Viêm gan B ở trẻ em: Dấu hiệu, điều trị và lưu ý
Nội dung bài viết
Viêm gan B ở trẻ em là nỗi lo lắng của nhiều bậc phụ huynh. Bởi đây là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Bệnh phát sinh do sự xâm nhập của virus viêm gan B (Hepatitis B Virus – HBV). Trên lâm sàng, viêm gan B ở trẻ em có nhiều đặc điểm không giống với người lớn. Bên cạnh đó, phương pháp và quá trình chữa bệnh viêm gan mãn tính ở bệnh nhi cũng phức tạp hơn. Vì thế trẻ cần được bảo vệ ngay từ trong bụng mẹ.
Viêm gan B ở trẻ em là gì?
Viêm gan B là một bệnh về gan có mức độ nguy hiểm cao. Bệnh có khả năng gây nhiễm trùng tế bào gan khiến những tế bào này nhanh chóng tổn thương và suy giảm chức năng. Hơn thế bệnh có khả năng gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu, viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy gan mạn tính, xơ gan và bệnh ung thư gan. Bệnh viêm gan do HBV có thể tiến triển ở bất kỳ đối tượng nào. Trong đó có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong trường hợp người lớn bị viêm gan B, việc thăm khám và áp dụng các phương pháp chữa trị chuyên sâu có thể dễ dàng loại bỏ virus. Tuy nhiên nếu xảy ra ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và một vài trường hợp đặc biệt đối với người lớn, virus viêm gan B thường khó bị loại bỏ, quá trình điều trị không thể chữa dứt điểm bệnh lý.
Viêm gan B ở trẻ em xảy ra do đâu?
Bệnh viêm gan B xảy ra do cơ thể bị nhiễm virus viêm gan B (Hepatitis B Virus – HBV). Loại virus này có khả năng lây nhiễm qua 3 con đường. Cụ thể đường máu, đường từ mẹ sang con và đường tình dục.
Hepatitis B Virus truyền từ mẹ sang con là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị viêm gan B. Thực tế cho thấy, ở những nước Châu Á, lây truyền virus từ mẹ sang con là đường lây truyền thường gặp của bệnh viêm gan B. Nguyên nhân là do nhiều người chưa được tiêm phòng đầy đủ, kiến thức bảo vệ sức khỏe của người dân còn hạn chế. Tại Việt Nam có trên 10% thai phụ bị nhiễm Hepatitis B Virus do không chủ quan không tầm soát bệnh trước và trong thời kỳ mang thai.
Trong trường hợp người mẹ mắc bệnh viêm gan B trong 3 tháng đầu (thời kỳ đầu của thai kỳ) thì tỉ lệ trẻ bị nhiễm mầm bệnh từ mẹ chỉ chiếm khoảng 1%. Trong trường hợp phụ nữ mang thai bị viêm gan B vào tháng giữa thì tỉ lệ trẻ bị nhiễm mầm bệnh từ mẹ chiếm khoảng 10%.
Đặc biệt nếu phụ nữ mang thai bị viêm gan B vào 3 tháng cuối của thai kỳ thì tỉ lệ trẻ bị nhiễm mầm bệnh từ mẹ lên đến 60 – 70%. Như vậy, từ tháng thứ 3 trở đi của thời kỳ mang thai, tỉ lệ thai phụ nhiễm Hepatitis B Virus truyền sang thai nhi là rất cao.
Kết quả thống kê cho thấy có 90% trẻ bị viêm gan B trong thời kỳ sơ sinh. Điều này xuất hiện là do Hepatitis B Virus có trong các chất dịch cơ thể và máu của thai phụ truyền vào cơ thể của trẻ. Đặc biệt, với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, trẻ sơ sinh không có đủ sức đề kháng để chống lại và tiêu diệt virus.
Hơn thế, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để virus viêm gan B dễ dàng sinh sôi, phát triển và nhanh chóng chuyển sang bệnh cảnh mạn tính có mức độ nguy hiểm cao. Đặc biệt chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn viêm gan B mạn tính ở trẻ.
Khi mắc bệnh viêm gan B, trẻ sơ sinh sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng ung thư gan, xơ gan khi bước sang độ tuổi trưởng thành.
Quá trình đánh giá diễn tiến viêm gan B ở trẻ em
Ngày nay có nhiều phương pháp khác nhau giúp đánh giá, xác định sự hình thành và tiến triển của Hepatitis B Virus trong cơ thể người bị lây nhiễm. Tuy nhiên có thể xác định virus viêm gan B bằng các phương pháp thông thường được thực hiện ở phòng xét nghiệm và đánh giá của bệnh viện tuyến tỉnh. Cụ thể là xác định nồng độ HBsAg và HBeAg.
Đối với HBsAg là kháng nguyên bề mặt. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính thì người đó được chứng minh bị nhiễm virus viêm gan B. HBeAg là kháng nguyên lõi, cũng là một loại kháng nguyên của Hepatitis B Virus. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy sự có mặt của kháng nguyên lõi thì chứng tỏ Hepatitis B Virus đang nhân lên (tế bào gan đang bị xâm hại và virus viêm gan B đang sinh sôi nảy nở).
Trong giai đoạn xâm nhập của virus, nếu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đo chỉ số men gan (SGOT, SGPT, GGt), kết quả tổng hợp sẽ cho thấy nồng độ trong máu của các loại men gan này rất cao. Ít nhất chỉ số SGOT, SGPT và GGt trong máu sẽ tăng gấp đôi so với bình thường. Nguyên nhân là do tế bào gan bị hủy hoại, tổn thương bởi virus và giải phóng một lượng lớn men gan trong máu.
Theo kết quả thống kê, khi thai phụ ở 3 tháng cuối tiến hành xét nghiệm máu và cho ra kết quả dương tính với cả hai loại HBsAg và HBeAg thì tỉ lệ trẻ nhỏ sau sinh bị truyền virus viêm gan B từ người mẹ lên đến 90 – 100%.
Tuy nhiên nếu kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với HBeAg, trong khi dương tính với HBsAg thì tỉ lệ trẻ nhỏ sau sinh bị truyền virus viêm gan B từ người mẹ thấp hơn rất nhiều, chỉ đạt khoảng 20%.
Triệu chứng viêm gan B ở trẻ em
Khi bị nhiễm Hepatitis B Virus, cơ thể trẻ có thể mang virus nhưng thường không có triệu chứng hay biểu hiện gì, trẻ nhỏ vẫn học tập, sinh hoạt và phát triển cơ thể bình thường. Tuy nhiên khi có điều kiện thuận lợi như sức khỏe giảm sút, nhiễm trùng nặng… Hepatitis B Virus sẽ gây các đợt viêm gan cấp.
Thời kỳ trước khi xuất hiện triệu chứng vàng da
Từ 7 đến 10 ngày trước khi phát sinh triệu chứng vàng da, trẻ bị viêm gan B thường mắc phải các dấu hiệu, triệu chứng giả cúm. Cụ thể:
- Chảy nước mũi
- Cơ thể mệt mỏi
- Sốt
- Buồn nôn
- Chán ăn
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Đầy bụng
- Phân có thể bạc màu ở trẻ bú mẹ
- Có thể tức vùng hạ sườn phải
- Gan có thể to, nước tiểu sẫm màu.
Khi nhận thấy cơ thể trẻ xuất hiện các dấu hiệu nêu trên, phụ huynh cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa gan hoặc bệnh viện để kiểm tra, thực hiện xét nghiệm và sớm điều trị bằng các phương pháp thích hợp.
Thời kỳ xuất hiện triệu chứng vàng da
Trong thời gian xuất hiện triệu chứng vàng da, phụ huynh sẽ nhận thấy trẻ xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Nước tiểu sẫm màu
- Vàng da
- Vàng niêm mạc mắt
- Trên da xuất hiện mảng hoặc chấm xuất huyết do suy giảm chức năng gan
- Gan thường bị to, có cảm giác đau khi ấn vào, đau tức vùng hạ sườn phải đối với trẻ lớn, có thể mắc phải tình trạng lá lách to (tuy nhiên tiên lượng xấu nếu kích thước gan thu nhỏ)
- Bụng có dấu hiệu trướng nhẹ, trên phân có bám chất nhầy như mỡ, trẻ kém ăn.
Trong vòng 2 đến 3 tuần kể từ khi bệnh viêm gan B xuất hiện, trẻ có thể đỡ sốt, triệu chứng vàng da giảm dần. Ngoài ra những biểu hiện nêu trên cũng giảm, nước tiểu trong, trẻ ăn ngon hơn.
Đối với trẻ sơ sinh, những biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm gan siêu vi B có thể không rõ ràng. Đôi khi trẻ chỉ có dấu hiệu bú kém và triệu chứng vàng da. Ở nhiều trường hợp, các mẹ nghĩ rằng vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý hoặc có thể không chú ý vì trẻ luôn ở trong phòng tối.
Chính vì những điều trên khiến nhiều bậc phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đến bệnh viện để kịp thời khám và chữa bệnh. Từ đó làm phát sinh nhiều vấn đề và hậu quả nặng nề. Cụ thể như bệnh xuất huyết não, suy gan…
Trong trường hợp trẻ nhỏ mắc bệnh viêm gan B mà HbsAg (kháng nguyên bề mặt) xuất hiện trong máu trên 6 tháng thì được xác định là viêm gan B mạn tính. Thể mạn tính được đặc trưng bởi 4 thời kỳ / giai đoạn miễn dịch của bệnh.
Giai đoạn 1: Phát hiện HbeAg và HBsAg
- HBV DNA đo được > 100.000 copies /ml.
- Các chỉ số men gan gồm ALT và AST ít hoặc không thay đổi, nằm trong giới hạn bình thường.
- Không phát sinh dấu hiệu xơ gan và viêm gan hoặc phát sinh với mức độ rất nhẹ.
Giai đoạn 2: HbeAg và HBsAg vẫn xuất hiện
- HBV DNA đo được > 100.000 copies /ml.
- Các chỉ số men gan gồm ALT và AST liên tục tăng.
- Xơ gan và viêm gan có thể tiến triển.
Giai đoạn 3: HBsAg vẫn tồn tại
- Xuất hiện anti-Hbe, HBeAg biến mất.
- HBV DNA đo được < 10.000 copies /ml hoặc hoàn toàn không phát hiện.
- Các chỉ số men gan gồm ALT và AST ở mức bình thường.
- Dấu hiệu xơ gan sẽ thoái lui, không có dấu hiệu và triệu chứng viêm gan.
Giai đoạn 4: HBsAg vẫn xuất hiện
- Kết quả xét nghiệm cho thấy anti-Hbe vẫn dương tính, HBeAg vẫn còn âm tính.
- HBV DNA đo được > 10.000 copies /ml
- Các chỉ số men gan gồm ALT và AST tăng hoặc ở mức bình thường.
- Viêm gan có thể tấn công. Ngoài ra còn có khả năng dẫn đến xơ gan.
Điều trị viêm gan B ở trẻ em
Để đề ra phương pháp điều trị viêm gan B ở trẻ, bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét và dựa trên nhiều trường hợp cụ thể.
1. Trường hợp nào nên điều trị viêm gan B?
Đối với những trường hợp bị viêm gan B mạn tính, trẻ nhỏ cần được giám sát thường xuyên và chặt chẽ để kiểm soát tốt sự tiến triển của bệnh. Cụ thể trẻ cần được khám lâm sàng, thực hiện và đánh giá kết quả các xét nghiệm huyết thanh của DNA HBV, HBeAg, anti – HBe, HBsAg, ALT và AFP.
Ngoài ra trẻ sẽ được yêu cầu thực hiện một bảng xét nghiệm gồm đầy đủ thông tin về tiểu cầu và chức năng gan. Bảng xét nghiệm này được thực hiện định kỳ. Tỉ lệ của chỉ số AST trên ALT tăng là một trong những dấu hiệu cảnh báo chứng xơ hóa đang tăng dần. Nhất là khi chỉ số AST trong máu trở lên lớn hơn chỉ số ALT.
Đối với một đứa trẻ mắc bệnh viêm gan B mạn tính, nếu chỉ số AST > ALT thì đứa trẻ này sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh xơ gan. Tuy nhiên để củng cố kết quả đánh giá này, bệnh nhi có thể được chỉ định làm thêm sinh thiết gan.
Ở một số trường hợp khác, chỉ số AST > ALT có thể xuất hiện thoáng qua ở những đứa trẻ được đo sau khi vận động và hoạt động thể chất mạnh mẽ hoặc tiêu thụ rượu gần đây. Trước khi tiến hành tìm kiếm các dấu hiệu xơ hóa tiến triển do virus viêm gan B thì các khả năng, nguy cơ khác cần phải được xác định và loại trừ.
Bệnh cảnh xơ gan làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa dẫn đến giảm tiểu cầu. Đây là một dấu hiệu sớm giúp cảnh báo hiện tượng lách to.
Trong huyết thanh chỉ số men gan (ALT) đo được có dấu hiệu tăng cao cho thấy mức độ tổn thương của gan và mức độ hoại tử của tế bào gan. Đối với người lớn, chỉ số men gan ALT vượt qua giới hạn bình thường là >19 IU/L ở nữ giới và >30 IU/L ở nam giới.
Tuy nhiên đối với trẻ em ULN vẫn chưa được thiết lập. ULN được sử dụng ở trẻ nhỏ thường thay đổi dựa vào độ tuổi của trẻ và theo các phòng xét nghiệm. Nếu không có tiêu chuẩn cho trẻ nhỏ thì chỉ số ALT được cân nhắc nâng lên > 40 IU/L hoặc lớn hơn nồng độ các ULN phòng xét nghiệm.
2. Trẻ em có nồng độ men gan ALT trong huyết thanh bình thường
Trong quá trình điều trị viêm gan B mạn tính ở trẻ em, việc cân nhắc, xác định những bệnh nhân không cần áp dụng các phương pháp điều trị cũng quan trọng không kém việc xác định các bệnh nhân cần chăm sóc và điều trị.
Phần lớn các bệnh nhi bị nhiễm viêm gan siêu vi B chu sinh vẫn nhẹ, còn trong giai đoạn 1 và thường kéo dài cho đến khi đến tuổi trưởng thành. Đối với những bệnh nhi bị nhiễm virus HBV genotype C (virus HBV có 8 genotype từ A đến H) sẽ có thời gian nhiễm viêm gan siêu vi B chu sinh giai đoạn 1 kéo dài nhất. Đồng thời tỉ lệ chuyển đổi huyết thanh HbeAg là rất thấp đối với những trẻ nhỏ bị nhiễm virus HBV genotype C.
Những trẻ nhiễm HBV genotype C luôn có kết quả xét nghiệm HBeAg (+) với HBV DNA đo được > 100.000 copies/ml. Tuy nhiên hoạt động đáp ứng miễn dịch gây viêm gan B không được xác định và chỉ số men gan ALT trong máu duy trì ở mức bình thường.
Theo kết quả công bố dữ liệu lâm sàng, quá trình hỗ trợ điều trị đối với những trẻ em trong giai đoạn này không được thiết lập hoặc rất hạn chế.
3. Trẻ em có nồng độ men gan ALT trong huyết thanh tăng cao liên tục
Có hai giai đoạn viêm gan siêu vi B được đặc trưng bởi nồng độ ALT huyết thanh tăng mạnh và cao liên tục.
Nồng độ ALT trong huyết thanh tăng cao cho thấy sự tổn thương và sự hoại tử của tế bào gan. Cụ thể nếu nồng độ ALT trong huyết thanh ở một đứa trẻ lớn hơn 60 IU/L hoặc cao hơn 1,5 lần ULN thì những đứa trẻ này cần tiếp tục làm xét nghiệm để đánh giá mức độ mô học của gan và nồng độ HBV DNA. Từ đó xem xét việc điều trị và xác định các phương pháp thích hợp nhất.
Trong trường hợp nồng độ ALT trong huyết thanh ở một đứa trẻ thấp hơn 60 IU/L hoặc nhỏ hơn 1,5 lần ULN, có HbeAg âm tính thì cần theo dõi trên 3 lần trong ít nhất 1 năm và cần theo dõi hơn 2 lần trong 6 tháng nếu HBeAg dương tính.
Nguyên nhân cần tiến hành theo dõi nồng độ ALT huyết thanh ít nhất 6 tháng ở những trẻ có ALT tăng liên tục và HBeAg dương tính là phòng ngừa chữa bệnh cho một đứa trẻ tự phát HBeAg huyết thanh và viêm gan siêu vi B sẽ cải thiện mà không cần áp dụng phương pháp chữa trị.
4. Điều trị lâu dài ở các trường hợp đặc biệt
Những trường hợp đặc biệt được liệt kê dưới đây cần phải tiến hành điều trị lâu dài:
- Xơ gan (xơ gan còn bù hoặc xơ gan mất bù)
- Chức năng gan nhanh chóng suy giảm
- Biến chứng viêm cầu thận do nhiễm virus viêm gan B
- Nhiễm virus HBV tái phát sau ghép gan
- Tìm thấy sự tồn tại của các chủng virus (HBV/HDV, HBV/HCV, HBV/HIV)
- Những bệnh nhi có tiền sử gia đình mắc chứng ung thư tế bào gan
- Lượng virus đo được ở phụ nữ mang thai trong quý 3 tăng cao (> 20.000.000 IU/ml).
Biện pháp phòng ngừa viêm gan B ở trẻ em
Nếu nhận thấy trẻ nhỏ sau khi sinh ra có dấu hiệu của bệnh viêm gan siêu vi B, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và làm xét nghiệm. Trong trường hợp kết quả chẩn đoán cho thấy trẻ bị viêm gan B, ba mẹ cần tuân thủ theo lời khuyên và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì viêm gan rất dễ phát triển và chuyển sang thể mạn tính ở trẻ.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Để phòng ngừa hiệu quả và an toàn nhất, trẻ cần được tiêm vắc xin chống virus viêm gan B. Trong vòng 12 tiếng đầu sau sinh, trẻ cần được vắc xin viêm gan B và tiêm kháng thể globulin chống HBV (một mũi) nếu được sinh ra từ mẹ bị nhiễm viêm gan B. Thời gian sau trẻ cần được tiêm đủ mũi theo phác đồ của bác sĩ, tiêm mũi thứ 2 khi trẻ được 1 tháng tuổi, tiêm mũi thứ 3 khi trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ được 12 tháng tuổi.
Viêm gan B ở trẻ em là bệnh nguy hiểm. Bởi đối với trẻ nhỏ, bệnh dễ dàng chuyển sang thể mạn tính, gây biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao. Vì thế, để đảm bảo an toàn, ba mẹ cần chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe của bản thân và trẻ nhỏ. Từ đó sớm có phương pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả và tiến hành điều trị cho trẻ khi cần thiết.
Bài viết liên quan:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!