Nước tiểu vàng có phải bị viêm gan? Loại nào?
Nội dung bài viết
Nước tiểu vàng là dấu hiệu cho thấy chức năng bài tiết và đào thải của cơ thể gặp vấn đề. Vậy, nước tiểu vàng có phải bị bệnh viêm gan không, loại nào? Để được giải đáp thắc mắc trên, bạn đọc có thể tham khảo thông tin được tổng hợp trong bài viết sau.
Nước tiểu vàng có phải là bị viêm gan? Loại nào?
Màu sắc của nước tiểu là một trong những dấu hiệu giúp phát hiện và chẩn đoán một số vấn đề ở gan, thận và các bệnh lý nội khoa. Thông thường, nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc màu vàng rơm do urobilin quy định. Urobilin được sản sinh trong quá trình phân hủy hemoglobin – sắc tố đỏ được giải phóng khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Màu vàng của nước tiểu có thể đậm hoặc nhạt tùy thuộc vào lượng nước dung nạp và chế độ ăn uống.
Tuy nhiên, nước tiểu vàng cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm gan. Thông thường, gan giữ chức năng bài tiết Bilirubin được hình thành do các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Chính vì vậy, nước tiểu thường chỉ có màu vàng nhạt do chỉ chứa urobilin. Tuy nhiên khi chức năng gan suy giảm, nồng độ Bilirubin có thể tăng lên đáng kể dẫn đến tình trạng nước tiểu có vàng sậm.
Ngoài ra, Bilirubin tăng cao còn gây vàng da và vàng mắt. Người bị viêm gan còn gặp phải tình trạng phân nhạt màu do gan giảm chức năng bài tiết Bilirubin, dẫn đến tình trạng Bilirubin bị đào thải thông qua đường tiểu. Lúc này, phân không chứa sắc tố Bilirubin nên không có màu sắc như bình thường mà chuyển sang màu nhạt hơn.
Tất cả các bệnh viêm gan như viêm gan A, B, C, D, E và viêm gan do rượu, do thuốc đều có thể gây ra tình trạng nước tiểu vàng. Tuy nhiên, triệu chứng này còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy để xác định nước tiểu vàng có phải do bệnh viêm gan không, bạn nên xem xét một số triệu chứng đi kèm khác như:
- Vàng da, vàng mắt
- Phân nhạt màu (thường có màu đất sét)
- Đầy chơi, chướng bụng
- Buồn nôn
- Ăn uống kém
- Đau nhức cơ thể
- Mệt mỏi, suy nhược
- Sốt nhẹ
- Mất ngủ
- Ngứa ngáy da, dễ nổi mề đay mẩn ngứa
Thực tế, việc chẩn đoán bệnh viêm gan chỉ qua triệu chứng nước tiểu vàng thường không chính xác. Vì vậy nếu nghi ngờ mắc các vấn đề về gan, bạn nên chủ động đến bệnh viện để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời. Tự xác định bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng có thể dẫn đến tình trạng sai lệch và áp dụng biện pháp điều trị không phù hợp.
Một số nguyên nhân khác gây nước tiểu vàng
Như đã đề cập, màu sắc của nước tiểu bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống, sử dụng thuốc và các bệnh lý nội khoa. Do đó ngoài bệnh viêm gan, tình trạng này cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như:
1. Uống ít nước
Thói quen uống ít nước có thể khiến nước tiểu có màu vàng sậm hơn so với bình thường. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao nước tiểu vào sáng sớm sau khi thức dậy thường có màu đậm hơn so với thời điểm khác trong ngày.
Cung cấp đủ nước giúp cơ thể thanh lọc độc tố, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và cân bằng điện giải. Ngoài ra, thói quen này còn giúp làm loãng các khoáng chất trong nước tiểu giúp nước tiểu có màu nhạt hơn và giảm mùi khai nồng.
2. Do thói quen ăn uống
Tình trạng nước tiểu có màu vàng còn có thể xảy ra do thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều gia vị và đạm hoặc các loại thực phẩm có màu vàng cam như nghệ, củ dền, quả mâm xôi, cam, cà rốt, thực phẩm chứa màu nhân tạo,…
Nguyên nhân là do sắc tố tạo màu trong các loại thực phẩm này (beta-carotene) được trung hòa trong nước tiểu và dẫn đến tình trạng nước tiểu có màu sậm hơn bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này nhanh chóng thuyên giảm khi ngừng sử dụng các loại thực phẩm kể trên.
3. Nước tiểu vàng do dùng thuốc
Tương tự như thực phẩm, một số loại thuốc cũng có thể chuyển hóa thành các hoạt chất làm đổi màu và mùi của nước tiểu. Đối với nước tiểu màu vàng, nguyên nhân có thể do sử dụng thuốc chứa beta-carotene (chất chống oxy hóa), vitamin B2, vitamin C,… Khi ngưng các loại thuốc này, màu sắc nước tiểu sẽ trở lại bình thường.
4. Biểu hiện của các bệnh đường tiết niệu
Ngoài ra, nước tiểu có màu vàng cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý ở đường tiết niệu như ung thư bàng quang, viêm bàng quang, sỏi thận, suy thận, viêm bể thận,… Tổn thương ở cơ quan tiết niệu khiến chức năng thanh lọc độc tố và bài tiết nước tiểu bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng nước tiểu thay đổi về màu sắc và mùi.
Ngoài triệu chứng nước tiểu màu vàng, các bệnh ở đường tiết niệu còn gây ra một số triệu chứng khác như nước tiểu đục, có kèm mủ, chất nhầy, tiểu buốt, tiểu nhiều, đau vùng bụng dưới, buồn nôn, sốt, mệt mỏi,… Các bệnh ở đường tiết niệu thường có mức độ nguy hiểm và dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, khi gặp phải các triệu chứng này, bạn cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
5. Thiếu máu tán huyết
Thiếu máu tán huyết là tình trạng tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn bình thường (thông thường mỗi tế bào hồng cầu có thể tồn tại được 120 ngày). Bệnh lý này có thể xảy ra do di truyền hoặc do các nguyên nhân khác như nhiễm trùng, ảnh hưởng của các bệnh tự miễn, cường lách, phản ứng truyền máu nặng,…
Tình trạng tế bào hồng cầu bị phá vỡ quá nhanh có thể khiến Bilirubin tăng lên đáng kể. Lúc này, gan không thể bài tiết hoàn toàn Bilirubin. Chính vì vậy, Bilirubin được bài tiết qua thận và khiến nước tiểu đổi thành màu vàng sậm.
6. Nước tiểu vàng do các bệnh nam khoa/ phụ khoa
Các bệnh lý phụ khoa và nam khoa thường gặp như lậu, Chlamydia,… có thể gây ra tình trạng nước tiểu vàng và sẫm màu hơn bình thường. Ngoài tình trạng này, bạn có thể nhận biết các bệnh nam khoa/ phụ khoa thông qua một số triệu chứng khác như ngứa, đau vùng kín, tiểu rát, đau khi quan hệ, dịch âm đạo có mùi hôi, dương vật đau khi cương cứng,…
7. Viêm tụy cấp
Tuyến tụy nằm phía sau dạ dày bên cạnh ruột non có chức năng giải phóng enzyme vào tá tràng nhằm tiêu hóa thức ăn và sản xuất insulin, glucagon (hormone kiểm soát đường huyết). Tuy nhiên, tuyến tụy có thể bị viêm do nghiện rượu, sỏi mật, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa hoặc do sử dụng thuốc.
Viêm tuyến tụy cấp đặc trưng bởi triệu chứng nước tiểu có màu vàng sậm, ợ hơi, buồn nôn và đau bụng. Bệnh lý này có tiến triển nhanh và dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời. Vì vậy, cần chủ động thăm khám và điều trị nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên.
8. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên, nước tiểu vàng còn có thể xảy ra do những bệnh lý sau:
- Alcapton niệu: Alcapton niệu là bệnh di truyền hiếm gặp do cơ thể không có khả năng chuyển đổi amino acid tyrosine khiến axit homogentisic bị dư thừa. Axit homogentisic dư thừa khiến da sẫm màu theo thời gian và khiến nước tiểu chuyển sang màu vàng sậm khi tiếp xúc với không khí.
- Bệnh Porphyria: Porphyria là rối loạn máu di truyền hiếm gặp gây ra khiếm khuyết trong quá trình tổng hợp hemoglobin. Bệnh có thể gây đổi màu nước tiểu, hình thành tổn thương da, da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, cơ thể mệt mỏi, táo bón, buồn nôn, nôn ói, đau ngực, tăng huyết áp, đau lưng,…
- Nhiệt độ môi trường cao: Nhiệt độ cao có thể khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi, gây mất nước, làm tăng nồng độ khoáng chất và khiến nước tiểu có màu vàng đậm. Nếu xảy ra do nguyên nhân này, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm như khát nước và mệt mỏi.
Có thể thấy, nước tiểu vàng không chỉ là biểu hiện của bệnh viêm gan mà còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, cần tránh tình trạng tự chẩn đoán bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng. Nếu tình trạng nước tiểu có màu vàng sậm xảy ra trong thời gian dài (ngay cả khi uống đủ nước) và đi kèm với các triệu chứng bất thường, nên chủ động thăm khám và điều trị trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!