy hơi
- Phân có máu
- Buồn nôn và nôn
- Mệt mỏi
- Đau khi quan hệ tình dục
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến vô sinh và nhiều rủi ro khác. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu bệnh, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị cải thiện tại nhà, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật (nếu cần thiết).
4. Khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể
Giai đoạn hoàng thể xảy ra ngay sau khi giai đoạn rụng trứng hoàn thành và trước khi ngày hành kinh bắt đầu. Trong giai đoạn này, niêm mạc tử cung thường dày lên để chuẩn bị cho quá trình mang thai.
Nếu một người khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể, niêm mạc tử cung có thể không phát triển đúng cách mỗi tháng. Điều này dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, khó mang thai và tăng nguy cơ sẩy thai.
Một số bác sĩ cho rằng chu kỳ kinh nguyệt ngắn có thể liên quan đến các rối loạn ở giai đoạn hoàng thể. Thông thường giai đoạn hoàng thể ngắn khiến trứng đã được thụ tinh khó được cấy vào niêm mạc tử cung.
Khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể có thể xảy ra khi cơ thể không giải phóng đủ nồng độ progesterone hoặc khi niêm mạc tử cung không phát triển đáp ứng với nồng độ hormone. Các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Chán ăn
- Lạc nội mạc tử cung
- Quá nhiều hormone Hyperprolactinemia (phát triển các tuyến sữa)
- Béo phì
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Rối loạn tuyến giáp
Khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể có thể dẫn đến khó mang thai và tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
5. Tác dụng phụ của các biện pháp kiểm soát sinh sản
Phụ nữ sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản nội tiết, như thuốc tránh thai, có thể dẫn đến tình trạng chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường. Một số người có thể xuất hiện tình trạng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc có hai chu kỳ kinh nguyệt trong một tháng.
Thông thường rối loạn kinh nguyệt liên quan đến các biện pháp kiểm soát sinh sản là tình trạng tạm thời và không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng, bạn nên đến bệnh viện hoặc trao đổi với bác sĩ về các biện pháp tránh thai phù hợp khác.
Rối loạn kinh nguyệt bao gồm chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài đều có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và khả năng sinh sản của phụ nữ. Do đó, nếu bạn thường xuyên có chu kỳ kinh nguyệt bất thường, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và xử lý phù hợp.
Chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày khi nào cần đến bệnh viện?
Chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày không phải là dấu hiệu bất thường và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tình trạng này có thể là dấu hiệu của các bệnh lý và điều kiện y tế tiềm ẩn. Do đó, các tốt nhất để hạn chế các rủi ro là đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng bao gồm:
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, với chu kỳ dài – ngắn đan xen
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Số lượng máu chảy nhiều trong những ngày hành kinh
- Đau bụng kinh dữ dội, nghiêm trọng và không được cải thiện ngay cả khi sử dụng thuốc giảm đau
- Sốt hoặc ớn lạnh
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn có thể dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt 22 ngày. Do đó, thường xuyên kiểm tra vùng chậu và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để xác định các thay đổi, rủi ro và các triệu chứng liên quan. Điều này có thể cung cấp thông tin cần thiết cho bác sĩ để xây dựng phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Đừng bỏ qua
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!