Viêm gan mạn tính: Triệu chứng và phương pháp điều trị
Nội dung bài viết
Viêm gan mãn tính là bệnh lý diễn ra kéo dài trong nhiều năm và ít gây ảnh hưởng vào giai đoạn đầu. Nếu gan cứ liên tục bị tổn thương mà không có các biện pháp cải thiện đúng cách sẽ dần bị xơ hóa và phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy gan, ung thư gan,… Dưới đây là những thông tin cần biết về bệnh viêm gan mạn tính bạn có thể tham khảo.
Viêm gan mạn tính là gì?
Viêm gan mạn tính là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương dẫn đến hoại tử do viêm diễn ra trong khoảng thời gian kéo dài hơn 6 tháng. Đây là bệnh lý khá ít gặp, khác với viêm gan cấp tính thì bệnh viêm gan mãn tính có thời gian ủ bệnh khá lâu, có thể là kéo dài từ nhiều năm cho đến vài chục năm. Viêm gan mãn tính là bệnh lý có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến gan, một số nguyên nhân gây ra bệnh thường gặp là sự xâm nhập gây hại của virus viêm gan, sức khỏe của hệ miễn dịch bị suy yếu, rối loạn chức năng gan,…
Khi bệnh mới phát triển ở giai đoạn đầu sẽ không quá nguy hiểm, bệnh chỉ gây ra một số triệu chứng đơn giản như mệt mỏi uể oải kéo dài và ăn không ngon. Nhưng nếu để bệnh diễn ra ở mức độ nghiêm trọng và liên tục tấn công gây hại vào tế bào gan sẽ khiến chúng có nguy cơ xơ hóa phát triển thành ung thư, thậm chí là làm suy giảm chức năng của não bộ.
Nguyên nhân gây bệnh viêm gan mạn tính
Viêm gan mạn tính là bệnh lý có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể là:
- Virus viêm gan: Virus viêm gan C, virus viêm gan B, virus viêm gan E là những tác nhân gây ra bệnh viêm gan mạn tính thường gặp nhất. Trong đó, có 70% trường hợp bị viêm gan C đã tiến triển sang giai đoạn mãn tính, còn viêm gan B chiếm từ 5 – 10% và hiếm gặp ở virus viêm gan E.
- Rượu: Rượu sau khi được cơ thể hấp thụ sẽ tiến hành chuyển hóa tại gan, trong quá trình phân hủy nồng độ cồn chúng sẽ tạo ra một số độc tố đối với gan. Nếu bạn có thói quen uống nhiều rượu bia sẽ kích thích gây hại đến gan và hình thành nên phản ứng viêm, tình trạng này tiếp tục diễn ra kéo dài sẽ khiến gan không có thời gian phục hồi và gây ra bệnh viêm gan mạn tính.
- Tác dụng phụ của thuốc Tây y: Viêm gan mạn tính cũng có thể xảy ra nếu bạn có thói quen lạm dụng một số loại thuốc Tây y gây hại cho gan như nitrofurantoin, isoniazid, methyldopa,…
- Nguyên nhân khác: Ngoài các nguyên nhân ở trên, bệnh viêm gan mãn tính cũng có thể hình thành do ảnh hưởng của nhiều bệnh lý khác nhau như viêm gan tự miễn, gan nhiễm mỡ, rối loạn di truyền,…
+ Yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Sống chung với người bị viêm gan B mãn tính
- Mắc bệnh HIV, viêm gan B hoặc viêm gan C
- Lây truyền từ mẹ sang con
- Quan hệ tình dục đồng giới
- Tiêm chích ma túy, dùng chung bơm kim tiêm
- Tính chất công việc tiếp xúc nhiều với máu người
- Chạy thận trong thời gian dài
- Xăm hoặc xỏ khuyên tại những địa chỉ không uy tín
Triệu chứng của bệnh viêm gan mạn tính
Thống kê y tế cho thấy, có đến 2/3 trường hợp bị viêm gan mãn tính diễn tiến âm thầm vào giai đoạn đầu và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khác thường nào. Chỉ đến khi bệnh đã bước vào giai đoạn xơ gan mới bắt đầu xuất hiện một số rối loạn chức năng gan.
Còn 1/3 số ca còn lại sẽ phát sinh triệu chứng ngay sau khi tiến hành điều trị bệnh viêm gan do virus nhưng không triệt để, chúng vẫn còn tồn tại trong cơ thể với số lượng vừa đủ để gây hại cho gan và tái phát bệnh. Một số triệu chứng của bệnh viêm gan mạn tính thường gặp là:
– Trường hợp nhẹ:
- Mệt mỏi kéo dài, đôi khi sẽ bị sốt nhẹ
- Cơ thể cảm thấy khó chịu, đặc biệt là vùng bụng trên rốn
- Ăn không ngon miệng, kém ăn và sụt cân không rõ nguyên do
– Trường hợp nặng:
- Da và mắt nhuốm vàng
- Lá lách phình to, ổ bụng tích dịch có dấu hiệu cổ trướng
- Nổi ban gây ngứa ngáy dưới da, lòng bàn tay có màu đỏ
- Mạch máu giãn nở có hình sao hoặc mạng nhện bên dưới da
- Rối loạn đông máu, da dễ bị bầm và chảy máu khi có tác động nhẹ
- Nước tiểu sậm màu, phân có mùi hôi khó chịu lẫn dầu mỡ
- Cơ bắp yếu dần, sụt cân không rõ nguyên do
- Suy giảm chức năng của não (gây ra triệu chứng não gan)
Ngoài các triệu chứng điển hình ở trên bệnh còn gây ra các ảnh hưởng khác như nổi nhiều mụn, mất kinh, xuất hiện các cơn đau cơ và khớp, mắc bệnh thiếu máu,…
Cách chẩn đoán bệnh viêm gan mạn tính
Khi nghi ngờ bản thân bị viêm gan mạn tính, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Nếu người bệnh có các triệu chứng điển hình của bệnh viêm gan mãn tính hoặc từng có tiền sử bệnh gan trước đó sẽ được xếp vào diện nghi ngờ mắc bệnh gan mãn tính.
Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chuyên khoa sau đây:
- Xét nghiệm máu: Thực hiện xét nghiệm máu để đo nồng độ men gan và một số chất do gan sản sinh ra. Đây là xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và mức độ tổn thương tại gan.
- Sinh thiết gan: Sinh thiết gan nhằm mục đích kiểm tra mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng như tốc độ diễn ra xơ hóa. Đồng thời, sinh thiết cũng giúp làm rõ được tác nhân gây ra bệnh.
- Xét nghiệm hình ảnh: Giúp quan sát cụ thể được vùng gan bị tổn thương và kiểm tra một số vấn đề khác tại gan. Một số xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng là chụp X-quang, chụp MRI,…
Các phương pháp điều trị bệnh viêm gan mạn tính
Sau khi trải qua quá trình thăm khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Ở mỗi trường hợp khác nhau sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào mức độ bệnh trạng cũng như nguyên nhân gây ra bệnh. Cụ thể là:
Điều trị nguyên nhân:
Xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan mãn tính có vai trò rất quan trọng đối với việc điều trị và kiểm soát biến chứng của bệnh. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà loại thuốc được kê đơn điều trị cũng sẽ khác nhau.
– Viêm gan mãn tính do virus sẽ được kê đơn điều trị bằng thuốc kháng sinh giúp loại bỏ bớt virus, ngăn chặn chúng tiếp tục hoạt động gây tổn thương đến gan. Cụ thể:
- Viêm gan B: Dùng thuốc tenofovir disoproxil, entecavir, fumarate, telbivudine, interferon alfa,…
- Viêm gan C: Dùng thuốc interferon alfa Pegylated, sofosbuvi, ribavirin hoặc chất ức chế protease,….
- Viêm gan E: Điều trị bằng thuốc Ribavirin
- Viêm gan tự miễn: Điều trị bằng corticosteroid, azathioprine hoặc thuốc ức chế miễn dịch
– Viêm gan mãn tính do rượu cần phải tiến hành cai rượu nhanh chóng để để tránh khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đẩy nhanh thời gian phát sinh biến chứng.
– Viêm gan do bệnh lý gây ra thì cần phải điều trị đặc hiệu giúp cải thiện dứt điểm tình trạng bệnh.
Điều trị biến chứng
Ở những trường hợp viêm gan đã phát sinh sang các biến chứng nặng nề như xơ gan, suy gan hoặc cổ trướng thì cần phải điều trị đúng cách.
- Nếu bệnh viêm gan mãn tính gây biến chứng sang não thì cần phải bổ sung một số loại thuốc hỗ trợ đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa biến chứng não gan.
- Ghép gan sẽ được chỉ định điều trị cho những trường hợp bệnh nặng nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng gan. Tuy nhiên, phương pháp này có cách thực hiện khá phức tạp và chi phí điều trị rất cao.
Lưu ý dành cho người bị viêm gan mạn tính
Để nâng cao khả năng kiểm soát bệnh, bên cạnh việc thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa thì trong chế độ sinh hoạt hàng ngày bạn cũng cần phải lưu ý một số điều dưới đây:
- Tuyệt đối nói không với rượu bia, nồng độ cồn trong thức uống này là độc tố đối với gan. Nếu bạn tiếp tục duy trì thói quen uống rượu bia sẽ thúc đẩy bệnh nhanh chóng phát sinh biến chứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Không sử dụng các loại thuốc Tây y điều trị bệnh có gây tổn thương nghiêm trọng đến gan. Hãy nói rõ với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng sức khỏe của bản thân mỗi khi được kê đơn thuốc điều trị bệnh để tránh các loại thuốc gây hại cho gan.
- Chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây lan bệnh cho người khác, đặc biệt là những trường hợp viêm gan mãn tính do virus gây ra. Tránh để máu của bản thân tiếp xúc với người khác như không dùng chung vật dụng cá nhân, không hiến máu, đeo bao cao su khi quan hệ,…
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin viêm gan theo quy định của Bộ Y tế. Hình thành cho bản thân thói quen sinh hoạt lành mạnh và tăng cường tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Thăm khám và làm kiểm tra chức năng gan định kỳ 6 tháng/lần, cách này giúp bạn sớm phát hiện các bệnh lý có liên quan để có các biện pháp can thiệp đúng ngay từ sớm. Tránh để lâu khiến bệnh chuyển biến nặng gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Viêm gan mạn tính là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Tốt nhất, bạn hãy trang bị cho bản thân đầy đủ các kiến thức cần thiết về căn bệnh này để có các biện pháp xử lý kịp thời nếu chẳng may mắc bệnh. Hy vọng, với những thông tin được chúng tôi chia sẻ ở trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!