Sự kết hợp giữa Đông - Tây y trong điều trị viêm nhiễm phụ khoa là giải pháp mới được bác sĩ Đỗ Thanh Hà áp dụng và nhận về những kết quả cao.

Sảy thai sinh hóa là gì? Thông tin cần biết

Sảy thai sinh hóa hay thai sinh hóa là một tình trạng mang thai và mất thai từ rất sớm. Thai sinh hóa là tình trạng vô cùng phổ biến, có thể chiếm khoảng 50 – 75% các trường hợp mất thai.

Sảy thai sinh hóa
Sảy thai sinh hóa là tình trạng sảy thai xảy ra trước khi phôi thai vào tử cung

Sảy thai sinh hóa là gì?

Sảy thai sinh hóa hay còn được gọi là thai sinh hóa, là tình trạng mang thai và mất thai từ rất sớm, thường xảy ra ngay sau khi phôi làm tổ (trước khi phôi thai được 5 tuần tuổi) hoặc trước khi phôi thai được nhìn thấy thông qua siêu âm. Đây là một tình trạng rất phổ biến và chiếm khoảng 75% các trường hợp sảy thai.

Hầu hết phụ nữ sảy thai sinh hóa không nhận thấy các dấu hiệu mang thai và sảy thai ngoài trừ kết quả thử thai dương tính (nếu bạn thực hiện các xét nghiệm thử thai). Một số phụ nữ thậm chí không biết bản thân đã mang thai và trải qua tình trạng sảy thai sinh hóa. Tình trạng này tương đối giống như một chu kỳ kinh nguyệt bị trễ nếu không thực hiện thử thai.

Trong hầu hết các trường hợp, sảy thai sinh hóa không gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ. Tuy nhiên các trải nghiệm sảy thai có thể gây ra cảm giác đau buồn sâu sắc và ảnh hưởng đến tâm lý của thai phụ.

Triệu chứng và dấu hiệu sảy thai sinh hóa

Thai sinh hóa thường không có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng ngoại trừ gây trễ kinh. Mặc dù một số phụ nữ có thể có chu kỳ kinh nguyệt nặng hơn bình thường khi bị sảy thai sinh hóa, tuy nhiên về cơ bản các triệu chứng thường giống như một chu kỳ kinh nguyệt.

Một số phụ nữ có thể bị sảy thai ngay cả khi chưa nhận biết được bản thân đã mang thai. Đối với các phụ nữ khác, các dấu hiệu sảy thai sinh hóa có thể bao gồm đau bụng kinh, chảy máu âm đạo hoặc xuất hiện các đốm máu trước ngày hành kinh. Nếu bạn thử thai, kết quả thử thai sẽ dương tính nhưng sau vài ngày chu kỳ kinh nguyệt sẽ đến hoặc bạn sẽ bị chảy máu từ âm đạo.

Dấu hiệu sảy thai sinh hóa
Sẩy thai sinh hóa thường không có dấu hiệu và triệu chứng cụ thể

Các dấu hiệu nhận biết sảy thai sinh hóa khác có thể bao gồm:

  • Đau quặn bụng rất nhẹ hoặc đau bụng nhiều lần
  • Chảy máu âm đạo ngay sau khi thử thai dương tính
  • Nồng độ hCG thấp nếu bạn xét nghiệm thai thông qua xét nghiệm công thức máu

Tuy nhiên, đôi khi ra máu sau khi thử thai dương tính không phải lúc nào cũng là dấu hiệu sảy thai sinh hóa. Đôi khi các đốm máu này có thể xuất hiện sau khi phôi thai vào tử cung và bám vào thành tử cung. Quá trình này có thể làm vỡ một số mạch máu nhỏ dọc niêm mạc tử cung và dẫn đến chảy máu. Đốm máu báo thai thường xuất hiện dưới dạng dịch chảy ra có màu nâu hoặc hơi hồng. Điều này là hoàn toàn bình thường sau 10 – 14 ngày kể từ lúc thụ thai.

Thông thường, các triệu chứng sảy thai sinh hóa không kéo dài như các kiểu sảy thai khác. Sảy thai có thể xảy ra bất cứ lúc nào trước tuần 20 của thai kỳ, nhưng sảy thai sinh hóa luôn xảy ra sau khi hình thành phôi thai và trước tuần thứ 5 của thai kỳ. Do đó, hầu hết các triệu chứng không rõ ràng, không thể xác định và tương tự như một chu kỳ kinh nguyệt.

Dấu hiệu sảy thai sinh hóa trong trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm:

Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng các hợp tử thụ tinh trong ống nghiệm cũng có thể dẫn đến tình trạng thai sinh hóa. Để thực thụ tinh trong ống nghiệm, trứng và tinh trùng sẽ được kết hợp bên ngoài tử cung để hình thành phôi thai. Sau đó, phôi thai sẽ được chuyển vào tử cung và bắt đầu một chu kỳ thai bình thường.

Thụ tinh trong ống nghiệm thường được chỉ định cho các trường hợp:

  • Ống dẫn trứng bị tổn thương hoặc mất chức năng hoàn toàn
  • Có vấn đề về rụng trứng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • U xơ tử cung
  • Các vấn đề khác về hệ thống sinh sản

Sau khi phôi thai được đưa vào tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu sau 9 – 14 ngày để kiểm tra phôi thai. Kết quả xét nghiệm có thể dương tính nhưng sau đó âm tính trở lại và bạn bắt đầu những ngày hành kinh.

Sảy thai sinh hóa trong trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm có thể rất đau lòng và khó khăn để vượt qua. Tuy nhiên, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể mang thai. Các nỗ lực thụ tinh trong ống nghiệm trong tương lai có thể có khả năng thành công cao hơn.

Nguyên nhân gây sảy thai sinh hóa

Hiện tại các bác sĩ không biết nguyên nhân chính xác có thể dẫn đến sảy thai sinh hóa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe và yếu tố nguy cơ bao gồm:

1. Bất thường về nhiễm sắc thể

Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra là do phôi thai hình thành có vấn đề về nhiễm sắc thể, điều này khiến phôi thai không thể phát triển và tồn tại. Sau khi cơ thể nhận biết các dấu hiệu không thể sinh tồn của phôi thai, hệ thống miễn dịch sẽ chấm dứt thai kỳ ngay sau khi bám vào thành tử cung. Do đó, hầu hết các trường hợp, thai sinh hóa xảy ra khoảng 1 tuần sau khi thụ thai (nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn).

Sau khi sảy thai có hiện tượng gì
Rối loạn về nhiễm sắc thể là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây sảy thai sinh hóa

Trong quá trình mang thai bình thường, phôi thai sẽ nhận được 23 nhiễm sắc thể từ tinh trùng và 23 nhiễm sắc thể từ trứng. Hợp tử bắt đầu phát triển thông qua quá trình phát triển tế bào, tiến hóa thành phôi nang và làm tổ bên trong tử cung để phát triển thành bào thai.

Các vấn đề về nhiễm sắc thể ở trứng và tinh trùng có thể dẫn đến việc kết thúc thai kỳ sớm.

Cụ thể, một quá trình sảy thai sinh hóa liên quan đến các nhiễm sắc thể diễn ra như sau:

  • Trứng hoặc tinh trùng không cung cấp đủ hoặc quá nhiều nhiễm sắc thể
  • Sau khi thụ tinh, hợp tử có số lượng nhiễm sắc thể bất thường
  • Sự bất thường về nhiễm sắc thể khiến hợp tử không thể phát triển bình thường
  • Thay vì bám vào thành tử cung, hợp tử thoát ra khỏi cơ thể cùng với chu kỳ kinh nguyệt

Các bất thường về nhiễm sắc thể là tình trạng ngẫu nhiên và không biểu hiện các các gen di truyền ở cha hoặc mẹ. Điều này cũng không có nghĩa là bạn không thể mang thai trong tương lai. Hầu hết phụ nữ có tiền sử sảy thai và sảy thai liên tiếp có thể mang thai thành công trong tương lai.

2. Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố và vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ sảy thai sinh hóa bao gồm:

Nguyên nhân phôi bị sinh hóa
Có vấn đề về tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây sảy thai sinh hóa
  • Độ tuổi của thai phụ: Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên có thể gặp nhiều khó khăn khi mang thai và có nguy cơ sảy thai cao hơn phụ nữ khác. Tuổi thai phụ càng cao, nguy cơ và các biến chứng thai kỳ càng cao.
  • Không đủ lượng hormone cần thiết: Cơ thể cần một lượng hormone nhất định, chẳng hạn như progesterone, để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi. Nếu không có đủ hormone, phôi thai không được hỗ trợ và có thể gây sảy thai.
  • Chỉ số cơ thể (BMI) thấp: Phụ nữ thiếu cân theo chỉ số BMI có nhiều nguy cơ sảy thai sớm hơn so với người có chỉ số cơ thể bình thường. Bên cạnh đó, béo phì và thừa cân khi mang thai cũng có thể tăng nguy cơ rủi ro và các biến chứng khác
  • Bất thường ở tử cung: U xơ tử cung hoặc các bất thường ở niêm mạc tử cung có thể ngăn cản phôi thai làm tổ bên trong tử cung và gây sảy thai sinh hóa.
  • Khiếm khuyết giai đoạn hoàng thể: Nếu giai đoạn hoàng thể của bạn quá ngắn, niêm mạc tử cung không thể phát triển đầy đủ, nồng độ estrogen tăng không đủ cao để đảm bảo cho thai kỳ. Điều này có thể gây chấm dứt thai kỳ sớm do bong tróc niêm mạc tử cung và dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt.
  • Tắc ống dẫn trứng: Nếu ống dẫn trứng của bạn có vấn đề, phôi thai không thể di chuyển và bám vào thành tử cung. Điều này dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung và chấm dứt thai kỳ sớm.
  • Mang thai ngoài tử cung: Thai ngoài tử cung có thể sảy tự nhiên mà không cần can thiệp y tế.
  • Nhiễm trùng: Các bệnh lý nhiễm trùng lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, chlamydia có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
  • Di truyền: Một số phụ nữ có thể có các vấn đề bất thường về gen do di truyền. Điều này có thể gây khó khăn khi mang thai và kết thúc thai kỳ bằng cách sảy thai nhiều lần.
  • Các tình trạng cơ thể khác như rối loạn đông máu, có vấn đề tuyến giáp hoặc bệnh tiểu đường không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ sảy thai sinh hóa.
  • Hút thuốc, nghiện rượu, sử dụng chất kích thích: Phong cách sống không lành mạnh có thể gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể phụ nữ, dẫn đến kết thúc thai kỳ sớm và tăng nguy cơ vô sinh.

Điều trị tình trạng sảy thai sinh hóa

Trong hầu hết các trường hợp sảy thai sinh hóa không nghiêm trọng và có thể không cần điều trị. Thai sinh hóa hoặc sảy thai nhiều lần không có nghĩa là bạn không thể mang thai và sinh con khỏe mạnh trong tương lai.

 xử lý thai sinh hóa
Trao đổi với bác sĩ về các biện pháp xử lý thai sinh hóa

Hiện tại không có biện pháp điều trị tình trạng sảy thai sinh hóa, tuy nhiên nếu tình trạng này gây khó chịu, bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp cải thiện như:

  • Bổ sung progesterone và estrogen: Nồng độ progesterone và estrogen rất quan trọng cho sự phát triển của bào thai bên trong tử cung. Bác sĩ có thể đề nghị bổ sung progesterone và estrogen để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Điều quan trọng là bạn cần khám phụ khoa thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe.
  • Phẫu thuật điều chỉnh các bất thường ở tử cung: Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung hoặc polyp tử cung, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để để cải thiện các vấn đề ở tử cung.
  • Thuốc kháng sinh cho trường hợp nhiễm trùng: Các bệnh lý nhiễm trùng thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh để giảm các rủi ro sảy thai liên tiếp. Nếu bạn có kế hoạch mang thai trong tương lai, bạn nên thông báo với bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn phù hợp.

Ảnh hưởng của sảy thai sinh hóa

Sảy thai sinh hóa là tình trạng xảy ra sớm trong thai kỳ nên thường ít gây ảnh hưởng đến cơ thể của phụ nữ.

Tuy nhiên về mặt tâm lý, thai sinh hóa có thể dẫn đến cảm giác đau buồn, mất mát, lo lắng và căng thẳng. Do đó, bạn nên dành thời gian trò chuyện với bạn đời, đi du lịch, nghỉ ngơi và thư giãn trước khi quyết định mang thai trở lại. Bên cạnh đó, đến gặp bác sĩ tâm lý nếu bạn cảm thấy các dấu hiệu trầm cảm hoặc có sự tiêu cực trong suy nghĩ.

Khi nào có thể mang thai sau khi sảy thai sinh hóa

Trong hầu hết các trường hợp bạn có thể tiến hành mang thai sau một chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Các trường hợp sảy thai sinh hóa thường không cần điều trị hoặc can thiệp y tế để mang thai bình thường. Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ nếu bạn sảy thai liên tiếp.

Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn nếu bạn thuộc các đối tượng như:

  • Trên 35 tuổi và cố gắng thụ thai trong 6 tháng nhưng không thành công
  • Trên 38 tuổi và cố gắng mang thai trong 3 tháng
  • Trên 40 tuổi và có tiền sử sảy thai hoặc có lịch sử gia đinh vô sinh

Phòng ngừa sảy thai sinh hóa

Hiện tại không có biện pháp dự đoán và phòng ngừa tình trạng sảy thai sinh hóa. Tuy nhiên, thực hiện hành vi tình dục an toàn và phong cách sống khoa học có thể hỗ trợ giảm các rủi ro. Cụ thể một số biện pháp có thể ngăn ngừa sảy thai sinh hóa bao gồm:

  • Quan hệ tình dục chung thủy, một vợ một chồng
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với bạn tình mới
  • Không thụt rửa hoặc chèn bất cứ vật gì vào âm đạo
  • Tránh sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp thường xuyên
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, không áp dụng các chế độ ăn kiêng thiếu khoa học
  • Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng các chất dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể sản xuất đầy đủ các loại hormone cần thiết cho thai kỳ
  • Không hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất kích thích để hạn chế các nguy cơ sảy thai
  • Thực hiện các biện pháp điều trị và phòng ngừa theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Sảy thai sinh hóa là một tình trạng phổ biến nhưng không gây ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con của bạn trong tương lai. Do đó, nếu có kế hoạch mang thai bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.

5/5 - (2 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *