Súc Miệng Nước Muối Có Tác Dụng Gì? Súc Khi Nào?

Súc miệng nước muối có nhiều tác dụng tốt, đặc biệt là cho sức khỏe răng miệng. Thói quen này giúp ngăn ngừa sâu răng, viêm nha chu, chống hôi miệng và ngăn ngừa các bệnh lý ở đường hô hấp.

Súc miệng nước muối có tác dụng gì?

Muối là gia vị rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Nó chứa thành phần chính là natri clorua và một số khoáng chất khác như kẽm, kali hay sắt. Lượng vi chất trong muối còn tùy thuộc vào khu vực khai thác và công thức chế biến.

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần được cung cấp một lượng muối nhất định. Loại gia vị này có vai trò duy trì được áp lực thẩm thấu, giữ cho lượng nước cũng như kiềm toan trong cơ thể luôn ở trạng thái thăng bằng.

Súc miệng nước muối có tác dụng gì
Súc miệng nước muối có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe

Trên thực tế, muối không chỉ được sử dụng trong chế biến món ăn mà còn là vị thuốc chữa bệnh tự nhiên được ưa chuộng. Nhiều người có thói quen sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh tật. Súc miệng bằng nước muối đúng cách có thể mang đến nhiều lợi ích cho bạn như:

1. Ngăn ngừa viêm xoang mũi

Viêm xoang, viêm mũi là các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên khá phổ biến. Bệnh thường khởi phát trong mùa lạnh hoặc tấn công những người làm việc trong môi trường có nhiều bụi bẩn.

Súc miệng bằng nước muối ấm chính là giải pháp ngăn ngừa bệnh hữu hiệu. Với đặc tính sát khuẩn mạnh, nước muối có thể giúp làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh tấn công ngược lên xoang mũi dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp trên.

2. Giảm mùi hôi miệng

Chứng hôi miệng thường gặp ở những người có ý thức vệ sinh răng miệng kém hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý như viêm xoang, viêm amidan, trào ngược dạ dày. Thường xuyên súc miệng nước muối có thể giúp trung hòa axit và làm cân bằng nồng độ pH trong khoang miệng, đồng thời ức chế vi khuẩn. Điều này có thể giúp cải thiện tình trạng hôi miệng và mang đến cho bạn hơi thở thơm tho hơn.

3. Loại bỏ mảng bám trên răng

Mảng bám trên răng ( cao răng ) được hình thành khi răng không được chải sạch sẽ sau khi sử dụng các thức ăn chứa nhiều tinh bột và đường. Nó chứa nhiều vi khuẩn và axit nên có thể gây ra nhiều vấn đề nha khoa như chảy máu chân răng, viêm nướu, sâu răng.

Để ngăn chặn sự xuất hiện của mảng bám, ngoài việc chải răng kỹ mỗi ngày ít nhất 2 lần, các nha sĩ cũng khuyến cáo bạn nên dùng nước muối súc miệng mỗi ngày. Thói quen này cũng góp phần loại bỏ bớt các mảng cao răng hiện hữu.

4. Phòng ngừa và cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm họng

Súc miệng nước muối đều đặn mỗi ngày chính là một giải pháp ngăn ngừa viêm họng hiệu quả. Nước muối sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng và thành họng, chống lại tình trạng nhiễm trùng.

súc miệng nước muối có tốt không
Súc miệng nước muối mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm họng, viêm amidan

Các trường hợp đang bị viêm họng cũng nên duy trì thói quen súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày để giảm viêm, xoa dịu cơn ho và cải thiện tình trạng đau rát, phù nề trong cổ họng. Khi sử dụng, nước muối sẽ hoạt động dựa trên nguyên tắc hóa học thẩm thấu giúp tạo ra trạng thái cân bằng trong cổ họng.

Ngoài ra, nước muối còn giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm họng bằng cách làm sạch cổ họng, loại bỏ đàm nhầy bám dính ở thành họng và tạo ra môi trường mất nước khiến cho virus không còn cơ hội phát triển.

5. Giảm nghẹt mũi, làm thông thoáng đường hô hấp

Khi bị nghẹt mũi, khó thở, bạn có thể súc miệng với nước muối để làm thông thoáng đường hô hấp. Nước muối có khả năng làm tan dịch nhầy, tăng cường dẫn lưu trong xoang và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, qua đó cải thiện đáng kể tình trạng nghẹt mũi.

6. Trị viêm nướu răng

Nhờ có đặc tính sát khuẩn mạnh, nước muối cũng được dân gian sử dụng để điều trị viêm nướu răng tại nhà . Nó có tác dụng sát trùng, làm sạch vi khuẩn trên bề mặt nướu, giảm hiện tượng đau nhức, sưng viêm nhanh chóng.

Bạn chỉ cần pha nước muối loãng dùng súc miệng mỗi ngày 2 – 3 lần. Sau vài ngày áp dụng, các triệu chứng khó chịu sẽ thuyên giảm thấy rõ.

7. Súc miệng nước muối giúp bảo vệ răng

Sử dụng nước muối để súc miệng là một thói quen tốt cho răng. Nó giúp bảo vệ men răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn và axit trong mảng bám, giảm đau nhức chân răng, đồng thời ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.

8. Giảm ho

Tình trạng ho khan, ho có đờm đều có thể được xoa dịu sau khi súc miệng với nước muối ấm. Nước muối không chỉ giúp ức chế các tác nhân gây bệnh ở cổ họng mà còn làm tan đàm và giảm thiểu kích ứng ở niêm mạc, ức chế co thắt cơ và cắt đứt cơn ho cho người bệnh.

9. Chữa lành tổn thương, viêm loét trong miệng

Nước muối được xem là cứu cánh cho những người đang có tổn thương hay viêm loét ở niêm mạc miệng. Nếu tổn thương nhỏ và chưa tới mức quá nghiêm trọng thì bạn có thể dùng nước muối súc miệng vào buổi súc miệng vài lần trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ để vết loét nhanh được chữa lành.

súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng
Súc miệng nước muối giúp hỗ trợ điều trị viêm loét miệng

10. Giảm nguy cơ mắc viêm amidan

Amidan là hệ thống phòng vệ của cơ thể. Bộ phận này có chức năng ngăn chặn và tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, khi các tác nhân gây hại tấn công quá mạnh, amidan có thể bị nhiễm trùng dẫn đến sưng, viêm, ho, đau họng, khó nuốt.

Thói quen súc miệng nước muối trước khi đi ngủ mỗi ngày sẽ giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị viêm amidan. Thói quen này cũng giúp giảm nhẹ triệu chứng cũng như mức độ nhiễm trùng cho người bệnh.

11. Tiêu diệt nấm candida

Nấm candida có thể tấn công vào cơ thể qua đường miệng gây nấm miệng, nấm thực quản. Bên cạnh tác dụng diệt khuẩn, súc miệng bằng nước muối pha loãng còn giúp ức chế nấm phát triển và ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm trùng ở khoang miệng và đường hô hấp do nấm gây ra.

Hướng dẫn súc miệng nước muối đúng cách

Sử dụng nước muối súc miệng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả tối ưu. Vì vậy, bạn cần chú ý ngay từ khâu pha nước muối đến thao tác súc miệng nhằm đạt được mục đích sử dụng.

Bước 1: Pha nước muối loãng

Chuẩn bị:

  • Muối ăn: 1 thìa cà phê
  • Nước ấm khoảng 40 độ: 250ml

Cách pha:

  • Trước tiên, bạn rót nước ấm vào trong ly
  • Thêm muối vào, dùng thìa quậy đều tay để muối tan hoàn toàn
  • Có thể kết hợp thêm một số nguyên liệu khác, chẳng hạn như dầu ô liu hay baking soda để khoang miệng được làm sạch hơn.
  • Sử dụng nước muối súc miệng ngay sau khi pha. Bạn có thể pha nước muối nhiều hơn theo tỷ lệ được hướng dẫn nhưng nên dùng hết trong ngày.
súc miệng nước muối đúng cách
Súc miệng bằng nước muối cần phải thực hiện đúng cách để mang lại hiệu quả tối ưu

Bước 2: Tiến hành súc miệng với nước muối

  • Ngậm một ngụm nước muối nhỏ trong miệng. Súc miệng trong thời gian từ 30 – 60 giây để nước muối có thể tiếp cận và làm sạch được tất cả mọi ngóc ngách trong khoang miệng.
  • Nhổ ra, tiếp tục ngậm thêm một ngụm nước muối nữa và tiến hành thao tác tương tự như trên.
  • Sau khi súc miệng bằng nước muối 2 – 3 lần liên tiếp, bạn có thể lấy nước sạch để làm sạch lại miệng nhằm loại bỏ hết vị mặn trong miệng.

Một số thắc mắc thường gặp khi súc miệng nước muối

Khi nghe đến cách súc miệng bằng nước muối nhiều người sẽ không tránh khỏi một số thắc mắc như súc miệng nước muối có tốt không? Nên dùng loại nào hay súc miệng vào thời điểm nào? Dưới đây là những câu hỏi thường gặp.

Súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng?

Bạn có thể súc miệng bằng nước muối trước hay sau khi đánh răng đều được. Tuy nhiên hầu hết mọi người đều súc miệng sau khi chải răng sạch sẽ để đảm bảo khoang miệng được làm sạch hoàn toàn.

Sau khi súc miệng với nước muối xong nên dùng nước sạch súc lại thêm lần nữa để ngăn ngừa kích ứng ở niêm mạc và giảm bớt vị mặn của muối trong miệng.

Nên dùng loại muối nào để pha nước súc miệng?

Loại muối được sử dụng để pha nước súc miệng tốt nhất là muối biển hay muối hột nguyên chất. Loại muối này chưa trải qua quá trình tinh chế nên còn giữ được nhiều khoáng chất quý, có ích cho sức khỏe răng miệng.

Ngoài việc tự pha nước muối tại nhà, bạn cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý bán sẵn ngoài các cửa hàng thuốc tây để súc miệng nhằm đảm bảo an toàn.

Nên súc miệng bằng nước muối mấy lần trong ngày? Ngậm trong bao lâu?

Bình thường, bạn chỉ cần súc miệng bằng nước muối khoảng 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ là đủ. Tuy nhiên nếu đang có vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như viêm lợi, đau họng, viêm amidan bạn có thể súc miệng nước muối liên tục 3 – 4 lần trong ngày để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh.

Mỗi lần ngậm nước muối trong miệng nên giữ ít nhất 30 – 60 giây để hoạt chất sát trùng trong muối kịp phát huy tác dụng. Tránh ngậm nước muối quá lâu gây bỏng rát, kích ứng cho niêm mạc miệng.

Súc miệng bằng nước muối nóng có được không?

Nhiều người thích súc miệng bằng nước muối nóng vì nó cho cảm giác sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, nhiệt độ quá cao có thể gây bỏng rát niêm mạc và làm hại đến men răng. Ngược lại bạn cũng không nên dùng nước đá lạnh để pha muối súc miệng vì nó có thể khiến bạn bị ê buốt răng.

Tốt nhất chỉ nên dùng nước muối có độ ấm vừa phải, khoảng 35 – 40 độ để đảm bảo an toàn cho niêm mạc miệng.

Súc miệng nước muối quá mặn liệu có tốt?

Có không ít người tin rằng dùng nước muối mặn để súc miệng sẽ làm tăng công dụng sát khuẩn. Tuy nhiên, nồng độ natri quá cao có thể gây hại cho niêm mạc miệng và khiến bạn có cảm giác khó chịu. Bạn chỉ nên pha nước muối theo tỷ lệ được hướng dẫn như trên. Nếu pha nhiều thì dùng 9 gram muối pha với 1 lít nước sẽ ra được nước muối sinh lý có nồng độ 0,9%.

Có thể bạn quan tâm

Đánh giá bài viết

BẢNG GIÁ - DỊCH VỤ NHA KHOA

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *