Nhổ Răng Sâu Khi Nào? Có Đau Không? Điều Cần Biết

Nhổ răng sâu được thực hiện trong trường hợp sâu răng số 8 (răng khôn) và sâu răng nặng khiến răng bị sứt mẻ, biến dạng,… Tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi chỉ định phương pháp này. 

răng sâu khi nào phải nhổ
Nhổ răng sâu được chỉ định trong trường hợp nào?

Khi nào cần nhổ răng sâu?

Sâu răng là tình trạng răng bị mất mô cứng và hình thành các lỗ hổng do quá trình hủy khoáng của vi khuẩn Streptococcus mutans. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và người có thói quen vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá lâu năm, thường xuyên dùng món ăn và đồ uống chứa đường.

Thông thường, sâu răng được điều trị bằng cách chăm sóc răng miệng khoa học, thay đổi thói quen, sử dụng nước súc miệng chứa fluoride và hàn trám răng sâu. Với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội nha (rút tủy) và bọc mão răng sứ. Tất cả các phương pháp điều trị sâu răng đều được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo tồn răng thật ở mức tối đa, phục hồi hình dáng và chức năng sinh lý của răng.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ răng sâu để tránh biến chứng và tổn thương các răng lân cận. Nhổ răng sâu được chỉ định trong những trường hợp sau:

1. Răng sâu bị tổn thương nặng

Sâu răng phát triển từ cao răng (mảng bám sinh lý bị khoáng hóa). Ban đầu, vi khuẩn chỉ gây tổn thương men răng và hình ảnh các lỗ nhỏ li ti trên bề mặt. Sau đó, các mô cứng của răng bắt đầu bị phá hủy, dẫn đến hình thành các đốm hoặc lỗ hổng có màu nâu, đen.

Răng sâu như thế nào thì phải nhổ
Trường hợp sâu răng nặng, răng bị biến dạng, hư hại,… có thể phải nhổ bỏ để hạn chế biến chứng

Tuy nhiên nếu không xử lý sớm, vi khuẩn sẽ phá hủy hoàn toàn men răng và xâm nhập vào ngà răng, tủy răng. Men răng là lớp cứng nhất có vai trò vảo vệ răng và tổ chức nha chu khỏi vi khuẩn có hại. Vì vậy khi cơ quan này bị phá hủy, hại khuẩn rất dễ xâm nhập vào bên trong cấu trúc và gây hư hại răng nghiêm trọng.

Ở giai đoạn sâu răng tiến triển nặng, răng có thể bị sứt mẻ, biến dạng, hình thành lỗ hổng lớn đi kèm với hiện tượng sưng lợi và ứ mủ. Trong trường hợp sâu răng nghiêm trọng, hình dáng răng bị phá hủy hoàn toàn và chỉ còn lại chân răng, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng.

2. Sâu răng số 8 (răng khôn)

Răng số 8 (răng khôn) nằm ở vị trí cuối của cung hàm và không giữ bất kỳ chức năng sinh lý nào. Tuy nhiên, đây lại là vị trí dễ bị sâu và viêm nhiễm do khó vệ sinh hơn răng ở những vị trí khác. Trong trường hợp sâu răng xảy ra ở vị trí này, điều trị ưu tiên luôn là nhổ bỏ răng – ngay cả khi sâu răng có mức độ không quá nghiêm trọng.

Răng sâu như thế nào thì phải nhổ
Nhổ bỏ răng là giải pháp tối ưu trong trường hợp sâu răng số 8 (răng khôn)

Hơn nữa, răng số 8 thường có xu hướng mọc ngầm, mọc lệch gây chèn ép các răng lân cận. Việc nhổ bỏ răng khôn có thể hạn chế nguy cơ sâu răng số 7 và một số vấn đề nha khoa khác như viêm lợi trùm, viêm nướu, viêm nha chu,…

3. Răng sâu bị lệch, mọc ngầm

Răng số 8 là vị trí dễ mọc ngầm và mọc lệch nhất. Tuy nhiên trong một số trường hợp, răng số 6 và số 7 cũng có thể gặp phải tình trạng này. Thông thường, răng cấm mọc lệch được xử lý bằng cách cắt lợi trùm hoặc chỉnh nha – niềng răng. Tuy nhiên nếu đi kèm với hiện tượng sâu răng nặng, bác sĩ thường yêu cầu nhổ bỏ và thay thế bằng răng Implant.

Trên thực tế, nhổ bỏ răng sâu được ưu tiên cho 2 trường hợp là răng sâu nặng chỉ còn chân răng và sâu răng số 8. Ở những trường hợp khác, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi đưa ra chỉ định.

Quy trình nhổ răng sâu

Nhổ răng sâu là thủ thuật nha khoa tương đối đơn giản và có thời gian thực hiện khá nhanh chóng (khoảng 10 – 30 phút). Tuy nhiên trong trường hợp sâu răng gây sưng lợi và mủ, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc kháng sinh và giảm đau trước khi can thiệp nhổ răng để ngăn ngừa viêm nhiễm lan rộng.

Nhổ răng sâu được thực hiện theo trình tự sau:

Bước 1: Thăm khám và chẩn đoán

Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ thăm khám răng miệng tổng quát và đánh giá tình trạng sâu răng. Sau đó, bạn cần chụp X-Quang để bác sĩ xem xét tình trạng răng miệng (răng mọc lệch, mọc ngầm,…). Ngoài ra thông qua hình ảnh từ X-Quang, bác sĩ cũng có thể xác định được vị trí chân răng và dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện.

Có nên nhổ chân răng sâu
Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tiến hành khám răng miệng tổng quát và chụp X-Quang

Bước 2: Thực hiện một số xét nghiệm

Đối với răng mọc lệch, mọc ngầm, răng sâu ở vị trí số 8, bạn có thể phải thực hiện xét nghiệm máu để loại trừ khả năng bị rối loạn đông máu và một số bệnh viêm nhiễm. Ngoài ra, bạn nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc trong vòng 14 ngày để được cân nhắc trước khi nhổ răng.

Nếu nhận thấy nguy cơ cao, bác sĩ có thể yêu cầu dời ngày nhổ răng hoặc thay thế bằng các phương pháp bảo tồn (trám răng, phục hình răng sứ,…).

Bước 3: Vệ sinh răng miệng và gây tê

Sau khi khám tổng quát và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh răng miệng trước khi thực hiện. Kế tiếp, thuốc tê sẽ được tiêm trực tiếp lên vùng mô nướu xung quanh răng để giảm cảm giác đau đớn và khó chịu.

Trong trường hợp tiểu phẫu răng khôn, bạn có thể yêu cầu gây mê nếu khả năng chịu đau kém. Tuy nhiên, nhổ răng gây mê thường có chi phí cao và tiềm ẩn không ít rủi ro, biến chứng. Do đó, bạn đọc nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn dịch vụ này.

Bước 4: Tiến hành nhổ răng

Sau khi thuốc tê phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ tiến hành nhổ bỏ răng bị sâu. Với trường hợp răng mọc ngầm, mọc lệch, bác sĩ có thể phải rạch mô nướu và dùng máy cắt răng thành nhiều phần để dễ dàng loại bỏ răng ra khỏi cung hàm. Thời gian nhổ răng dao động khoảng 10 – 30 phút tùy vào vị trí và mức độ khó của răng.

Bảng giá nhổ răng sâu
Nhổ răng sâu được thực hiện khá nhanh chóng, dao động từ 10 – 30 phút tùy vào độ khó của răng

Bước 5: Tư vấn cách chăm sóc và dùng thuốc

Cuối cùng, bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra răng miệng lần cuối và tư vấn cách dùng thuốc, chăm sóc để giảm đau nhức. Sau khoảng 2 – 3 ngày, tình trạng chảy máu và sưng đau sẽ thuyên giảm gần như hoàn toàn.

Chăm sóc sau khi nhổ răng sâu

Sau khi nhổ răng sâu, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khó chịu như đau nhức, sưng lợi, phù nề và chảy máu. Để vết thương ở vùng lợi nhanh lành và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, bạn nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc sau:

Bảng giá nhổ răng sâu
Trong 24 giờ đầu tiên, nên chườm lạnh thường xuyên để giảm phù nề và đau nhức
  • Trong vài giờ đầu sau khi nhổ răng, cần cắn chặt bông gòn ở vị trí răng bị nhổ bỏ để cầm máu và hạn chế tình trạng máu chảy kéo dài. Thông thường, sau khoảng 30 – 40 phút máu sẽ đông lại hoàn toàn. Tuy nhiên với một số người, tình trạng chảy máu có thể kéo dài trong khoảng vài giờ. Do đó, bạn nên cắn chặt bông gòn cho đến khi máu ngưng chảy hoàn toàn.
  • Trong 24 giờ sau khi nhổ răng, không nên súc miệng mạnh và tránh dùng các sản phẩm súc miệng chứa hoạt chất kháng khuẩn. Bởi các sản phẩm này có thể khiến vết thương khó cầm máu và chảy máu kéo dài.
  • Từ ngày thứ 2 trở đi, bạn có thể súc miệng bằng nước muối ấm để sát trùng, giảm phù nề và đau nhức mô nướu.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm và thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc hoặc dùng thêm các loại thuốc khác nếu không có chỉ định.
  • Để giảm sưng đau, nên chườm đá liên tục trong vòng 24 giờ đầu tiên. Sau khoảng vài ngày, bạn có thể chuyển sang chườm ấm để làm giảm máu bầm và giúp vết thương nhanh lành hơn.
  • Có thể kê gối cao để giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến mô nướu, từ đó cải thiện tình trạng phù nề và đau nhức. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp rút ngắn thời gian cầm máu và giảm thiểu nguy cơ chảy máu kéo dài.
  • Sau 2 ngày, bạn có thể chải răng để làm sạch khoang miệng nhưng cần thao tác nhẹ nhàng và tránh tác động lên vị trí răng vừa bị nhổ bỏ.
  • Chú ý, không sử dụng máy tăm nước trong vòng ít nhất 2 tuần sau khi nhổ răng – đặc biệt là nhổ răng khôn.
  • Để giảm mức độ sưng đau, nên tránh dùng nước ngọt, cà phê và rượu bia. Bên cạnh đó, cần hạn chế các món ăn chứa nhiều axit, gia vị và dầu mỡ. Trong thời gian chờ vết thương lành hẳn, nên uống nhiều nước và dùng các món ăn mềm, ít gia vị và dễ tiêu hóa.
  • Tránh vận động mạnh trong 2 ngày đầu sau khi nhổ răng. Hoạt động thể chất trong thời gian này có thể gây chảy máu kéo dài và khiến vết thương chậm lành hơn.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá trong vòng 3 ngày sau khi nhổ răng. Các thành phần có hại trong khói thuốc như axit cyanhyrid, carbon oxit và nicotine có thể khiến vết thương chậm lành và dễ viêm nhiễm hơn so với bình thường.

Trong quá trình chăm sóc, nên chú ý các biểu hiện của cơ thể. Nếu nhận thấy máu chảy liên tục trong hơn 12 giờ đồng hồ, cơ thể sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ,… bạn nên chủ động đến bệnh viện/ phòng khám để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Nhổ răng sâu có đau không? Nguy hiểm không?

Nhổ răng sâu có đau không là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm – đặc biệt là với những người có cơ địa nhạy cảm và chịu đau kém. Thực tế, nhổ răng sâu ít gây đau vì trước khi nhổ, thuốc tê sẽ được tiêm trực tiếp vào mô nướu. Do đó trong quá trình thực hiện, cơ thể gần như không cảm nhận được tín hiệu đau hay bất cứ triệu chứng khó chịu nào.

Tuy nhiên đối với răng khôn và những trường hợp răng mọc lệch, mọc ngầm, bạn có thể cảm thấy đau nhức và ê buốt nhẹ do chân răng nằm sâu bên dưới cung hàm. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, nướu có thể bị phù nề và đau nhức. Lúc này, bạn có thể dùng thuốc giảm đau và kháng viêm được bác sĩ chỉ định để kiểm soát triệu chứng.

Ngoài ra vấn đề trên, Nhổ răng sâu có nguy hiểm không? cũng là mối bận tâm hàng đầu của không ít bạn đọc. Theo các chuyên gia, biện pháp này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe, ngược lại còn giúp hạn chế các biến chứng do sâu răng nặng như viêm nha chu, áp xe chân răng, tổn thương các răng lân cận,…

Trên thực tế, nhổ răng sâu cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro và biến chứng do thực hiện tại những cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo vô trùng trong quá trình thực hiện, bác sĩ có tay nghề yếu kém,…

Các biến chứng có thể gặp phải khi nhổ răng sâu:

  • Viêm nhiễm
  • Lây nhiễm chéo bệnh lý giữa các bệnh nhân
  • Tổn thương dây thần kinh, mô nướu và các răng lân cận
  • Chảy máu kéo dài

Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên lựa chọn bệnh viện/ phòng khám nha khoa uy tín. Tránh nhổ răng sâu tại các phòng khám nhỏ, không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ bác sĩ thiếu kinh nghiệm.

Chi phí nhổ răng sâu hết bao nhiêu?

Chi phí nhổ răng sâu dao động khoảng 500.000 đồng/ răng. Nếu sâu răng xảy ra ở vị trí số 8 (răng khôn), chi phí có thể rơi vào khoảng 1.000.000 – 3.000.000 đồng/ răng tùy vào vị trí (hàm trên/ hàm dưới) và mức độ khó của răng (răng mọc thẳng hay mọc lệch, mọc ngầm). Đối với răng sữa bị sâu, các phòng khám nha khoa thường nhổ miễn phí.

nhổ răng sâu bao nhiêu tiền
Nhổ răng sâu hết bao nhiêu tiền?

Chi phí thực tế có thể chênh lệch ít nhiều tùy vào cơ sở y tế, mức độ tổn thương và vị trí của răng. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn nên nhổ răng tại các bệnh viện công. Ngoài ra trong trường hợp có BHYT, chi phí nhổ răng sẽ được bảo hiểm chi trả một phần nếu thực hiện tại các cơ sở y tế cùng tuyến.

Một số vấn đề cần biết trước khi nhổ răng sâu

Nhổ răng sâu là giải pháp dành cho sâu răng nặng, sâu răng xảy ra ở răng số 8 (răng khôn) hoặc sâu răng đi kèm với hiện tượng răng mọc lệch, mọc ngầm,… Tuy nhiên trước khi can thiệp phương pháp này, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không tự ý nhổ răng sâu – ngay cả khi răng bị hư hại và chỉ còn chân răng. Để đảm bảo an toàn, cần đến phòng khám để được chụp X-Quang và xét nghiệm máu trước khi nhổ bỏ răng.
  • Lựa chọn cơ sở uy tín để nhổ răng sâu.
  • Chỉ nhổ răng sâu khi không còn lựa chọn khả thi hơn. Bởi đối với răng ở những vị trí quan trọng, bạn cần phải trồng răng Implant sau khi nhổ bỏ. Mặc dù có tuổi thọ vĩnh viễn nhưng chi phí trồng răng Implant tương đối cao (khoảng 15 – 50 triệu đồng/ răng).
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ sau khi nhổ bỏ răng. Ngoài ra, cần tái khám để cắt chỉ nếu không sử dụng chỉ tự tiêu.
  • Hiện nay ngoài nhổ răng thông thường, một số phòng khám còn sử dụng máy nhổ răng siêu âm để tách chân răng ra khỏi cấu trúc mô nướu. So với nhổ răng truyền thống, kỹ thuật này có thể giảm mức độ đau, xâm lấn, giúp rút ngắn thời gian nhổ răng và đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Do đó nếu nhổ răng số 8 và răng cấm, bạn có thể lựa chọn dịch vụ này để hạn chế rủi ro và biến chứng.
  • Sau khi nhổ răng, cần chăm sóc răng miệng đúng cách và thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để hạn chế sâu răng tái phát.

Bài viết đã tổng hợp các thông tin cần biết về phương pháp nhổ răng sâu. Tuy nhiên để được tư vấn cụ thể hơn, bạn nên đến phòng khám/ bệnh viện và trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Tham khảo thêm:

5/5 - (5 bình chọn)

BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *