Táo bón ở trẻ sơ sinh do đâu? Điều ba mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Táo bón là tình trạng phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó có trẻ sơ sinh. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng quá trình tiêu hóa, hấp thu dưỡng chất của trẻ. Ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và can thiệp điều trị cho trẻ càng sớm càng tốt.
Vì sao trẻ sơ sinh bị táo bón?
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng trẻ chậm đại tiện, thường 3 – 5 ngày trẻ mới đi 1 lần. Tuy nhiên số ngày đi đại tiện cũng chỉ là 1 tiêu chí giúp nhận biết táo bón. Ngoài ra, mẹ cần chú ý đến các đặc điểm khác để xác định rõ. Ví dụ như trẻ gặp khó khăn khi đại tiện, thường mót rặn, phân cứng, keo dính…
Có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất:
1. Ảnh hưởng từ chế độ dinh dưỡng của mẹ
Số liệu thống kê cho thấy, trẻ bú sữa mẹ thường sẽ ít bị táo bón hơn những trẻ uống sữa công thức. Tuy nhiên nếu bú sữa mẹ mà trẻ sơ sinh vẫn bị táo bón thì nguyên nhân sẽ bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng của mẹ.
Một số vấn đề có thể là:
- Mẹ thường xuyên tiêu thụ đồ ăn cay nóng, khó tiêu
- Chế độ ăn uống của mẹ thiếu cân bằng
- Mẹ ăn quá nhiều đạm nhưng lại bổ sung ít chất xơ
2. Bú không đủ gây táo bón ở trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh từ 1 – 6 tháng tuổi thì sữa mẹ vừa là nguồn thức ăn lại vừa là nguồn cung cấp nước. Việc bú không đủ có thể khiến cho cơ thể trẻ bị thiếu nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các quá trình chuyển hóa mà còn không tốt cho hoạt động tiêu hóa. Cụ thể việc bú không đủ có thể gây táo bón ở trẻ sơ sinh.
3. Trẻ uống sữa công thức
Như đã đề cập, những trẻ uống sữa công thức sớm thường dễ bị táo bón hơn là trẻ được bú sữa mẹ. Nguyên nhân là do trẻ sơ sinh có dạ dày cùng hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Chính vì vậy trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu hóa các dưỡng chất có trong sữa công thức.
Nguy cơ táo bón cũng sẽ tăng lên trong các trường hợp sau:
- Mẹ pha sữa cho trẻ không đúng cách
- Sữa thiếu thành phần chất xơ Fructo Oligosaccharid
- Bé yêu bị dị ứng với sữa công thức
- Cơ thể trẻ không thể dung nạp protein trong sữa công thức
4. Táo bón trong thời kỳ ăn dặm
Trẻ sơ sinh rất dễ bị táo bón trong thời kỳ ăn dặm. Nguyên nhân thường là do chế độ ăn dặm của trẻ chưa phù hợp. Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ táo bón:
- Đồ ăn dặm của bé còn thiếu chất xơ
- Bé chưa thích nghi kịp với tốc độ thay đổi thức ăn quá nhanh
- Mẹ cho bé uống không đủ nước
- Chế độ ăn bổ sung quá nhiều canxi
5. Táo bón ở trẻ sơ sinh do bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân khách quan bên ngoài thì trong nhiều trường hợp, trẻ có thể bị táo bón do các vấn đề xuất phát từ trong cơ thể trẻ. Thường là do tác động từ các vấn đề bệnh lý khiến trẻ bị táo bón sớm. Có thể là:
- Tổn thương thực thể ở hệ tiêu hóa
- Đại tràng bị phình to
- Bệnh suy giáp trạng
Các triệu chứng táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh chưa biết nói nên sẽ không thể chia sẻ với bố mẹ về những bất thường xảy ra. Bạn chỉ có thể phát hiện trẻ bị táo bón nếu chú ý quan sát. Dưới đây là một số triệu chứng có thể dễ thấy:
– Tần suất đi đại tiện ít hơn bình thường:
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi thường chỉ đại tiện khoảng 2 – 3 lần/ ngày. Còn trẻ từ 8-12 tháng tuổi thì có thể đi trung bình 1 – 2 lần/ ngày. Nếu trẻ uống sữa công thức thì số lần đại tiện có thể giảm.
Tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện đi đại tiện ít hơn bình thường, khoảng 2 – 3 ngày mới đi 1 lần, nhất là những trẻ mới sinh dưới 1 tháng tuổi thì các mẹ cần chú ý. Lúc này có nguy cơ cao là trẻ đang bị táo bón.
– Phân cứng, vón cục:
Trẻ sơ sinh bị táo bón thì khi đại tiện phân thường nhỏ và có hình viên tròn, khô cứng, có màu đen hoặc xám. Đặc biệt nếu mẹ phát hiện trong phân trẻ có máu thì chứng tỏ hậu môn của trẻ đang bị tổn thương do táo bón.
– Trẻ quấy khóc, lười ăn, bỏ bú:
Trẻ bỗng nhiên biếng ăn, quấy khóc vô cớ, hay khó chịu nhăn nhó cũng là 1 dấu hiệu giúp nhận biết chứng táo bón. Bởi táo bón khiến thức ăn nạp vào cơ thể không được hấp thụ và đào thải ra ngoài. Điều này khiến trẻ bị đầy bụng, mệt mỏi, khó chịu.
Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên quấy khóc vô cớ và ngủ không sâu giấc. Việc thức ăn đưa vào cơ thể không được tiêu hóa cũng sẽ khiến cho trẻ bị biếng ăn hoặc bỏ ăn.
– Trẻ bị đầy bụng, khó tiêu:
Táo bón khiến cho bụng của bé lúc nào cũng luôn trong tình trạng phình to. Khi mẹ sờ vào sẽ thấy cứng. Điều này chứng tỏ rằng trẻ đang bị đầy bụng và khó tiêu do táo bón.
Táo bón ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Táo bón ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp và không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu mẹ không sớm phát hiện và điều trị cho trẻ thì rất nhiều hệ lụy sẽ phát sinh. Lúc này trẻ có thể sẽ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. Bao gồm:
- Chậm phát triển thể chất và trí tuệ: Tình trạng táo bón kéo dài có thể làm cản trở quá trình hấp thụ dưỡng chất. Hơn nữa trẻ còn biếng ăn, bỏ ăn. Điều này khiến cơ thể bị thiếu vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất thiết yếu. Từ đó trực tiếp ảnh hưởng tới cả sự phát triển thể chất và trí tuệ.
- Trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa: Táo bón kéo dài ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động tiêu hóa. Lúc này trẻ có nguy cơ cao mắc phải các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa. Ví dụ như rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng vận chuyển ruột, bệnh đại tràng, kém hấp thu…
- Nứt hậu môn: Khi bị táo bón, trẻ thường rất sợ việc đi đại tiện. Nhiều trường hợp trẻ còn nín nhịn. Lâu dần phân sẽ ứ đọng trong ruột và bị mất nước. Lúc này trẻ sẽ bị táo bón nặng hơn. Có thể dẫn đến nứt hậu môn thậm chí là gây ra bệnh trĩ.
Cách điều trị táo bón ở trẻ sơ sinh
Táo bón ở trẻ sơ sinh không phải là tình trạng quá nghiêm trọng. Nếu mẹ sớm phát hiện thì việc điều trị tại nhà là hoàn toàn có thể. Dưới đây là một số giải pháp rất hữu hiệu:
1. Đổi sữa cho trẻ
Trường hợp nghi ngờ sữa công thức chính là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh thì mẹ nên cân nhắc sớm việc đổi sữa cho bé. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên tham khảo bác sĩ nhi khoa về vấn đề này.
Nếu trẻ đang bị táo bón thì các sản phẩm sữa có chứa chất xơ GOS hay FOS, probiotic hay sữa non thường được khuyến khích. Ngoài ra các mẹ cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về các sản phẩm sữa được đặc chế riêng cho trẻ bị táo bón. Từ đó có lựa chọn phù hợp nhất.
Khi cho trẻ sơ sinh sử dụng sữa công thức, mẹ cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Tuyệt đối không pha sữa quá đặc
- Cần pha đúng tỷ lệ nước và sữa được hướng dẫn chi tiết trên vỏ hộp
- Không pha sữa công thức chung với sữa mẹ, nước cơm, cháo loãng hay nước trái cây
- Nên dùng nước ấm từ 50 – 70°C để pha sữa cho trẻ
- Cả trước và sau khi cho trẻ bú cần vệ sinh và tiệt trùng bình sữa thật sạch
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ
Trong một số trường hợp trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn nhưng vẫn bị táo bón. Lúc này mẹ nên chú ý đến việc điều chỉnh chế độ ăn uống của mình. Điều này sẽ rất hữu ích trong vấn đề khắc phục táo bón ở trẻ sơ sinh.
Mẹ nên tăng cường bổ sung các thực phẩm có tính mát. Đồng thời chứa hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất cao. Từ đó có thể mang đến nguồn sữa tốt nhất. Không chỉ giúp trẻ khắc phục chứng táo bón mà còn đảm bảo dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ.
Mẹ có thể bổ sung một số thực phẩm sau:
- Các loại rau lá xanh
- Các loại đậu
- Đu đủ chín
- Quả mọng
- Sữa chua
Đồng thời, mẹ cùng cần chú ý hạn chế tiêu thụ các loại thức ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, gia vị. Một số thức uống có gas, chứa cồn hay caffeine cũng được đánh giá là không tốt cho nguồn sữa.
3. Cho trẻ uống thêm nước
Trẻ mới sinh thường sẽ không cần bổ sung thêm nước. Bởi nhu cầu này sẽ đáp ứng nhờ hydrat hóa từ nguồn sữa mà trẻ tiêu thụ hằng ngày. Tuy nhiên trong một số trường hợp trẻ lười bú mẹ hoặc hay bị nôn trớ sau khi bú thì cơ thể rất dễ thiếu nước.
Lúc này cần chú ý bổ sung nước cho trẻ đúng cách để giúp trẻ đi đại tiện dễ dàng hơn. Và bắt đầu từ tháng thứ 6 trở đi thì mẹ đã có thể cho trẻ uống nước. Thời gian đầu chỉ nên cho uống vài thìa. Sau đó có thể tăng dần lên tới khoảng 120 – 180ml/ ngày.
Bên cạnh nước lọc thì một số loại nước trái cây cũng sẽ rất hữu ích với trẻ sơ sinh bị táo bón. Tuy nhiên mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước ép có tính acid cao. Bởi chúng có thể gây hại cho dạ dày của trẻ.
4. Massage chữa táo bón ở trẻ sơ sinh
Massage vùng bụng là giải pháp chữa táo bón ở trẻ sơ sinh đơn giản. Thực tế cho thấy, rất nhiều mẹ đã áp dụng thành công ngay tại nhà. Tuy nhiên cần chú ý thực hiện đúng cách để tránh các vấn đề rủi ro. Tuyệt đối không áp dụng tại thời điểm trẻ vừa ăn no xong.
Thực hiện theo hướng dẫn sau đây:
- Đặt bàn tay nhẹ nhàng lên khu vực dạ dày của bé
- Sử dụng các đầu ngón tay xoay theo chuyển động tròn khoảng 30 vòng
- Sau đó từ từ di chuyển vòng xoay xuống phía rốn và khu vực đại tràng
- Cuối cùng, dùng mép ngón tay vuốt nhẹ từ lồng xương sườn xuống bụng dưới
5. Mẹ nên cho trẻ tắm nước ấm
Các chuyên gia khuyên rằng, khi trẻ đang bị táo bón thì mẹ nên cho trẻ tắm nước ấm. Đây được cho là giải pháp đơn giản có thể góp phần đẩy lùi chứng táo bón.
Việc tắm nước ấm sẽ giúp trẻ thư giãn. Hơn nữa còn kích thích hoạt động của cơ vòng hậu môn và tăng cường nhu động ruột. Từ đó giúp bé yêu đại tiện dễ dàng hơn.
Mẹ chỉ cần pha nước ấm trong chậu lớn rồi cho bé vào ngâm mình khoảng 5 phút. Chú ý tắm cho trẻ trong phòng kín. Khi tắm xong cần lau khô mình và mặc đồ cho trẻ ngay để tránh nhiễm lạnh.
6. Trẻ sơ sinh bị táo bón nên dùng thuốc gì?
Việc dùng thuốc cho trẻ sơ sinh thường sẽ không được khuyến khích. Tuy nhiên đây là giải pháp điều trị cần thiết khi trẻ bị táo bón nặng. Lúc này các giải pháp tại nhà sẽ không có khả năng đáp ứng tốt.
Thuốc trị táo bón cho trẻ sơ sinh có thể là:
– Thuốc thụt hậu môn:
Loại được dùng phổ biến nhất là Glycerin. Thuốc này có tác dụng giúp trẻ nhanh có cảm giác muốn đi đại tiện. Tuy nhiên nó có thể gây ra 1 số tác dụng phụ. Thường gặp nhất là giảm phản xạ đi cầu hay viêm nhiễm hậu môn.
Bởi trẻ sơ sinh là đối tượng rất nhạy cảm nên các mẹ cần đặc biệt chú ý. Cho trẻ dùng thuốc đúng chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc thụt hậu môn để trị táo bón cho trẻ.
– Thuốc nhuận tràng:
Nhóm thuốc này thường không được khuyến khích dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên trong các trường hợp thật sự cần thiết thì bác sĩ vẫn sẽ cân nhắc chỉ định.
Với chứng táo bón ở trẻ sơ sinh thì các thuốc có chứa Maltsupex hay Metamucil thường được dùng phổ biến hơn. Bao gồm:
- Sorbitol, Lactulose đường uống: Đây là các thuốc thuộc nhóm nhuận tràng thẩm thấu. Có tác dụng giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn. Tất cả là nhờ khả năng giữ nước trong lòng ruột với cơ thể làm tăng áp suất.
- Polyethylen glycol: Loại thuốc nhuận tràng này tương đối an toàn khi dùng cho bé. Nó giúp làm mềm phân. Tuy nhiên không nên dùng trong trường hợp bé bị tắc nghẽn ruột hay phải uống nhiều nước.
Trường hợp các loại thuốc nêu trên không thể đáp ứng thì bác sĩ sẽ cân nhắc cho trẻ dùng Bisacodyl. Đây là một loại thuốc nhuận tràng kích thích giúp làm tăng nhu động ruột chỉ sau 8 – 12 giờ dùng thuốc. Tuy nhiên nhóm thuốc này có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được dùng trong các trường hợp cấp thiết.
Phòng ngừa chứng táo bón cho trẻ sơ sinh
Táo bón ở trẻ sơ sinh là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp. Tuy nhiên các mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ phòng tránh. Dưới đây là một số giải pháp rất hữu ích:
- Với những trẻ đang bú sữa mẹ, các mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý. Tuyệt đối tránh tiêu thụ đồ ăn cay nóng, nhiều gia vị, dầu mỡ. Đồng thời chú ý tăng cường chất xơ từ rau củ quả tươi.
- Đừng nên cho trẻ sử dụng sữa công thức quá sớm. Trường hợp bắt buộc thì mẹ cần chú ý chọn các loại sữa có bổ sung chất xơ Fructo Oligosaccharid.
- Chú ý bổ sung nước cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ lười bú hay bị nôn trớ sau bú.
- Với những trẻ đã ăn dặm, mẹ hãy chú ý xây dựng chế độ ăn dặm lành mạnh cho trẻ. Cần đảm bảo cân bằng nguồn dưỡng chất, đặc biệt chú ý đến chất xơ.
- Nên giúp trẻ vận động nhiều hơn để có thể kích thích hoạt động tiêu hóa.
- Mẹ có thể thực hiện việc massage vùng bụng cho bé ngay cả những lúc bé không bị táo bón.
Trên đây là những vấn đề mà các mẹ cần biết về tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh. Tuyệt đối không được chủ quan bởi táo bón kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ và gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Trường hợp các giải pháp tại nhà không giúp ích thì hãy sớm đưa trẻ thăm khám bác sĩ để can thiệp kịp thời và đúng cách.
Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!