Dị ứng đậu phộng có nguy hiểm? Dấu hiệu, cách xử lý
Nội dung bài viết
Dị ứng đậu phộng là dị ứng thực phẩm nguy hiểm có thể dẫn tới sốc phản vệ, đe dọa đến tính mạng. Vì thế, bạn cần ghi nhớ dấu hiệu của hiện tượng này và nắm rõ các cách xử lý để có thể can thiệp kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Dị ứng đậu phộng là gì? Triệu chứng nhận biết?
Dị ứng đậu phộng (dị ứng lạc) là hiện tượng dị ứng xảy ra sau khi ăn hoặc tiếp xúc với đậu phộng. Phản ứng dị ứng có thể xuất hiện sau vài phút hoặc kéo dài đến 2 giờ sau khi tiếp xúc với đậu phộng.
Đây là dị ứng thực phẩm nghiêm trọng và phổ biến, thường xuất hiện ở trẻ em. Tùy vào cơ địa mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau khi bị dị ứng. Các triệu chứng thường xuất hiện ngay lập tức hoặc sau vài phút từ nhẹ đến nặng như sau:
- Phản ứng trên da như nổi mẩn đỏ, phát ban, nổi mề đay trên da.
- Ngứa ran xung quanh miệng hoặc cổ họng.
- Đau bụng, buồn nôn, có nôn, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đại tiện ra máu.
- Ngạt mũi, sổ mũi, ho, khàn giọng.
- Mắt ngứa, chảy nước mắt, hoa mắt, chóng mặt, có thể mất ý thức tạm thời.
- Khó thở, đau thắt ngực.
Đặc biệt lưu ý, dị ứng lạc có thể dẫn tới sốc phản vệ, là hiện tượng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vì thế, cần chú ý đến các triệu chứng sốc phản vệ để gọi cấp cứu kịp thời.
Một số triệu chứng của sốc phản vệ là:
- Sưng họng hoặc nổi u cục ở họng dẫn đến khó thở.
- Co thắt ngực, phù mạch, huyết áp giảm nghiêm trọng.
- Chóng mặt, ngất xỉu, thậm chí lơ mơ, mất ý thức.
Người có tiền sử dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ sốc phản vệ cao hơn. Chú ý đến các triệu chứng sau khi sử dụng đậu phộng để có biện pháp can thiệp kịp thời nếu không may bị dị ứng.
Nguyên nhân dị ứng đậu phộng? Bệnh có nguy hiểm không?
Dị ứng đậu phộng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận nhầm protein trong đậu phộng là protein gây hại nên sẽ giải phóng ra histamin và một số hóa chất khác để chống lại sự tác động của protein đậu phộng dẫn đến hiện tượng dị ứng.
Dị ứng có thể xảy ra khi:
- Ăn trực tiếp đậu phộng hoặc các thực phẩm chứa đậu phộng. Một số trường hợp có thể tiếp xúc qua da cũng gây dị ứng.
- Tiếp xúc gián tiếp bằng cách ăn các thực phẩm đã từng tiếp xúc với đậu phộng trong quá trình chế biến.
- Hít phải mùi đậu phộng hoặc bột đậu phộng cũng có phản ứng dị ứng tương tự.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, một số người cũng có nguy cơ dị ứng cao hơn đó là:
- Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa chưa ổn định dễ bị dị ứng đậu phộng.
- Người bị viêm da hoặc đã bị các dị ứng thực phẩm khác có nguy cơ mắc cao hơn.
- Người bị hen suyễn hoặc tiền sử gia đình có người bị dị ứng cũng có khả năng bị dị ứng đậu phộng cao hơn những người khác.
Vậy di ứng đậu phộng có nguy hiểm không? – Khi bị dị ứng đậu phộng có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như nguy cơ gặp phải các dị ứng khác như:
- Tăng nguy cơ bị dị ứng trứng, dị ứng sữa, đậu nành…
- Tăng nguy cơ dị ứng lông động vật, phấn hoa.
- Tăng nguy cơ bị hen suyễn, viêm da dị ứng.
Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Đây là biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng, dẫn đến suy hô hấp trong thời gian ngắn dẫn tới tử vong.
Quy trình điều trị bệnh dị ứng
Bởi vì đây là hiện tượng rất nguy hiểm nên cần quan sát kỹ các dấu hiệu, triệu chứng để từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời. Trong trường hợp khẩn cấp, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán, các bác sĩ sẽ kiểm tra về tiền sử bệnh dị ứng của bệnh nhân, tiền sử gia đình và thực phẩm vừa sử dụng. Sau đó, để xác định có thể thực hiện các biện pháp xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm chích da: Lấy một mẫu da nhỏ thử phản ứng với protein trong đậu phộng.
- Xét nghiệm máu: Định lượng kháng thể, đo phản ứng của hệ thống miễn dịch với protein trong đậu phộng.
- Thử nghiệm thực phẩm: Cho bệnh nhân ăn trực tiếp một lượng nhỏ đậu phộng để thử phản ứng dị ứng.
Điều trị dị ứng
Trong trường hợp lần đầu tiên bị dị ứng, chưa xác định được có phải dị ứng đậu phộng hay không, người bệnh cần dừng sử dụng ngay lập tức tất cả các thực phẩm có thể gây dị ứng.
Sử dụng nước lạnh chườm lên vùng da bị phát ban, uống nhiều nước và đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra.
Trường hợp đã từng bị dị ứng và có biểu hiện dị ứng nặng có thể tiêm Epinephrine ngay lập tức vào đùi, để trong 10 phút sau đó đưa đến bệnh viện cấp cứu để ngăn ngừa sốc phản vệ.
Trong trường hợp nhẹ, các bác sĩ có thể cho sử dụng thuốc kháng histamin để giảm các triệu chứng dị ứng như phát ban, nổi mề đay…
Dị ứng với đậu phộng không thể được điều trị khỏi hoàn toàn và chưa có biện pháp ngăn ngừa. Vì vậy, biện pháp điều trị tốt nhất là tránh xa tuyệt đối đậu phộng và các thực phẩm chứa đậu phộng. Nếu đã từng bị dị ứng nặng, nên mang theo Epinephrine đề phòng trường hợp dị ứng khẩn cấp.
Cách phòng tránh dị ứng
Dị ứng thực phẩm rất nguy hiểm và chưa có thuốc phòng ngừa cũng như đặc trị. Vì thế, cần lưu ý những điều sau để phòng tránh, tự bảo vệ mình:
- Tránh tuyệt đối sử dụng đậu phộng kể cả ăn đậu phộng trực tiếp hay các thực phẩm có chứa đậu phộng. Một số thực phẩm có chứa nhiều đậu phộng như sữa hạt, bơ, bánh ngọt, phô mai, kem…
- Thông báo với người chế biến thức ăn để chắc chắn rằng thực phẩm đang sử dụng không chứa đậu phộng.
- Vì đậu phộng có thể gây dị ứng gián tiếp nên cần vệ sinh kỹ dụng cụ chế biến thức ăn đề phòng trường hợp vừa chế biến đậu phộng.
- Thông báo với những người thân, những người thường xuyên ở xung quanh để cảnh giác và đề phòng nếu không may xảy ra dị ứng.
- Nên mang theo Epinephrine mọi lúc mọi nơi đề phòng tình huống bất trắc có thể sử dụng để ngăn ngừa sốc phản vệ.
- Có thể sử dụng vòng đeo tay ghi tình trạng sức khỏe đề phòng trường hợp bị dị ứng nặng, mất ý thức, không thông báo được tình trạng với người xung quanh.
- Giữ vệ sinh cá nhân và rửa tay sạch để tránh vô tình tiếp xúc với đậu phộng.
Lưu ý khi điều trị dị ứng đậu phộng
Chưa có thuốc điều trị tình trạng này khỏi hoàn toàn, khi có dấu hiệu dị ứng cần can thiệp điều trị ngay lập tức để tránh biến chứng. Tuy nhiên, khi điều trị cũng cần lưu ý những điều sau:
- Tuyệt đối không dùng các mẹo dân gian chữa dị ứng khi thấy có phản ứng nặng mà cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu.
- Trung thực khi khai báo tình trạng sức khỏe, loại thực phẩm và thuốc đã sử dụng với bác sĩ để rút ngắn thời gian chẩn đoán.
- Sau khi thực hiện sơ cứu cần đưa người bệnh đến bệnh viện cấp cứu và theo dõi những phản ứng nghiêm trọng.
- Tuyệt đối không sử dụng đậu phộng là cách tốt nhất giúp phòng ngừa và điều trị tình trạng này.
Trên đây là tổng quan về dị ứng đậu phộng mà mọi người cần biết. Đây là tình trạng dị ứng rất nguy hiểm và phổ biến ai cũng có thể gặp phải. Nắm vững những dấu hiệu bệnh và nguyên tắc sơ cấp cứu là điều cần thiết để bảo vệ bản thân và giúp đỡ những người xung quanh chẳng may bị dị ứng.
Click đọc ngay:
Tin bài nên đọc
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!