4 giai đoạn ung thư buồng trứng và thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Giai đoạn ung thư buồng trứng được phân chia dựa trên nhiều yếu tố. Nếu nắm được tiến trình của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân. Cụ thể, ung thư buồng trứng gồm 4 giai đoạn sau đây.
4 Giai đoạn của ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là tình trạng xuất hiện khối u chứa tế bào ác tính ở một bên hoặc hai bên buồng trứng. Nếu không được chữa trị kịp thời, các tế bào ung thư có thể di căn sang các bộ phận khác, gây ung thư thứ phát và đe dọa tính mạng của người bệnh.
Các dấu hiệu của bệnh thường rất khó nhận biết từ sớm. Hầu hết các bệnh nhân đều phát hiện ung thư buồng trứng qua thăm khám sức khỏe định kỳ. Sau khi chẩn đoán, việc đầu tiên các bác sĩ cần thực hiện đó là xác định xem bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nào. Sau đó, họ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.
Vậy ung thư buồng trứng có mấy giai đoạn?
- Trước hết, hệ thống phân chia các giai đoạn của ung thư buồng trứng đều căn cứ chủ yếu vào 3 yếu tố:
- Kích thước khối u: Xác định kích thước và vị trí ảnh hưởng của khối u.
- Hạch bạch huyết: Các bác sĩ cần kiểm tra xem các hạch bạch huyết xung quanh có chứa tế bào ung thư hay không.
- Mức độ di căn: Cần xác định ung thư buồng trứng đã di căn đến những bộ phận nguy hiểm hay chưa.
Theo đó, ung thư buồng trứng sẽ gồm 4 giai đoạn sau đây.
Ung thư buồng trứng thời kỳ đầu
Giai đoạn 1 là khi khối u mới được hình thành. Khối u ác tính của thể nằm ở một bên hoặc cả hai bên của buồng trứng, nhưng vẫn chưa lây lan sang các cơ quan sinh sản khác. Ở một số trường hợp, khối u có thể nằm trên bề mặt buồng trứng hoặc có hiện tượng bong tế bào ác tính ở dịch ổ bụng và vùng chậu.
Đây được xem là giai đoạn điều trị có khả năng thành công cao nhất. Nếu tuân thủ đúng các phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh có thế kéo dài cơ hội sống trên 5 năm.
Giai đoạn 1 cũng được chia thành các giai đoạn phụ như sau:
- Giai đoạn 1A: Trong giai đoạn này, khối u mới được hình thành và xuất hiện ở bên trong một bên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Các tế bào ung thư ác tính lúc này vẫn chưa xuất hiện, khối u vẫn nằm gọn trong buồng trứng, chưa có hiện tượng xâm lấn ra những bộ phận bên ngoài. Dịch trong ổ bụng cũng chưa xuất hiện.
- Giai đoạn 1B: Khối u đã xuất hiện ở cả hai buồng trứng và ống dẫn trứng, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển xa hơn. Tế bào ác tính và dịch ổ bụng cũng chưa xuất hiện.
- Giai đoạn 1C: Lúc này khối u đã bắt đầu phá vỏ và lan ra bên ngoài, có thể xuất hiện một phần ở bề mặt bên ngoài của buồng trứng. Tế bào ung thư ác tính đã xuất hiện trong vùng chậu hoặc dịch ổ bụng. Viên nang và các mô xung quanh cũng đã bị phá vỡ hoàn toàn.
Trong giai đoạn này, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, có cảm giác chán ăn, cơ thể thường xuyên mệt mỏi,… Những dấu hiệu này thường tương đồng với các bệnh về tiêu hóa, nên rất dễ gây nhầm lẫn và bị bỏ qua. Cách tốt nhất để nhận biết là đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 2
Ở giai đoạn 2, khối u vẫn nằm chủ yếu trong buồng trứng và ống dẫn trứng, nhưng đã bắt đầu tiếp xúc và lan truyền đến những cơ quan xung quanh. Các tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn và ăn sâu vào những cơ quan sinh sản lân cận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những người phát hiện dấu hiệu ung thư buồng trứng ở giai đoạn này vẫn có thể tỷ lệ kéo dài thời gian sống trên 5 năm là 70%. Người bệnh vẫn còn nhiều hy vọng, quan trọng là phải giữ vững ý chí và thực hiện đúng những nguyên tắc điều trị của bác sĩ.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 2 cũng được chia thành những giai đoạn nhỏ sau đây:
- Giai đoạn 2A: Các tế bào ung thư đã tiếp xúc và xâm lấn đến tử cung, ống dẫn trứng, hoặc cả hai bộ phận này. Nhưng vẫn chưa ăn sâu vào các hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn 2B: Ung thư đã lan rộng đến các cơ quan vùng chậu lân cận như đại tràng, bàng quang và trực tràng,… nhưng vẫn chưa vào hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2C: Các tế bào ác tính đã lan đến tử cung và tất cả các mô xương chậu khác.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 3
Khi bước vào giai đoạn thứ 3 của ung thư buồng trứng, các tế bào ác tính đã có sự xâm lấn đến những cơ quan khác trong ổ bụng như niêm mạc bụng,… và xuất hiện trong cả trong các hạch bạch huyết nội ổ bụng. Tỷ lệ sống trên 5 năm của những bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn này giảm xuống còn 39%.
Ung thư buồng trứng giai đoạn 3 được chia thành 3 giai đoạn phụ:
- Giai đoạn 3A: Khối u có thể đã xuất hiện ở cả hai buồng trứng. Tuy khối u vẫn không thể quan sát được bằng mắt thường, các bác sĩ có thể sử dụng kính hiển vi để xác định các dấu hiệu ung thư trong ổ bụng. Giai đoạn 3A gồm hai phần phụ. Ở 3A1, các tế bào ung thư đã lan đến bên ngoài khung chậu và các hạch bạch huyết xung quanh phúc mạc. Trong khi đó ở giai đoạn 3A2, ung thư đã lan rộng ra các cơ quan gần xương chậu và xuất hiện ở phúc mạc bụng.
- Giai đoạn 3B: Lúc này, kích thước của khối u đã gia tăng đến mức có thể quan sát được bằng mắt thường khi phẫu thuật. Khối u ung thư thường có đường kính khoảng dưới 2cm. Tuy nhiên, các tế bào vẫn chưa chạm tới những cơ quan xa hơn.
- Giai đoạn 3C: Lúc này, khối u đã lan rộng đến bụng với kích thước lớn hơn 2cm. Thậm chí, các tế bào ung thư đã có thể tiếp xúc với bề mặt của các cơ quan ở xa như gan, lá lách,…
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4
Đây được coi là giai đoạn cuối của ung thư buồng trứng. Lúc này, khối u đã vượt xa khỏi buồng trứng và phạm vi ổ bụng. Việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tỷ lệ thành công cũng không cao.
- Giai đoạn 4A: Các tế bào ung đã bắt đầu xuất hiện ở lượng chất lỏng xung quanh phổi, được gọi là dịch màng phổi.
- Giai đoạn 4B: Các tế bào ung thư đã xâm lấn và ăn sâu vào các cơ quan ở xa như gan, lá lách, phổi, não,… và các hạch bạch huyết ở vùng háng.
Do đó, người bệnh bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe như cổ trướng, khó thở,… Các tế bào di căn làm giảm đường kính lòng ruột gây tắc nghẽn, cản trở khả năng tiêu hóa và bài tiết của cơ thể. Nặng nề hơn, ung thư di căn đến gan, phổi và não,… khiến người bệnh bị rối loạn thị giác, nói lắp và lú lẫn. Thậm chí là xuất hiện cả những cơn động kinh.
Sức khỏe của người bệnh sẽ suy kiệt nhanh chóng đến khi cơ thể không còn đủ khả năng chống chọi nữa.
Phòng ngừa và điều trị ung thư buồng trứng
Sau khi giai đoạn phát triển của khối u đã được xác định, dựa trên tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Mỗi giai đoạn sẽ có những phương pháp điều trị và tỷ lệ thành công khác nhau. Thông thường, các bệnh nhân sẽ được chỉ định một trong ba phương pháp sau đây:
- Phẫu thuật: Phương pháp này có hiệu quả cao nhất trong hai giai đoạn đầu. Lúc này khối u chưa lan xa, do đó có thể phẫu thuật cắt bỏ để ngăn chặn tình trạng di căn. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ một hoặc cả hai bên buồng trứng, ống dẫn trứng,… Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân vẫn có khả năng sinh con trong tương lai.
- Hóa trị: Phương pháp này thường được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt hoàn toàn những tế bào ung thư còn sót lại ở buồng trứng. Bệnh nhân sẽ được tiêm trực tiếp các hóa chất chuyên dụng vào cơ thể. Quá trình hóa trị ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh, kéo theo nhiều tác dụng phụ đi kèm.
- Xạ trị: Các tế bào ung thư sẽ được loại bỏ bằng cách chiếu các tia phóng xạ năng lượng cao vào vùng tổn thương. Tương tự như hóa trị, xạ trị cũng khiến bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, tiểu khó,… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt.
Ung thư buồng trứng chắc hẳn là nỗi sợ hãi của rất nhiều chị em. Hiện nay, những nguyên nhân trực tiếp gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng bằng những biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Dinh dưỡng là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đảm bảo hoạt động sống của cơ thể. Theo các chuyên gia, một chế độ ăn lành mạnh, ít chất béo bão hòa, đặc biệt là từ mỡ động vật, sẽ giúp bạn giảm tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Các dấu hiệu của ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Cách tốt nhất là bạn nên thăm khám thường xuyên, ít nhất 3-6 tháng một lần để đảm bảo sức khỏe.
- Lưu ý khi sử dụng các thuốc chứa hormone: Khi thấy kinh nguyệt không đều, nhiều chị em có thói quen sử dụng thuốc điều kinh có chứa hormone. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Do đó, các chị em cần hết sức thận trọng.
- Tập luyện thể dục thao: Tập luyện thường xuyên không chỉ giúp chị em nâng cao sức đề kháng, cải thiện vóc dáng, mà còn giúp cơ thể thoải mái, giữ tinh thần lạc quan, hạn chế căng thẳng.
Theo các chuyên gia, ung thư buồng trứng được chia làm 4 giai đoạn với những biểu hiện và tiến triển khác nhau. Việc xác định giai đoạn ung thư là bước quan trọng đầu tiên để đưa ra phác đồ điều trị. Hy vọng bài viết này đã giúp chị em hiểu hơn về quá trình phát triển của bệnh, đồng thời có những biện pháp để phòng ngừa ung thư buồng trứng và cải thiện sức khỏe!
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!