Viêm gan B khi mang thai và thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Viêm gan B khi mang thai thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, nếu thai phụ không kèm theo các bệnh gan tiến triển. Tuy nhiên, virus viêm gan B có thể truyền sang em bé trong quá trình sinh, do đó điều quan trọng là thông báo cho bác sĩ về tình trạng bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp.
Thông tin cần biết về bệnh viêm gan B khi mang thai
1. Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng gan có thể gây xơ gan, suy gan, mất chức năng gan hoặc ung thư.
Viêm gan B khi mang thai có thể truyền sang em bé khi chào đời. Trẻ được sinh ra từ mẹ bị viêm gan B có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B mạn tính cao hơn 90% nếu không được xử lý và điều trị đúng cách. Do đó, phụ nữ mang thai cần biết tình trạng bệnh và thông báo với bác sĩ để ngăn ngừa lây nhiễm trong khi sinh.
Hầu hết phụ nữ mang virus đều không nhận biết bệnh bởi các dấu hiệu viêm gan B thường không rõ ràng hoặc các triệu chứng thường nhẹ. Do đó, phụ nữ mang thai nên thực hiện xét nghiệm viêm gan B. Xét nghiệm đặc biệt quan trọng ở những phụ nữ có nguy cơ cao như nhân viên y tế, phụ nữ ở các quốc gia có nguy cơ viêm gan B hoặc người sống chung với bệnh nhân viêm gan B.
2. Tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B khi mang thai
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên thế giới có khoảng 2 tỷ người mắc bệnh viêm gan B, trong đó có 30 triệu người bệnh viêm gan B mạn tính. Trung bình mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết liên quan đến các biến chứng viêm gan B như xơ gan, ung thư gan.
Tại Việt Nam, hiện tại có khoảng 12 triệu người mắc bệnh viêm gan B, tỷ lệ nhiễm lớn hơn 8%. Tỷ lệ viêm gan B mạn tính như sau:
- Trên 90% trẻ nhiễm bệnh từ mẹ sang con
- Khoảng 25 – 500 trẻ nhiễm bệnh trong độ tuổi từ 1 – 5 tuổi
- Khoảng 6 – 10% người trưởng thành.
Có khoảng 50% người bệnh virus viêm gan B là do lây nhiễm từ chu kỳ sinh. Nếu không tiêm phòng, tỷ lệ trẻ mắc bệnh là:
- 70 – 90% trẻ có mẹ có HbeAg dương tính
- 10 – 40% trẻ có mẹ có HbeAg âm tính
3. Cách lây truyền viêm gan B khi mang thai
Viêm gan B khi mang thai có thể lây truyền sang thai nhi thông qua quá trình chuyển dạ sinh con và sau sinh (chu sinh). Bên cạnh đó, đôi khi virus cũng có thể lây truyền trong tử cung, tuy nhiên tình trạng này tương đối hiếm gặp.
Nếu thai phụ bị bệnh viêm gan B trong 6 tháng vừa qua, tình trạng này được gọi là viêm gan B cấp tính. Tình trạng này có 90% nguy cơ lây truyền sang trẻ sơ sinh. Nếu người bệnh nhiễm trùng viêm gan B mạn tính, khả năng lây truyền sang con khoảng 10 – 20%.
4. Ảnh hưởng của bệnh viêm gan B khi mang thai
Nếu thai phụ nhiễm viêm gan B cấp tính, tỷ lệ lây nhiễm là:
- Khoảng 10% trong 3 tháng đầu của thai kỳ
- Khoảng 90% trong 3 tháng cuối của thai kỳ
Mang thai không làm các triệu chứng viêm gan B trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, viêm gan B cũng không gây ảnh hưởng khả năng sinh sản và mang thai, trừ khi người bệnh xơ gan hoặc suy gan.
Những thay đổi về hệ thống miễn dịch, chuyển hóa và huyết động khi mang thai có thể khiến các triệu chứng bệnh gan trở nên nghiêm trọng. Bệnh nhân xơ gan thường có thể tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng như nguy hiểm như:
- Tăng huyết áp thai kỳ
- Bong nhau thai non
- Chảy máu do phình tĩnh mạch
- Xơ gan mất bù
- Thai nhi chậm tăng trưởng trong tử cung
- Nhiễm trùng trong tử cung
- Sinh non
- Thai chết lưu
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Bệnh viêm gan B có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau khớp. Tuy nhiên các triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn thành các dấu hiệu của thai kỳ, do đó người bệnh thậm chí không nhận biết bệnh.
Do đó, phụ nữ mang thai cần chú ý một số dấu hiệu và triệu chứng viêm gan B như:
Viêm gan B cấp tính:
- Sốt thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm gan B, thường là sốt nhẹ, ít khi sốt cao, triệu chứng cơ bản tương tự như cảm cúm.
- Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi.
- Vàng da thường xuất hiện vài ngày sau khi sốt. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác như nước tiểu vàng, tròng mắt vàng.
- Các triệu chứng kèm theo khác có thể bao gồm chán ăn, đầy hơi, chướng bụng, nôn, đau vùng bụng trên rốn hoặc đau khớp.
Đối với viêm gan B cấp tính, các triệu chứng thường kéo dài 2 – 3 tuần sau đó sẽ được cải thiện mà không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, viêm gan B cấp tính có nguy cơ lây truyền sang thai nhi khoảng 90%.
Viêm gan B tối cấp:
- Các triệu chứng viêm gan B tối cấp thường xuất hiện một cách đột ngột, nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao hơn 80%. Các biến chứng nghiêm trọng phổ biến bao gồm:
- Mất chức năng gan đột ngột
- Xuất huyết nội với các dấu hiệu như nôn ra máu, tiểu ra máu, đại tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chảy máu ở các nơi tiêm chích
Viêm gan B mạn tính:
Tình trạng này thường không dẫn đến các triệu chứng hoặc xuất hiện dưới hai dạng bệnh như:
- Viêm gan B mãn tính thể ngủ: Là tình trạng bệnh tiềm ẩn, dai dẳng thường không có các triệu chứng đặc trưng. Thông thường, viêm gan B thể ngủ có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó tiêu hóa, khó chịu ở bụng, táo bón,…
- Viêm gan B thể hoạt động (hoặc thể tấn công): Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện rõ rệt như suy nhược cơ thể, yếu cơ bắp, mất sức mạnh, chán ăn, no hơi, đầy bụng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng thường dễ bị dị ứng, nổi mề đay, ngứa da bất thường và thỉnh thoảng người bệnh có thể xuất hiện các đợt sốt một cách bất thường.
Chẩn đoán viêm gan B khi mang thai
Bệnh viêm gan B khi mang thai được chỉ định thực hiện các xét nghiệm các bệnh lý có thể gây phá hủy các tế bào gan:
- Xét nghiệm máu có thể phát hiện dấu hiệu dấu hiệu virus viêm gan B trong cơ thể và xác định tình trạng bệnh là cấp tính hoặc mãn tính. Xét nghiệm máu đôi khi cũng được chỉ định để xác định người bệnh có miễn dịch với viêm gan B hay không.
- Siêu âm gan có thể giúp bác sĩ xác định các mức độ tổn thương gan.
- Sinh thiết gan có thể được thực hiện để xác định các tổn thương ở gan. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ sử dụng một kim dài mỏng xuyên qua da, đi vào gan và lấy một mẫu gan nhỏ để thực hiện kiểm tra ở phòng thí nghiệm.
Điều trị viêm gan B khi mang thai
Mục tiêu của các biện pháp điều trị nhằm các mục tiêu như:
- Giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con
- Ngăn ngừa tăng sinh virus siêu vi B
- Hỗ trợ để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, cải thiện sức khỏe của thai phụ, cân bằng chất dinh dưỡng và điện giải.
Đối với phụ nữ bị viêm gan B khi mang thai, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc kháng virus. Việc tiếp tục sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, do đó bác sĩ có thể đề nghị nhiều phương pháp điều trị khác để giảm nguy cơ các đợt viêm gan bùng phát ở người mẹ.
Hiện tại không có thuốc hoặc phương pháp điều trị đối với bệnh viêm gan B trong thai kỳ. Tuy nhiên, có nhiều loại thuốc có thể làm giảm nguy cơ lây truyền virus viêm gan B và hỗ trợ bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ lây truyền. Tùy thuộc vào nguy cơ lây nhiễm, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng virus như tenofovir để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tenofovir là một loại thuốc kháng virus có thể ngăn ngừa virus viêm gan B lây truyền qua nhau thai và lây nhiễm do thai nhi. Thuốc được chỉ định sử dụng trong tuần 3 tháng cuối của thai kỳ và sử dụng duy trì khoảng 4 – 12 tuần sau khi sinh. Tenofovir an toàn cho trẻ sơ sinh và người bệnh có thể cho con bú trong khi đang sử dụng thuốc.
Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con
Để dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, bác sĩ có thể đề nghị tiêm 2 mũi thuốc sau khi sinh: Một mũi vaccine viêm gan B và một mũi globulin miễn dịch viêm gan B. Sau khi tiêm thuốc, trẻ có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như phát ban, tăng nhiệt độ cơ thể hoặc phản ứng nghiêm trọng với thuốc (hiếm khi xảy ra).
Trẻ cũng cần được tiêm vaccine viêm gan B thông thường lúc 6 tuần tuổi, 3 tháng tuổi và 5 tháng tuổi. Điều này có thể hỗ trợ phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B khi trưởng thành.
Khi trẻ được 9 tháng tuổi, trẻ sẽ được thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nguy cơ viêm gan B và có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu trẻ không được miễn dịch với viêm gan B, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung thêm hai liều vaccine viêm gan B.
Trong quá trình mang thai, phụ nữ có bệnh viêm gan B cần chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, viêm gan B có thể khiến thai phụ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, do đó người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh các hoạt động áp lực, căng thẳng.
Đối với trẻ sơ sinh được ra từ mẹ bệnh viêm gan B, trẻ cần được tiêm vaccine trong vòng 1 vài giờ sau khi sinh và tiêm hai liều kế tiếp trong 6 tháng sau đó. Sau khi hoàn tất các chủng ngừa, trẻ sẽ được xét nghiệm virus viem gan B.
Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các biện pháp điều trị, chăm sóc và phòng ngừa các biện pháp phù hợp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!