Viêm tuyến nước bọt mang tai là gì? Dấu hiệu & điều trị
Nội dung bài viết
Tuy hiếm gặp, nhưng viêm tuyến nước bọt mang tai thực sự là một tình trạng sức khỏe đáng lưu ý. Tìm hiểu ngay những kiến thức cơ bản về viêm tuyến nước bọt mang tai để biết được nên làm gì khi không may gặp phải nó.
Viêm tuyến nước bọt mang tai là gì? Có nguy hiểm không?
Tuyến nước bọt nằm ở xung quanh khoang miệng, có vai trò tiết ra nước bọt hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, tăng sản những tổ chức trung mô và nhiều hơn nữa.
Có ba cặp tuyến nước bọt chính, bao gồm:
- Các tuyến mang tai: Tuyến nước bọt lớn nhất, nằm ở trong má, ngay phía trước tai. Nó xuất phát từ ngang vành tai kéo dài xuống đến hàm. Viêm một hoặc nhiều trong số các tuyến này được gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai (parotitis hoặc parotiditis).
- Các tuyến dưới hàm: Nằm ngay dưới hai bên hàm dưới. Là tuyến nước bọt lớn thứ hai.
- Các tuyến dưới lưỡi: Là tuyến nước bọt nhỏ nhất, nằm ngay dưới phần lớn diện tích phía trước của miệng.
Viêm tuyến nước bọt thường gặp ở tuyến lớn nhất – tuyến mang tai.
Như đã biết, nước bọt rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa thức ăn và giúp miệng sạch sẽ. Nó có vai trò quan trọng trong việc rửa trôi vi khuẩn và các các hạt thức ăn.
Đồng thời, nước bọt giúp kiểm soát lượng vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu, đảm bảo cân bằng hệ vi khuẩn trong miệng.
Vi khuẩn hoặc virus có thể gây sưng các mô bao quanh tuyến nước bọt, làm giảm lưu lượng nước bọt.
Lúc này, nước bọt không thể phát huy khả năng vốn có và dẫn tới viêm tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến nước bọt mang tai.
Hầu hết các trường hợp viêm tuyến nước bọt là cấp tính hoặc phát triển đột ngột.
Vậy viêm tuyến nước bọt mang tai có nguy hiểm không? – Các biến chứng do viêm tuyến nước bọt rất hiếm gặp.
Tuy nhiên, nếu không điều trị viêm tuyến nước bọt triệt để, nó sẽ gây ra nhiều rắc rối cho sức khỏe.
Một số biến chứng (hiếm gặp):
- Áp xe tuyến nước bọt: Có thể dẫn tới viêm tấy lan tỏa vùng mặt và nhiễm trùng máu.
- Viêm mô tế bào: Viêm ảnh hưởng tới bề mặt da, mô dưới da, lan tới hạch bạch huyết và máu, có thể đe dọa tính mạng.
- Viêm tấy lan tỏa và hoại thư ở sàn miệng (Ludwig’s angina): Tiến triển rất nhanh và chặn đường thở, có thể dẫn tới tử vong.
- Liệt mặt: Nếu khối u ác tính là nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt, nó có thể phát triển nhanh, gây mất vận động ở phí mặt có tuyến nước bọt bị viêm.
- Sưng cổ: Điều này xảy ra khi viêm tuyến nước bọt tái đi tái lại.
Nguyên nhân viêm tuyến nước bọt mang tai
Xác định được nguyên nhân gây ra viêm tuyến nước bọt sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn.
Nguyên nhân thường gặp
Viêm tuyến nước bọt mang tai xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus gây nhiễm trùng tuyến nước bọt ở mang tai.
Nguyên nhân bao gồm:
- Một tình trạng sức khỏe nào đó khiến giảm lưu lượng nước bọt, chẳng hạn như khô miệng
- Vệ sinh răng miệng kém làm tăng sự phát triển của vi khuẩn, phổ biến là Staphylococcus aureus hoặc Haemophilisenzae
- Khối u gây tắc nghẽn tuyến nước bọt
- Áp xe tuyến nước bọt
- Sỏi tuyến nước bọt
- Mất nước nghiêm trọng
- Sự tắc nghẽn trong tuyến nước bọt có thể gây viêm, khiến tuyến dễ bị nhiễm trùng hơn.
Các tuyến nước bọt bị viêm có xu hướng sản xuất ít nước bọt hơn. Điều này làm nồng độ vi khuẩn hoặc virus trong nước bọt tăng lên.
So với virus, vi khuẩn là thủ phạm gây ra viêm tuyến nước bọt nhiều hơn. Tuy nhiên, một số loại virus phổ biến dưới đây cũng được ghi nhận là gây ra tình trạng này:
- Virus HIV
- Virus quai bị
- Virus parainfluenza type 1 và type 2
- Virus cúm A
- Virus herpes
- Virus coxsackie
Yếu tố nguy cơ
Viêm tuyến nước bọt mang tai phổ biến nhất ở những người lớn tuổi (trên 65 tuổi) bị sỏi tuyến nước bọt. Đây là cấu trúc bị vôi hóa bên trong ống dẫn tuyến nước bọt.
Sỏi làm chặn dòng chảy của nước bọt vào miệng, gây ra tắc và ảnh hưởng đến tuyến mang tai. Hầu hết bệnh nhân viêm tuyến nước bọt mang tai đều có nhiều sỏi.
Bệnh cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh mới được vài tuần tuổi, những người đang đau ốm, đang hồi phục sau phẫu thuật, bị mất nước, suy dinh dưỡng hoặc bị ức chế miễn dịch.
Một số yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm tuyến nước bọt mang tai:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Không tiêm phòng vắc xin MMR
- Tiếp xúc gần với người bị quai bị
- Bệnh xơ nang
- Mất nước
- Bị HIV/AIDS
- Người bị hội chứng khô miệng
- Dùng thuốc trị bệnh (thuốc kháng cholin, thuốc chống dị ứng, thuốc chống loạn thần)
- Mắc hội chứng Sjogren
- Bị rối loạn ăn uống Bulimia
- Nghiện rượu
- Bị đái tháo thường
Dấu hiệu viêm tuyến nước bọt mang tai
Các triệu chứng cụ thể của viêm tuyến nước bọt mang tai có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân và sẽ phụ thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng của viêm.
Các triệu chứng thường gặp trên đầu và cổ, bao gồm:
- Đau đớn
- Da ở vùng tuyến mang tai sưng, căng bóng, nóng rát, không bị đỏ, không lõm khi ấn xuống (nếu nguyên nhân là do virus)
- Da ở vùng tuyến mang tai sưng, đỏ, lõm khi ấn xuống (nếu nguyên nhân là do vi khuẩn)
- Sưng ở khu vực tuyến mang tai, có thể gây biến dạng mặt, cổ bạnh và cằm xệ
- Vị giác thay đổi, cảm thấy có vị hôi, đánh răng không hết
- Khó mở miệng hết cỡ, nhai hoặc nuốt
- Có mủ trong miệng
- Khô miệng
Đối với nhiều người, các triệu chứng trở nên khó chịu hơn sau khi ăn. Sốt hoặc ớn lạnh cũng có thể xảy ra.
Ở những người có khối u, có thể thấy nổi hạch cứng, chắc và không di chuyển ở bên mặt có tuyến nước bọt mang tai bị viêm.
Liên hệ với bác sĩ hoặc đi khám ngay nếu các triệu chứng trên trở nên xấu hơn và kèm sốt cao, khó thở, khó nuốt…
Cụ thể:
- Các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn
- Khó ăn uống
- Khó nuốt
- Khó thở
- Đau đớn
- Các triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần
- Các triệu chứng không được cải thiện mặc dù đã vệ sinh răng miệng tốt và giữ nước co cơ thể
Chẩn đoán viêm tuyến nước bọt mang tai
Để chẩn đoán viêm tuyến nước bọt, bác sĩ thường sẽ hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, bệnh sử và thực hiện một số xét nghiệm khác, như:
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ ( MRI )
- Nội soi tuyến nước bọt
- Chụp X-quang tuyến nước bọt
Trong trường hợp khối u là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu để xét nghiệm.
Bị viêm tuyến nước bọt có lây không? Bao lâu thì khỏi?
Nhiều người thường nhầm lẫn quai bị và viêm tuyến nước bọt. Vì vậy, họ cho rằng viêm tuyến nước bọt có thể lây.
Thực tế, hai bệnh này có nhiều triệu chứng giống nhau, nổi bật nhất là đau ở vùng má và mang tai. Tuy nhiên, đây là hai bệnh riêng biệt.
Quai bị do virus quai bị (Mumps virus) gây ra. Bệnh dễ dàng lây từ người sang người qua nước bọt, dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho, khạc nhổ…
Đây là căn bệnh nguy hiểm vì có thể gây ra các biến chứng không thể đảo ngược, như: Viêm tinh hoàn, vô sinh, viêm buồng trứng, nhồi máu phổi, viêm tụy cấp tính…
Virus quai bị cũng là tác nhân gây ra viêm tuyến nước bọt mang tai. Nhưng viêm tuyến nước bọt ít khi để lại biến chứng nguy hiểm nào.
Xét theo bản chất, viêm tuyến nước bọt không lây nhiễm từ người nay sang người kia. Nói cách khác, bệnh không lây lan qua các tiếp xúc thông thường, kể cả khi ôm hôn hoặc ăn uống chung.
Hầu hết các triệu viêm tuyến nước bọt chỉ kéo dài khoảng 1 tuần. Các triệu chứng sưng nhẹ có thể kéo dài trong một vài tuần.
Cách điều trị viêm tuyến nước bọt mang tai
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến nước bọt có thể khác nhau ở mỗi người. Một số người bị viêm có thể không nhận ra mình mắc bệnh, trong khi những người khác có thể bị sưng và đau dữ dội.
May mắn thay, viêm tuyến nước bọt có thể được điều trị thành công.
Chăm sóc viêm tuyến nước bọt mang tai tại nhà
Bệnh nhân có thể thực hiện các bước tự chăm sóc tại nhà như dưới đây để giúp phục hồi:
- Vệ sinh răng miệng tốt. Dùng chỉ nha khoa và đánh răng sạch sẽ ít nhất 2 lần mỗi ngày. Điều này có thể giúp giảm và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
- Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp giảm đau và giữ ẩm cho khoang miệng.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Uống nhiều nước.
- Có thể ngậm kẹo chanh không đường để tăng tiết nước bọt và giảm sưng.
- Chườm khăn ấm trên tuyến bị viêm.
- Massage nhẹ nhàng tuyến bị viêm.
Viêm tuyến nước bọt mang tai uống thuốc gì?
Thuốc kháng sinh là phương pháp chính trong điều trị viêm tuyến nước bọt do nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng: Sốt hoặc có mủ trong miệng.
Ngoài ra, nếu nhiễm trùng thứ phát xảy ra trong miệng do rối loạn chức năng các tuyến nước bọt, bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân.
Dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng toàn thân hoặc tại chỗ. Có thể kết hợp các loại kháng sinh chống vi khuẩn Gram (-) và (+). Tốt nhất là kháng sinh thải trừ qua tuyến nước bọt, như Erythromycine.
Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân dùng thuốc kích thích nước bọt Pilocarpin 1%, dùng khoảng 10 giọt trước khi ăn, 2 lần/ngày, uống trong 5 – 7 ngày.
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, chống phù nề. Tuy nhiên, phải hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng thuốc.
Trong trường hợp viêm là do virus, thuốc kháng sinh không được sử dụng.
Tuy nhiên, có một số loại thuốc có thể giúp giảm hoặc kiểm soát các triệu chứng bệnh do virus herpes, cúm hoặc HIV gây ra.
Trị viêm tuyến nước bọt bằng Đông y
Đông y có thể điều trị viêm tuyến nước bọt mang tai theo hướng tập trung xử lý nguyên nhân gây ra bệnh. Nguyên nhân được y học cổ truyền nhấn mạnh chính là quai bị.
Dưới đây là một số bài thuốc chữa viêm tuyến nước bọt hiệu quả:
- Bài 1: Sắc 15gr rễ sợi mì tươi (cỏ phế cân thảo) để lấy nước uống. Uống 2 lần/ngày.
- Bài 2: Sắc 15gr rễ cây hạt rẻ, 12gr hoa kim ngân, 10gr cam thảo tươi, 10gr hạ khô thảo để lấy nước thuốc. Uống 2 lần/ngày.
- Bài 3: Sắc 30gr bồ công anh lấy nước đặc. Uống 5ml rượu trắng trước rồi mới uống nước thuốc bồ công anh. Uống 1 lần/ngày, trong 3 ngày. Không áp dụng cho trẻ nhỏ và bà bầu.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể chuẩn bị các món ăn dưới đây để hỗ trợ điều trị viêm tuyến nước bọt:
- Trứng vịt và đường phèn: Đun nóng chảy 30gr đường phèn, rót ra bát. Đợi đường nguội rồi đập 2 quả trứng vịt vào, khuấy đều. Hấp trứng cho đến chín. Ăn 1 lần/ngày, trong 7 ngày.
- Rau cải và đậu xanh: Chuẩn bị 50 – 80gr đậu xanh và 1 nắm rau cải. Đãi vỏ đậu xanh rồi ninh nhừ. Luộc chín rau cải. Ăn 2 món này cùng với nhau mỗi ngày, trong 3 – 5 ngày.
Phẫu thuật và phương pháp khác
Phần lớn các trường hợp viêm tuyến nước bọt mang tai không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể được chỉ định đối với những bệnh nhân bị viêm tuyến nước bọt mang tai mạn tính, tái đi tái lại.
Với những áp xe lớn, bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu mủ.
Ngoài ra, bơm rửa tuyến mang tai qua ống Stenon cũng có thể áp dụng sau khi dùng thuốc. Điều này nhằm giúp tăng tiết nước bọt.
Viêm tuyến nước bọt mang tai kiêng gì, nên ăn gì?
Tìm hiểu viêm tuyến nước bọt mang tai nên ăn gì ngay dưới đây:
- Thức ăn mềm, loãng: Như cháo, soup, thịt hầm…
- Thực phẩm chống viêm: Cá béo, rau lá xanh đậm, quả mọng, nghệ, tỏi…
- Nước: Nên uống 6 – 8 cốc nước mỗi ngày để giảm khô miệng.
- Giấm: Có thể giúp tiêu hạch, giảm đau, giảm sưng… Nên kết hợp giấm với nước cốt lá xương sông, bột đậu đỏ, hạt gấc mài hoặc xạ can.
Khi bị viêm tuyến nước bọt, bệnh nhân nên tránh tiêu thụ các thực phẩm này:
- Thực phẩm nhiều đường: Bánh kẹo, nước ép trái cây, trái cây sấy khô… chứa nhiều đường, có thể gây viêm nặng hơn.
- Thực phẩm cay nóng: Có thể gây tổn thương vùng miệng.
- Thực phẩm đông lạnh: Gây khó chịu trong vùng miệng.
- Thực phẩm cứng: Làm trầm trọng thêm triệu chứng khó nuốt, khó nhai…
Trong nhiều trường hợp, không có cách cụ thể nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn viêm tuyến nước bọt. Tuy nhiên, một vài lời khuyên về lối sống có thể giúp giảm nguy cơ hình thành nhiễm trùng.
Bao gồm:
- Tránh mất nước.
- Đánh răng 2 lần/ngày.
- Dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn.
- Súc miệng bằng nước muối.
- Kiểm tra răng miệng định kỷ (3 – 6 tháng/lần).
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo cứng không đường.
- Hạn chế uống rượu.
- Bỏ thuốc lá.
- Ăn chậm nhai kỹ để kích thích sản xuất nhiều nước bọt.
Tóm lại, viêm tuyến nước bọt mang tai không phải là bệnh quá nguy hiểm. Bệnh có thể tự thuyên giảm hoặc điều trị khỏi bằng thuốc, chăm sóc tại nhà hoặc các biện pháp tự nhiên.
Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm tái phát nhiều lần, hãy đi khám ngay để loại trừ các rủi ro tiềm ẩn.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!