Đau Tai: Nguyên Nhân, Dấu hiệu, Mức Độ Nguy Hiểm & Điều trị
Nội dung bài viết
Đau tai có thể xuất phát từ trong tai, chẳng hạn như viêm tai giữa hoặc do vấn đề bên ngoài tai, như viêm xoang, hội chứng khớp thái dương hàm hoặc sâu răng. Vậy, đau tai có nguy hiểm, điều trị thế nào và phòng ngừa ra sao?
Đau tai là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Đau tai có thể xuất phát từ tai hoặc bên ngoài tai. Bởi vậy, nguyên nhân gây đau tai có thể phân loại như sau:
Nguyên nhân chính gây đau tai
Các tình trạng sức khỏe thường gây đau tai và bắt nguồn từ tai bao gồm:
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là tình trạng mô bị viêm và chất lỏng tích tụ trong tai giữa – không gian nằm ngay phía sau màng nhĩ.
Bên cạnh cảm giác đau lỗ tai từ vừa đến nặng sâu bên trong tai, bệnh nhân bị viêm tai giữa có thể bị nghẹt mũi hoặc ho vài ngày trước khi đau tai. Đôi khi, sốt có thể xảy ra.
Trong trường hợp màng nhĩ bị thủng do chất lỏng tích tụ quá nhiều, sẽ có mủ chảy ra từ tai.
Viêm tai giữa ứ dịch
Đây là tình trạng có dịch ở tai giữa mà không có dấu hiệu nhiễm trùng. Nói cách khác, có sự tích tụ chất lỏng nhưng không bị viêm mô. Nhìn chung, bệnh nhân bị viêm tai giữa ứ dịch chỉ cảm thấy đau tai nhẹ. Họ cũng có thể bị giảm thính lực.
Thông thường, viêm tai giữa ứ dịch là biến chứng của viêm tai giữa cấp tính, nhưng nó cũng có thể là hệ quả của Barotrauma (hiện tượng thay đổi áp suất không khí đột ngột) hoặc dị ứng.
Viêm tai giữa ứ dịch hiếm khi có liên quan tới khối u làm tắc nghẽn ống eustachian.
Viêm tai ngoài
Viêm tai ngoài xảy ra ở ống tai ngoài, khiến bệnh nhân có cảm giác đầy tai, ngứa và đau tai đáng kể. Cũng có thể xuất hiện dịch tai màu vàng hoặc trong suốt chảy ra từ tai, cùng với giảm thính lực và sưng ống tai.
Nước bị kẹt trong ống tai là nguyên nhân gây viêm tai ngoài phổ biến nhất. Một “thủ phạm” thường gặp khác đằng sau bệnh nhiễm trùng này chính là thói quen dùng tăm bông “vô tội vạ”.
Dùng tăm bông không đúng cách có thể tạo ra các vết xước nhỏ trong ống tai, tạo điều kiện cực thịnh cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Một biến chứng nặng nề của viêm tai ngoài là viêm tai ngoài ác tính (hoại tử). Lúc này, nhiễm trùng ống tai lan đến đáy hộp sọ. Biến chứng nặng của viêm tai ngoài ác tính là viêm màng não dẫn tới liệt dây thần kinh hoặc áp xe não.
Người cao tuổi bị đái tháo đường là đối tượng dễ gặp phải biến chứng viêm tai ngoài nguy hiểm.
Ráy tai
Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ ống tai của bạn khỏi nước, vi khuẩn và các tác động gây hại khác. Tuy nhiên, quá nhiều ráy tai được sản xuất hoặc ráy tai bị đẩy quá sâu vào ống tai (do lạm dụng tăm bông) sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn.
Tắc nghẽn ống eustachian
Eustachian là ống hẹp nối phần trên cổ họng với tai giữa. Nó điều chỉnh áp suất không khí vào và hút chất lỏng dư thừa từ tai giữa. Nếu ống eustachian bị tắc, thường là do dị ứng, nhiễm trùng hoặc thay đổi độ cao đột ngột (như đau tai khi đi máy bay), các triệu chứng sau đây có thể xảy ra:
- Đau tai
- Ù tai
- Chóng mặt
- Mất thính lực
Các vấn đề về da ở tai
Đôi khi, cảm giảm đau ở tai có thể bắt nguồn từ da tai. Bao gồm:
- Viêm da: Gây ngứa, bong tróc, sưng da ống tai, đau mang tai hoặc đau ống tai. Có thể do dị ứng (viêm da tiếp xúc) hoặc do hậu quả của một vấn đề da tiềm ẩn (như viêm da tiết bã hoặc bệnh vẩy nến).
- Viêm mô tế bào Periauricular (da bị nhiễm trùng trên tai): Khiến tai bị nóng, đỏ và mềm khi chạm vào. Có thể sốt.
- Bệnh Zona ở tai: Gây đau tai nghiêm trọng cùng với mụn nước. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể mắc hội chứng Ramsay Hunt. Biểu hiện của hội chứng này bao gồm mụn nước mọc từng đám ở màng nhĩ, ống tai và vòm miệng, liệt mặt ở bên tai bị Zona, khó nhắm một mắt, đau tai, giảm thính lực, ù tai, thay đổi vị giác…
Viêm màng sụn vành tai
Đây là một bệnh nhiễm trùng sụn tai, dẫn đến đau, sưng và đỏ trên da. Sốt cũng có thể xuất hiện và đôi khi có dạng áp xe tai. Nếu không điều trị, viêm màng sụn vành tai có thể dẫn đến biến dạng tai (được gọi là tai súp lơ).
Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa là nguyên nhân thường gặp gây ra viêm màng sụn mang tai.
Tình trạng này có thể xảy ra ở những người mắc một số bệnh tự miễn và những người bị chấn thương sụn tai (xỏ lỗ tai trên, bỏng hoặc thi đấu boxing).
Bệnh Meniere
Bệnh Meniere là hệ quả của sự tích tụ chất lỏng dư thừa ở tai trong. Cho tới nay, khoa học vẫn chưa thể lý giải về sự tích tụ chất lỏng này.
Người bị Meniere thường gặp các triệu chứng:
- Chóng mặt
- Ù tai
- Mất thính giác
- Đau tai
Các triệu chứng của bệnh Meniere dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng tình trạng chóng mặt do bệnh Meniere có thể gây ra những tai nạn bất ngời cho bệnh nhân.
Khối u
Khối u lành tính hoặc ác tính cũng có thể là “thủ phạm” đằng sau cơn đau tai của một số người.
- Ung thư vòm họng: Có thể gây đầy tai, mất thính giác, ù tai và viêm tai tái phát.
- Cholesteatoma: Một khối da mọc bất thường ở trong tai. Tuy lành tính nhưng buộc phải cắt bỏ để ngăn ngừa rủi ro.
- U dây thần kinh thính giác: Đây là một khối u lành tính ở tai trong, phát triển trên dây thần kinh tiền đình (dây thần số VIII).
Nguyên nhân thứ phát
Những vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ bên ngoài tai dười đây cũng có thể gây đau tai:
Viêm xoang
Xoang là khoảng rỗng nằm sau mũi, giữa 2 mắt, trong xương gò má và dưới trán. Viêm xoang có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm:
- Khó chịu trong tai, cảm giác đầy tai
- Sốt
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi
- Đau răng
- Đau đầu
Hầu hết các trường hợp viêm xoang là do virus hoặc dị ứng. Chỉ một tỷ lệ nhỏ các trường hợp là do nhiễm vi khuẩn.
Bệnh răng miệng
Các vấn đề về răng, chẳng hạn như răng bị nứt vỡ, sâu răng hoặc áp xe răng có thể gây đau tai. Thông thường, cơn đau trở nên nặng hơn khi gặp nóng, lạnh hoặc khi bạn ăn.
Hội chứng khớp thái dương hàm hay TMJ
Khớp thái dương hàm nối hàm dưới với xương thái dương của hộp sọ. Những người bị hay nghiến răng, stress, hàm răng lệch hoặc bị chấn thương, viêm ở các khớp trên mặt có thể gây ra rối loạn khớp thái dương hàm.
Cơn đau do rối loạn khớp thái dương hàm thường được mô tả như sau:
- Đau khớp hàm liên tục và âm ỉ
- Đau tăng nặng khi mở hoặc đóng miệng
- Nhức đầu và đau quanh ống tai
Viêm động mạch thái dương
Viêm động mạch thái dương còn gọi là viêm động mạch tế bào khổng lồ (GCA). Tình trạng này là do viêm niêm mạc động mạch ở cổ. Nó gây ra các triệu chứng:
- Đau ở ống tai hoặc tai ngoài
- Đau thái dương hoặc đau ở trán
- Sốt
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Thay đổi thị lực
- Đau khi nhai
Viêm xương chũm
Viêm tai giữa không được điều trị triệt để có thể dẫn tới viêm xương chũm. Xương chũm nằm sau tai, là một phần của hộp sọ. Viêm xương chũm có thể gây đau, đỏ và sưng sau tai.
Nếu viêm tai xương chũm không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến các biến chứng như
- Áp xe xương hoặc sọ
- Viêm màng não
- Liệt dây thần kinh mặt
- Mất thính giác
Đau tai khi nào thì nguy hiểm?
Đau tai có nguy hiểm hay không còn phụ thuộc vào các nguyên nhân gây ra nó. Phần lớn các trường hợp đau tai đều không quá nguy hiểm, có thể khỏi mà không cần dùng thuốc.
Tuy nhiên, nếu bạn bị đau tai nghiêm trọng hoặc kéo dài trong 2 ngày trở lên, hãy đi khám ngay để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị hiệu quả.
Liên hệ với bác sĩ nếu bạn gặp phải các dấu hiệu sau:
- Đau nhức tai kèm theo sốt hoặc đau họng
- Cảm thấy đau khi kéo dái tai
- Có dịch chảy ra từ trong tai
- Ù tai, chóng mặt hoặc mất thính lực
- Sưng hoặc phát ban trong ống tai hoặc dái tai
Dấu hiệu đau tai ở người lớn và trẻ nhỏ
Ở trẻ nhỏ, các triệu chứng đau tai không hoàn toàn giống nhau.
Các triệu chứng ở người trưởng thành là:
- Đau tai
- Giảm thính giác
- Có dịch chảy ra từ tai
Trẻ em cũng có thể gặp phải các triệu chứng trên và kèm theo những dấu hiệu khác, bao gồm:
- Đáp ứng hoặc phản xạ chậm với âm thanh
- Sốt
- Đầy tai
- Khó ngủ
- Thường gãi tai hoặc đưa tay lên đầu (với trẻ sơ sinh)
- Khóc hoặc hành động cáu kỉnh hơn bình thường
- Đau đầu
- Biếng ăn, bỏ ăn
- Mất thăng bằng
Cách chẩn đoán đau tai nhanh chóng
Bác sĩ chẩn đoán đau tai thường chỉ dựa vào bệnh sử và kiểm tra thể chất. Kiểm tra hình ảnh và xét nghiệm máu không cần thiết trong phần lớn các trường hợp.
Tiền sử bệnh
Khi đi khám, bác sĩ có thể hỏi bạn một câu hỏi chi tiết về cơn đau:
- Cảm giác đau như thế nào?
- Bị đau tai khi nào, cơn đau có giảm hay tăng không?
- Đau tai có kèm theo các triệu chứng khác, như sốt, giảm thính lực, vấn đề thăng bằng hoặc chóng mặt, chảy dịch tai hoặc ù tai?
- Gần đây bạn có bị ốm hoặc bị chấn ở mặt hoặc tai không?
Kiểm tra thể chất
Trong quá trình kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ kiểm tra tai ngoài, ống tai và màng nhĩ bằng ống soi tai. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thêm mũi, miệng và xoang, đồng thời ấn vào khớp thái dương hàm, kiểm tra răng hàm… Bên cạnh đó, kiểm tra cổ cũng rất cần thiết để tìm các hạch bất thường.
Cuối cùng, nếu bạn đang bị mất thính lực hoặc chóng mặt, bác sĩ cũng có thể yêu cầu kiểm tra chức năng tiền đình hoặc thính lực.
Hình ảnh
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra răng hoặc hàm nếu nghi bệnh nhân bị rối loạn khớp thái dương hàm.
Chụp CT có thể cần thiết để cho những bệnh nhân có dấu hiệu viêm xương chũm hoặc viêm màng não.
Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng có thể được yêu cầu nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị đau tai do có khối u. MRI não giúp chẩn đoán bệnh Meniere, vì các tình trạng hệ thống thần kinh trung ương, như khối u não hoặc bệnh đa xơ cứng, có thể bắt chước các triệu chứng của bệnh Meniere.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán các tình trạng đau tai khác nhau. Ví dụ, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt là viêm xương chũm, bác sĩ có thể yêu cầu số kiểm tra công thức máu để đánh giá lượng bạch cầu và xét nghiệm viêm.
Phổ biến nhất là xét nghiệm tốc độ lắng máu (ESR) và định lượng protein phản ứng C (CRP).
Xét nghiệm máu cũng có thể được sử dụng để loại trừ các rủi ro như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường và giang mai. Những bệnh này đều có thể có các triệu chứng tương tự như bệnh Meniere.
Bị đau tai phải làm gì?
Vì có nhiều nguyên nhân gây đau tai khác nhau, nên cách điều trị cũng không thể thống nhất. Điều trị hiệu quả nhất vẫn là đi từ nguyên nhân gốc rễ của chứng đau tai.
Tự chăm sóc tại nhà
Các biện pháp đơn giản tại nhà đôi khi có thể giúp giảm đau tai, đặc biệt nếu đau tai có liên quan đến sự tích tụ chất lỏng từ virus hoặc dị ứng.
Ví dụ, để giảm bớt tắc nghẽn viêm xoang, viêm tai giữa hoặc tắc ống eustachian, bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân nên dùng thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi không kê đơn.
Các chiến lược tự chăm sóc khác có thể mang lại nhiều lợi ích bao gồm:
- Chườm ấm hoặc chườm lạnh lên tai để giảm đau.
- Chườm túi muối ấm. Bạn chỉ cần rang muối hạt rồi cho vào túi vải, chườm túi này lên tai để giảm đau và dẫn lưu dịch trong tai ra ngoài.
- Nhỏ dầu olive, tinh dầu tràm trà hoặc dầu tỏi. Nên tham vấn bác sĩ và chuyên gia y tế trước khi dùng, đặc biệt nếu bạn bị thủng màng nhĩ.
- Tắm nước ấm để giảm tắc nghẽn.
- Uống nhiều nước (khoảng trên dưới 2 lít nước mỗi ngày).
Tập xoay cổ nhiều lần mỗi ngày có thể giúp ích cho những người bị đau tai do dịch tích tụ.
Chỉ cần ngồi thẳng, xoay cổ, đầu sang phải cho tới khi tai song song với vai. Nhún vai để đưa vai gần vào tai. Đếm từ 1 tới 5 rồi từ từ thả vai, đưa đầu về trạng thái bình thường. Đổi bên.
Các biện pháp tự chăm sóc cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý rối loạn khớp thái dương hàm. Bao gồm:
- Thực hiện các bài tập hàm đơn giản.
- Tránh các tác nhân gây đau khớp thái dương hàm, như nghiến răng, nhai đồ cứng…
- Sử dụng dụng cụ chống nghiến răng khi ngủ.
- Giảm stress, căng thẳng bằng yoga, tập thể dục…
Lấy ráy tai
Cách tốt nhất để loại bỏ ráy tai tích tụ là đi khám tai mũi họng. Nếu bạn muốn lấy ráy tai tại nhà, dưới đây là những phương pháp an toàn nhất:
- Vải ẩm: Thay vì dùng tăm bông, hãy lau vành tai và ống tai ngoài vằng khăn ẩm.
- Chất làm mềm ráy tai: Có thể nhỏ một vài giọt nước muối, glycerin, dầu khoáng, dầu em bé hoặc oxy già vào tai. Điều này có thể giúp việc lấy ráy tai sau đó diễn ra nhẹ nhàng hơn.
Nghiệm pháp Valsalva
Đây là một kỹ thuật thở vô hại. Bệnh nhân chỉ cần cố gắng hít thở trong khi bịt miệng và bịt mũi. Động tác này giúp giảm đau tai và ù tai hiệu quả.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị tình trạng đau tai của bạn. Nên tham vấn bác sĩ hay dược sĩ để biết đau tai uống thuốc gì, dùng thuốc như thế nào.
Thuốc nhỏ tai
Thuốc nhỏ tai là phương pháp điều trị chủ yếu cho viêm tai ngoài. Có nhiều loại thuốc nhỏ tai khác nhau, bao gồm kháng sinh, dung dịch axit hóa và steroid. Nhiều loại thuốc nhỏ tai là dạng kết hợp, giúp giảm viêm, điều trị nhiễm trùng và giảm đau.
Kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch
Đôi khi, cần phải sử dụng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để điều trị các nguyên nhân nghiêm trọng hơn gây đau tai, bao gồm:
- Viêm xoang do vi khuẩn
- Viêm tai ngoài ác tính
- Viêm màng sụn
- Viêm xương chũm
- Viêm mô tế bào Periauricular
Thuốc giảm đau
Để làm dịu cơn đau tai, bác sĩ có thể khuyên dùng Tylenol (Acetaminophen) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Advil hoặc Motrin (Ibuprofen).
Đối với cơn đau do rối loạn khớp thái dương hàm, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc giãn cơ hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Phẫu thuật
Trong các trường hợp nghiêm trọng sau, phẫu thuật có thể được chỉ định:
- Viêm tai giữa mãn tính, tái đi tái lại
- Viêm tai xương chũm mãn tính
- Có cholesteatoma trong tai
- Bị viêm tai giữa ứ dịch nặng
- Có khối u trong tai
Tùy vào từng nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật khác nhau, như:
- Mở thượng nhĩ
- Mở sào bào
- Mở thượng nhĩ – sào bào
- Khoét rỗng đá chũm
- Phẫu thuật rạch màng nhĩ
- Chèn ống thông tai
- Kết hợp mở thượng nhĩ – sào bào với phẫu thuật chỉnh hình tai
Cách phòng ngừa đau tai đau đầu hiệu quả
Dưới đây là một vài chiến lược có thể giúp bảo vệ đôi tai, từ đó ngăn ngừa đau tai và các bệnh liên quan tới đau tai.
- Đừng hút thuốc: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả hút thuốc lá và hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) đều làm tăng khả năng nhiễm trùng tai. Hãy chắc chắn rằng không ai hút thuốc trong nhà hoặc trong xe hơi, đặc biệt là khi gần trẻ nhỏ.
- Kiểm soát dị ứng: Viêm và chất nhầy gây ra bởi phản ứng dị ứng có thể chặn ống eustachian và làm viêm tai dễ xảy ra hơn.
- Ngăn ngừa cảm lạnh: Hạn chế lại gần hay nói chuyện với những người bị cảm lạnh. Không nên chia sẻ đồ dùng cá nhân cho người khác, như cốc uống nước, quần áo, bàn chải đánh răng, khẩu trang… Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm hoặc gel rửa tay diệt khuẩn.
- Cho trẻ bú sữa mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 đến 12 tháng đầu đời có thể giúp trẻ có nguy cơ bị viêm tai thấp hơn.
- Theo dõi nhịp thở hoặc ngáy: Ngáy hoặc thở bằng miệng liên tục có thể do tổ chức adenoid quá lớn (amidan vòm hay VA). Điều này có thể góp phần gây viêm tai.
- Tiêm phòng: Cả người lớn và trẻ nhỏ đều nên tiêm phòng cúm 1 lần mỗi năm. Đối với trẻ nhỏ, hãy cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi phòng bệnh cơ bản, như vắc xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, viêm màng não…
- Tránh nước: Không để nước rơi vào tai, dù đó là nước sạch. Nên đeo nút tai khi bơi hoặc gội đầu. Đừng quên lau sạch tai bằng khăn khô sau khi tắm, gội hoặc bơi lội.
- Khám sức khỏe định kỳ: Nên đi khám sức khỏe tổng thể 6 tháng/lần.
- Quản lý stress: Stress có thể gây ra nhiều rắc rối cho sức khỏe. Nó có thể khiến hệ miễn dịch, sức đề kháng suy giảm, khiến cơ thể dễ bị mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh.
Đau tai không chỉ khó chịu, mà đôi khi còn gây mất tập trung và bực bội. Tin tốt là phần lớn các trường hợp đau tai đều có thể chữa được nếu phát hiện sớm. Cùng với đó, hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn bị đau tai lâu ngày không khỏi. Vì nó có thể cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng nào đó.
Thông tin liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!