Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B

Xét nghiệm viêm gan B bao gồm các biện pháp kiểm tra dấu hiệu tổn thương gan và có biện pháp xử lý phù hợp. Các biện pháp xét nghiệm thường được thực hiện thông qua kiểm tra công thức máu, siêu âm gan hoặc sinh thiết.

xét nghiệm viêm gan B
Thực hiện xét nghiệm viêm gan B là cách tốt nhất để phát hiện bệnh

Viêm gan B là gì, khi nào cần thực hiện xét nghiệm?

Viêm gan B là một bệnh lý gây nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Tình trạng này có thể dẫn đến sẹo gan, suy gan, ung thư gan và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị phù hợp.

Các bệnh viêm gan virus, bao gồm viêm gan B có tính lây truyền. Cụ thể, viêm gan B có thể lây lan thông qua việc tiếp xúc máu, vết thương hở hoặc các chất dịch cơ thể của người nhiễm virus viêm gan B.

Viêm gan B có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Trong trường hợp cấp tính, cơ thể có thể tạo ra một loại kháng thể chống lại virus trong một vài tháng, sau đó cơ thể có thể miễn dịch với viêm gan B. Trong trường hợp mạn tính, các triệu chứng viêm gan B có thể phát triển chậm và không dẫn đến các dấu hiệu đặc trưng nào.

Một người cần được thực hiện xét nghiệm viêm gan B nếu đã tiếp xúc với virus viêm gan B. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được đề nghị xét nghiệm viêm gan B nếu xuất hiện các dấu hiệu tổn thương gan hoặc triệu chứng viêm gan như:

  • Vàng da hoặc vàng tròng trắng mắt
  • Nước tiểu màu vàng, nâu hoặc cam
  • Phân có màu nhạt
  • Sốt
  • Mệt mỏi kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng
  • Có các vấn đề về dạ dày như chán ăn, buồn nôn hoặc nôn
  • Đau bụng
  • Đau khớp hoặc đau cơ

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm gan B có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và thường xuất hiện sau khi nhiễm virus khoảng 1 – 4 tháng. Tuy nhiên, một số người có thể nhận thấy các triệu chứng sớm, chỉ sau 2 tuần kể từ lúc nhiễm virus.

Các triệu chứng và dấu hiệu viêm gan B có thể nghiêm trọng hơn ở người trên 60 tuổi. Do đó, đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ngay khi nhận thấy các dấu hiệu hoặc nghi ngờ lây nhiễm viêm gan B.

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B

Các phương pháp xét nghiệm viêm gan B thường được thực hiện thông qua xét nghiệm máu. Quá trình kiểm tra công thức máu có thể xác định các kháng thể viêm gan B trong máu và các tổn thương ở chức năng gan. Cụ thể các xét nghiệm viêm gan B bao gồm:

1. Kiểm tra chức năng gan

Xét nghiệm công thức máu có thể giúp bác sĩ xác định các hoạt động của gan và các dấu hiệu viêm gan B như tăng nồng độ bilirubin (một sản phẩm phụ của máu có thể dẫn đến vàng da) và tăng một số enzyme gan nhất định.

Quy trình xét nghiệm viêm gan B
Kiểm tra chức năng gan có thể xác định các dấu hiệu tổn thương và viêm gan

Thông thường, các enzyme gan hay còn gọi là men gan, là các sản phẩm được gan tạo ra để điều chỉnh các hoạt động của cơ thể. Do đó, khi gan bị tổn thương, các enzyme này có thể rò rỉ vào máu và được phát hiện thông qua xét nghiệm kiểm tra chức năng gan.

Các loại enzyme phổ biến thường được kiểm tra để xác định bệnh viêm gan bao gồm:

  • Alanine aminotransaminase (ALT)
  • Aspartate aminotransferase (AST)
  • Gamma-glutamyl transaminase (GGT)
  • Tổng số Bilirubin

2. Xét nghiệm kháng thể viêm gan B

Xét nghiệm kháng thể viêm gan B là một xét nghiệm máu có thể phát hiện các kháng thể viêm gan B. Cụ thể các xét nghiệm thường bao gồm:

– Xét nghiệm HBsAg (Kháng nguyên bề mặt viêm gan B):

  • Xét nghiệm HBsAg là xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán viêm gan B. Xét nghiệm này có thể phát hiện sự hiện diện thực sự của virus viêm gan B (được gọi là kháng nguyên bề mặt máu), nếu kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính có nghĩa là người bệnh nhiễm viêm gan B.
  • Xét nghiệm HBsAg có thể là xét nghiệm định tính hoặc xét nghiệm định lượng. Định tính là xác định một người có nhiễm viêm gan B hay không, trong khi định lượng là xét nghiệm xác định nồng độ kháng nguyên viêm gan B để có biện pháp xử lý phù hợp.
  • Tuy nhiên, có một số trường hợp xét nghiệm HBsAg cho kết quả dương tính giả. Điều này có nghĩa là một người không nhiễm viêm gan B có thể có kết quả dương tính. Do đó, người bệnh dương tính với HBsAg có thể cần thực hiện các xét nghiệm xác chẩn (confirmatory test) để xác định tình trạng bệnh.
  • Bên cạnh đó, người dương tính với HBsAg có khả năng lây nhiễm virus cho người khác. Do đó, người bệnh cần có biện pháp chăm sóc, điều trị và phòng ngừa phù hợp.
Xét nghiệm viêm gan B có cần nhịn ăn không
Xét nghiệm các kháng thể viêm gan B có xác định tình trạng viêm gan B ở người

– Xét nghiệm Anti – HBs (Kháng thể bề mặt viêm gan B):

  • Anti – HBs là kháng thể kháng HBsAg, do đó kết quả xét nghiệm Anti – HBs dương tính có nghĩa là một người được bảo vệ khỏi virus viêm gan B. Sự bảo vệ này có thể là kết quả sau khi tiêm vaccine viêm gan B hoặc phục hồi thành công sau viêm gan B cấp tính.
  • Cụ thể, nồng độ Anti – HBs > 10 mUI / ml được xem là có tác dụng bảo vệ khỏi virus viêm gan B. Một người dương tính với Anti – HBs không nhiễm virus viêm gan B và không có khả năng lây nhiễm cho người khác.

– Xét nghiệm HBeAg (xét nghiệm kháng nguyên e của virus viêm gan B):

  • Kháng nguyên e của virus viêm gan B là một đoạn kháng nguyên có vỏ capsid của virus viêm gan B. Nếu xét nghiệm HBeAg dương tính có nghĩa là virus viêm gan B đang nhân lên nhiều lần và mạnh mẽ trong máu hoặc nói cách khác đây là lúc virus hoạt động mạnh mẽ nhất. Một người có HBeAg dương tính được xem là nhiễm viêm gan B và có khả năng lây nhiễm cho người khác rất cao.
  • Trong một số trường hợp chỉ số HbeAg có thể âm tính. Điều này có nghĩa là virus đang trong trạng thái không hoạt động, mức độ gây tổn thương gan thấp và khả năng lây nhiễm không cao. Bên cạnh đó, đôi khi tình trạng này có thể là do virus biến dị, lúc này người bệnh có thể cần thực hiện xét nghiệm HBV DNA và HBV genotyping để xác định tình trạng.

– Xét nghiệm Anti – HBe:

  • Anti – HBe là kháng thể kháng nguyên HBeAg. Các kháng thể Anti – HBe đóng vai trò ngăn chặn quá trình nhân lên nhiều lần của virus viêm gan B hoặc các thể đột biến của virus.
  • Thông thường xét nghiệm Anti – HBe được sử dụng để kiểm tra virus viêm gan B, được thực hiện ban đầu để xác định bệnh. Ngoài ra, kiểm tra kháng thể Anti – HBe cũng được thực hiện để xác định tình trạng bệnh để có biện pháp điều trị, xử lý phù hợp.
  • Nếu xét nghiệm kháng thể Anti – HBe dương tính có nghĩa là người bệnh có miễn dịch một phần với virus viêm gan B. Xét nghiệm Anti – HBe âm tính có nghĩa là người bệnh chưa có miễn dịch với virus viêm gan B.

– Xét nghiệm Anti – HBc (kháng thể lõi viêm gan B):

  • Kháng thể Anti – HBc là kháng thể lõi virus viêm gan B, xuất hiện tương đối sớm sau khi nhiễm virus và tồn tại suốt đời. Do đó, xét nghiệm Anti – HBc dương tính có nghĩa là người bệnh đã từng nhiễm virus viêm gan B trong quá khứ hoặc đang nhiễm bệnh.
  • Tuy nhiên, kháng thể Anti – HBc không đủ để kết luận một người có nhiễm viêm gan B hay không. Do đó, người dương tính với Anti – HBc cần được thực hiện các xét nghiệm liên quan khác để xác định tình trạng sức khỏe.

3. Xét nghiệm hình ảnh

Mặc dù các xét nghiệm hình ảnh không thể phát hiện virus viêm gan B nhưng có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng mãn tính ở gan. Các xét nghiệm hình ảnh phổ biến bao gồm:

Xét nghiệm viêm gan B ở đâu
Xét nghiệm hình ảnh có thể giúp bác sĩ xác định các tổn thương gan
  • Siêu âm ổ bụng: Xét nghiệm này có thể đánh giá các bất thường ở gan và vùng bụng. Bên cạnh đó, siêu âm cũng có thể giúp xác định các chất lỏng tích tụ ở bụng và tiên đoán tình trạng xơ gan.
  • Chụp cắt lớp vi tinh (CT): Chụp CT có thể giúp bác sĩ xác định những thay đổi về kích thước, mật độ gan và hỗ trợ bác sĩ xác định các khối u (biến chứng tiềm ẩn của viêm gan B).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có thể giúp bác sĩ xác định các bất thường ở gan hoặc các rối loạn chức năng gan.

4. Sinh thiết gan

Sinh thiết gan là thủ thuật lấy một mô cơ quan ở gan để kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định các bệnh lý liên quan. Loại sinh thiết gan phổ biến nhất là sinh thiết qua da. Bác sĩ sẽ đưa một kim dài, mỏng đi qua bụng, vào gan sau đó lấy các mẫu mô ở gan để kiểm tra ở phòng thí nghiệm.

Sinh thiết gan là một thủ tục ngoại trú, có nghĩa là người bệnh không cần phải nhập viện. Thông thường sinh thiết gan chỉ cần gây tê cục bộ để tránh các phản ứng không mong muốn. Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể được gây mê, nếu có nhu cầu.

Quy trình xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B

Khi thực hiện xét nghiệm viêm gan B, trước hết cần thực hiện xét nghiệm HBsAg.

Nếu HBsAg âm tính nghĩa là người bệnh không nhiễm viêm gan B.

  • Nếu cần kiểm tra sâu hơn hoặc xác định nguy cơ ung thư gan, có thể chỉ định xét nghiệm Anti – HBc.
  • Nếu cần xác định người bệnh có miễn dịch với viêm gan B hay chứa thì thực hiện xét nghiệm Anti – HBs. Nếu Anti – HBs dương tính có nghĩa là người bệnh có miễn dịch với viêm gan B, không cần tiêm vaccine. Anti – HBs âm tính có nghĩa là người bệnh không có miễn dịch với viêm gan B và cần tiêm vaccine để tránh các nguy cơ.

Nếu HBsAg dương tính, người bệnh có thể cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định nguy cơ viêm gan B. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm sinh học phân tử như HBV – DNA và HBV genotyping.

Xét nghiệm viêm gan B bao nhiêu tiền?

Hiện tại, chi phí xét nghiệm viêm gan B tại các bệnh viện công lập khoảng 50.000 – 150.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí này không bao gồm chi phí khám bệnh hoặc các chi phí phát sinh khác. Bên cạnh đó, chi phí có thể thay đổi phụ thuộc vào thời điểm và địa điểm thực hiện xét nghiệm.

Ngoài ra, nếu người bệnh đã dương tính với viêm gan B trong quá khứ và cần thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, chi phí có thể lên đến 500.000 – 2.000.000 đồng cho mỗi xét nghiệm.

Xét nghiệm viêm gan B ở TPHCM
Chi phí xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B phụ thuộc vào thời điểm và địa điểm xét nghiệm

Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B ở đâu?

1. Tại Hà Nội

– Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:

Địa chỉ:

  • Cơ sở 1: Thôn Bầu – xã Kim Chung – Đông Anh – Hà Nội
  • Cơ sở 2: Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội

Thời gian khám bệnh:

  • Cơ sở 1: Từ Thứ hai – Thứ sáu (khám cả ngày), Thứ bảy (chỉ khám buổi sáng)
  • Cơ sở 2: Từ Thứ hai – Chủ nhật (khám cả ngày, Chủ nhật chỉ khám dịch vụ)

– Bệnh viện Bạch Mai – Trung tâm Bệnh Nhiệt đới:

Địa chỉ: Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội, Tòa nhà 3 tầng, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới

Thời gian khám bệnh: Từ Thứ hai – Thứ sáu, khám cả ngày

– Bệnh viện Quân đội 108 – Khoa bệnh lây qua đường máu – Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm:

Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo – Hai Bà Trưng – Hà Nội

Thời gian khám bệnh: Từ Thứ hai – Thứ bảy (Thứ bảy chỉ khám bệnh theo yêu cầu)

2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh

– Bệnh viện Chợ Rẫy – Khoa Nghiên cứu và điều trị viêm gan:

Địa chỉ: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Tp.HCM

Thời gian làm việc:

  • Thứ hai – Thứ sáu, sáng từ 7g00 – 11g00, chiều từ 13g00 – 16g00
  • Thứ bảy: Sáng từ 7g00 – 11g00

– Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Tp.HCM:

Địa chỉ: Số 764 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Tp.HCM

Thời gian khám bệnh:

  • Từ Thứ hai – Thứ sáu: Sáng từ 7g00 – 11g30, chiều từ 13g00 – 16g00
  • Khám dịch vụ: Thứ hai – Thứ sáu từ 16g00 – 18g00

– Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM – Phòng khám Viêm gan:

Địa chỉ: Số 215 Hồng Bàng, phường 11, Quận 5, Tp.HCM

Thời gian khám bệnh:

  • Thứ hai – Thứ sáu: Sáng từ 6g30 – 11g30, chiều từ 13g00 – 16g30
  • Thứ bảy: Sáng từ 6g30 – 11g30

Thực hiện các xét nghiệm viêm gan B là cách tốt nhất để chẩn đoán, xác định bệnh lý và có biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh dương tính với virus viêm gan B cần có biện pháp điều trị và phòng ngừa để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn nếu có thắc mắc hoặc câu hỏi liên quan.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *