Ung thư buồng trứng tái phát – Thông tin cần biết

Ung thư buồng trứng là căn bệnh hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Tỷ lệ tái phát của ung thư buồng trứng khá cao. Vậy tại sao ung thư buồng trứng tái phát và cách phòng ngừa như thế nào?

Ung thư buồng trứng là tình trạng xuất hiện các khối u ác tính trong buồng trứng, ống dẫn trứng của phụ nữ. Các khối u ác tính có thể di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể, gây xâm lấn và tấn công các tế bào lành tính của cơ thể.

Đây là căn bệnh phụ khoa rất nguy hiểm đối với phụ nữ, chiếm tỉ lệ tử vong cao và rất khó phát hiện. Rất nhiều trường hợp phát hiện ung thư buồng trứng khi bệnh ở giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị.

Nguyên nhân khiến ung thư buồng trứng tái phát

Ung thư buồng trứng tái phát là tình trạng người bệnh đã được điều trị bệnh nhưng các tế bào ung thư vẫn còn sót lại sau khi điều trị và tiếp tục phân chia, phát triển hình thành các khối u mới.

Hai năm đầu sau khi điều trị là thời gian dễ tái phát ung thư buồng trứng nhất. Các triệu chứng của căn bệnh này thường không rõ ràng, người bệnh phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn và tăng nguy cơ tái phát ung thư.

Ung thư buồng trứng tái phát có tỉ lệ rất cao, lên tới 90% khi điều trị ở giai đoạn muộn
Ung thư buồng trứng tái phát có tỉ lệ rất cao, lên tới 90% khi điều trị ở giai đoạn muộn

Ung thư buồng trứng tái phát xảy ra trong 2 trường hợp:

  • Người bệnh bị tái phát ngay tại vị trí các khối u ban đầu.
  • Người bệnh tái phát bệnh nhưng các tế bào ung thư hình thành ở các bộ phận khác của cơ thể, gọi là tái phát khu vực.

Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn tới tình trạng ung thư buồng trứng tái phát. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng này có thể xảy ra do một số yếu tố sau:

  • Khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ u ác tính buồng trứng, các tế bào ác tính đã kịp phân chia sang các cơ quan khác nhưng chưa hình thành khối u. Sau khi điều trị các khối u này mới hình thành và phát triển.
  • Không kết hợp nhiều phương pháp điều trị dẫn tới các tế bào ung thư không được tiêu diệt triệt để.
  • Sau khi điều trị, người bệnh không tích cực tái khám và không có chế độ chăm sóc khoa học.

Tỉ lệ tái phát ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư có tỉ lệ tái phát cao nhất. Tỉ lệ tái phát bệnh phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện và điều trị. Phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ làm giảm nguy cơ tái phát.

  • Điều trị khi bệnh nhân ở giai đoạn I sẽ có tỉ lệ tái phát khoảng 10%.
  • Bệnh nhân ở giai đoạn 2 có tỉ lệ tái phát khoảng 30%.
  • Ở giai đoạn III, người bệnh có nguy cơ tái phát bệnh từ 70 đến 90%.
  • Điều trị bệnh ở giai đoạn IV – giai đoạn cuối của ung thư có tỉ lệ tái phát rất cao đến trên 90%. Ở giai đoạn này, người bệnh có nguy cơ tử vong rất lớn.

Sau khi điều trị bệnh, nếu có cảm giác đau hoặc khó chịu ở bụng, xuất hiện tình trạng chảy máu âm đạo bất thường, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để thăm khám và phòng ngừa ung thư tái phát.

Các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa ung thư tái phát

Để giảm nguy cơ tái phát sau khi điều trị ung thư, người bệnh có thể áp dụng những giải pháp điều trị và chăm sóc sức khỏe sau đây:

  • Phối hợp tốt với bác sĩ khi thực hiện phác đồ điều trị bệnh

Đây là yếu tố rất quan trọng giúp tăng tỉ lệ thành công trong quá trình điều trị bệnh. Người bệnh tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra, không tự ý thực hiện những phương pháp điều trị không có tính khoa học.

Đặc biệt, người bệnh không được bỏ qua một số giai đoạn điều trị. Trong nhiều trường hợp sau khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh được chỉ định hóa trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại nhưng không thực hiện khiến các tế bào ung thư có điều kiện phát triển trở lại.

  • Người bệnh cần tái khám thường xuyên

Việc tái khám thường xuyên sau khi điều trị rất cần thiết để đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị và giúp các bác sĩ phát hiện sớm nguy cơ tái phát bệnh.

Nếu trong quá trình tái khám, các bác sĩ phát hiện được tế bào ung thư mới đang hình thành thì có thể điều trị sớm và ngăn chặn nguy cơ tái phát bệnh.

Người bệnh cần được chăm sóc và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa ung thư tái phát
Người bệnh cần được chăm sóc và tái khám thường xuyên để ngăn ngừa ung thư tái phát
  • Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng khoa học

Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc người bệnh ung thư sau điều trị rất quan trọng. Đối với người bệnh, cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất, nhất là những thực phẩm làm tăng sức đề kháng.

Người bệnh không nên ăn kiêng theo những tin đồn không có căn cứ đối với chế độ ăn cho người bị ung thư. Chỉ cần tuyệt đối không sử dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích để duy trì lối sống khoa học và lành mạnh.

  • Xây dựng lối sống khoa học, tích cực

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao vừa sức, luôn tạo tâm lý lạc quan vui vẻ là những cách hỗ trợ điều trị bệnh ung thư rất tốt và ngăn ngừa nguy cơ ung thư tái phát.

  • Sử dụng thuốc phòng ngừa tái phát

Hiện nay, có nhiều loại thuốc và các thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ người bệnh bình phục sau điều trị và ngăn ngừa nguy cơ ung thư tái phát. Khi sử dụng các sản phẩm này, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

  • Khám sức khỏe định kỳ

Việc khám sức khỏe định kỳ, nhất là khám phụ khoa rất quan trọng, giúp người bệnh có thể phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ ung thư, từ đó điều trị bệnh kịp thời, tăng tỉ lệ điều trị thành công và giảm tỉ lệ bệnh tái phát.

Ung thư buồng trứng tái phát chiếm tỉ lệ rất cao trong số người bệnh bị ung thư. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao ở phụ nữ. Chính vì thế, phát hiện sớm và tích cực điều trị bệnh giúp bệnh nhân kéo dài sự sống và cải thiện chất lượng sống tốt hơn.

5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *