Bị viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì tốt cho bệnh?

Thói quen ăn uống tác động trực tiếp đến khả năng hồi phục và tiến triển của bệnh viêm gan B. Trong đó, nắm rõ vấn đề Viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì chính là cơ sở để xây dựng thực đơn ăn uống khoa học và phù hợp với tình trạng sức khỏe. 

viêm gan B nên ăn gì
Người bị viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì để hỗ trợ quá trình điều trị?

Xây dựng thực đơn cho người bị viêm gan B

Viêm gan B là loại viêm gan do siêu vi phổ biến nhất hiện nay. Bệnh khởi phát ở giai đoạn cấp và có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu không được điều trị kịp thời. Hepatitis B virus (siêu vi B) có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường máu và tấn công vào tế bào gan gây tổn thương, viêm và hoại tử nhu mô gan.

Khác với người khỏe mạnh, người bị viêm gan B có chức năng gan suy giảm. Chính vì vậy để hỗ trợ quá trình điều trị và phục hồi mô gan, cần điều chỉnh thói quen ăn uống và xây dựng thực đơn phù hợp.

Chế độ ăn khoa học có thể làm giảm áp lực lên gan, tạo điều kiện giúp gan tự tái tạo, phục hồi và cải thiện chức năng năng. Ngoài ra, ăn uống điều độ còn giúp nâng cao thể trạng, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ cơ thể ức chế, tiêu diệt virus gây bệnh.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn uống cho người bị viêm gan B cấp:

  • Năng lượng: Cung cấp 25 kcal/kg/ ngày (khoảng 1300 – 1400kcal/ ngày)
  • Protid: 0.4 – 0.6g/ kg/ ngày (khoảng 20 – 30g/ ngày_
  • Glucid: 250 – 280g/ ngày
  • Nước: Uống từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày
  • Lipid: 10 – 15% tổng số năng lượng (khoảng 15 – 20g/ ngày)
  • Chia nhỏ bữa ăn, nên ăn từ 6 – 8 bữa/ ngày để giảm áp lực lên gan

Nguyên tắc xây dựng thực đơn ăn uống cho người bị viêm gan B mãn tính:

  • Năng lượng: 35 kcal/ kg/ ngày (tương đương 1800 – 2000 kcal/ ngày)
  • Protid: 1 – 1.5g/ kg/ ngày (tương đương 50 – 75g/ ngày)
  • Lipid: 15 – 20% tổng số năng lượng (tương đương 30 – 40g/ ngày)
  • Glucid: 310 – 340g/ ngày
  • Ăn từ 3 – 4 ngày hoặc có thể chia nhỏ 5 – 6 bữa nếu thường bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu

Ngoài ra khi ăn uống, cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

  • Ăn chậm nhai kỹ nhằm giảm áp lực lên dạ dày, đường ruột và gan. Ngoài ra, thói quen này còn giúp giảm tình trạng đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu rõ rệt.
  • Nên ăn nhiều bữa hơn vào buổi sáng và buổi trưa. Buổi tối chỉ nên ăn 1 – 2 bữa với khối lượng thức ăn ít nhằm giúp cơ thể chuyển hóa dinh dưỡng hoàn toàn và tạo điều kiện cho gan thải độc, tái tạo vào ban đêm.
  • Ưu tiên các phương thức chế biến dạng hấp, luộc, súp, nấu cháo, món hầm và hạn chế sử dụng gia vị, dầu mỡ. Các món ăn được chế biến theo những phương thức này thường dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và không gây ảnh hưởng đến chức năng gan.
  • Ngâm rửa thực phẩm kỹ và nấu chín hoàn toàn trước khi ăn. Ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm bẩn, chứa giun sán, ký sinh trùng,… có thể làm tăng áp lực lên gan và khiến gan suy yếu chỉ trong một thời gian ngắn.
  • Bổ sung các nhóm thực phẩm có lợi, hạn chế hoặc kiêng cử hoàn toàn các đồ uống và thực phẩm gây hại cho gan.

Người bị viêm gan B nên ăn gì để hỗ trợ quá trình điều trị?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị viêm gan B nên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, cá, ngũ cốc,… để phục hồi và nâng cao thể trạng. Đồng thời thúc đẩy tốc độ tái tạo tế bào gan, hỗ trợ giải độc, thanh nhiệt, làm mát gan và ức chế virus gây bệnh.

Các loại thực phẩm tốt cho người bị viêm gan B bao gồm:

1. Thực phẩm chứa lượng đạm vừa phải

Khi bị viêm gan B, gan có thể gặp khó khăn trong quá trình chuyển hóa protein có trong các loại thịt đỏ. Vì vậy trong thời gian điều trị, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng đạm vừa phải và dễ chuyển hóa như thịt gà, cá, sữa, trứng, nấm, súp lơ, hạt lanh, hạt chia,…

Thực đơn cho người viêm gan B
Người bị viêm gan B nên bổ sung thực phẩm có hàm lượng đạm vừa phải vào thực đơn ăn uống

Cung cấp đủ protein giúp cơ thể duy trì sức khỏe, giảm mệt mỏi và cải thiện khả năng miễn dịch. Ngoài ra, đạm còn hỗ trợ quá trình tái tạo, phục hồi tế bào gan hư tổn và tăng hoạt tính của các tế bào miễn dịch tại gan. Tế bào miễn dịch khỏe mạnh có thể tăng khả năng bảo vệ gan, ức chế và kiểm soát hoạt động của Hepatitis B virus.

Tuy nhiên để tránh làm tăng áp lực lên gan, chỉ nên sử dụng đạm từ động vật (gà, cá) 3 bữa/ tuần. Thay vào đó, có thể bổ sung đạm có nguồn gốc từ thực vật như đậu nành, mè, hạnh nhân, hạt chia,… hằng ngày để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị viêm gan B.

2. Trái cây tươi – Nhóm thực phẩm tốt cho người bị viêm gan B

Trái cây tươi là nhóm thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin, khoáng chất và đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe – đặc biệt là đối với người bị viêm gan B và một số bệnh viêm gan siêu vi khác. Các vitamin, khoáng chất, hợp chất thực vật và chất xơ trong nhóm thực phẩm này có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, thanh lọc độc tố, chất cặn bã, hỗ trợ chuyển hóa chất béo và ngăn ngừa tình trạng tích trữ mỡ tại gan.

Ngoài ra, một số loại trái cây như cam, quýt, bưởi còn có tác dụng kích thích enzyme tiêu hóa nhằm hỗ trợ chức năng chuyển hóa thức ăn của gan, ngăn ngừa tình trạng dư thừa đạm, chất béo và đường trong cơ thể. Bên cạnh đó, vitamin C trong các loại trái cây còn giúp tăng cường miễn dịch và hỗ trợ kiểm soát hoạt động của Hepatitis B virus.

Thực đơn cho người viêm gan B
Trái cây tươi chứa nhiều vitamin C, E, A và khoáng chất cần thiết đối với sức khỏe

Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, bệnh nhân có các vấn đề về gan bổ sung trái cây vào bữa ăn hằng ngày nhận thấy các thay đổi khả quan như giảm mệt mỏi, ngủ ngon, cải thiện tình trạng chán ăn, đầy hơi và chướng bụng rõ rệt. Bên cạnh đó, một số loại trái cây như bơ, đu đủ, lê, chanh, bưởi, táo,… còn giúp làm mát gan, thanh nhiệt và giải độc cơ thể.

3. Bổ sung rau xanh hằng ngày

Rau xanh là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn ăn uống của người bị viêm gan B và các vấn đề về gan khác. Chất xơ và khoáng chất trong các loại rau xanh có tác dụng giải độc, loại bỏ chất cặn bã ra khỏi cơ thể, làm sạch mạch máu, hỗ trợ giảm mỡ thừa tích tụ ở mô gan và kích thích hoạt động tiêu hóa.

viêm gan b không nên ăn gì
Rau xanh là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày của người bị viêm gan B

Các nghiên cứu khoa học được thực hiện đều nhận thấy, rau xanh có khả năng kiểm soát đường huyết, huyết áp, cân bằng điện giải và tăng cường hệ miễn dịch. Chính vì vậy, bổ sung rau xanh vào chế độ ăn hằng ngày có thể làm giảm áp lực lên gan, điều hòa nhu động ruột và cải thiện chức năng ngũ tạng.

Bên cạnh đó, một số hợp chất chống oxy hóa trong rau xanh như vitamin C, vitamin E, flavonoid, quercetin,… có khả năng chống viêm, bảo vệ tế bào, tiêu trừ các gốc tự do, phục hồi mô gan hư tổn và làm chậm tiến trình xơ hóa gan. Tương tự trái cây tươi, rau xanh cũng có thể làm giảm chứng chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và chướng bụng do Hepatitis B virus gây ra.

4. Các loại củ giàu chất chống oxy hóa

Ngoài rau xanh và trái cây tươi, người bị viêm gan B cấp và mãn tính nên bổ sung các loại củ giàu chất chống oxy hóa vào chế độ ăn hằng ngày. Các loại củ không chỉ cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể mà còn đem lại nguồn năng lượng dồi dào và dễ chuyển hóa. Bổ sung các loại củ vào thực đơn ăn uống có thể kiểm soát cân nặng và giảm lượng mỡ trong máu đáng kể.

Ngoài ra các chất chống oxy hóa trong các loại củ đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nói chung và chức năng gan nói riêng. Hoạt chất betanin và vulgaxanthin trong củ cải đỏ có tác dụng chống viêm, giải độc và kiểm soát tình trạng loạn sản tế bào gan (tiền ung thư). Trong khi đó, acid alpha lipoic trong củ dền có khả năng chống oxy hóa mạnh, giảm viêm và ngăn ngừa hoại tử gan.

Bên cạnh đó, các hợp chất thực vật có trong hầu hết các loại củ như quercetin, anthocyanin, beta-carotene, vitamin E và vitamin C có khả năng thúc đẩy tốc độ phục hồi gan, giảm viêm và cải thiện chức năng miễn dịch. Vì vậy để hỗ trợ điều trị, bạn nên bổ sung một số loại củ giàu chất chống oxy hóa như củ dền, khoai lang, cà rốt, củ cải đỏ,… vào chế độ ăn hằng ngày.

5. Cà phê – Thức uống tốt cho gan

Rất nhiều người lầm tưởng cà phê gây hại cho gan và là nguyên nhân gây nóng gan. Tuy nhiên trên thực tế, loại thức uống này đem lại nhiều lợi ích đối với chức năng gan và hoạt động của não bộ.

viêm gan b không nên ăn gì
Uống 1 ly cà phê vào buổi sáng giúp não bộ tỉnh táo và hỗ trợ cải thiện chức năng gan đáng kể

Các nhà khoa học cho biết, dùng 1 tách cà phê nhỏ vào sáng sớm trong thời gian dài có thể ngăn chặn sự tích tụ collagen và chất béo ở gan. Đồng thời chống viêm và tăng nồng độ chất chống oxy hóa glutathione trong cơ thể. Thực tế cho thấy, dùng cà phê vào sáng sớm trong khoảng 30 ngày có thể hạ men gan và kiểm soát quá trình xơ hóa, thoái hóa tế bào gan rõ rệt.

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích cho gan nhưng caffeine trong cà phê có thể làm tăng áp lực lên và dạ dày. Vì vậy, bạn chỉ nên uống 1 tách cà phê nhỏ và sáng sớm để cải thiện chức năng gan, tăng mức độ tập trung khi làm việc và học tập. Uống cà phê vào chiều muộn hoặc buổi tối có thể gây mất ngủ và làm tăng huyết áp.

Bị viêm gan B nên kiêng ăn gì?

Song song với việc bổ sung thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe gan, người bị viêm gan B cần hạn chế các loại đồ uống và thực phẩm làm tăng áp lực lên gan, thúc đẩy tốc độ viêm và xơ hóa tế bào gan. Thực tế cho thấy, tiếp tục duy trì thói quen ăn uống không lành mạnh có thể khiến gan bị phá hủy và suy giảm chức năng chỉ trong một thời gian ngắn.

Vì vậy để phục hồi chức năng gan và phòng ngừa xơ gan, ung thư gan, cần hạn chế các loại thực phẩm và thức uống sau:

1. Rượu bia – Thủ phạm gây tổn thương gan hàng đầu

Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan do rượu, xơ gan và ung thư gan. Đối với các bệnh viêm gan do siêu vi, rượu bia có thể đẩy nhanh quá trình xơ hóa gan và làm suy giảm chức năng của cơ quan này chỉ trong một thời gian ngắn.

viêm gan b kiêng ăn gì
Người bị viêm gan B, xơ gan và gan nhiễm mỡ cần kiêng cử tuyệt đối rượu bia

Khi dung nạp vào cơ thể, hơn 90% ethanol (cồn) được gan chuyển hóa và xử lý. Lúc này, các tế bào của gan phải tiến hành khử độc và đào thải cồn ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên nếu sử dụng rượu bia thường xuyên, gan có thể rơi vào trạng thái quá tải và dẫn đến tích tụ acetaldehyde (chất chuyển hóa từ cồn). Đây là chất cực độc đối với gan và các cơ quan khác trong cơ thể. Lượng độc tố tích tụ theo thời gian có thể khiến tế bào gan bị hư hại, tổn thương, xơ hóa và giảm chức năng hoạt động.

Ngoài ra, uống nhiều rượu bia còn khiến quá trình trao đổi chất và chuyển hóa trong cơ thể bị rối loạn. Thực tế cho thấy, người có thói quen sử dụng rượu bia trong thời gian dài có nguy cơ bị xơ gan, cao huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ và mắc các bệnh chuyển hóa khác như gout.

2. Thực phẩm chứa nhiều gia vị và dầu mỡ

Người mắc các vấn đề về gan nói chung và viêm gan B nói riêng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều gia vị và dầu mỡ. Dầu mỡ làm tăng lượng cholesterol trong máu, dẫn đến dư thừa mỡ và gây tích trữ chất béo ở mô gan. Ngoài ra, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ còn gây thừa cân, béo phì và tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa.

Trong khi đó, các loại thực phẩm chứa nhiều gia vị gây nóng gan, làm tăng huyết áp và đường huyết. Thường xuyên dung nạp các loại thực phẩm này có thể khiến gan phải hoạt động liên tục, dẫn đến giảm khả năng chuyển hóa, dễ tổn thương và xơ hóa – đặc biệt là đối với những người đã có bệnh về gan từ trước.

viêm gan b kiêng ăn gì
Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và gia vị làm tăng áp lực lên gan và hệ tiêu hóa

Vì vậy trong thời gian điều trị viêm gan B, cần tránh dùng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và gia vị như thức ăn nhanh, đồ nướng, chiên xào, thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn. Thay vào đó, nên chế biến món ăn từ thực phẩm tươi sống, giảm lượng muối đường, bột ngọt, hạt nêm và dầu mỡ khi nêm nếm.

3. Các loại thịt đỏ

Thịt đỏ là nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên đối với người bị cao huyết và mắc các vấn đề về gan, thịt đỏ có thể gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh lý và khiến bệnh có xu hướng chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Thông thường, gan sản xuất enzyme chuyển hóa và phân giải protein có trong thịt đỏ giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng, chuyển hóa thành năng lượng và hình thành cơ bắp. Tuy nhiên khi chức năng gan có vấn đề, cơ quan này có thể phải hoạt động liên tục để phân giải protein. Chính vì vậy, bổ sung thịt đỏ trong thời gian điều trị viêm gan B có thể khiến mô gan không có thời gian để tái tạo và phục hồi. Đồng thời đẩy nhanh quá trình xơ hóa và thoái hóa tế bào gan.

4. Một số loại thực phẩm, thức uống khác

Ngoài ra, người bị viêm gan B cũng cần hạn chế các loại thức uống và thực phẩm sau:

viêm gan b kiêng ăn gì
Người bị viêm gan B nên hạn chế sử dụng thực phẩm có khả năng dị ứng cao
  • Thực phẩm có tính nóng: Các loại thực phẩm có tính nóng như sầu riêng, mít, thịt chó, thịt dê, ba ba,… có thể làm tăng áp lực lên gan khiến gan giảm khả năng hoạt động, chậm phục hồi và tái tạo. Ngoài ra, các loại thực phẩm này còn gây khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn.
  • Nước ngọt có gas: Nước ngọt có gas chứa hàm lượng đường, phosphate và chất bảo quản cao. Các thành phần này đều được hấp thu qua dạ dày, chuyển hóa tại gan và đào thải qua thận. Vì vậy để làm giảm áp lực lên gan và giúp gan có thời gian phục hồi, bạn nên tránh sử dụng nước ngọt có gas và các loại thức uống chứa hàm lượng đường, phẩm màu cao.
  • Nội tạng động vật: Nội tạng động vật chứa nhiều chất béo và có thể làm tăng cholesterol trong máu. Ngoài ra, protein trong nhóm thực phẩm khó chuyển hóa và phân giải. Tiêu thụ nội tạng động vật trong thời gian điều trị viêm gan B có thể khiến gan suy yếu, giảm khả năng thải độc và chuyển hóa. Chính vì vậy để hỗ trợ quá trình điều trị và tăng tốc độ phục hồi gan, nên hạn chế sử dụng thịt đỏ và nội tạng của các loài động vật.
  • Thực phẩm dễ dị ứng: Ngoài chức năng chuyển hóa, gan còn có vai trò thanh nhiệt và giải độc. Chức năng gan suy yếu khiến khả năng thanh thải độc tố suy giảm và làm tăng nguy cơ dị ứng. Do đó khi đang điều trị các vấn đề về gan, cần hạn chế các loại thực phẩm lạ và thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, mè, đậu phộng,…
  • Thực phẩm chứa độc tố: Để bảo vệ gan và hạn chế độc tố tích tụ trong cơ thể, người bị viêm gan B nên hạn chế sử dụng măng tươi, khoai tây đã mọc mầm, củ sắn, cà chua xanh,… Độc tố trong các loại thực phẩm này có thể gây tổn thương tế bào gan và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể.

Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì?”. Hy vọng qua bài viết, bạn có thể xây dựng thực đơn ăn uống khoa học nhằm hỗ trợ quá trình điều trị, phục hồi chức năng gan, cải thiện sức khỏe và nâng cao thể trạng. Nếu có các bệnh lý đi kèm, nên chủ động trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn xây dựng chế độ ăn phù hợp.

Tham khảo thêm:

5/5 - (11 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *