Tâm lý phụ nữ mang thai – Cả chồng & vợ nên biết

Tâm lý phụ nữ thường có nhiều thay đổi trong thời kỳ mang thai. Nếu không có sự kiểm soát tốt có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe thai kỳ. Cả vợ và chồng cần quan tâm đến vấn đề này để cùng nhau chia sẻ nhằm giúp thai kỳ phát triển tốt nhất.

Vì sao tâm lý phụ nữ lại thay đổi khi mang thai?

Khi mang thai, mẹ bầu không chỉ có sự thay đổi về vóc dáng và ngoại hình. Hơn thế nữa tâm sinh lý cũng có rất nhiều thay đổi lớn. Chính việc mang thai có thể tác động rất mạnh mẽ tới cảm xúc của chị em.

Nguyên nhân của sự thay đổi này có thể bắt nguồn từ sự thay đổi đột ngột của các hormone bên trong cơ thể. Chúng ảnh hưởng không ít đến hoạt động của hệ thống thần kinh và hoạt động của não bộ.

Một số tình trạng bất thường xuất hiện khi mang thai cũng là lý do. Ví dụ như mẹ bầu thường xuyên bị mất ngủ do các triệu chứng thai kỳ làm phiền. Căng thẳng, stress hay mệt mỏi kéo dài cũng có liên quan. Thậm chí việc bổ sung không đủ dưỡng chất cho cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng không ít đến sức khỏe tinh thần.

Tình trạng thay đổi tâm sinh lý thường diễn ra mạnh mẽ hơn ở phụ nữ mới mang thai lần đầu. Điều này bắt nguồn từ những lo lắng trước hành trình làm mẹ mà trước đây nữ giới chưa bao giờ trải qua.

Nhiều chị em còn có thể cảm thấy choáng ngợp trước sự thật về việc có con. Cùng với đó, những thay đổi nội tiết tố đang diễn ra bên trong cơ thể cũng có thể khiến cho cảm xúc bị phóng đại.

Tìm hiểu tâm lý và cảm xúc thất thường của phụ nữ mang thai

Mang thai là một trải nghiệm nhiều cảm xúc trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Tâm sinh lý có thể sẽ thay đổi qua từng giai đoạn của thai kỳ. Đa số phụ nữ mang thai thường có xu hướng trở nên khó tính hơn. Kèm theo đó, họ hay cáu gắt và dễ lo âu.

Dưới đây là những vấn đề mà các mẹ bầu thường xuyên phải đối mặt trong suốt thai kỳ:

1. Hay có cảm giác muốn khóc

Ngay từ khi mới bước vào thai kỳ, trạng thái tinh thần của nữ giới đã có nhiều thay đổi. Họ thường dễ bị căng thẳng hơn so với bình thường. Nhiều mẹ bầu sẽ dễ bị xúc động trước những chuyện nhỏ mà bình thường có thể họ chẳng hề quan tâm đến.

Đây cũng chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy phụ nữ đang có những thay đổi về trạng thái tâm lý. Và nó cũng được coi là một dấu hiệu giúp phát hiện sớm thai kỳ.

Một số chị em chia sẻ, họ rất dễ bị căng thẳng, đôi khi còn bật khóc và thể hiện sự xúc động mạnh trước những chuyện nhỏ nhặt không đâu vào đâu.

cảm xúc của mẹ bầu
Các mẹ bầu thường dễ bật khóc trước những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhặt

2. Trở nên khó tính, dễ cáu gắt

Thực tế cho thấy, khi mang thai, đa phần các chị em trở nên khó tính hơn hẳn. Họ luôn có xu hướng dễ cáu gắt với tất cả những người xung quanh.

Chính sự khó chịu của mẹ bầu có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của các thành viên khác trong gia đình, đôi khi còn gây mất hòa khí. Còn ở môi trường làm việc thì có thể khiến cho đồng nghiệp xa lánh, sợ hãi.

3. Thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu

Lo âu là một trong những cảm xúc thất thường khó tránh khỏi khi mang thai. Nó có thể là sự lo lắng về các vấn đề chung hay cũng có thể vì những lý do cụ thể. Ví dụ như sợ trải qua cảm giác đau đớn khi sinh con được những người có kinh nghiệm thuật lại.

Lúc này mẹ bầu nên biết chia sẻ và trò chuyện với những người xung quanh. Đặc biệt là chồng và người thân trong gia đình. Điều này có thể giúp mẹ bầu bớt lo âu, căng thẳng và suy nghĩ tích cực hơn.

4. Có xu hướng tự cô lập bản thân

Đây cũng là một vấn đề mà không ít phụ nữ gặp phải trong quá trình mang thai. Cho đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể lý giải được vì sao nhiều bà bầu lại có xu hướng tự cô lập bản thân với những người xung quanh.

Các mẹ bầu thường có biểu hiện che giấu cảm xúc của mình. Hơn nữa còn không muốn trò chuyện với mọi người hay thậm chí là không có hứng thú đi gặp gỡ bạn bè.

Điều này thực sự không tốt cho cả sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé yêu. Mẹ nên cố gắng sống tích cực, thường xuyên ra ngoài ăn uống, vui chơi và gặp gỡ bạn bè để giữ cho tinh thần thoải mái.

5. Rất nhạy cảm với những lời chỉ trích

Đây là một vấn đề phổ biến trong tâm lý của phụ nữ mang thai. Đa số các mẹ bầu đều trở nên nhạy cảm hơn trước những lời chỉ trích từ người khác. Đôi khi chỉ 1 lời nói hay hành động rất nhỏ nhặt cũng có thể khiến mẹ cảm thấy tổn thương.

Trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương là trạng thái thông thường khi mang thai. Nhưng các mẹ bầu cũng cần cố gắng kiểm soát để bản thân không phải bận tâm quá nhiều đến lời nói và hành động từ những người xung quanh.

tâm lý phụ nữ mang thai
Bà bầu rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương trước sự chỉ trích từ người khác

Ảnh hưởng của tâm lý phụ nữ mang thai lên bé yêu

Cùng với từng giai đoạn của thai kỳ thì thai nhi sẽ dần phát triển. Các cơ quan của bé sẽ dẫn được hình thành và hoàn thiện về cả cấu trúc lẫn chức năng. Sự thay đổi tâm trạng của người mẹ được cho là có liên quan trực tiếp đến quá trình này.

Các chuyên gia cho biết, nếu thai phụ thường xuyên lo âu, ưu phiền, dễ nóng giận có thể ảnh hưởng tới sự thay đổi về hành vi, nhận thức cũng như tính cách của trẻ khi chào đời. Vấn đề này lý giải tại sao mẹ thường căng thẳng thì con có thể dễ gặp các bệnh như tự kỷ, tăng động, chậm nói hay giảm khả năng tiếp thu.

Những thai phụ có sức khỏe tinh thần tốt cùng với thái độ lạc quan trước chuyện sinh đẻ thì thai nhi sẽ nhận được nhiều lợi ích. Ngay từ trong bụng mẹ, bé yêu đã phát triển thuận lợi và khỏe mạnh hơn.

Lời khuyên giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần trong thai kỳ

Giữ cho tinh thần luôn thoải mái khi mang thai là yếu tố cần thiết để các mẹ bầu có được thai kỳ khỏe mạnh. Có rất nhiều cách giúp chăm sóc tốt cho sức khỏe tinh thần.

Dưới đây là một số vấn đề mà các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý:

1. Dành thời gian ngủ nghỉ

Khi mang thai, mẹ bầu thường rất dễ bị mệt mỏi. Điều này khiến cho tinh thần và cảm xúc bị ảnh hưởng rất nhiều. Các mẹ được khuyên là nên dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi.

Chú ý tạo sự cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi cho hợp lý. Tuyệt đối không làm việc nặng hay quá sức. Đặc biệt là cần tránh làm việc vào buổi tối bởi có thể gây ảnh hưởng cho chất lượng giấc ngủ.

Mẹ bầu tuyệt đối không được thức khuya, hãy đi ngủ trước 10 giờ tối. Đồng thời nên đảm bảo rằng mỗi ngày ngủ đủ 8 tiếng. Có thể ngủ nhiều hơn tùy thuộc vào nhu cầu bản thân để giữ cho tinh thần luôn được tỉnh táo và thoải mái.

2. Kiểm soát tốt căng thẳng, stress

Thường xuyên bị căng thẳng, stress cũng sẽ khiến cho tâm lý phụ nữ mang thai trở nên bất ổn. Để có sức khỏe tinh thần tốt thì việc kiểm soát căng thẳng là rất cần thiết.

Mẹ bầu nên chủ động chia sẻ những áp lực, lo lắng và sợ hãi cho người thân. Căng thẳng, stress và những cảm xúc tiêu cực nếu không được giải tỏa sẽ gây ảnh hưởng cho sự phát triển của thai nhi.

Thêm vào đó, các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng tại nhà. Ví dụ như nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền, ngắm tranh, massage… Điều này giúp nuôi dưỡng tinh thần thoải mái, thư giãn và kiểm soát cảm xúc tiêu cực rất tốt.

3. Hoạt động thể chất nhẹ nhàng

Trong thời gian mang thai mẹ bầu không nên vận động mạnh và di chuyển quá nhiều. Tuy nhiên cũng cần tránh tình trạng nằm bất động 1 chỗ. Tốt nhất vẫn nên dành thời gian cho các hoạt động thể chất nhẹ nhàng.

cách kiểm soát tâm lý khi mang thai
Mẹ bầu nên hoạt động thể chất nhẹ nhàng để chăm sóc tốt cho sức khỏe tinh thần

Có thể lựa chọn đi bộ hay luyện tập một số động tác yoga dành cho bà bầu. Hoạt động thể chất mỗi ngày sẽ giúp nâng cao thể trạng. Đồng thời có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe thai kỳ.

4. Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể

Ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể là vấn đề mà nữ giới cần đặc biệt quan tâm khi đang mang thai. Bởi đây là yếu tố góp phần đảm bảo thai kỳ phát triển khỏe mạnh.

Bổ sung đủ dưỡng chất không chỉ hữu ích với sức khỏe thể chất mà còn đặc biệt tốt cho sức khỏe tinh thần. Nó giúp cho hệ thần kinh hoạt động ổn định hơn. Từ đó kiểm soát tốt các cảm xúc tiêu cực và giúp tinh thần được thư giãn, thoải mái.

Nên bổ sung các nguồn thực phẩm lành mạnh, tránh ăn đồ cay nóng, thức ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ. Nếu chị em đang gặp vấn đề về xây dựng chế độ dinh dưỡng khi mang thai thì có thể tìm gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

5. Vai trò của người chồng khi có vợ mang thai

Đa phần các mẹ bầu khi mang thai đều có chung nguyện vọng là được chồng quan tâm và âu yếm nhiều hơn. Có chồng ở bên, chị em sẽ thấy an toàn và bớt lo âu hơn.

Người chồng nên chú ý thay đổi các thói quen xấu để tránh vợ phải buồn bã, suy nghĩ. Đặc biệt là thói quen hút thuốc lá hay uống rượu bia.

Thay vào đó nên thường xuyên hỏi han về cảm xúc và sức khỏe của vợ. Đồng thời có thể tự tay massage cho vợ, biết chia sẻ mọi khó khăn để vợ mình có thể bước qua giai đoạn khó khăn này một cách suôn sẻ.

Bài viết đã đề cập đến một số thông tin cần biết về tâm lý phụ nữ mang thai. Trong thai kỳ, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là rất quan trọng. Các mẹ bầu cần đặc biệt chú ý để đảm bảo tốt cho thể trạng của chính mình và sự phát triển của bé yêu.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (4 bình chọn)

Từ sau khi hoàn thiện, bài thuốc Phụ Khang Đỗ Minh chữa bệnh phụ khoa của nhà thuốc gia truyền Đỗ Minh Đường đã nhận được sự quan tâm, đánh giá cao từ giới chuyên môn, cùng sự tin tưởng của người bệnh. Vừa qua, đài truyền hình Hà Nội cũng đã dành thời lượng giới thiệu bài thuốc Phụ Khang Đỗ Minh trong chương trình “Vì sức khỏe của bạn”, mang đến phương pháp điều trị bệnh phụ khoa hiệu quả số 1 dành cho chị em.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *