Táo bón thai kỳ – Nguyên nhân và cách khắc phục
Nội dung bài viết
Táo bón thai kỳ là một tình trạng phổ biến và ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất. Tình trạng này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như bệnh trĩ, sưng các mạch máu ở trực tràng, gây đau đớn, khó chịu, chảy máu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà bầu.
Táo bón thai kỳ là gì?
Táo bón khi mang thai được định nghĩa là tình trạng bà bầu đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần, điều này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà bầu.
Thông thường ruột già, đại tràng, trực tràng hấp thụ nước từ thức ăn đã tiêu hóa, chuyển thành chất rắn và tạo thành phần. Táo bón xảy ra khi thức ăn đã tiêu hóa tồn đọng bên trong ruột già, trở nên cứng, khô và dẫn đến các vấn đề ở cơ trực tràng, khiến phân không thể đi ra khỏi cơ thể.
Trong tam cá nguyệt thứ nhất, bà bầu thường dễ bị táo bón do tác động của các chất bổ sung, vitamin, thuốc sắt. Các chất bổ sung này cũng khiến bà bầu thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng và khó tiêu. Bên cạnh đó, nồng độ progesterone tăng lên trong thai kỳ cũng có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và gây táo bón.
Trong giai đoạn sau của thai kỳ, sự hấp thụ nước tăng lên trong cơ thể, điều này có thể gây mất nước và khiến phân trở nên khô cứng. Bên cạnh đó, cơ thể sản xuất nhiều progesterone chuyển từ buồng trứng đến nhau thai, điều này tăng khả năng bài tiết, khiến phân khô cứng và dẫn đến táo bón nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, trong những tháng cuối của thai kỳ, kích thước tử cung tăng lên, dẫn đến hình thành khí gây tắc nghẽn hệ thống tiêu hóa, táo bón, đau bụng, chuột rút cơ bắp, ợ hơi và đầu hơi.
Nguyên nhân gây táo bón khi mang thai
Các nguyên nhân gây táo bón thai kỳ phụ thuộc vào các giai đoạn của thai kỳ. Cụ thể, các nguyên nhân bao gồm:
1. Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố khi mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây táo bón. Khi mang thai, nồng độ hormone progesterone tăng lên, điều này khiến các cơ khắp cơ thể thư giãn, bao gồm cả các cơ đường tiêu hóa.
Khi các cơ đường tiêu hóa thư giãn, thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa chậm hơn bình thường. Tình trạng này có thể khiến đại tràng tăng hấp thụ nước từ phần, khiến phân trở nên rắn, cứng hơn và khó đi ra khỏi hậu môn.
2. Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ
Một số loại thức ăn được bổ sung trong thai kỳ như sữa hoặc vitamin, có thể tăng nguy cơ dẫn đến các triệu chứng táo bón.
Để cải thiện tình trạng này, bà bầu có thể hạn chế tiêu thụ các sản phẩm làm từ sữa nhe kem, phô mai và các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, ít calo. Bên cạnh đó, đôi khi một số loại rau củ như bông cải xanh, bắp cải, súp lơ trắng hoặc rau cải thìa cũng có thể chứa một lượng đường gọi là raffinose, có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và táo bón. Do đó bà bầu cần sử dụng với số lượng phù hợp.
Ngoài ra, bà bầu nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, bởi vì các loại thực phẩm giàu protein có thể khó tiêu và tăng nguy cơ táo bón.
3. Thiếu máu
Nếu bà bầu bị thiếu máu thiếu sắt, cơ thể có thể không thể sản xuất đủ hemoglobin và các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị bà bầu sử dụng viên uống sắt để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu.
Việc tiêu thụ viên sắt trong thai kỳ có thể dẫn đến các triệu chứng táo bón hoặc khiến bệnh táo bón trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Ít hoạt động thể chất
Nếu ít các hoạt động thể chất hoặc không thường xuyên tập thể dục, bà bầu có thể dễ bị táo bón thai kỳ hơn các phụ nữ duy trì hoạt động thể chất.
Các chuyên gia cho biết, các hoạt động thể chất thường xuyên là điều cần thiết để duy trì hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Khi luyện tập thể dục, thức ăn di chuyển qua ruột dễ dàng và nhanh chóng hơn. Điều này làm giảm lượng nước mà cơ thể hấp thụ từ thức ăn và ngăn ngừa trạng phân khô cứng khi đi qua hậu môn.
5. Căng thẳng
Bên cạnh các hoạt động thể chất, căng thẳng và lo lắng khi mang thai cũng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Khi căng thẳng cơ thể có thể giảm các phản ứng nhu động ruột và dẫn đến táo bón.
Ngoài việc giảm số lần đại tiện, táo bón thai kỳ có thể gây đầy hơi, khó chịu ở dạ dày, phân khô cứng và gây đau đớn khi đi đại tiện. Bên cạnh đó, bà bầu cũng có thể cảm thấy đi đại tiện không hết phân. Điều này gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà bầu.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết táo bón thai kỳ
Các dấu hiệu và triệu chứng táo bón ở phụ nữ mang thai có thể không giống nhau. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp bà bầu có thể gặp một số dấu hiệu và triệu chứng cụ thể như:
- Chuyển động ruột không thường xuyên: Dấu hiệu đầu tiên của táo bón thai kỳ là đi đại tiện không đều. Nếu bà bầu có thói quen đi đại tiện mỗi ngày và đột nhiên giảm xuống, điều này có thể là dấu hiệu táo bón.
- Phân cứng: Khi đi đại tiện, bà bầu có thể cảm nhận thấy phân khô và cứng, đặc biệt là gây đau đớn khi đại tiện. Thậm chí một số bà bầu có thể mất nhiều thời gian hơn khi đi đại tiện, điều này có thể dẫn đến chảy máu trực tràng và tăng nguy cơ bệnh trĩ trong thai kỳ. Trong trường hợp bà bầu đi ngoài ra máu, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Cảm thấy căng ở trực tràng: Một số phụ nữ mang thai có thể cảm thấy đầy ở trực tràng và có cảm giác tắc nghẽn ở trực tràng. Ngay cả khi vừa đi đại tiện, một số bà bầu vẫn cảm thấy đầy bụng và cần đi đại tiện liên tục.
- Đau bụng: Nếu tình trạng táo bón khi mang thai kéo dài có thể dẫn đến đau ở bụng dưới khi đi đại tiện. Nếu bà bầu cảm thấy chướng bụng và không thể đi đại tiện, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy phân đang ứ đọng bên trong trực tràng.
- Đầy hơi chướng bụng: Táo bón thai kỳ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây đầy hơi, chướng bụng. Tình trạng này thường có thể cải thiện ngay sau khi bà bầu đi đại tiện, tuy nhiên đôi khi các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và gây đau ngực.
- Mất cảm giác ngon miệng: Bà bầu có thể cảm thấy chán ăn do đầy hơi, chướng bụng. Ngoài ra việc không thể đi đại tiện có thể khiến bà bầu mất hứng thú với việc ăn uống. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu chất xơ và suy dinh dưỡng. Do đó, nếu cảm thấy không muốn ăn uống, bà bầu nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cách khắc phục cụ thể.
Táo bón thai kỳ có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp táo bón thai kỳ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, táo bón có thể kéo kéo dài và dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trực tràng. Tình trạng này có thể cần được phẫu thuật để tránh các rủi ro không mong muốn.
Việc bà bầu lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thai kỳ có thể khiến các cơ ruột phụ thuộc vào thuốc. Điều này có nghĩa là bà bầu không thể đi đại tiện nếu không sử dụng thuốc nhuận tràng. Bên cạnh đó, hầu hết các loại thuốc nhuận tràng đều có thể dẫn đến nhiều rủi ro và tác dụng phụ không mong muốn như mất cân bằng chất điện giải hoặc chất lỏng. Các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc bệnh thận.
Do đó, trước khi sử dụng các loại thuốc nhuận tràng, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Táo bón thai kỳ khi nào cần đến bệnh viện?
Điều quan trọng khi bị táo bón trong thai kỳ là trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào, kể các thuốc nhuận tràng và thuốc hỗ trợ tiêu hóa không kê đơn cho phụ nữ mang thai.
Bên cạnh đó, bà bầu cũng nên đến bệnh viện nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khác như:
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Nôn mửa
- Táo bón kéo dài 1 – 2 tuần
- Chảy máu từ trực tràng và hậu môn
- Các triệu chứng không được cải sau khi áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà
Biện pháp điều trị tình trạng táo bón thai kỳ
Táo bón thai kỳ thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên các triệu chứng nghiêm trọng có thể cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Trong thai kỳ, các chuyên gia thường khuyến cáo bà bầu thực hiện các biện pháp điều trị táo bón tại nhà. Cụ thể các biện pháp phổ biến bao gồm:
- Bổ sung chất xơ: Bổ sung chất xơ từ các loại thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt có thể làm tăng trọng lượng phân và giúp phân đi qua hậu môn dễ dàng hơn. Lượng chất xơ cần thiết cho bà bầu thường khoảng 28 – 34 gram mỗi ngày.
- Bổ sung chất lỏng: Uống đủ nước và điều quan trọng để giúp phân mềm và di chuyển qua ruột dễ dàng hơn. Bên cạnh nước lọc, bà bầu có thể bổ sung thêm súp, nước hầm canh, trà không chứa caffeine, nước ép trái cây hoặc rau củ để thay đổi hương vị.
- Vận động thường xuyên: Vận động thể chất giúp phân di chuyển qua ruột nhanh chóng và dễ dàng hơn. Do đó, bà bầu nên dành thời gian đi bộ mỗi ngày để giảm các triệu chứng táo bón. Bên cạnh đó, bà bầu có thể trao đổi với bác sĩ về các bài tập phù hợp cho bà bầu để tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Probiotics: Trong hệ thống tiêu hóa có chứa hàng triệu vi khuẩn và hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Bà bầu thường xuyên bổ sung Probiotics có thể hỗ trợ tái tạo vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa, tăng cường nhu động ruột và ngăn ngừa các triệu chứng táo bón thai kỳ. Thực phẩm giàu Probiotics bao gồm sữa chua, kim chi, dưa cải muối chua.
2. Điều trị y tế
Nếu các biện pháp điều trị táo bón tại nhà không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị y tế. Đối với phụ nữ mang thai bị táo bón do sử dụng vitamin và chất sắt, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi sản phẩm bổ sung.
Bên cạnh đó, hầu hết các trường hợp táo bón thai kỳ được điều trị bằng thuốc nhuận tràng để hỗ trợ bà bầu đi đại tiện. Các loại thuốc nhuận tràng cho phụ nữ mang thai thường an toàn, tuy nhiên bà bầu cần tránh sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích, bởi vì thuốc này có thể gây co thắt tử cung và gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Mặc dù thuốc nhuận tràng thường được sử dụng dưới dạng không kê đơn, tuy nhiên bà bầu cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng để tránh các rủi ro không mong muốn. Các loại thuốc nhuận tràng an toàn thường được chỉ định sử dụng cho phụ nữ thường bao gồm:
– Chất tạo khối:
Các chất tạo khối hoạt động như chất xơ bằng cách thêm chất vào phân, giúp phân hấp thụ nhiều nước hơn. Điều này có thể giúp phân có khối lượng lớn, mềm mại hơn và dễ dàng đi ra khỏi hệ thống tiêu hóa hơn.
Một số chất tạo khối có thể dẫn đến chuột rút hoặc khó chịu ở bụng. Do đó, bà bầu nên sử dụng với liều thấp và uống nhiều nước khi sử dụng các loại thuốc này.
– Chất làm mềm phân:
Các chất làm mềm phân có thể bổ sung nước vào phân, giúp phân mềm và dễ di chuyển hơn trong hệ thống tiêu hóa. Chất làm mềm phân thường được chỉ định cho phụ nữ mang thai thường là docusate.
– Thuốc nhuận tràng bôi trơn:
Thuốc nhuận tràng bôi trơn có thể phủ mộ gel trơn lên phân hoặc bên trong đường ruột. Điều này có thể giúp phân di chuyển ra khỏi hệ thống tiêu hóa dễ dàng hơn.
Loại thuốc thường được kê cho phụ nữ mang thai là glycerin, dưới dạng đặt hậu môn. Tuy nhiên khi đặt thuốc đạn, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ về cách sử dụng và các rủi ro không mong muốn.
– Thuốc nhuận tràng thẩm thấu:
Các loại thuốc nhuận tràng thẩm thấu hoạt động bằng cách hút nhiều nước vào ruột, giúp làm mềm phân và hỗ trợ quá trình duy chuyển của phân trong hệ thống tiêu hóa. Các loại thuốc này cũng giúp ruột co bóp nhiều hơn để giúp phân di chuyển ra hệ thống tiêu hóa.
Thuốc nhuận tràng thẩm thấu phổ biến thường được sử dụng cho phụ nữ mang thai bao gồm polyethylene glycol và magiê hydroxit. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể gây chuột rút và đầy hơi ở bụng.
Mẹo trị táo bón cho bà bầu tại nhà
Bên cạnh các biện pháp điều trị táo bón thai kỳ, bà bầu có thể tham khảo một số mẹo cải thiện đơn giản như:
- Uống nước chanh: Bà bầu có thể một cốc chanh ấm vào buổi sáng để hỗ trợ loại bỏ độc tố và chất chất khó tiêu ra khỏi ruột già. Bên cạnh đó, uống nước chanh cũng có thể kích thích vị giác và giúp bà bầu ăn ngon miệng hơn.
- Bổ sung hạt lanh: Hạt lanh giàu chất xơ và có thể bổ sung vào chế độ ăn uống của bà bầu để ngăn ngừa các triệu chứng táo bón. Bên cạnh đó, khi bổ sung hạt lanh bà bầu cần uống cùng tối thiểu 8 – 10 cốc nước cho mỗi thìa hạt lanh.
- Tăng lượng trái cây: Bà bầu có thể thường xuyên bổ sung các loại trái cây hỗ trợ cải thiện táo bón như mơ hoặc mận mỗi ngày.
- Massage: Trong thời kỳ đầu của thai kỳ, việc xoa bóp, massage dạ dày và ruột có thể hỗ trợ thư giãn các cơ. Bà bầu có thể sử dụng ngón tay xoa bóp nhẹ vùng bụng theo chiều kim đồng hồ để hỗ trợ hệ thống tiêu hóa và cải thiện các triệu chứng táo bón. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ sinh non, nhau thai bám thấp, bạn không nên massage để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Sử dụng dầu hữu cơ: Bà bầu có thể thoa dầu hữu cơ, như dầu dừa, lên mông để hỗ trợ đẩy phân ra khỏi hậu môn.
- Bổ sung dầu ô liu: Bà bầu có thể trộn một thìa dầu ô liu với một thìa nước cốt chanh và uống một lần vào mỗi buổi sáng để cải thiện tình trạng táo bón thai kỳ. Tuy nhiên không được sử dụng nhiều hơn liều lượng quy định để tránh gây tiêu chảy và đau bụng. Dầu ô liu hoạt động như một chất làm mềm phần nhưng không được sử dụng ở bà bầu bị nhau tiền đạo và mang thai có nhiều rủi ro.
- Tập yoga: Có nhiều tư thế yoga cho bà bầu có thể hỗ trợ điều trị táo bón, giúp khí, thức ăn di chuyển qua ruột và hỗ trợ giảm đau bụng. Tuy nhiên, bà bầu nên trao đổi với bác sĩ và huấn luyện viên yoga trước khi tập yoga trong thai kỳ.
Các loại thực phẩm điều trị táo bón thai kỳ
Bà bầu bị táo bón khi mang thai có thể tham khảo một số loại thực phẩm bổ sung hỗ trợ cải thiện các triệu chứng như:
- Trái cây nhiều chất xơ như mận, ổi, lê, táo, dâu, cam và quýt.
- Rau củ như cải bi xen, rau bina, rau diếp, cà rốt, khoai lang, bí ngô, bí đao.
- Các loại đậu như đậu lăng và đậu Hà Lan.
- Ngũ cốc, bánh mì nguyên cám, gạo lứt, yến mạch chưa qua chế biến.
- Các loại hạt như hạnh nhân , đậu phộng, hạt hướng dương và quả óc chó.
Các biện pháp phòng tránh táo bón khi mang thai
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể hỗ trợ phòng ngừa táo bón khi mang thai hoặc cải thiện các triệu chứng táo bón. Mặc dù các biện pháp này có thể không hiệu quả với tất cả mọi người, nhưng nhiều người nhận thấy rằng việc duy trì các biện pháp này thường xuyên có thể cải thiện các triệu chứng táo bón hiệu quả.
Cụ thể một số lưu ý về các biện pháp phòng ngừa táo bón trong thai kỳ bao gồm:
- Uống nhiều nước hơn: Bằng cách uống đủ lượng nước mỗi ngày có thể giúp bà bầu đi đại tiện thường xuyên hơn và dễ dàng đi ngoài hơn. Bổ sung đủ nước là điều quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là trong thai kỳ để tránh tình trạng mất nước.
- Bổ sung nhiều chất xơ hơn: Chất xơ được tìm thấy trong các nguồn tự nhiên như nhiều loại trái cây, rau quả, các loại đậu và một số loại ngũ cốc
- Sử dụng nước ép mận tươi: Quả mận được xem là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên và hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả. Do đó, bà bầu bị táo bón có thể sử dụng mận tươi, mận khô và nước ép mận mỗi ngày để ngăn ngừa các triệu chứng.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động đúng cách khi mang thai có thể duy trì hoạt động của ruột và ngăn ngừa tình trạng táo bón. Bà bầu có thể dành thời gian đi bộ mỗi ngày hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ về các bài tập thể dục cho bà bầu để ngăn ngừa tình trạng táo bón. Bên cạnh đó tập thể dục thường xuyên trong thai kỳ có thể tăng cường nhịp tim và hỗ trợ sức khỏe trong thai kỳ.
- Theo dõi lượng canxi trong thai kỳ: Bổ sung quá nhiều canxi trong thai kỳ từ các loại thực phẩm hoặc sản phẩm bổ sung có thể dẫn đến tình trạng táo bón. Do đó, bà bầu cần kiểm soát lượng canxi tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm sữa.
Táo bón thai kỳ là một tình trạng phổ biến, thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong tam cá nguyệt thứ nhất, tuy nhiên đôi khi táo bón có thể ảnh hưởng đến phụ nữ trong suốt thai kỳ. Bà bầu có thể bổ sung chất xơ và sử dụng thuốc nhuận tràng để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, do đó luôn trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!