Viêm sụn vành tai gây sưng đau? Dấu hiệu và điều trị
Nội dung bài viết
Đôi khi, bạn có thể cảm thấy đau vành tai đột ngột kèm theo sưng, đỏ, thậm chí chảy mủ. Đây có thể là triệu chứng viêm sụn vành tai – một tình trạng tưởng vô hại nhưng gây ra không ít rắc rối cho khổ chủ.
Viêm sụn vành tai là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Vành tai hay loa tai là một phần của tai ngoài. Vành tai người có cấu trúc lồi lõm để thu nhận âm thanh. Bởi vậy, con người không cần cử động tai hay xoay đầu về phái nguồn phát ra âm thanh như nhiều loại động vật khác.
Vành tai được cấu thành bởi da, dây chằng, sụn và cơ. Rìa ngoài của tai người chủ yếu được tạo thành từ sụn có độ dẻo dai và đàn hồi. Nhiễm trùng ở khu vực này được gọi là viêm sụn vành tai hoặc viêm sụn tai.
Bản thân sụn tai không có nguồn cung cấp máu và dinh dưỡng chạy qua giống như các mô khác trong cơ thể. Các màng sụn là mô mềm tiếp giáp với sụn tai sẽ làm nhiệm vụ cung cấp máu và dinh dưỡng cho sụn.
Nếu màng sụn này bị tổn hại dưới bất kỳ hình thức nào, sụn có thể bị “bỏ đói” và teo lại.
Phân biệt u sụn vành tai và viêm sụn vành tai
U sụn vành tai là u lành tính, không gây chết người. Nó cũng không viêm nhiễm hay chảy dịch như viêm sụn vành tai.
Tuy vậy, nó lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Nên cắt bỏ u sụn vành tai ngay khi còn nhỏ
Viêm sụn vành tai không quá nguy hiểm. Nhưng nếu không được điều trị sớm và đúng cách, nó có thể gây viêm hoại tử, làm tai bị biến dạng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Tai súp lơ là biến chứng viêm sụn vành tai thường gặp. Tình trạng này có thể khiến người bệnh mất tự tin về vẻ ngoài, khó đeo các loại tai nghe hoặc khó lấy rái tay. Những người bị tai súp lơ cũng có nguy cơ bị viêm tai, suy giảm hoặc mất thính lực cao.
Tuy hiếm gặp, nhưng theo một cách nào đó, vi khuẩn từ màng sụn tai có thể đi vào máu và gây nhiễm trùng. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và nhiều rủi ro cho sức khỏe hơn.
Các triệu chứng nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng bao gồm:
- Thân nhiệt quá cao hoặc quá thấp
- Ớn lạnh và run rẩy
- Nhịp tim nhanh bất thường
- Khó thở hoặc thở rất nhanh
- Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Lú lẫn hoặc mất phương hướng
- Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn
- Nói lắp
- Đau cơ cực độ
- Tiểu ít bất thường
- Da lạnh, dính, màu nhợt nhạt
- Mất ý thức
Nếu bất kỳ triệu chứng nào ở trên xảy ra, hãy đi khám ngay lập tức.
Nguyên nhân viêm sụn vành tai
Viêm sụn vành tai là tình trạng nhiễm trùng thứ phát do các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Viêm màng sụn tai
Màng sụn tai là mô bao quanh nuôi dưỡng sụn tai. Các triệu chứng của viêm màng sụn tai cũng có nét tương đồng với viêm sụn vành tai, bao gồm:
- Đỏ, sưng tấy ở vành tai
- Đau nhức
- Có mủ hoặc chất lỏng (viêm nghiêm trọng)
- Sốt (viêm nghiêm trọng)
- Biến dạng cấu trúc tai (viêm nghiêm trọng)
Nếu bị viêm màng sụn tai tái đi tái lại, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác (ít gặp), bao gồm:
- Chạm vào vành tai có cảm giác mềm
- Đột ngột mất thính lực
- Chóng mặt
- Giữ thăng bằng kém
- Ù tai
- Có dịch chảy ra từ tai
- Viêm tai giữa
Viêm màng sụn tai là hệ quả của chấn thương thể thao hoặc những tác động quá mạnh vào vành tai, như xỏ lỗ tai, bỏng, xước da tai, điều trị viêm tai ngoài không triệt để…
Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra viêm màng sụn tai.
Tình trạng viêm màng sụn tai không điều trị kịp thời, sẽ gây ra viêm sụn tai.
Thời tiết
Thật bất ngờ, thời tiết cũng đóng một vai trò quan trọng gây viêm sụn vành tai. Thời tiết quá lạnh hoặc quá nhiều nắng có thể khiến vành tai bị sưng, đau và gây khó chịu. Cơn đau rõ hơn khi bạn chạm vào vành tai.
Khi bị cháy nắng, vành tai cũng có thể trở nên nóng rát và chuyển sang màu đỏ. Trong trường hợp gặp lạnh (gặp sương, tuyết, nước mưa, gió lạnh), vành tai cũng dễ bị tê, đau, tấy đỏ.
Xỏ lỗ tai
Xỏ khuyên tai có thể dễ dàng gây viêm sụn tai nếu không được chăm sóc đúng cách.
Thực tế, bất kỳ vết đâm hay rạch nào cũng dẫn đến vết thương hở, có thể mất khoảng 6 đến 8 tuần để lành. Tuy nhiên, việc xỏ khuyên qua sụn vành tai có thể mất nhiều thời gian hồi phục hơn.
Trong thời gian hồi phục, nhiều triệu chứng nhiễm trùng có thể xuất hiện. Đây là kết quả của hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể đang cố gắng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Trong khoảng 2 tuần kể từ khi xỏ khuyên, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như sau:
- Đau nhói và khó chịu xung quanh lỗ tai
- Nóng, đỏ
- Có dịch màu vàng nhạt hoặc trong suốt chảy quả từ lỗ tai
Những triệu chứng trên kéo dài quá 2 tuần kèm theo các biểu hiện sau có thể cảnh báo bạn đang bị nhiễm trùng:
- Sốt
- Sưng không giảm sau 48 tiếng
- Nóng ở lỗ xỏ tai không biến mất hoặc nóng hơn
- Viêm và đỏ không biến mất sau 2 tuần
- Chảy máu
- Có mủ vàng hoặc sẫm màu rỉ ra từ lỗ tai
- Sưng xuất hiện trước hoặc sau lỗ tai
Xỏ càng nhiều lỗ qua sụn tai, khả năng bị viêm sụn vành tai càng lớn. Viêm sụn vành tai do xỏ khuyên có thể trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Tụ dịch hay viêm tai thanh dịch
- Giai đoạn thứ 2: Xung huyết
- Giai đoạn thứ 3: Viêm tấy
- Giai đoạn cuối: Tạo mủ đồng thời là hoại tử sụn
Chấn thương
Chấn thương loa tai có thể là hệ quả của các tác động trực tiếp vào tai (như chơi thể thao đối kháng, đánh lộn) gây tổn thương mô nghiêm trọng.
Điều này dẫn đến sự tích tụ máu giữa sụn và màng sụn rồi gây viêm sau đó.
Có thể gặp các triệu chứng sau:
- Tai bị bầm tím
- Sưng tai
- Vành tai bị sưng đỏ, tím hoặc hơi xanh
- Có thể hình thành cục máu đông sau chấn thương
Nếu khu vực tổn thương bị nhiễm trùng, các triệu chứng sau đây có thể xảy ra trong vài ngày:
- Tăng đỏ và đau
- Sốt
- Chảy mủ hoặc chất lỏng có mùi hôi
Nếu không được điều trị, sụn tai có thể bị biến dạng, dẫn đến tình trạng tai súp lơ.
Viêm đa khớp
Đây là một căn bệnh mãn tính ít gặp những có thể để lại các di chứng, biến chứng nguy hiểm.
Viêm đa khớp xảy ra khi bệnh nhân bị mắc một hoặc nhiều bệnh có ảnh hưởng đến 5 khớp trở lên trong cùng một lúc. Nó có thể bào mòn sụn.
Một số nguyên nhân khác có thể gây viêm sụn tai, bao gồm:
- Vết xước trên vành tai
- Nằm ép tai quá lâu xuống một mặt phẳng
- Có mụn ở vành tai
- Bỏng ở vành tai
Triệu chứng viêm sụn tai
Các dấu hiệu viêm sụn vành tai có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp và thời điểm.
Môt số triệu chứng có thể xảy ra như sau:
- Cảm giác hơi ngứa, rát, đau nhẹ ở vùng tai bị ảnh hưởng
- Đau nhức tăng dần, cảm thấy nóng, sưng và đỏ ở vành tai
- Có thể sốt
- Có dịch giống như mủ
Nếu bị viêm sụn hoại tử, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng:
- Đau ở tai dữ dội
- Một phần vành tai sưng tấy và căng mọng
- Rất đau khi chạm vào
- Sốt
Cách chẩn đoán, điều trị viêm sụn vành tai
Khi nhận thấy những triệu chứng bất thường trên vành tai, bạn nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp.
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm sụn vành tai thông qua hỏi bệnh sử bệnh nhân và xem xét các triệu chứng trên tai, sau đó đưa ra hướng điều trị cụ thể.
Tự chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể xoa dịu đau và xử lý viêm sụn vành tai hiệu quả:
- Nếu bị mụn trứng cá hay mụn đầu đen trên vành tai, bạn có thể nhúng một miếng vải mềm vào nước ấm rồi đắp lên tai. Sau đó dùng cây nặn mụn ấn nhẹ xuống để loại bỏ mụn. Nên vệ sinh cây nặn mụn sạch sẽ để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Đối với cháy nắng, bạn có thể chườm đá lạnh lên vùng da bị cháy nắng hoặc thoa gel nha đam (lô hội) nhằm giảm đau.
- Nên che tai kín khi ra ngoài trời lạnh.
- Chườm ấm hoặc chườm mát lên tai để giảm đau, giảm sưng.
Đối với viêm sụn tai do xỏ khuyên, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Vệ sinh chỗ xỏ khuyên sạch sẽ mỗi ngày với nước muối pha loãng.
- Chườm túi trà hoa cúc lên tai.
- Buộc tóc gọn gàng để tóc không cọ vào tai.
- Tránh nước rơi vào tai. Hạn chế đi bơi hoặc tắm dưới vòi hoa sen.
- Không bôi các loại thuốc mỡ sau vào tai: Hibiclens, Bacitracin và Neosporin.
- Hạn chế chạm vào tai khi không cần thiết.
Thuốc điều trị viêm sụn vành tai
Viêm sụn vành tai thường được bác sĩ chỉ định dùng những thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh: Nhóm Fluoroquinolone, Ciprofloxacin (Levotab, Tavanic)
- Thuốc chống viêm, chống phù nề steroid: Methylprenisolone (Medrol 4mg, 16mg) hoặc Prednisolone (Prednisone 5mg).
- Thuốc giảm đau: Acetaminephone hoặc Ibuprofen.
Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân bị đau nhiều, vành tai sưng, đỏ, đau tăng khi chạm vào cần phải nhập viện truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch, chích tĩnh mạch steroid và chăm sóc tại chỗ.
Điều trị viêm sụn vành tai theo Đông y
Người bệnh có thể áp dụng bài thuốc Phục nguyên hoạt huyết thang để hoạt huyết, khử ứ và sơ can thông lạc. Từ đó, giúp điều trị viêm sụn vành tai.
- Chuẩn bị: 9gr đương quy, 6gr xuyên giáp, 15gr sài hồ, 30gr đại hoàng, 6gr cam thảo, 6gr hồng hoa, 9gr qua lâu căn, 9gr đào nhân.
- Cách dùng: Sắc lấy nước thuốc, 1 thang/ngày.
Phẫu thuật viêm sụn vành tai
Viêm sụn vành tai giai đoạn đầu với triệu chứng sưng đau và chưa xuất tiết, người bệnh chỉ cần uống thuốc kháng sinh, chống viêm hoặc giảm đau.
Tuy nhiên, khi túi dịch ở vành tai bắt đầu xuất tiết, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút và băng ép. Bệnh nhân cũng được kê đơn dùng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm.
Nếu túi dịch vành tai xuất tiết bội nhiễm thành áp xe, sụn bị viêm nặng và hoại tử, bệnh nhân cần được điều trị ngay bằng cách chích rạch rộng ổ áp xe.
Phương pháp này nhằm dẫn lưu sạch túi mủ, đồng thời nạo hết tổ chức sụn viêm. Bệnh nhân cần được dùng thuốc kháng sinh và chống viêm sau khi phẫu thuật.
Viêm sụn vành tai kiêng ăn gì? Nên ăn gì?
Một chế độ ăn chống viêm là điều cần thiết giúp viêm sụn vành tai nhanh hồi phục.
Thực phẩm nên ăn:
- Quả mọng: Như phúc bồn tử, dâu tây, việt quất, nam việt quất… có chứa anthocyanin – chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng chống viêm mạnh mẽ.
- Cá béo: Như cá trích, cá cơm, cá thu, cá mòi, có hồi… cung cấp nhiều axit béo omega-3 chuỗi dài EPA và DHA giúp giảm protein phản ứng C (CRP).
- Các loại rau cải: Như bông cải xanh, mầm cải Brussels, cải xoăn… giàu sulforaphane. Chất chống oxy hóa này chống viêm bằng cách giảm mức độ cytokine và NF-kB gây viêm
- Quả bơ: Ăn nửa quả bơ mỗi ngày có thể giúp giảm các dấu hiệu viêm trong cơ thể.
- Trà xanh: Chứa EGCG ức chế viêm bằng cách giảm sản xuất cytokine tiền viêm và ngăn ngừa cytokine làm hỏng các axit béo trong tế bào của bạn.
- Ớt chuông: Chứa nhiều vitamin C và quercetin giúp chống viêm mạnh mẽ.
Ngoài ra, bạn nên kết hợp thêm các thực phẩm chống viêm sau vào bữa ăn mỗi ngày: Nho (ăn cả vỏ), các loại nấm, củ nghệ, dầu olive nguyên chất, chocolate đen (hàm lượng cacao lớn hơn 70%), cà chua, anh đào…
Bên cạnh đó, một số thực phẩm có thể thúc đẩy viêm các dấu hiệu viêm như CRP, làm tăng viêm và khiến các triệu chứng viêm sụn vành tai nặng hơn.
Thực phẩm nên kiêng:
- Đồ ăn vặt kém lành mạnh: Đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo…
- Carbohydrate tinh chế: Bánh mì trắng, mì ống, gạo trắng, bánh quy…
- Thực phẩm chiên rán: Khoai tây chiên, bánh rán, gà rán…
- Đồ uống có đường: Soda, trà ngọt, nước tăng lực, đồ uống thể thao, nước ép đóng hộp…
- Thịt chế biến: Thịt xông khói, thịt muối, thịt hộp, xúc xích…
- Chất béo chuyển hóa: Dầu hay mỡ rán đi rán lại nhiều lần, bơ thực vật…
Phòng ngừa viêm sụn vành tai hiệu quả
Mặc dù không phải tất cả các nguyên nhân gây viêm sụn vành tai đều có thể ngăn ngừa được, nhưng vẫn có một số điều bạn có thể làm để giảm khả năng xảy ra viêm sụn vành tai:
- Tránh đặt bất cứ vật nào vào tai, đặc biệt là các vật sắc nhọn.
- Không đặt bất kỳ áp lực cơ học không cần thiết lên tai, như dí sát điện thoại vào tai, đeo tai nghe quá chật, đội mũ bảo hiểm quá chật hoặc áp tai vào một mặt phẳng cứng nào đó.
- Khi chơi thể thao, nếu có thể, hãy đeo mũ bảo hiểm để bảo vệ tai khỏi chấn thương do tai nạn hoặc va chạm.
- Rửa tay sạch sẽ.
- Hạn chế chạm tay lên tai.
- Lựa chọn địa chỉ xỏ khuyên tai uy tín.
Những thông tin về viêm sụn vành tai bên trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán và phác đồ điều trị viêm sụn vành tai của bác sĩ.
Bởi vậy, bệnh nhân vẫn cần đi khám chuyên khoa ngay khi có những dấu hiệu bất thường trên tai để được điều trị hiệu quả nhất.
Đừng bỏ lỡ:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!