Lịch khám thai định kỳ chuẩn – Bầu cần sắp xếp đi đủ
Nội dung bài viết
Trong quá trình mang thai, phụ nữ sẽ được bác sĩ sắp xếp lịch khám thai định kỳ theo từng giai đoạn. Thông qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu có những bất thường xảy ra có thể điều chỉnh kịp thời, hạn chế rủi ro cho cả mẹ và bé.
Khám thai định kỳ là gì? Có cần thiết không?
Khám thai định kỳ là một trong những việc quan trọng mà các mẹ bầu nên thực hiện đầy đủ. Thời gian mang thai, cơ thể sẽ có nhiều biến đổi cả về mặt sinh lý và tâm lý. Việc kiểm tra và theo dõi sự phát triển của thai nhi sẽ giúp mẹ sớm phát hiện các vấn đề. Từ đó, các bác sĩ sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp, bảo vệ sự an toàn cho sức khỏe của mẹ và con.
Dựa vào kết quả có được qua những lần thăm khám, mẹ bầu có thể biết được tình hình sức khỏe của thai nhi, biết được sự phát triển của con có ổn định không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể tư vấn cho mẹ bầu bổ sung thêm các chất bị thiếu hụt để thai kỳ được khỏe mạnh hơn.
Một vài xét nghiệm như siêu âm, nghe tim thai,…chỉ cho kết quả chính xác tại một thời điểm. Trong khi thai nhi sẽ phát triển mỗi ngày, làm cho các kết quả trước đó trở nên không còn chính xác. Chính vì thế, bạn nên thực hiện chu kỳ khám thai theo đúng lịch mà bác sĩ đã đưa ra.
Theo thống kế, tỷ lệ thai nhi được thăm khám định kỳ sẽ có cơ hội sinh ra khỏe mạnh nhiều hơn so với các bé không được thăm khám thường xuyên. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn phải đối mặt với nguy cơ sảy thai hoặc bị sinh non nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. So với các bé được thăm khám định kỳ thì cân nặng của các bé ít được thăm khám sẽ nhẹ và trông yếu ớt hơn.
Kể từ lần đầu tiên khám thai, bác sĩ sẽ cho các mẹ lịch chi tiết các lần thăm khám cần thiết tiếp theo. Thông thường, trong khoảng 6 tháng đầu, mỗi tháng mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ sản khoa 1 lần. Sau khi bước sang tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối) thời gian tái khám sẽ gần nhau hơn.
Tuy nhiên, tùy theo tình trạng của từng người mà lịch hẹn có thể nhiều hoặc ít hơn. Cụ thể, đối với trường hợp mang thai lần đầu tiên, trung bình mẹ bầu phải khám thai đình kỳ từ 10 – 15 lần. Đối với trường hợp đã sinh con trước đó, thời gian thăm khám có thể giãn cách dài hơn. Tuy nhiên số lần khám thai sẽ không ít hơn 7 lần trong suốt quá trình mang thai.
Lịch khám thai định kỳ chuẩn cho mẹ bầu
Để bạn đọc có thể dễ dàng nắm được lịch khám thai định kỳ cho bà bầu chuẩn nhất, dưới đây là các mốc thời gian cần lưu ý:
Lịch khám thai định kỳ giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên
Trong thời gian tam cá nguyệt đầu diễn ra, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định thăm khám thêm 2 lần cố định kể từ lần khám thai thứ nhất. Cụ thể:
– Khám thai lần đầu tiên:
Thông thường, khi phát hiện chậm kinh và thử thai có kết quả. Mẹ bầu sẽ tiến hành thăm khám thai kể từ tuần thứ 5 – 8. Khoảng thời gian này được xem là mốc quan trọng, giúp xác định kết quả thử thai có chính xác không, cũng như nhận diện nơi mà phôi thai đang làm tổ.
Khi đến thăm khám tại bệnh viện hoặc các cơ sở sản phụ khoa uy tín, chị em phụ nữ sẽ được bác sĩ kiểm tra và thực hiện một vài xét nghiệm cơ bản như:
- Đo chiều cao và cân nặng, xác định chỉ số BMI. Nếu chị em bị dư cân, có dấu hiệu béo phì, các bác sĩ sẽ giúp bạn tìm cách kiểm soát cân nặng để duy trì thai kỳ khỏe mạnh. Đồng thời, thông qua đó mà cả mẹ và em bé trong bụng tránh được các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
- Kiểm tra huyết áp và nguy cơ tiền sản giật.
- Kiểm tra nồng độ hCG (hormone được sản sinh khi mang thai) trong nước tiểu. Nếu có, có thể xác định phụ nữ đang mang thai. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp kiểm tra mức độ phát triển của phôi thai có ổn định không.
- Siêu âm nhằm xác định vị trí của phôi thai. Bên cạnh đó, phương pháp này còn có giúp bác sĩ thể phát hiện các dấu hiệu mang thai ngoài tử cung.
- Dự đoán ngày chào đời cho thai nhi và tính tuổi thai dựa vào ngày ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
- Xét nghiệm máu kiểm tra một số bệnh lý mẹ bầu có thể mắc phải như: bệnh sởi, bệnh viêm gan B, thủy đậu, HIV,…Ngoài ra, bác sĩ sẽ xác định được nồng độ hemoglobin, Rh, nhóm máu của mẹ và kháng thể đậu mùa,…
Nếu nhận thấy cơ thể người mẹ gặp phải một số vấn đề, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để khắc phục như:
- Tư vấn cho mẹ bầu bổ sung thêm axit folic (có vai trò ngăn ngừa tình trạng thai nhi bị nứt đốt sống). Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu mẹ bầu bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết khác để thai nhi được phát triển ổn định, khỏe mạnh.
- Cảnh báo về những vấn đề có thể xảy đến nếu mẹ bầu duy trì lối sống không lành mạnh. Chẳng hạn như làm việc nặng nhọc, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,…
- Đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu tiến hành thêm các xét nghiệm cần thiết trước khi sinh.
Bên cạnh đó, trong lần đầu khám thai mẹ bầu cũng phải cung cấp thêm các thông tin đến thai kỳ như:
- Chu kỳ kinh nguyệt trước đó như thế nào?
- Có từng sảy thai, sinh non, nhiễm trùng hay mắc tiền sản giật khi mang thai trước đó không?
- Có mắc bệnh mãn tính hoặc bị đái tháo đường, huyết áp cao không?
- Có đang sử dụng thuốc điều trị nào không (Nếu có, cần đưa bác sĩ xem toa thuốc và loại thuốc mà mẹ bầu đang sử dụng)?
- Có người thân nào trong gia đình hoặc bản thân bị dị tật bẩm sinh không?
- Có người thân hoặc bản thân có bị bệnh tế bào hình liềm hay xơ nang không?
Sau khi đã thực hiện các phương pháp khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ được bác sĩ đặt lịch hẹn cho lần thăm khám tiếp theo. Thông thường, thời gian cần thiết là 4 tuần sau đó. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lịch hẹn sẽ nhanh hơn từ 1 – 2 tuần. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ và tình trạng của em bé trong bụng. Tốt nhất, để đảm bảo, bạn nên thực hiện theo đúng lịch của bác sĩ.
– Khám thai lần thứ 2: Thai nhi được khoảng 8 tuần tuổi
Trường hợp bác sĩ siêu âm chưa thấy tim thai hay nhận thấy phôi thai gặp vấn đề, bạn sẽ được hẹn đến khám lần thứ 2. Thời gian này thai đã được khoảng 8 tuần tuổi. Các biện pháp thăm khám giống với lần đầu tiên như đo huyết áp, kiểm tra cân nặng, chiều cao, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm. Thông qua đó, bác sĩ có thể một lần nữa xác định và theo dõi sự phát triển của thai nhi.
– Khám thai lần thứ 3: Thai nhi được 10 – 13 tuần tuổi
Bắt đầu bước sang tuần thứ 10, ngoài các biện pháp thăm khám bình thường đã nêu bên trên, bạn sẽ được thực hiện thêm các xét nghiệm khác liên quan:
- Xét nghiệm thalassemia: Xác định bệnh thiếu máu di truyền, thiếu oxy khiến hồng cầu bị vỡ ở thai nhi có xảy ra không.
- Đo nhịp tim thai bằng dụng cụ Doppler: Thực hiện dựa vào vị trí của thai nhi bên trong tử cung và ngày dự sinh cũng như cân nặng hiện tại của người mẹ. Bạn có thể nghe được nhịp tim của con trong lần khám thai này.
- Xét nghiệm Double test và siêu âm: Thực hiện khoảng tuần 11 – 13 để kiểm tra thai nhi có bị dị tật, mắc bệnh Down không.
Trường hợp sau khi kiểm tra và đo độ mờ da gáy phát hiện em bé có nguy cơ bị bệnh do di truyền, người mẹ sẽ được chỉ định thêm phương pháp xét nghiệm sinh thiết gai nhau. Cách này giúp nhận biết được tình trạng thực tế của thai nhi. Tuy nhiên, đây là xét nghiệm xâm lấn có thể khiến thai phụ sảy thai và chỉ được thực hiện dựa trên chẩn đoán và các xem xét của bác sĩ.
Lịch khám thai định kỳ giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai
Tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu từ tuần 14 cho đến tuần 27 lẻ 6 ngày. Thời gian này, mẹ bầu sẽ được chỉ định khám thai định kỳ mỗi tháng 1 lần. Nếu thông qua thăm khám, người mẹ hoặc thai nhi gặp một số vấn đề, lịch hẹn sẽ được rút ngắn lại. Trường hợp mẹ bầu thiếu dưỡng chất vẫn được bác sĩ kê toa bổ sung các viên uống canxi, sắt hoặc các khoáng chất cần thiết.
– Khám thai lần thứ 4: Thai nhi 14 – 16 tuần tuổi
Một số kiểm tra sẽ được thực hiện khi mẹ bầu đến khám thai lần thứ 4 tính từ lần đầu tiên khám thai như: kiểm tra cân nặng, huyết áp, nước tiểu, thử máu và nghe tim thai. Trong đó, thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ nhận biết sớm các vấn đề của thai nhi (mắc bệnh Down, nứt đốt sống,…).
Sau khi đã thăm khám xong, mẹ bầu sẽ được bác sĩ kê toa dùng thêm các viên uống bổ sung nếu cơ thể thiếu dưỡng chất. Việc này giúp ổn định dinh dưỡng cho cơ thể cả mẹ và con.
– Khám thai lần thứ 5: Thai nhi 16 – 20 tuần tuổi
Tương tự như các lần khám thai trước đó, mẹ bầu cũng được thực hiện các bước thăm khám như đo huyết áp, cân nặng, nghe tim thai, đo tử cung để tính tuổi thai. Ngoài ra, trong lần khám thai thứ 5 này, một số xét nghiệm liên quan cũng được tiến hành:
- Xét nghiệm nước tiểu: Thông qua kết quả, bác sĩ sẽ biết được lượng đường thai kỳ, nồng độ protein. Nếu có thay đổi, dự đoán nguy cơ thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ hay tiền sản giật sẽ được bác sĩ chỉ định điều chỉnh cho phù hợp.
- Siêu âm: Theo dõi sự phát triển của thai nhi và dung lượng nước ối bên trong tử cung.
- Chọc ối: Thực hiện khi thai nhi được chẩn đoán có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Thông thường sẽ được tiến hành khi thai nhi được 15 – 18 tuần tuổi. Xét nghiệm có kết quả trong vòng 24 giờ, một số trường hợp phải đợi lâu hơn (4 tuần). Tỷ lệ sảy thai khi xét nghiệm chọc ối là 1%.
- Xét nghiệm Triple test: Xét nghiệm máu trong khoảng thời gian tuần 15 – tuần 20 của thai kỳ để chẩn đoán sức khỏe thai nhi. Nếu có các rối loạn, dị tật có thể kịp thời xử trí.
Khi có được kết quả thăm khám, các bác sĩ sẽ kê toa cho thai phụ sử dụng thêm thực phẩm bổ sung nếu cần thiết.
– Khám thai lần thứ 6: Thai nhi 20 – 24 tuần tuổi
Ở lần khám thai thứ 6, thai phụ vẫn tiếp tục được theo dõi các chỉ số về huyết áp, cân nặng, nhịp tim thai. Ngoài ra, các xét nghiệm nước tiểu, siêu âm cũng được thực hiện. Đặc biệt, khi bước vào tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ được siêu âm 4D. Thông qua đó, bác sĩ sẽ kiểm tra hình dáng của thai nhi được rõ nét hơn, loại trừ các bất thường cũng như kiểm tra xem nhau thai đang bám vào vị trí nào, lượng nước ối có gì bất ổn không.
Nếu nhận thấy em bé xuất hiện các vấn đề về thể chất, bác sĩ sẽ cân nhắc và thông báo cho bạn có nên đình chỉ thai nghén không. Đây là cách để bảo vệ sức khỏe cho mẹ bầu. Đình chỉ thai nghén thường được tiến hành trước tuần 24 thai kỳ.
– Khám thai lần thứ 7: Thai nhi 24 – 27 lẻ 6 ngày tuổi
Các chỉ số về cân nặng, huyết áp, nhịp tim thai, khoảng cách tử cung vẫn được bác sĩ tiến hành thăm khám thu thập. Bên cạnh đó, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm cũng được tiến hành song song. Ngoài ra, thời gian này, thai nhi đã phát triển hoàn thiện hơn, mẹ sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số kiểm tra như:
- Tầm soát tiểu đường thai kỳ: Nếu nhận thấy những mối nguy cơ có thể đe dọa cho sức khỏe của mẹ và bé, các bác sĩ sẽ điều chỉnh, xử lý. Các biện pháp khắc phục có thể kể đến như việc cân bằng lại dinh dưỡng, thực hiện tập luyện hoặc bổ sung thêm insulin.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện nhằm tìm kiếm yếu tố Rh âm tính. Trường hợp trong máu của thai phụ xuất hiện nhóm máu này, mẹ bầu sẽ được thực hiện thêm một vài xét nghiệm máu khác. Rh âm tính là kháng thể chống lại Rh dương tính của thai nhi. Chính vì thế, nếu kết quả thu được cho thấy đã có vấn đề này xảy ra, em bé sẽ được theo dõi kỹ hơn. Một số trường hợp globulin miễn nhiễm Rh sẽ được bác sĩ tiêm vào cơ thể người mẹ để ngăn cản sự hình thành kháng thể.
Lịch khám thai định kỳ giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba
Lịch khám thai giai đinh kỳ cho bà bầu đoạn tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối) sẽ được sắp xếp gần nhau hơn. Đặc biệt, khi thai nhi đạt khoảng 36 tuần tuổi, thai phụ sẽ bắt đầu thăm khám mỗi tuần 1 lần để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Lúc này, nếu thai phụ gặp các vấn đề về sức khỏe hoặc nhận thấy các biểu hiện lạ nên thông báo ngay cho bác sĩ sản khoa.
Trong lần khám thai này, thai phụ vẫn được theo dõi nhịp tim của con. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra kích thước của tử cung và ước tính kích thước thai nhi. Thông qua đó, mức độ tăng trưởng của em bé cũng sẽ được xác định rõ nét hơn. Trường hợp có bất thường xảy ra, thai phụ sẽ tiếp tục được siêu âm 4D. Nếu cần thiết, mẹ bầu sẽ được kê toa sử dụng vi chất dinh dưỡng.
– Khám thai lần thứ 8 – 10: Thai nhi 28 – 36 tuần tuổi
Bên cạnh kiểm tra chỉ số cân nặng, huyết áp và khám thai như các lần thăm khám trước, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm cho thai phụ:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Siêu âm kiểm tra ngôi thai. Nếu ngôi thai ngược có thể được bác sẽ hướng dẫn cách xoay lại theo tự nhiên. Ngoài ra, thông qua kết quả siêu âm, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra được độ mở của tử cung, dự đoán thời gian sinh con.
- Tiêm ngừa uốn ván thai kỳ: Vắc-xin uốn ván sẽ được tiêm vào cơ thể thai phụ trong giai đoạn này. Thông thường, thời gian giữa 2 mũi tiêm sẽ là 1 tháng. Tiêm ngừa sẽ giúp thai nhi phòng tránh được bệnh uốn ván.
- Xét nghiệm NST (non-stress): Từ tuần 28 trở đi, thai phụ có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Kết quả thu được sẽ cho thấy sức khỏe và mức độ thu nhận oxy của thai nhi.
Bước sang tuần 30, những dấu hiệu thay đổi trong cơ thể người mẹ sẽ bắt đầu rõ nét và có tần suất xảy ra thường xuyên hơn. Cụ thể là việc thai nhi cử động (4 lần/ giờ). Ngoài ra, nếu bạn có những bất thường sau đây, nên thăm khám ngay: đau bụng, âm đạo chảy nước hoặc có máu, thai máy ít hoặc khá yếu.
– Khám thai lần thứ 11 – 14: Thai nhi 36 – 40 tuần tuổi
Đến giai đoạn này, em bé gần như đã sẵn sàng chào đời. Chính vì thế, mẹ cần khám thai mỗi tuần 1 lần để kịp thời nhận biết các dấu hiệu sinh con. Các phương pháp kiểm tra vẫn được các bác sĩ tiến hành bình thường. Tuy nhiên, trong giai đoạn này thai phụ sẽ được kiểm tra thêm vùng xương chậu để xác định có khả năng sinh thường không hay cần can thiệp bằng phẫu thuật.
Trường hợp nhận thấy thai phụ có dấu hiệu sa bụng, bác sĩ sẽ giúp mẹ bầu sớm nhận biết các dấu hiệu chuẩn bị sinh. Từ đó, giúp thai phụ nhập viện kịp thời để quá trình chuyển dạ diễn ra thuận lợi.
– Khám thai lần thứ 15: Thai nhi 40 – 42 tuần tuổi
Một số trường hợp mẹ bầu cho đến giai đoạn này vẫn chưa có dấu sinh sẽ được bác sĩ khám và siêu âm. Nước ối và tình trạng em bé sẽ được kiểm tra cẩn thận. Thông qua đó, bác sĩ sẽ cân nhắc có nên để thai phụ chờ hay can thiệp y khoa để đón em bé ra đời.
Trên đây là lịch khám thai định kỳ cho mẹ bầu, hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin bổ ích. Khám thai là việc hết sức cần thiết để duy trì trạng thái thai kỳ tốt nhất mà các mẹ bầu không nên bỏ qua. Tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn có được thời gian mang thai nhẹ nhàng và ít rủi ro.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!