Sảy thai (hư thai): Nguyên nhân, dấu hiệu, điều cần biết
Nội dung bài viết
Sảy thai (hư thai) là tình trạng thai chết và mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Đây chính là rủi ro lớn nhất và nghiêm trọng nhất của phụ nữ trong quá trình mang thai. Tình trạng này không chỉ làm phát sinh những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà còn khiến sức khỏe lâu dài của sản phụ bị ảnh hưởng. Để phòng ngừa hư thai, thai phụ cần nắm rõ nguyên nhân gây bệnh cùng các biểu hiện ban đầu giúp kịp thời xử lý.
Sảy thai là gì?
Sảy thai còn được gọi là hư thai. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng thai chết và mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Trong nhiều trường hợp, triệu chứng hư thai gần giống dấu hiệu mang thai nên khiến thai phụ bị nhầm lẫn. Thường kể từ thời điểm thụ thai đến đến tuần thứ 20 của thai kỳ, tình trạng sảy thai có thể diễn ra. Nguy cơ hư thai sẽ giảm đi khi thai nhi lớn hơn và được 30 tuần.
Các bất thường nhiễm sắc thể được xác định là nguyên nhân chính khiến tình trạng hư thai xảy ra. Bất cứ thai phụ nào cũng đều có nguy cơ bị hư thai. Tuy nhiên những đối tượng được liệt kê dưới đây có nguy cơ hư thai cao hơn mức bình thường:
- Mẹ bầu mắc các bệnh mạn tính.
- Phụ nữ mang thai nhẹ cân hay thừa cân đều có nguy cơ bị hư thai.
- Những người phụ nữ có tiền sử hư thai trước đó.
- Những bất thường xuất hiện trong tử cung của thai phụ như mô sẹo.
- Sử dụng thuốc, uống rượu và hút thuốc.
- Thụ thai ở phụ nữ lớn tuổi. Tỷ lệ hư thai ở phụ nữ có độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi dao động trong khoảng 20 – 30%, trong khi đó tỷ lệ hư thai ở phụ nữ 45 tuổi đạt đến 50%.
Nhiều nữ giới nóng lòng muốn có thai trở lại sau khi bị hư thai. Tuy nhiên các chuyên gia khuyên rằng, nữ giới nên mang thai trở lại sau khi sảy thai 3 tháng. Đây là khoảng thời gian vừa đủ để tâm lý, cơ quan sinh sản, tử cung và nội tiết cũng như toàn bộ cơ thể của phụ nữ được phục hồi.
Trong trường hợp sảy thai nhiều lần, nữ giới có thể bị vô sinh. Chính vì thế, để phòng ngừa suy giảm khả năng sinh sản, sản phụ nên hiểu rõ và nhận biết sớm những triệu chứng, dấu hiệu sảy thai. Sau đó nhanh chóng áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.
Các dạng sảy thai
Sảy thai có nhiều dạng. Đặc điểm của mỗi dạng có khả năng tác động lên cơ thể của phụ nữ mang thai một cách khác nhau. Một số dạng sảy thai phổ biến là:
- Dọa sảy thai: Dọa sảy thai có thể gây hư thai, khiến âm đạo bị chảy máu bất thường.
- Sảy thai không tránh được: Phụ nữ mang thai vẫn có thể tiếp tục thai kỳ nếu dọa sảy thai. Trong khi đó, sảy thai không tránh được khiến cổ tử cung mở, gây xuất huyết nặng, phụ nữ mang thai không thể tiếp tục thai kỳ.
- Sảy thai không hoàn toàn: Đây là hiện tượng một số mô thai gặp vấn đề và ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên số mô thai còn lại vẫn còn bên trong.
- Sảy thai hoàn toàn: Lúc này tất cả các mô thai đều gặp vấn đề và bị đào thải ra khỏi cơ thể.
- Sảy thai chết lưu: Mặc dù thai kỳ đã chấm dứt nhưng mô thai không bị đẩy ra ngoài mà còn trong cơ thể.
- Thai ngoài tử cung: Thai sẽ bị mất khi chửa ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung thể hiện cho tình trạng trứng thụ tinh làm tổ trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Đây đều là những vị trí mà thai nhi không thể sống và phát triển.
Dấu hiệu sảy thai
Một số dấu hiệu dưới đây có thể giúp bạn sớm phát hiện tình trạng sảy thai, bao gồm:
1. Chảy máu âm đạo
Trong nhiều trường hợp, hiện tượng chảy máu âm đạo không phải là triệu chứng cảnh báo của tình trạng sảy thai. Âm đạo bị chảy máu có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Chính vì thế, để chắc chắn nhất, sản phụ nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và xác định chính xác nguyên nhân gây chảy máu âm đạo.
Nếu hư thai là nguyên nhân gây chảy máu âm đạo, thai phụ sẽ nhận thấy cơ thể xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khác. Cụ thể:
- Hiện tượng co thắt mạnh gần giống với co thắt trong chu kỳ kinh nguyệt
- Máu chảy ra có màu đỏ tươi hoặc có màu nâu
- Máu chảy nhiều đến mức có thể thấm hết toàn bộ một miếng gạc trong 1 giờ đồng hồ. Trong nhiều trường hợp xuất huyết ít hơn và vón cục.
2. Chất nhầy âm đạo
Trong những tuần đầu tiên của thời kỳ mang thai, thai phụ có thể nhận thấy âm đạo tiết ra những mảng huyết dày kèm theo một lượng chất nhầy có màu xám hoặc màu hồng, xuất hiện hiện tượng chuột rút… Những bất thường này có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng sảy thai đã hoặc đang xảy ra.
Thai phụ cần chú ý phân biệt rõ chất nhầy tiết ra do hư thai với Leukorrhea và nước tiểu rỉ ra. Bởi trong suốt thời kỳ mang thai, tình trạng són tiểu hoặc âm đạo tăng tiết dịch có màu trắng sữa (Leukorrhea) hoặc tăng dịch tiết âm đạo không màu có thể xảy ra. Đây là những dấu hiệu bình thường, không đáng lo lắng bởi những dấu hiệu này chỉ xuất hiện trong thai kỳ khỏe mạnh.
3. Đau bụng dưới kèm chứng đau lưng
Khi nhận thấy cơ đau xuất hiện ở vùng bụng dưới kèm theo biểu hiện đau lưng, bạn cần sắp xếp thời gian đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và kiểm tra chi tiết.
Những cơn đau ở vùng thắt lưng thương xuất hiện và kéo dài dai dẳng hoặc cơn đau có thể xảy ra với mức độ nghiêm trọng, đau từng cơn có thể là triệu chứng cảnh báo bạn đã sảy thai, nhất là khi thai phụ không bị xuất huyết. Những cơn co thắt thường nghiêm trọng, rất đau đớn và xuất hiện cách nhau từ 15 đến 20 phút.
Tuy nhiên ở một số trường hợp khác, những cơn co thắt này xuất hiện khi cơ thể của thai phụ đang điều chỉnh để thích nghi với quá trình phát triển của bào thai.
4. Mất triệu chứng thai nghén
Các triệu chứng thai nghén mất đi có thể là triệu chứng cảnh báo sản phụ đã bị sảy thai. Những dấu hiệu được liệt kê dưới đây có thể giúp bạn nhận biết thai phụ đã mất những triệu chứng thai nghén:
- Cảm giác buồn nôn không còn hoặc ít khi xuất hiện
- Nồng độ hormone trong cơ thể của nữ giới trở lại bình thường
- Không còn cảm giác mang thai khi dấu hiệu đau và sưng của đầu vú giảm đi.
5. Khám thai
Thai phụ có thể không thể nhận biết mình có bị hư thai hay chưa mặc dù đã dựa vào những dấu hiệu nêu trên. Vì thế, nếu có nghi ngờ hư thai, bạn nên trực tiếp trao đổi thông tin cùng với bác sĩ chuyên khoa, sau đó tiến hành thăm khám theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng, thai phụ có thể được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm quan trọng. Điển hình như: Xét nghiệm máu, siêu âm, kiểm tra vùng chậu để chẩn đoán chính xác khả năng sống sót của thai nhi.
6. Một số dấu hiệu khác
Ngoài các triệu chứng và dấu hiệu nêu trên, phụ nữ mang thai có thể dựa vào những triệu chứng được liệt kê dưới đây để sớm nhận biết tình trạng hư thai:
- Tiết dịch âm đạo
- Chuột rút
- Sốt
- Thử thai âm tính
- Không có chuyển động thai
- Thử máu beta hCG giảm dần, thử que vạch mờ dần.
Nguyên nhân gây sảy thai
Tình trạng sảy thai có thể xuất hiện do một số nguyên nhân sau:
1. Vấn đề về nhau thai
Tình trạng sảy thai (đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ) thường phát sinh do bào thai gặp vấn đề, quá trình phát triển của bào thai bị ảnh hưởng.
Nhau thai được xác định là cơ quan kết nối mẹ và cơ thể của thai nhi, có tác dụng vận chuyển chất dinh dưỡng sang thai nhi từ cơ thể mẹ để phục vụ cho quá trình phát triển của bé. Chính vì thế, nếu nhau thai bị tổn thương hoặc có vấn đề, sự phát triển và tăng trưởng của bé sẽ bị ảnh hưởng, gây sảy thai ở trường hợp nghiêm trọng.
2. Những vấn đề về nhiễm sắc thể
Theo kết quả thống kê, có khoảng 50% trường hợp sảy thai trong 3 tháng đầu thai kỳ liên quan đến những vấn đề về nhiễm sắc thể. Nguyên nhân là do hợp tử hình thành trong thời gian thụ tinh giữa trứng và tinh trùng gặp vấn đề hoặc mất cân bằng về số lượng nhiễm sắc thể. Trong trường hợp này có thể là thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể.
3. Tình trạng sức khỏe của người mẹ
Việc thai phụ mắc bệnh khi mang thai, điển hình như bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh thận, lupus ban đỏ và những vấn đề về tuyến giáp có thể khiến nguy cơ hư thai tăng cao.
4. Mất cân bằng nồng độ hormone
Nồng độ hormone trong cơ thể đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Điển hình như hormone progesterone đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp nhau thai bám chắc vào thành tử cung. Trong trường hợp nồng độ hormone progesterone trong cơ thể mẹ không đủ thì nhau thai sẽ dễ bong tróc, cuối cùng dẫn đến sảy thai.
5. Rối loạn miễn dịch
Khi hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động dưới mức hoặc quá mức, nguy cơ dẫn đến tái diễn có thể xảy ra. Điều này có nghĩa, cơ thể của người mẹ lúc này không chấp nhận hiện tượng mang thai.
6. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, nữ giới có thể bị hư thai do sự tác động của một số tình trạng dưới đây:
- Thai phụ mắc bệnh truyền nhiễm: Tình trạng truyền nhiễm, nhiễm khuẩn có thể tác động khiến túi ối bị vỡ sớm hoặc kích thích cổ tử cung mở quá nhanh.
- Ngộ độc thực phẩm: Hư thai có thể phát sinh do tình trạng ngộ độc thực phẩm.
- Cấu trúc tử cung: Những bất thường xảy ra ở tử cung như tử cung hai sừng, tử cung một sừng, tử cung có vách ngăn… có thể gây hư thai.
- Hở eo cổ tử cung: Hư thai có thể phát sinh từ tình trạng hở eo cổ tử cung. Khó có thể giữ được thai nhi nếu cổ tử cung của thai phụ quá yếu.
Biện pháp phòng ngừa sảy thai
Dựa vào những nguyên nhân dẫn đến sảy thai, các chuyên gia và bác sĩ Sản phụ khoa đã đưa ra một số biện pháp giúp phòng ngừa sảy thai như sau:
- Trước khi mang thai, hai vợ chồng cần đi khám tiền hôn nhân để được kiểm tra và đánh giá sức khỏe của cả hai.
- Hạn chế lao động nặng khi đang mang thai.
- Sinh sống và làm việc trong môi trường trong lành, không có áp lực công việc. Bên cạnh đó thai phụ cần tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu và hạn chế ăn thực phẩm cay nóng trong quá trình mang thai.
- Nên sớm thăm khám sức khỏe khi có dấu hiệu chậm kinh để kiểm tra vị trí của thai nhi, xác định thai đã vào trong tử cung hay chưa. Trong nhiều trường hợp nữ giới chửa ngoài tử cung nhưng lại nhầm lẫn với dọa sảy thai dẫn đến nguy hiểm.
- Thường xuyên đến bệnh viện và tiến hành xét nghiệm sàng lọc thai theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
- Nếu thai phụ có tiền sử sảy thai hoặc dọa sảy thai bạn cần kiêng quan hệ vợ chồng.
- Sản phụ nên hạn chế đến những vùng có dịch bệnh. Đồng thời phòng ngừa các dịch bệnh bằng cách tiêm phòng trước khi mang thai
- Uống vitamin trước khi sinh.
- Phụ nữ mang thai cần tránh thêm vào khẩu phần ăn một số loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe của thai nhi lẫn thai phụ. Cụ thể như các loại phô mai mềm (màu xanh hoặc màu trắng), các loại pate, trứng chưa chín hẳn hoặc trứng sống, thịt chưa chín hẳn hoặc thịt sống, gan động vật…
- Kiểm soát cân nặng trước và trong thời kỳ mang thai, thai phụ lưu ý luôn giữ cho cân nặng phù hợp, khỏe mạnh, không quá gầy và không quá mập. Bởi nguy cơ hư thai sẽ tăng cao khi bạn bị thừa cân béo phì. Một người có chỉ số khối cơ thể MI >30 được coi là béo phì.
- Cố gắng tránh mắc bệnh Rubella (nhiễm trùng cấp tính) và các dạng nhiễm trùng khác trong thời kỳ mang thai.
Tình trạng sảy thai được chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán hư thai và cung cấp những thông tin liên quan, bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu thai phụ tiến hành siêu âm. Việc siêu âm có thể xác định được nhịp tim của thai nhi và cung cấp nhiều thông tin quan trọng khác.
Ngoài ra kỹ thuật siêu âm cũng được sử dụng để xác định tuổi của thai nhi. Trong trường hợp thụ thai đã lâu (tính theo ngày có kinh cuối cùng) mà kết quả siêu âm không cho thấy nhịp tim và bọc thai quá nhỏ, không có sự phân chia đầu đuôi thì có khả năng thai đã hư, thai chết và không phát triển tử lâu.
Trong trường hợp xuất huyết nhưng siêu âm cho ra kết quả không rõ ràng, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định xét nghiệm định lượng nồng độ hormone beta-HCG trong máu. Xét nghiệm này được thực hiện vào hai ngày (1 lần/ ngày) cách nhau một tuần.
Trong trường hợp nồng độ hormone beta-HCG trong máu tăng lên gấp 3 – 4 lần thì thai vẫn đang phát triển. Trong trường hợp nồng độ hormone beta-HCG tăng nhưng không nhiều có thể nữ giới đang mang thai ngoài tử cung. Trong trường hợp hormone beta-HCG giảm là do thai hư.
Phương pháp điều trị sảy thai
Để quá trình điều trị hư thai đạt hiệu quả, trước hết bác sĩ chuyên khoa sẽ quan sát, kiểm tra và chờ xem số lượng mô thai còn lại có ra ngoài hay không, đồng thời kiểm tra tình trạng xuất huyết có tự ngừng không. Sau đó bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp thai phụ điều trị ngoại khoa hoặc điều trị nội khoa.
- Điều trị nội khoa: Điều trị nội khoa được thực hiện với mục đích lấy lượng mô thai còn sót lại ra khỏi cơ thể. Sau đó thai phụ cần nằm viện theo dõi trong một thời gian ngắn và máu âm đạo có thể chảy đến đến 3 tuần sau đó.
- Điều trị ngoại khoa: Trong điều trị ngoại khoa, bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện thủ thuật nạo lòng tử cung và nong cổ tử cung (D&C) để loại bỏ hoàn toàn lượng mô còn sót lại. So với phương pháp điều trị nội khoa, thời gian xuất huyết sẽ được rút ngắn khi điều trị ngoại khoa.
Vấn đề mang thai sau sảy thai
Hầu hết những yếu tố và nguyên nhân gây hư thai nằm ngoài khả năng kiểm soát của phụ nữ mang thai. Tuy nhiên bạn có thể thực hiện những biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ hư thai khi mang thai vào những lần sau:
- Dành thời gian thư giãn, hồi phục sức khỏe, nâng cao thể chất và làm lành những tổn thương về mặt tinh thần sau khi thai nhi mất đi.
- Tìm gặp và trao đổi rõ hơn với bác sĩ chuyên khoa về thời điểm thích hợp cho lần mang thai tiếp theo. Thông thường bác sĩ sẽ khuyên bạn đợi một khoảng thời gian nhất định để cơ thể được ổn định, tử cung, nội tiết và cơ thể được hồi phục hoàn toàn (khoảng 3 tháng).
- Nữ giới nên thực hiện đúng lịch trình thăm khám tiền sản theo chỉ định của bác sĩ, có thể thăm khám định kỳ thường xuyên hơn so với thông thường.
- Tránh xa thuốc lá, những loại thuốc điều trị bất lợi cho thai nhi, không uống rượu bia để thai kỳ tiếp theo khỏe mạnh nhất có thể.
- Phụ nữ mang thai thường mắc bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh tiểu đường. Khi mang thai bạn cần đảm bảo rằng những bệnh lý này đã được kiểm soát.
- Giữ trọng lượng cơ thể đạt mức lành mạnh.
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tốt nhất thai phụ nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, rau quả, trái cây và ngũ cốc.
- Lưu ý cắt giảm lượng caffeine, lượng caffeine trong một ngày cần được giới hạn ở mức 200mg hoặc ít hơn, tương đương với một tách cà phê.
Sảy thai là một tình trạng nguy hiểm, xảy ra do nhiều nguyên nhân và yếu tố tác động. Đặc biệt nguy cơ hư thai sẽ cao hơn vào 3 tháng đầu của thai kỳ. Do đó bạn cần sớm phát hiện và khám thai lần đầu, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hư thai, chăm sóc tốt cho cơ thể và thai nhi. Trong trường hợp tiết dịch, chảy máu âm đạo bất thường hoặc xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường khác, thai phụ nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được kiểm tra và chữa trị.
Bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!