Viêm Tai Xương Chũm: Nguyên Nhân, Dấu hiệu, Độ Nguy Hiểm & Điều trị
Nội dung bài viết
Viêm tai xương chũm là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Tuy hiếm gặp, nhưng bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị đúng cách. Vậy viêm tai xương chũm là gì và cách chữa như thế nào? Hãy đón đọc bài viết dưới đây để không bỏ lỡ thông tin bổ ích nào.
Viêm tai xương chũm là gì, có nguy hiểm không?
Xương chũm (mastoid bone) là một trong những cấu trúc quan trọng nhất trong tai. Mặc dù được gọi là xương, nhưng mastoid không có cấu trúc điển hình giống các xương khác trong cơ thể con người. Nó được tạo ra từ các túi khí và nhìn giống như miếng bọt biển.
Để hoạt động đúng cách, xương chũm nhận không khí từ các bộ phận khác của tai, bao gồm cả ống eustachian. Ống eustachian kết nối tai giữa với phía sau cổ họng. Nếu nhiễm trùng phát triển trong tai giữa và chặn ống eustachian, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng trong xương chũm. Nhiễm trùng nghiêm trọng này được gọi là viêm xương chũm hoặc viêm tai xương chũm.
Ai có nguy cơ bị viêm tai xương chũm ?
Viêm xương chũm có thể ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng nó phổ biến hơn ở trẻ nhỏ.
Yếu tố chính làm tăng nguy cơ mắc viêm xương chũm là viêm tai giữa cấp tính. Ngoài ra, các yếu tố khác có thể kể tới như:
- Dị ứng
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Ngủ ngáy
- Hít phải khói thuốc hoặc hút thuốc lá thụ động
- Có mẹ hút thuốc khi mang thai
- Có hệ miễn dịch, sức đề kháng kém
- Bệnh đái tháo đường
- Suy nhược cơ thể
Viêm tai xương chũm có nguy hiểm không?
Điều trị viêm xương chũm có thể gặp nhiều khó khăn vì xương chũm nằm sâu bên trong tai của bạn. Mặc dù hiếm gặp, nhưng viêm xương chũm vẫn có thể gây ra các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng nếu không được điều trị triệt để.
Biến chứng viêm tai xương chũm, bao gồm:
- Choáng váng hoặc chóng mặt
- Tê liệt mặt
- Mất thính lực
- Viêm màng não
- Áp xe ngoài màng cứng
- Nhiễm trùng máu
Nguyên nhân, triệu chứng viêm tai xương chũm
Nguyên nhân gây viêm xương chũm phổ biến nhất là do viêm tai giữa không được điều trị hoặc điều trị không triệt để.
Bên cạnh đó, một tình trạng gọi là cholesteatoma cũng có thể gây viêm xương chũm. Cholesteatoma là một khối tập hợp các tế bào da phát triển bất thường ở ống tai. Nó có thể lan rộng vào trong tai, ăn mòn và phá hủy cấu trúc xương chũm, gây nhiễm trùng. Nguyên nhân này hiếm gặp.
Các triệu chứng của viêm tai xương chũm có nhiều tương đồng như viêm tai giữa. Ngoài ra, có thể phân biệt các loại viêm tai xương chũm thông qua các triệu chứng điển hình.
Triệu chứng viêm tai xương chũm cấp tính
- Đau hoặc khó chịu trong tai
- Đau theo nhịp mạch đập
- Có thể đau tăng dữ dội từ sâu trong tai, lan ra vùng chũm, vùng thái dương và trên đầu
- Sốt
- Ở trẻ em, có thể bị co giật, thóp phồng
- Nghe kém, có thể ù tai
- Chảy mủ tai
- Sưng ở sau tai
- Bị đỏ hoặc đau ở sau tai
- Đau đầu
- Cáu gắt
- Mệt mỏi, suy nhược
- Chóng mặt hoặc choáng váng (không phổ biến)
Triệu chứng viêm xương chũm mãn tính
- Triệu chứng giống như viêm tai giữa mãn tính ứ dịch nhưng ở mức độ nặng hơn
- Chảy mủ tai nhiều, liên tục
- Mủ tai đặc, hôi (có thể là dấu hiệu cảnh báo trong tai có khối cholesteatoma)
- Đau tai, đau âm ỉ lan ra nửa đầu bên tai bị viêm
- Thỉnh thoảng có cơn đau đầu rõ nét
- Nghe kém tăng lên rõ rệt
Ngoài ra, ở trẻ nhỏ chưa biết nói, cha mẹ nên chú ý những điều sau, vì chúng rất có thể là dấu hiệu cảnh báo con bạn bị viêm tai xương chũm:
- Quấy khóc
- Khó ngủ, trằn trọc
- Liên tục đưa tay lên tai và đầu
- Bỏ bú, biếng ăn
Trong một số trường hợp, viêm tai xương chũm có thể dẫn đến sự phát triển của áp xe não hoặc các biến chứng khác liên quan đến hộp sọ. Lúc này, bệnh nhân có thể cảm thấy đau đầu dữ dội và sưng phía sau mắt.
Cách điều trị viêm tai xương chũm hiệu quả
Khi bị viêm tai giữa, xương chũm nằm sâu ở tai trong nên có thể bị che khuất và không thể nhìn thấy bằng ống soi tai thông thường. Vì vậy, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác hơn.
Bao gồm:
- Nội soi tai mũi họng
- Chụp x-quang Schuller
- Chụp CT xương thái dương
- Chụp cộng hưởng từ tai và đầu (nếu cần thiết)
- Kiểm tra công thức máu (xác nhận lượng bạch cầu có tăng hay không)
- Xét nghiệm dịch tai
- Kiểm tra thính giác
Khi xét nghiệm xác nhận viêm xương chũm, bác sĩ có thể thực hiện thêm chọc ống sống thắt lưng hoặc chọc dò cột sống để kiểm tra nhiễm trùng đã lây lan vào cột sống chưa.
Tùy theo loại và mức độ nhiễm trùng, bệnh nhân viêm tai xương chũm có thể được điều trị theo những cách dưới đây:
Điều trị viêm tai xương chũm theo Tây y
Với sự phát triển của y học hiện đại, phần lớn các ca viêm tai xương chũm có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn cần thiết đối với những trường hợp bị viêm tai xương chũm nặng.
- Thuốc chữa viêm tai xương chũm
Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho cả viêm tai xương chũm cấp và mãn tính. Nếu được chẩn đoán viêm tai xương chũm cấp tính, bệnh nhân thường được yêu cầu nhập viện ngay để tiêm truyền kháng sinh qua tĩnh mạch.
Các thuốc không cần kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen cũng có thể giúp ích trong điều trị viêm tai xương chũm. Chúng giúp giảm đau, hạ sốt và giảm viêm. Acetaminophen (Paracetamol) tương đối an toàn với trẻ em nếu đùng đúng theo chỉ định. Trong khi đó, không nên dùng Ibuprofen cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì thuốc có thể dẫn tới một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên, vì nó có liên quan đến hội chứng Reye – một căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng.
Đối với viêm tai xương chũm mãn tính, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh đường uống, thuốc nhỏ tai và vệ sinh tai thường xuyên. Nhóm thuốc kháng sinh thường dùng là Cephalosporine các thế hệ giúp tiêu diệt vi khuẩn Gram (-) và Gram (+).
Thuốc nhỏ tai được chia làm 2 loại thích hợp với viêm tai không thủng màng nhĩ và viêm tai có thủng màng nhĩ. Đối với viêm tai không thủng mang nhĩ, có thể dùng thuốc nhỏ tai Cortiphenicol, Polydexa, cồn boric ấm, Otipax… Trong trường hợp còn lại, nên dùng thuốc nhỏ tai có tính an toàn cao cho ốc tai, như Rifamycin và Effexin.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể được sử dụng thuốc nhỏ mũi chống sung huyết, co mạch, giảm phù nề và chống viêm. Các thuốc nhỏ mũi thường được sử dụng là Xylomethazoline, Sunfarin, Collydexa, Naphtazoline… giúp làm sạch hốc mũi, làm thông thoáng tai giữa và mũi họng. Điều này thúc đẩy phục hồi niêm mạc viêm trong tai giữa và dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài qua đường vòi tai.
- Phẫu thuật
Viêm tai xương chũm mãn tính có nên mổ không là thắc mắc của nhiều người. Trong một số trường hợp, viêm tai giữa nặng, không đáp ứng thuốc, xuất hiện cholesteatoma, các triệu chứng viêm tai xương chũm không cải thiện theo thời gian… thì nên cân nhắc phẫu thuật.
Nếu sử dụng thuốc kháng sinh không mang lại kết quả khả quan, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật dẫn lưu chất lỏng trong tai giữa.
Phẫu thuật dẫn lưu chất lỏng từ tai giữa được gọi là chích rạch mủ. Thủ thuật này được thực hiện để hút mủ trong tai và giảm áp lực từ tai giữa, từ đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Chích rạch màng nhĩ không hề nguy hiểm, thực hiện sớm và điều trị kết hợp tốt thì bệnh có xu hướng khỏi trong khoảng 2 tuần. Lỗ thủng do chích rạch được hàn kín và thính lực được đảm bảo.
Bên cạnh đó, còn có các phương pháp phẫu thuật khác như phẫu thuật loại bỏ tế bào xương chũm và cắt bỏ, chỉnh sửa xương chũm.
Sau phẫu thuật viêm tai xương chũm, bạn có thể phải dùng thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và khám lại để kiểm tra vết mổ. Để thúc đẩy quá trình hồi phục, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên nghỉ ngơi từ 7 – 10 ngày và cố gắng không để tai bị ướt.
Nhiều bệnh nhân thắc mắc viêm tai xương chũm mổ rồi mà sao thấy vẫn còn ù. Thực tế, đây là một trong biến chứng thường gặp sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng hiếm gặp, bao gồm:
- Liệt hoặc yếu dây thần kinh mặt
- Mất thính giác thần kinh giác quan
- Chóng mặt hoặc choáng váng, có thể kéo dài trong vài ngày
- Thay đổi vị giác, khiến bệnh nhân cảm thấy thức ăn có vị giống như kim loại, chua, có thể kéo dái một vài tháng
- Ù tai
Ở Việt Nam, chi phí mổ viêm tai xương chũm còn tùy vào phương pháp phẫu thuật và thời gian hồi phục sau mổ, cũng như những phát sinh sau mổ. Chi phí có thể dao động trên dưới 10 triệu đồng.
Nếu chưa biết mổ viêm tai xương chũm ở đâu tốt nhất, bạn nên lựa chọn những bệnh viện uy tín, như Bệnh biện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các Khoa Tai Mũi Họng của các bệnh viện tuyến đầu khác.
Chữa trị viêm tai xương chũm theo Đông y
Theo Đông y, viêm tai xương chũm cấp được xếp vào loại Nhĩ Căn Độc. Bệnh do tà độc ủng thịnh, đi lên vào xương chũm sau tai, kết tụ lại ở đó mà thành. Bên cạnh đó, khí huyết hư suy không kháng cự được với độc tà bên ngoài xâm nhập vào, đưa lên sau tai gây nên bệnh.
Bởi vậy, 2 bài thuốc sau có thể giúp điều trị chứng này ngay từ căn nguyên:
- Bài thuốc Tiên phương hoạt mệnh ẩm: Giúp tả hỏa, giải độc, khứ ú, bài nùng. Cải thiện đau trong tai và giảm sốt.
- Bài thuốc Thác lý tiêu độc tán giúp bổ ích khí khuyết và thác độc ngoại xuất.
Bên cạnh đó, viêm tai xương chũm là hệ quả của việc điều trị viêm tai giữa không triệt để. Vì vậy, điều trị viêm tai giữa đúng cách có thể giúp đỡ rất nhiều trong đối với viêm tai xương chũm.
Các bài thuốc hay giúp điều trị viêm tai giữa là:
- Bài thuốc Sài hồ thanh can thang gia giảm và Long đởm tả can thang gia giảm: Giúp sơ phong thanh nhiệt hoặc trừ thấp nhiệt ở kinh can đởm, điều trị viêm tai giữa cấp và mãn tính.
- Bài thuốc Thanh tỳ thang gia giảm: Giúp kiện tỳ hóa thấp, điều trị viêm tai giữa mãn tính tốt cho trẻ nhỏ.
- Bài thuốc Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm: Giúp dưỡng âm thanh nhiệt, bổ thận thông khiếu, điều trị viêm tai giữa mãn tính tốt cho người lớn tuổi.
Châm cứu vào các huyệt Ế phong, Thính cung, Hợp cốc và Phong trì cũng được áp dụng để điều trị các bệnh viêm tai.
Trước khi áp dụng các biện pháp điều trị này, bệnh nhân nên đến các cơ sở thuốc Đông y uy tín để được thăm khám và kê toa phù hợp. Không tự ý bốc thuốc và châm cứu tại nhà. Châm cứu chỉ được thực hiện bởi các thầy thuốc có tay nghề.
Trị viêm tai giữa bằng kinh nghiệm dân gian
Có rất nhiều bài thuốc hay mẹo chữa viêm tai giữa được lưu truyền trong dân gian. Tuy chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh công dụng, nhưng chúng vẫn được nhiều người tin tưởng và thu được nhiều kết quả khả quan trong thực tế sử dụng.
Một số mẹo chữa viêm tai giữa giúp ngăn ngừa viêm tai xương chũm có thể kể tới như:
- Nhỏ nước ép tỏi và nước muối sinh lý vào tai để giảm viêm.
- Cho lá mơ lông vào tai giúp sát khuẩn.
- Nhỏ tai bằng nước cốt lá hẹ, cây sậy hoặc lá diếp cá để kháng khuẩn.
- Sắc thạch xương bồ, trần bì, thương nhĩ tử và cây ngũ sắc để lấy nước thuốc nhỏ vào tai.
- Chữa viêm tai giữa ứ dịch hoặc viêm tai giữa thanh dịch bằng phèn chua và ngũ bội tử.
- Thổi sáp ong vào tai để hút dịch mủ tích tụ trong tai giữa.
- Nhỏ nước cốt cây sống đời giúp giảm sưng và viêm ở tai giữa.
Tuy nhiên, không phải bài thuốc hay mẹo nào cũng có tác dụng như nhau ở tất cả mọi người. Chúng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho người sử dụng. Bởi vậy, bệnh nhân nên cân nhắc kỹ lưỡng và tham vấn bác sĩ trước khi áp dụng.
Lưu ý chăm sóc người bị viêm tai xương chũm
Không nên chủ quan khi bị viêm xương chũm. Bệnh đòi hỏi phải điều trị y tế sớm, vì nhiễm trùng có thể lan rộng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Để bệnh nhanh khỏi, bệnh nhân nên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám đúng lịch và có thể áp dụng các biện pháp khắc phục tại nhà như sau:
- Đeo nút tai khi bơi hoặc tắm để tránh nước chảy vào tai.
- Một miếng gạc ấm áp giữ trên tai có thể giúp giảm đau.
- Uống nhiều nước.
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 6 – 9 tiếng mỗi đêm.
- Tránh đi máy bay nếu có thể, vì điều này có thể khiến cơn đau trong tai trở nên nặng hơn.
- Hạn chế đưa tay và các vật dụng bất kỳ vào trong tai. Không nên lạm dụng lấy ráy tai và rửa tai mà không được bác sĩ, chuyên gia y tế hướng dẫn.
Cách tốt nhất để phòng tránh viêm tai xương chũn là ngăn ngừa viêm tai giữa và điều trị triệt để bất kỳ bệnh viêm tai, nhiễm trùng đường hô hấp nào mà bạn đang mắc phải.
Dưới đây là các cách giúp ngăn ngừa viêm tai giữa hiệu quả:
- Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa sự lây lan của virus cảm lạnh và cúm.
- Tránh xa khói thuốc lá, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc lá từ sớm bị viêm tai giữa nhiều hơn những đứa trẻ không tiếp xúc với khói thuốc.
- Cả trẻ nhỏ và người lớn đều nên tiêm vắc xin phòng cúm 1 lần mỗi năm.
- Nên hạn chế tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh hoặc cúm. Nên đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải kháng khuẩn khi ra ngoài trời.
- Chơi thể thao, tập thể dục đều đặn mỗi ngày để tăng cường hệ miễn dịch.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh.
Trên thực tế, hầu hết những người bị viêm tai xương chũm đều hồi phục nhanh chóng và không có biến chứng nếu được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng. Bởi vậy, khi phát hiện những biểu hiện của viêm tai xương chũm, bạn nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay.
Có thể bạn cần biết:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!