U nang buồng trứng khi mang thai và thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Tỷ lệ mắc u nang buồng trứng khi mang thai là 0,26%, theo một khảo sát của Bệnh viện Phụ sản TW. Để tìm hiểu cách quản lý, điều trị và mức độ nguy hiểm của u nang buồng trứng trong thai kỳ, đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây.
U nang buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là thuật ngữ chỉ khối phát triển bất thường ở trên buồng trứng của nữ giới. U nang có thể phát triển từ các mô của buồng trứng hoặc từ mô của một số cơ quan khác bên trong cơ thể.
Ở phụ nữ mang thai, u nang buồng trứng có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Nhìn chung, có hai loại u nang buồng trứng chính:
Nang cơ năng buồng trứng
Nang này phát triển như là một phần của chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Đây là tình trạng phổ biến và vô hại. Có hai loại nang cơ năng buồng trứng phổ biến là:
- Nang noãn
Buồng trứng được kích thích để giải phóng trứng mỗi tháng (rụng trứng). Đây là giai đoạn nang noãn hình thành. Mỗi chu kỳ, một số túi chứa trứng (nang trứng) sẽ bắt đầu chính. Mỗi nang trứng này đều chứa đầy chất lỏng để nuôi dưỡng trứng. Các nang trứng lớn nhất sẽ vỡ ra và giải phóng trứng.
Đôi khi một nang trứng bắt đầu phát triển, nhưng trứng không được giải phóng, hoặc nang trứng đã giải phóng trứng nhưng vẫn chứa đầy chất lỏng. Nếu điều này xảy ra, chất lỏng tiếp tục tích tụ và hình thành nên nang noãn.
- Nang hoàng thể
Đây là giai đoạn sau khi nang trứng đã vỡ và giải phóng trứng. Đôi khi, hoàng thể được hồi phục, chứa đầy chất lỏng hoặc máu. Hầu hết các nang cơ năng buồng trứng được phát hiện trong siêu âm ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ sẽ tự biến mất trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ.
Tuy nhiên, một u nang hoàng thể có thể tồn tại trong vài tuần hoặc vài tháng, và tiếp tục phát triển lớn hơn. Đôi khi, điều này có thể gây đau vùng chậu hoặc các biến chứng khác.
U nang buồng trứng bệnh lý
Đây là hệ quả của sự phát triển tế bào bất thường. U bang buồng trứng bệnh lý hiếm gặp và nó cũng hiếm khi trở thành ung thư (ác tính). Theo thống kế, chỉ có 1/1.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ có một u nang trở thành ác tính.
Một số nang lành tính khác có thể được phát hiện trong thời kỳ đầu mang thai bao gồm:
- Nang lạc nội mạc tử cung: Nang này xuất hiện trên buồng trứng do lạc nội mạc tử cung. Nang lạc nội mạc tử cung thường có xu hướng bị teo lại trong thai kỳ. Mặc dù lành tính, nhưng chúng có thể khiến việc thụ thai trong tương lai khó khăn hơn.
- U nang lutein: Đây là một loại nang noãn, phổ biến hơn ở những người đã áp dụng các biện pháp điều trị khả năng sinh sản nhằm giúp thụ thai dễ hơn.
Nguyên nhân u nang buồng trứng khi mang thai
Nhìn chung, có những nguyên nhân phổ biến sau đây có thể dẫn tới u nang buồng trứng khi mang thai.
- Các nang trứng phát triển bất thường, không rụng trứng hoặc không hấp thu hết các chất lỏng trong buồng trứng.
- Mạch máu các vùng lạc nội mạc tử cung trong buồng trứng bị vỡ, có thể gây chảy máu và tạo thành nang.
- Lượng hCG dư thừa dẫn tới hình thành các u nang lutein. hCG là hormone vô cùng quan trọng được sản sinh ra trong quá trình mang thai.
- Sự tăng tiết quá mức của hormone luteinizing (LH).
- Thể vàng phát triển làm xuất hiện nang hoàng thể.
Để hiểu hơn nguyên nhân gây u nang buồng trứng khi mang thai, độc giả nên nắm được những thay đổi đặc biệt trong cơ thể người mẹ. Khi mang bầu, hoàng thể sẽ sản xuất ra các hormone đặc biệt để nuôi dưỡng, hỗ trợ sự phát triển của niêm mạc tử cung, tạo điều kiện cho phôi thai làm tổ thành công và lớn dần.
Vào tuần thứ 10 – 12 thai kỳ, bánh nhau được hoàn thiện sẽ dần thay thế chức năng này của hoàng thể. Theo đúng quy trình, hoàng thể sẽ dần teo nhỏ, thoái hóa và tiêu biến mà không cần điều trị hay tác động.
Thế nhưng, trong một số ít trường hợp, hoàng thể không bị tiêu biến, mà vẫn tiếp tục chứa đầy chất lỏng. Đây chính là nang hoàng thể.
Ngoài ra, nhiều bà bầu vẫn có thể mang một số u nang từ trước khi mang thai mà không hề hay biết. Các nang này có thể vẫn còn hiện diện trên buồng trứng trong suốt thai kỳ, gây ra u nang buồng trứng khi mang thai.
Dấu hiệu u nang buồng trứng khi mang thai
Cũng giống như u nang buồng trứng ở những phụ nữ khác, u nang buồng trứng khi mang thai thường không biểu hiện triệu chứng đáng kể nào. Tuy vậy, ở một số bà bầu, các triệu chứng u nang buồng trứng có thể trở nên sắc nét dần theo thời gian.
Một số triệu chứng u nang buồng trứng có thể xảy ra:
- Cơn đau bụng dưới hoặc đau ở vùng chậu (phía bên có u nang)
- Cảm giác đau thường mờ nhạt, đôi khi chỉ là cảm giác bị đè nén, hơi tức
- Cơn đau có thể đột ngột tăng cường độ, điều này cảnh báo khả năng u nang bị vỡ hoặc xoắn buồng trứng
- Đầy hơi, chướng bụng, cảm giác ốm nghén trở nên khó chịu hơn
- Ăn kém
- Bụng to hơn tuổi thai thông thường
- Áp lực ổ bụng cao bất thường
Nếu thấy các dấu hiệu sau, bà bầu nên được đi khám ngay để đề phòng bất trắc:
- Đau dữ dội ở vùng bụng hoặc vùng chậu
- Chảy máu âm đạo
- Buồn nôn hoặc nôn (thường gặp khi buồng trứng bị xoắn)
- Choáng váng, chóng mặt do mất máu
- Sốt (thường do nhiễm trùng)
U nang buồng trứng khi mang thai có nguy hiểm không?
U nang buồng trứng khi mang thai có sao không còn phụ thuộc vào kích thước u nang và loại u nang buồng trứng. Bình thường, các u nang được đánh giá là lành tính, có kích thước nhỏ, chỉ khoảng 3 – 5mm.
Tuy nhiên, khi u nang có sự phát triển bất thường thì kích thước của chúng có thể lớn hơn rất nhiều. Trong thai kỳ, các nang này có thể gia tăng kích thước và gây không ít phiền toái.
Một số biến chứng nguy hiểm của u nang buồng trứng có thể đe dọa sức khỏe của cả mẹ và bé bao gồm:
Chèn ép thai nhi
U nang phình to và dạng đặc sẽ chèn ép tử cung, làm cản trở sự phát triển của thai nhi. Các u nang cũng có thể gây áp lực lên các bộ phận lân cận, bao gồm bàng quang (gây bí tiểu, tiểu nhiều, tiểu rắt) và ruột (tăng nguy cơ táo bón).
Đặc biệt, u nang buồng trứng có khả năng chèn ép niệu quản, gây ứ nước ở thận. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm đài bể thận và suy thận.
U nang buồng trứng bị vỡ
Điều này xảy ra khi cấu trúc túi chứa u không còn nguyên vẹn, các thành phần ở bên trong u sẽ tràn ra ngoài. Lúc này mẹ bầu có thể gặp các triệu chứng như đau dữ dội, đầy hơi, sốt, buồn nôn, nôn, choáng váng, mệt mỏi, da lạnh ẩm, thở nhanh, chảy máu âm đạo…
Xoắn buồng trứng
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng bị rơi xuống, xoắn lại và khiến động mạch cấp máu cho buồng trứng xoắn theo. Lúc này, buồng trứng không được nuôi dưỡng, gây hoại tử, đe dọa sức khỏe của cả mẹ và bé.
U nang buồng trứng càng nhiều và càng lớn thì tỷ lệ bị xoắn buồng trứng càng cao. Khi có u nang buồng trứng, khối lượng buồng trứng sẽ tăng cao, bị mất cân bằng và dễ xoay lật.
U hóa ác tính
Tuy hiếm gặp, nhưng u nang buồng trứng có thể tiềm ẩn nguy cơ trở thành ác tính. Tỷ lệ ung thư bắt nguồn từ u nang buồng trứng khi mang thai là khoảng 1/10.000 đến 1/25.000.
Đa số trường hợp này xảy ra khi u nang nằm quá lâu trên buồng trứng, không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong thai kỳ, các nang lành tính vẫn có thể phát triển thành ung thư buồng trứng.
U nang buồng trứng khi mang thai phải làm sao?
May mắn là hầu hết các u nang buồng trứng khi mang thai đều có thể tự biến mất, không quá nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới thai kỳ.
Nang hoàng thể có thể tự tiêu biến trong 3 tháng giữa thai kỳ. Trong khi đó, các nang buồng trứng khác có thể tiếp tục phát triển trong thai kỳ và gây ra nhiều khó chịu cho thai phụ.
Tuy có khó chịu, nhưng hiếm khi chúng đe dọa sức khỏe hoặc tính mạng. Thế nhưng, nếu không may gặp các biến chứng của u nang buồng trứng, mẹ bầu cần được điều trị đúng cách để ngăn ngừa các rủi ro.
Tùy vào loại u nang buồng trứng khác nhau và tùy vào giai đoạn thai kỳ, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp:
U nang buồng trứng trong tam cá nguyệt đầu tiên
Thăm khám sớm ở 3 tháng đầu thai kỳ cũng là điều vô cùng quan trọng. Theo PGS Nguyễn Đức Hinh (Bệnh viện Phụ sản TW), chẩn đoán u nang buồng trứng khá đơn giản ở đầu thai kỳ, nhưng càng về sau càng khó khăn do tử cung to ra.
Dó đó, mẹ bầu nên lưu tâm tới siêu âm chẩn đoán trong 3 tháng đầu thai kỳ. Siêu âm hay nội soi giúp phát hiện ra các u nang nếu có cũng như cảnh báo sớm các rủi ro do u nang mang lại.
Nếu xác nhận u nang lành tính, mẹ bầu thường được yêu cầu một khoảng thời gian chờ cho u nang tự biến mất mà không cần điều trị. Phẫu thuật hiếm khi được chỉ định trong thời điểm này vì bác sĩ e ngại nguy cơ sảy thai và các biến chứng khác. Phẫu thuật chỉ được chỉ định nếu u nang bị vỡ hoặc xoắn.
U nang buồng trứng trong tam cá nguyệt thứ 2
Thông thường, u nang buồng trứng có thể tiêu biến trong 60 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu các u nang không biến mất, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.
Sau phẫu thuật, u nang sẽ được đem đi xét nghiệm để kiểm tra xem đó là u lành tính hay u ác tính. Nếu là u lành, mẹ bầu sẽ tiếp tục dưỡng thai và thai kỳ sẽ diễn ra bình thường, không cần lo lắng về u nang buồng trứng.
Trong trường hợp là u ác hoặc ung thư buồng trứng, người mẹ sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Trong tình huống này, bác sĩ thường khuyến nghị mổ lấy thai sớm, cắt buồng trứng, điều trị hóa chất hoặc xạ trị… để tăng tỷ lệ sống sót của 1 trong 2, hoặc cả 2 mẹ con.
U nang buồng trứng trong tam cá nguyệt cuối
Nếu chỉ bị u nang lành tính và không quá to, mẹ bầu hoàn toàn có khả năng sinh thường. Nhưng nếu u nang buồng trứng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ thường chỉ định mổ lấy thai kết hợp nội soi ổ bụng mổ để loại bỏ u nang.
Thông thường đến tháng thứ 7 – 8, thai nhi sẽ quay đầu xuống dưới. U nang quá lớn có thể chèn vào tử cung, ép tử cung mạnh về thành bụng, khiến thai nhi khó quay đầu. Điều này gây đẻ khó, phải sinh mổ.
U nang buồng trứng sau khi sinh
Các sản phụ cũng có thể được khuyến nghị nên phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng sau sinh. Phẫu thuật thời điểm này không gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Mổ nội soi u nang buồng trứng khi mang thai có được không?
Trước đây, u nang buồng trứng với kích thước lớn thường được chỉ định mổ mở. Nhưng với sự phát triển của y học hiện đại, mổ nội soi được áp dụng thành công, giúp loại bỏ u nang an toàn và hạn chế những biến chứng do phẫu thuật.
Kỹ thuật mổ nội soi đem lại hiệu quả cao, an toàn, ít gây sang chấn, không ảnh hưởng tiêu cực tới thai nhi cũng như sự phát triển con sau khi chào đời. Đối với người mẹ, mổ nội soi ít mất máu, nhanh hồi phục, có thể xuất viện sau 1 ngày. Kỹ thuật này cũng đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Tuần thai thứ 13 – 14 là thời điểm “vàng” để phẫu thuật loại bỏ u nang buồng trứng. Lúc này, hoàng thể đã thực hiện hết sứ mệnh và chuyển giao công việc nuôi dưỡng tử cung cho bánh nhau. Điều này giúp tử cung ít nhạy cảm hơn và có thể phẫu thuật an toàn hơn.
Tuổi thai càng lớn, thì tử cung càng to, khiến quá trình mổ nội soi gặp nhiều khó khăn hơn. Trong những ca được mổ nội soi loại bỏ nang buồng trứng tại Bệnh viện Phụ sản TW, tuổi thai trung bình là 12,2 tuần, tuổi thai nhỏ nhất là 6 tuần và tuổi thai lớn là 17 tuần.
Kỹ thuật này được chỉ định cho các trường hợp có thai kỳ bình thường, thai sống và không có dấu hiệu dọa sẩy thai. Các điều kiện khác cần được đáp ứng để thực hiện mổ nội soi là tử cung, khối u nang không quá lớn, ổ bụng không có sẹo mổ cũ.
Để giảm nguy cơ mắc u nang buồng trứng khi mang thai, tốt nhất trước khi quyết định mang thai, chị em nên đi siêu âm ổ bụng để phát hiện bản thân có bị u nang buồng trứng không để chuyên gia, bác sĩ có chỉ định hợp lý.
Với những trường hợp phát hiện u nang buồng trứng trong khi mang thai, chị em cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Không nên quá lo lắng vì u nang buồng trứng cũng không quá nghiêm trọng và có thể xử lý bằng các biện pháp phù hợp.
Click đọc ngay:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!