Danh sách thực phẩm trị táo bón tốt nhất – Nên dùng
Nội dung bài viết
Một số thực phẩm không chỉ bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể mà còn hoạt động tích cực trong việc ngăn ngừa và khắc phục chứng táo bón. Nếu đang gặp khó khăn trong việc đi cầu, hãy cân nhắc bổ sung các thực phẩm trị táo bón dưới đây vào thực đơn hàng ngày.
12 thực phẩm trị táo bón tốt nhất
Các thực phẩm có đặc tính nhuận tràng tự nhiên và chứa nhiều chất xơ thường được dân gian sử dụng như một phương thuốc để trị táo bón tại nhà. Chúng bao gồm:
1. Rau mồng tơi trị táo bón
Rau mồng tơi là thực phẩm được sử dụng khá phổ biến trong điều trị táo bón. Thực phẩm này giàu chất xơ hòa tan cùng với chất nhớt có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm tăng khối lượng phân, đồng thời bôi trơn đường ruột, giúp đẩy nhanh quá trình di chuyển của thức ăn xuống đại tràng. Tất cả đều góp phần tích cực trong việc phòng ngừa và khắc phục tình trạng táo bón.
Bên cạnh đó, rau mồng tơi còn chứa nhiều vitamin A, B, C, saponin, chất béo, protein và nhiều loại khoáng chất. Chúng giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại trong đường ruột, duy trì hoạt động bình thường của cơ quan tiêu hóa, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Để trị táo bón với thực phẩm này, hãy tăng cường sử dụng rau mồng tơi trong chế độ ăn hàng ngày. Loại rau này được chế biến dưới dạng luộc hoặc nấu canh chung với tôm, thịt bằm hay cua đồng. Sử dụng vài ngày liên tục sẽ giúp đi ngoài dễ dàng hơn.
2. Vừng đen nhuận tràng, chống táo bón
Nhắc đến các thực phẩm chống táo bón hiệu quả cần kể đến vừng đen. Thực phẩm này đặc biệt chứa nhiều tinh dầu và chất xơ. Khi vào trong đường ruột, chúng hoạt động như một chất bôi trơn để làm tăng tốc độ di chuyển của thức ăn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, thành phần chất xơ trong vừng đen còn hoạt động bằng cách làm tăng khả năng thẩm thấu nước vào trong ruột, làm mềm và tạo khối cho phân. Đây chính là lý do giải thích vì sao vừng đen được tin dùng làm thuốc điều trị táo bón cho cả người lớn và trẻ nhỏ.
Những cách dùng vừng đen tốt nhất cho người bị táo bón:
- Vừng đen rang chín, giã chung với một ít muối và đậu phộng. Sử dụng món ăn này vừa giúp đưa cơm, vừa có tác dụng tích cực trong việc phòng chống táo bón.
- Thêm vừng đen vào trong món cháo hay các món salad sau khi đã rang chín
- Trộn vừng đen chung với mật ong. Ăn 3 lần trong ngày, mỗi lần 2 thìa cà phê
3. Hạt thì là – khắc tinh của táo bón
Hạt thì là thường được sử dụng làm gia vị, giúp tạo ra hương thơm đặc trưng và làm tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Bên cạnh đó, thực phẩm này còn được xem như cứu cánh cho nhiều trường hợp bị táo bón.
Một số hoạt chất trong hạt thì là khi được hấp thu có khả năng thúc đẩy hoạt động co bóp của các cơ trơn trong đường tiêu hóa, tạo ra nhu động ruột để quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh chóng. Nếu đang bị táo bón, khó đi cầu thì bạn không nên bỏ qua thực phẩm này.
Cách sử dụng:
- Hạt thì là phơi khô, bỏ vào chảo nóng sao cho chín thơm
- Để nguội, nghiền thành bột, cất vào trong hũ có nắp đậy kín
- Mỗi ngày lấy 1/2 thìa bột hạt thì là pha với 200ml nước ấm và uống hết một lần vào buổi sáng.
4. Rau diếp cá – thực phẩm trị táo bón hiệu quả
Không chỉ có tính mát, rau diếp cá còn cung cấp nhiều chất xơ nên đặc biệt hữu ích cho người bị táo bón. Cùng với đó, các hoạt chất kháng viêm, chống khuẩn tự nhiên được tìm thấy trong thực phẩm này còn giúp ức chế sự phát triển của hệ vi sinh vật có hại trong đường ruột, giảm viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở đường tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng – những nguyên nhân gây táo bón thường gặp.
Có nhiều cách để bạn sử dụng rau diếp cá trị táo bón như:
- Ăn sống
- Xay tươi lấy nước uống mỗi ngày 1 ly
- Phơi khô rau diếp cá đem nấu nước uống hàng ngày thay thế cho một phần nước lọc.
5. Mật ong chữa táo bón, thải độc cho đường ruột
Mật ong được sử dụng như một vị thuốc bồi bổ sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra thực phẩm này còn cung cấp nguồn vitamin C phong phú và nhiều loại axit amin tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu cho thấy, thực hiện một chế độ ăn giàu vitamin C có thể giúp cải thiện tình trạng táo bón. Chất này cũng giúp chống viêm nhiễm, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về đường ruột.
Ngoài ra, mật ong còn giúp làm trơn đường ruột, kích thích tiêu hóa thức ăn, làm mềm phân. Thực phẩm này được khuyến khích sử dụng cho người bị táo bón hoặc có nhiễm trùng trong đường ruột.
Để khắc phục tình trạng táo bón và đạt được những lợi ích tuyệt vời của mật ong đối với sức khỏe, bạn có thể sử dụng thực phẩm này theo những cách dưới đây:
- Lấy 100ml mật ong pha chung với sữa ấm uống vào buổi sáng
- Sử dụng hỗn hợp nước chanh ấm mật ong vào sáng sớm khi mới ngủ dậy
- Ăn trực tiếp mỗi ngày 3 – 4 thìa mật ong
*Lưu ý: Không dùng mật ong để trị táo bón cho trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 1 tuổi
6. Trị táo bón với rau má
Rau má thường được sử dụng để nấu canh, xay nước uống, ăn sống, trộn chung với giấm hoặc dầu mè ăn trong bữa cơm. Bên cạnh đó, đây còn là thực phẩm nổi tiếng với tác dụng trị táo bón nhờ có tính mát cùng hàm lượng chất xơ phong phú.
Thường xuyên sử dụng rau má trong bữa ăn cũng đem lại nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe như:
- Thanh nhiệt, trị nóng trong
- Giải độc cho cơ thể
- Điều trị mụn nhọt
- Chữa tiểu tiện ra máu
Ngoài việc thêm rau má vào trong chế độ ăn hàng ngày, dân gian còn giã nát cây tươi lấy bã đắp vào rốn trong khoảng 1 – 2 tiếng để kích thích đi cầu, giảm đau bụng cho các trường hợp bị táo bón.
7. Khắc phục táo bón với quả sung
Trong danh sách các thực phẩm trị táo bón tốt nhất còn có quả sung. Loại quả này chứa nhiều dưỡng chất quan trọng tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị táo bón, duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa. Bao gồm chất xơ, vitamin A, C, K, kali, kẽm, photpho.
Y học cổ truyền cũng ghi nhận, quả sung là dược liệu có tác dụng nhuận tràng, diệt khuẩn, tiêu thũng, thông tiện. Nguyên liệu này được sử dụng làm thuốc trị viêm loét dạ dày – tá tràng, bệnh trĩ ra máu và cả chứng táo bón.
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 10 quả sung già chưa chín và 1 đoạn ruột già lợn
- Ruột lợn rửa sạch, bóp với muối, cắt đoạn ngắn vừa ăn. Sung bổ làm đôi
- Đem cả hai hầm chung với nhau cho nhừ thành canh ăn
8. Rau sam chữa táo bón
Rau sam cũng được dân gian sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị cho các trường hợp bị táo bón. Loại rau này sở hữu nhiều chất xơ cùng vitamin A, C, saponin, một số loại axit hữu cơ và nhiều khoáng tốt cần thiết cho sức khỏe giúp hỗ trợ tiêu hóa, nhuận tràng, giải nhiệt, trị táo bón do nóng trong người hoặc do tích tụ nhiều độc tố trong ruột.
Cách sử dụng thực phẩm này trị táo bón khá đơn giản như sau:
- Sử dụng rau sam luộc hay nấu canh ăn. Loại rau này có vị chua nhẹ rất dễ ăn, giúp kích thích vị giác và mang đến cảm giác ngon miệng hơn.
- Lấy 100g rau sam tươi nấu nước xông hậu môn để kích thích đi cầu, giảm đau hậu môn
- Phơi khô rau sam. Mỗi lần lấy 30g nấu nước uống
9. Đánh bay chứng táo bón nhờ ăn khoai lang
Củ khoai lang hay ngọn khoai đều là những thực phẩm trị táo bón hiệu quả. Chúng rất dễ tiêu hóa, không làm tăng gánh nặng cho đường ruột.
Nhờ chứa nhiều chất xơ, khoai lang còn có khả năng nhuận tràng tự nhiên. Nó giúp kích thích nhu động ruột, hút nước vào phân để chất thải được làm mềm. Thường xuyên ăn khoai lang sẽ giúp bạn khắc phục chứng táo bón và đi cầu dễ dàng hơn.
Cách sử dụng:
- Gọt vỏ 1 củ khoai lang sống, cắt nhỏ, đem xay nhuyễn với 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc nước uống hàng ngày vào mỗi buổi sáng.
- Hoặc lấy 60 gram lá và ngọn khoai lang nấu nước uống. Phần xác có thể dùng ăn giống như rau luộc.
10. Chữa táo bón hiệu quả với nha đam
Nha đam thường được sử dụng để nấu chè chung với đậu xanh hoặc nấu nước uống. Bạn cũng có thể sử dụng thực phẩm này theo cách tương tự để trị táo bón.
Sở dĩ, nha đam được dùng để chữa táo bón vì thực phẩm này có đặc tính nhuận tràng. Gel nha đam hoạt động như một loại thuốc xổ nhẹ giúp kích thích đi cầu, đào thải chất cặn bã và độc tố tích tụ trong ruột. Đặc biệt, một số hoạt chất trong nha đam còn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây hại, làm lành các tổn thương viêm trong đường ruột, khôi phục chức năng tiêu hóa.
Mặc dù thực phẩm này có tác dụng trị táo bón tốt nhưng không thích hợp cho một số đối tượng Bao gồm phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi, bệnh nhân bị suy gan, thận.
11. Lá mơ lông trị táo bón
Tiếp theo trong danh sách các thực phẩm trị táo bón đang được đánh giá cao hiện nay đó chính là lá mơ lông. Mặc dù có vị hơi đắng nhưng thực phẩm này lại có tính mát, giúp nhuận tràng, diệt khuẩn, bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa. Nhờ vậy mà lá mơ lông được dân gian tin dùng làm thuốc trị táo bón và một số vấn đề ở đường tiêu hóa như ăn lâu tiêu, đầy hơi, viêm đại tràng, đau dạ dày…
Cách sử dụng:
- Chuẩn bị 2 quả trứng gà cùng 1 nắm lá mơ tươi
- Đập trứng ra tôi, đánh tan rồi thêm lá mơ đã xắt nhuyễn vào
- Thêm một ít muối, hạt nêm cho vừa miệng
- Áp chảo cho chín vàng 2 mặt rồi ăn
- Sử dụng món ăn bài thuốc này 3 lần trong tuần để điều trị táo bón, cải thiện chức năng tiêu hóa.
12. Chữa táo bón bằng mướp hương
Nghiên cứu cho thấy trong mướp hương có chứa nhiều axit amin và các hoạt chất quý như cholin, phytin. Chúng có tác dụng hoạt tràng, thông tiện, trị táo bón, kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng, sửa chữa các tổn thương trong đường ruột.
Cách sử dụng:
- Thêm mướp hương vào chế độ ăn bằng cách luộc, nấu canh chung với thịt bằm hoặc tôm
- Sắc mướp hương lấy nước đặc uống
Bên cạnh những thực phẩm trị táo bón ở trên, bạn cũng có thể thay thế bằng một số thức ăn có lợi cho tiêu hóa khác như táo, lê, bắp cải, quả bơ, chuối, rau đay hay súp lơ. Ngoài ra, hãy cố gắng uống nhiều nước hơn, nhai kỹ trước khi nuốt và hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo, đồ cay nóng để chứng táo bón được khắc phục triệt để.
Có thể bạn chưa biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!